Thứ 4, 03/07/2024, 07:09[GMT+7]

Bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn Những vướng mắc cần tháo gỡ

Thứ 4, 10/09/2014 | 08:50:13
976 lượt xem
Thời gian qua, UBND tỉnh, Sở Công Thương đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo về việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn (LÐHANT) cho ngành điện trực tiếp quản lý, bán điện đến hộ dân.

Lãnh đạo Công ty Ðiện lực Thái Bình kiểm tra công tác phòng, chống bão số 2 tại Trạm trung gian Vũ Hạ

Theo đó, đối với các xã có nguyện vọng tự nguyện bàn giao LÐHANT cho ngành điện quản lý và bán điện đến hộ dân phải có văn bản đề nghị của UBND xã, tổ chức quản lý điện nông thôn. Ðối với những xã có tổ chức quản lý điện nông thôn đáp ứng đủ điều kiện theo quy định hiện hành của Nhà nước về kinh doanh, bán điện nếu không có nguyện vọng bàn giao tiếp tục quản lý, bán điện đến hộ dân nhưng phải thực hiện công tác đầu tư cải tạo hoàn thiện lưới điện đáp ứng yêu cầu phát triển của phụ tải sau Dự án REII; nâng cao chất lượng, giảm tổn thất điện năng; thực hiện tốt công tác quản lý, kinh doanh điện bảo đảm cấp điện ổn định, an toàn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ðối với các xã có tổ chức quản lý điện nông thôn không đáp ứng đủ điều kiện về kinh doanh, bán điện theo quy định thì bàn giao LÐHANT cho ngành điện quản lý.

Từ năm 2008 đến nay, thực hiện chủ trương tiếp nhận LÐHANT về ngành điện quản lý, Công ty Ðiện lực Thái Bình đã tiếp nhận và bán điện trực tiếp cho 204 xã, phường, thị trấn. Ngay sau khi tiếp nhận, Công ty đã tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư cải tạo LÐHANT giai đoạn 1 (2009 - 2010) với 169 công trình, tổng mức đầu tư gần 338 tỷ đồng. Ðặc biệt, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Công ty tiếp tục tranh thủ mọi nguồn vốn để nâng cao chất lượng LÐHANT, giúp các xã sớm đạt tiêu chí số 4 về điện, với trên 500 tỷ đồng đầu tư lưới điện nông thôn. Kết quả của những biện pháp này làm chuyển biến rõ rệt chất lượng dịch vụ cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện ở nông thôn, điện áp cuối nguồn tăng, tổn thất điện năng giảm từ trên 30% trước tiếp nhận, xuống dưới 10% đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, với mức tăng trưởng 12%/năm; người dân nông thôn được mua điện theo giá quy định của Chính phủ… Ðến nay, tất cả các xã do ngành điện quản lý đều đạt tiêu chí số 4 về điện với hệ thống lưới điện bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên đạt 100%, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Ông Nguyễn Ðức Dương, Phó Giám đốc Công ty Ðiện lực Thái Bình cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương về việc bàn giao LÐHANT, tháng 5/2014, Công ty Ðiện lực Thái Bình đã làm việc với chính quyền địa phương, các hợp tác xã điện năng có nguyện vọng bàn giao LÐHANT cho ngành điện quản lý. Ðến nay có 4 tổ chức quản lý điện và chính quyền địa phương thống nhất bàn giao tài sản LÐHANT sang ngành điện trong năm 2014, gồm các xã Vũ Tiến, Vũ Ðoài, Nguyên Xá (Vũ Thư), Nam Bình (Kiến Xương). Còn lại 81 tổ chức quản lý điện và chính quyền địa phương chưa thống nhất bàn giao tài sản LÐHANT sang ngành điện. Vì vậy, Công ty Ðiện lực Thái Bình vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc lập danh sách và kế hoạch tiếp nhận LÐHANT để báo cáo Tổng công ty Ðiện lực miền Bắc có kế hoạch bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp lưới điện sau tiếp nhận.

Theo ông Phan Tự Long, Phó Giám đốc Sở Tài chính, hiện tại, các HTX dịch vụ điện năng chưa muốn bàn giao lưới điện, nguyên nhân chủ yếu bởi lưới điện mới được đầu tư, tổn thất điện năng ít, chưa phải đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhiều, chênh lệch giá mua vào bán ra còn lớn nên làm ăn có lãi, nhưng trong vài năm tới khi nhu cầu sử dụng điện trong nhân dân ngày càng tăng, phụ tải tăng cao, lưới điện không được đầu tư thường xuyên sẽ dẫn đến tổn thất điện năng lớn thì việc trả nợ và tái đầu tư sẽ gặp khó khăn. Trong khi đó việc bàn giao LÐHANT cho ngành điện thống nhất quản lý sẽ giúp giải quyết dứt điểm các tồn tại kéo dài như: quản lý lưới điện manh mún, thiếu tính chuyên nghiệp, năng lực tài chính và trình độ kỹ thuật hạn chế… Bởi ngành điện thuận lợi về trình độ chuyên môn, đủ năng lực đầu tư mở rộng phát triển lưới điện, xử lý sự cố khi mưa bão xảy ra, bảo đảm giá bán điện đồng nhất trong toàn tỉnh.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Vũ Quang Tuấn, trong quá trình bàn giao LÐHANT hiện còn một số khó khăn. Theo Thông tư số 32 của liên Bộ Công Thương - Tài chính hướng dẫn giao, nhận và hoàn trả vốn đầu tư tài sản LÐHANT thì phần lưới điện hạ áp do các xã đầu tư ngoài Dự án REII không được hoàn trả vốn đầu tư. Lý do các xã khi đầu tư lưới điện không thực hiện đầy đủ các quy định theo hướng dẫn của Thông tư 32. Cũng theo quy định thì khi bàn giao lưới điện, ngành điện chỉ nhận nguyên vốn vay Dự án REII đối với các công trình từ khi Ban quản lý Dự án REII bàn giao cho xã quản lý, vận hành đến thời điểm xã bàn giao cho ngành điện không quá 3 năm; nhưng trên thực tế các xã tham gia đợt 1 Dự án REII phần lớn bàn giao từ năm 2009 nên không bàn giao nguyên vốn vay được, cần phải tính khấu hao nhưng đơn vị nào sẽ phải trả khấu hao này. Hơn nữa Thông tư 32 chỉ quy định đối tượng bàn giao là các công trình có quyết định đầu tư trước ngày 12/2/2009. Vì vậy, đối với các xã tham gia Dự án REII đợt bổ sung (34 xã) có quyết định đầu tư sau ngày 12/2/2009 khi tiến hành bàn giao LÐHANT thì 2 bên phải tự thỏa thuận việc giao nhận theo quy định của pháp luật. Ðể giải quyết vướng mắc, khó khăn này, theo ông Phan Tự Long thì tỉnh cần kiên quyết vào cuộc và thuê tư vấn đánh giá lại giá trị tài sản, đồng thời thành lập hội đồng thẩm định lại kết quả tư vấn căn cứ vào đó trình UBND tỉnh.

Như vậy, chặng đường “bàn giao và tiếp nhận” vẫn còn nhiều khó khăn, rất cần sự chung tay vào cuộc tích cực của các sở, ngành, các địa phương... với tầm nhìn dài hạn vì lợi ích của người dân được sử dụng điện an toàn, liên tục, hiệu quả và thống nhất về giá bán điện trong toàn tỉnh.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa