Thứ 4, 03/07/2024, 07:27[GMT+7]

Mạng lưới thú y cơ sở Góp phần để lĩnh vực chăn nuôi phát triển bền vững

Thứ 6, 12/09/2014 | 09:08:25
234 lượt xem
Mỗi khi có dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, đội ngũ cán bộ thú y cơ sở luôn là lực lượng nòng cốt, trực tiếp xử lý dịch bệnh và khắc phục môi trường chăn nuôi. Ðồng thời trực tiếp phổ biến kiến thức đến người chăn nuôi, tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm, bảo đảm hiệu quả sản xuất, góp phần không nhỏ để lĩnh vực chăn nuôi phát triển bền vững.

Nhân viên thú y cơ sở tiêm phòng cho đàn lợn tại các hộ dân.

Hiện nay một số dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm H5N1, lở mồm long móng, tai xanh ở lợn…thường xuyên bùng phát trên diện rộng, nhiều gia súc, gia cầm phải tiêu hủy, gây tổn thất lớn về kinh tế cho người chăn nuôi. Ðể phòng, chống dịch bệnh, các đơn vị chức năng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương, tổ chức xã hội cùng phối hợp thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Ðức, Chi cục trưởng Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Ðội ngũ thú y cơ sở là những người phối hợp thực hiện việc khử trùng, tiêu độc cho các cơ sở hoạt động liên quan đến công tác thú y, các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và phục hồi môi trường sau khi dập tắt dịch bệnh. Tổng hợp và báo cáo kịp thời tình hình chăn nuôi, dịch bệnh động vật, đề xuất, hướng dẫn biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh và chữa bệnh cho động vật theo kế hoạch, hướng dẫn của trạm thú y các huyện, thành phố.

Ông Phạm Ngọc Vấn, Trưởng Ban chăn nuôi thú y xã Nam Thịnh (Tiền Hải) đã gắn bó với công việc thú y từ năm 1990 chia sẻ: Mỗi khi có dịch bệnh xảy ra, chúng tôi phải hoạt động trên vùng dịch 24/24 giờ trong ngày, chia nhau đi tới từng trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi để hướng dẫn và nắm bắt tình hình, diễn biến dịch bệnh. Những lúc phải tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi mắc bệnh có nguy cơ lây sang người, chúng tôi nghĩ mình đang nỗ lực để bảo vệ thành quả lao động của bà con nên dù vất vả và nguy hiểm đến mấy cũng luôn cố gắng. Khó khăn nhất là khi làm công tác vận động bà con khai báo dịch bệnh để xử lý tiêu hủy vật nuôi theo quy định, nếu không gần gũi và thấu hiểu tâm tư của họ thì không thể làm được.

Ông Phạm Văn Mạnh, Trưởng trạm Thú y huyện Tiền Hải cho biết: Từ năm 2009 trở lại đây, Tiền Hải không chỉ bảo đảm công tác thú y cho đàn gia súc, gia cầm mà còn cả thú y thủy sản. Vì vậy, khối lượng công việc của các nhân viên thú y hiện nay rất nặng nề, đồng thời phải tiếp xúc với nhiều dịch bệnh, có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh từ vật nuôi. Do đó, các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa để đội ngũ thú y viên có thể bảo đảm được cuộc sống từ đó tận tình với công việc, góp phần ngăn chặn dịch bệnh ngay tại cơ sở.

Ðã có nhiều cuộc hội thảo, điều tra, khảo sát của các chuyên gia trong và ngoài nước, các cơ quan chức năng, các dự án quốc tế liên quan đến mạng lưới thú y cơ sở ở Việt Nam, xác định mạng lưới thú y cơ sở là mắt xích quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, cần có một vị thế rõ ràng trong xã hội. Vì vậy, việc tổ chức, đào tạo, xác định vị thế thú y viên có tầm quan trọng rất lớn trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản, bảo đảm cho lĩnh vực chăn nuôi phát triển bền vững.

Văn Quyết

  • Từ khóa