Thứ 4, 03/07/2024, 07:24[GMT+7]

Thu hút đầu tư ở Thái Thụy Vẫn bộn bề khó khăn

Thứ 5, 11/09/2014 | 09:58:54
1,322 lượt xem
Thái Thụy là huyện ven biển, có điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua huyện vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thu hút các dự án đầu tư khiến cho giá trị sản xuất ngành công nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng của huyện.

Nhà máy chế biến bột cá Thụy Hải (Cụm công nghiệp Thụy Tân, Thái Thụy) công suất chế biến 450 tấn cá nguyên liệu/ngày.

Toàn huyện có khoảng 400 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 178 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đóng tàu, vận tải biển. Trước năm 2010, Thái Thụy đã thu hút được nhiều dự án có quy mô khá, tạo được bước nhảy vọt về giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp tích cực vào ngân sách địa phương. Ðiển hình như Dự án Nhà máy đóng tàu của Công ty Cổ phần Ðại Dương, Công ty TNHH Một thành viên đóng tàu Diêm Ðiền, Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu của Công ty TNHH Thực phẩm Richbeauty Việt Nam, cơ sở sản xuất mây tre, móc sợi của Doanh nghiệp Thanh Bình, Nhà máy chế biến bột cá của Công ty TNHH Chế biến hải sản Thụy Hải... Ðể tiếp tục thu hút đầu tư vào địa bàn, từ năm 2010 đến nay Thái Thụy đã nhiều lần tổ chức quán triệt chủ trương, nghị quyết về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thu hút đầu tư, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh của huyện, nhất là kinh tế biển trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, do tình hình kinh tế suy thoái ở trong nước và trên thế giới đã tác động mạnh đến phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn. Do đó 4 năm qua mặc dù Thái Thụy đã triển khai quy hoạch được 3 cụm công nghiệp (CCN) là CCN Thụy Tân (30ha), CCN Mỹ Xuyên (16,5ha), CCN Thái Thọ (70,6ha) nhưng tỷ lệ dự án đầu tư vào CCN đạt rất thấp. Toàn huyện mới có 6 dự án công nghiệp được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư, trong đó 2 dự án đã hoàn thiện và đi vào hoạt động, tạo việc làm cho gần 100 lao động có thu nhập ổn định.

So với một số địa phương, Thái Thụy có thế mạnh về dân số đông, nguồn lao động dồi dào là lợi thế lớn để thu hút các dự án đầu tư cần nhiều lao động. Hơn nữa, Thái Thụy có 27km bờ biển rất thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy hải sản. Nếu hoàn thiện hệ thống giao thông nối với Hải Phòng sẽ thuận lợi cho các nhà đầu tư vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa qua cảng biển. Ngoài ra, một số dự án lớn đã và đang được triển khai tạo điều kiện thuận lợi để huyện phát triển về công nghiệp, thương mại, dịch vụ và thu hút các dự án đầu tư như: Trung tâm Ðiện lực Thái Bình, Nhà máy sản xuất Amon Nitrat tại xã Thái Thọ, khu du lịch cồn Ðen xã Thái Ðô, đường từ thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương) đến thị trấn Diêm Ðiền, quốc lộ 39B, cầu Diêm Ðiền, đường ÐH 91 đoạn từ Thái Giang đến Thái Dương, đường ÐH 87 đoạn từ Thái Xuyên đến Thái Ðô…

Thực tế trong 4 năm qua Thái Thụy đã có rất nhiều nhà đầu tư đến khảo sát, tìm kiếm địa điểm đầu tư nhưng đều không hứa quay trở lại. Nguyên nhân chính là chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, nhất là hệ thống giao thông. Hiện tại hệ thống đường vào các CCN của huyện chủ yếu là các tuyến đường cấp thấp, chưa có tuyến đường nào xe container được phép hoạt động, vì vậy hầu hết các nhà đầu tư đều không thiện chí. CCN Thái Thọ được quy hoạch trên đất lúa, do vậy việc thu hồi đất lúa đối với các dự án đầu tư cũng là một trở ngại lớn. Ðối với CCN Thụy Hà đã được quy hoạch chi tiết nhưng khi quy hoạch thị trấn Diêm Ðiền và các vùng phụ cận lên đô thị loại IV thì CCN lại nằm trong trung tâm đô thị, do vậy tỉnh đã yêu cầu không chấp thuận các dự án đầu tư vào CCN này. Ðặc biệt, hạ tầng các CCN chưa được đầu tư cũng trở thành rào cản lớn khiến các nhà đầu tư ngại về địa bàn, nhất là việc xây dựng các công trình xử lý nước thải. Ðến nay, Thái Thụy mới chỉ tập trung nguồn vốn thực hiện xây dựng được một số hạng mục như: CCN Mỹ Xuyên đã thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng trên 15 tỷ đồng; đầu tư xây dựng tuyến đường QH số 3 nối giữa trục xã vào các khu kỹ thuật của CCN dài 190,5m, xây dựng rãnh thoát nước dài 369m với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng; xây dựng đường điện 35kV cấp điện cho CCN 3,5 tỷ đồng. Ðối với CCN Thụy Tân mới chỉ đầu tư xây dựng được đường vào nối từ tỉnh lộ 461 đến CCN với tổng kinh phí 18,5 tỷ đồng.

 Hiện tại Thái Thụy xác định vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác thu hút đầu tư. Do đó địa phương mong tỉnh hỗ trợ vốn xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các CCN. Trước mắt đầu tư xây dựng các hạng mục công trình thiết yếu như đường giao thông đủ tiêu chuẩn vận chuyển hàng hóa ra vào CCN, hệ thống điện, nước đến chân hàng rào CCN, hệ thống xử lý nước thải trong các CCN. Thái Thụy tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong thủ tục hành chính, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ doanh nghiệp sau khi được cấp chứng nhận đầu tư.

    Thu Thủy

  • Từ khóa