Thứ 4, 03/07/2024, 08:16[GMT+7]

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Thanh Phát huy vai trò trong quy vùng sản xuất

Thứ 6, 12/09/2014 | 09:11:23
998 lượt xem
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp ở xã Bình Thanh (Kiến Xương) có sự chuyển biến mạnh mẽ, đời sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) với việc quy vùng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phù hợp với điều kiện của địa phương, giúp nông dân yên tâm đầu tư cho sản xuất để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác.

Cán bộ Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Thanh kiểm tra sự phát triển của lúa tại vùng cấy lúa giống TBR-1.

Với chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, HTX đã và đang tập trung chỉ đạo quy vùng sản xuất, khuyến khích nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tích tụ ruộng đất, phát triển các vùng chuyên canh, từng bước hình thành vùng sản xuất lúa giống, hàng hóa có chất lượng cho các doanh nghiệp thu mua với số lượng lớn. Thời gian gần đây, HTX đã tập trung chuyển đổi cơ cấu mùa vụ hợp lý, bảo đảm sản xuất 3 vụ  (gieo cấy 100% diện tích lúa xuân muộn, 100% diện tích lúa mùa sớm và cây vụ đông); thực hiện có hiệu quả nhiều mô hình tại các vùng được quy hoạch nhằm thay đổi tập quán canh tác, hình thành phương thức sản xuất hàng hóa như lúa chất lượng cao, sản xuất lúa giống, cánh đồng mẫu.

Dẫn chúng tôi xuống thăm cánh đồng thôn Ðiện Biên, một trong những nơi đã được quy vùng sản xuất lúa giống, ông Trần Văn Nhu, Chủ nhiệm HTX DVNN Bình Thanh cho biết: HTX luôn xác định việc nâng cao giá trị sản xuất trong nông nghiệp cho bà con nông dân lên hàng đầu. Hơn 3 năm qua, đây là vùng sản xuất lúa giống TBR-1 của Bình Thanh cho Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình với diện tích trên 20ha, có trên 100 hộ nông dân tham gia sản xuất. Ðến nay, vùng sản xuất lúa giống đầu ra sản phẩm tương đối ổn định, được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn lúa thương phẩm, nông dân không chỉ có lợi về mặt kinh tế mà còn được sử dụng lúa giống gốc chất lượng tốt để sản xuất. Quy trình sản xuất lúa giống đòi hỏi phải quy hoạch vùng sản xuất riêng, diện tích gieo trồng không xen kẽ, chất lượng giống phải bảo đảm theo yêu cầu của đơn vị thu mua.

Ðể nông dân nắm vững quy trình sản xuất, HTX hướng dẫn bà con nông dân từ khâu làm đất, kỹ thuật gieo cấy, bón phân, phun thuốc trừ sâu... Thực tế cho thấy, trên cùng một diện tích canh tác, lợi nhuận thu được từ sản xuất lúa giống cao hơn so với lúa thương phẩm khoảng 600.000 đồng/sào. Tham gia vào cấy lúa giống, bà con nông dân còn có điều kiện tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, giúp nâng cao hiệu quả, hạn chế rủi ro, phấn khởi và yên tâm sản xuất.

Cũng theo ông Nhu, từ hiệu quả đạt được về quy hoạch vùng cấy lúa giống ở thôn Ðiện Biên, vụ mùa năm 2014, HTX đã quy vùng sản xuất lúa hàng hóa tổng diện tích trên 120ha tập trung vào các giống lúa ÐS1, TBR-1. Ðây là vụ đầu tiên HTX triển khai trên diện rộng nhằm giúp nông dân hình thành thói quen sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Do đó, ngay từ đầu vụ, công tác chỉ đạo của HTX rất sát sao, quyết liệt. Ban quản trị HTX triển khai kế hoạch sản xuất đến cán bộ thôn; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh; lập danh sách, ký với từng hộ nông dân tham gia. HTX cung ứng giống lúa cho bà con nông dân, bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng. Ðể các vùng quy hoạch sản xuất được thuận lợi, HTX đã tham mưu cho UBND xã ưu tiên đầu tư bê tông hóa 3.200m trục chính giao thông nội đồng, xây dựng 1 trạm bơm công suất 800m3/giờ bằng nguồn vốn của Nhà nước hỗ trợ; kiên cố hóa 500m kênh mương ở thôn Ðiện Biên... Ðồng thời, HTX chỉ đạo tổ thủy nông tập trung nhân lực nạo vét 2 trục sông chính dài 1.500m, khơi thông, vớt bèo bồng, vật cản ở các đoạn mương, máng dài trên 9.000m, bảo đảm cho việc tưới, tiêu được thuận lợi.

Ngoài ra, HTX còn phổ biến khoa học kỹ thuật, hội thảo, tập huấn chia sẻ kinh nghiệm cho bà con nông dân nhằm chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất. Từ đầu vụ đến nay HTX đã phối hợp với các ngành, đoàn thể mở 7 lớp tập huấn về kỹ thuật gieo cấy, chăm bón, bảo vệ thực vật... cho 735 lượt nông dân học tập. Thông qua các lớp tập huấn, bà con nông dân có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong việc chăm sóc lúa, phòng trừ sâu bệnh ở từng giai đoạn, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng.

Những thành công trong quy vùng sản xuất là tiền đề để Bình Thanh hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, đạt giá trị cao trên diện tích canh tác cho bà con nông dân.

Mạnh Thắng

  • Từ khóa