Thứ 2, 01/07/2024, 11:42[GMT+7]

Thái Thụy hướng ra biển và làm giàu từ biển

Thứ 6, 31/07/2015 | 09:23:36
2,476 lượt xem
Huyện Thái Thụy có 27km bờ biển và vùng bãi triều ven biển rộng lớn. Nhận thức rõ tầm quan trọng của biển, Thái Thụy đã đưa ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế biển toàn diện, bền vững trên các lĩnh vực: nuôi trồng, khai thác, chế biến, đóng tàu, vận tải và du lịch biển, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm an ninh, quốc phòng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong 5 năm 2015 - 2020.

Chế biến hải sản ở Thái Thụy.

 

Đối với lĩnh vực nuôi trồng hải sản, Thái Thụy phấn đấu diện tích nuôi đạt 4.200ha và chủ trương phát triển theo chiều sâu, đẩy mạnh nuôi bán thâm canh và thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Thực hiện đa dạng hóa đối tượng con nuôi, trong đó hướng chọn con nuôi chủ lực là cá, tôm sú, tôm thẻ, ngao, cua... Khai thác sử dụng có hiệu quả vùng bãi triều, phấn đấu diện tích nuôi ngao đạt 3.200ha theo quy hoạch đã phê duyệt đồng thời khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, bảo quản ngao trên địa bàn.

 

Về khai thác hải sản, huyện đang tích cực triển khai thực hiện các quyết định, cơ chế, chính sách của trung ương, của tỉnh và của huyện khuyến khích ngư dân hiện đại hóa tàu cá, phát triển tàu xa bờ, mở rộng ngư trường và nâng cao hiệu quả khai thác gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tổ chức đào tạo nghề mới cho ngư dân theo Nghị định số 67 của Chính phủ và thành lập một số mô hình sản xuất như: nghiệp đoàn nghề cá, các tổ, đội khai thác để hỗ trợ, hợp tác khi hoạt động trên biển. Xây dựng hệ thống thông tin quản lý nghề cá, phối hợp phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân khi sản xuất trên biển. Khuyến khích dịch vụ hậu cần nghề cá, chấn chỉnh và thực hiện tốt hơn công tác quản lý và dịch vụ các cảng cá. Về chế biến hải sản, Thái Thụy tập trung quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp chế biến gắn với khai thác, nuôi trồng hướng ra biển: Cụm công nghiệp Thụy Tân, khu quai đê lấn biển xã Thụy Xuân, Thụy Hải, Thái Thượng. Tiếp tục di dời các công ty, cơ sở chế biến trong khu dân cư ra Cụm công nghiệp Thụy Tân và khuyến khích các đơn vị đầu tư để chuyển thành trung tâm chế biến thủy, hải sản. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ vận tải biển, huyện đang tìm nhiều biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải biển tháo gỡ khó khăn về vốn, chuyển đổi doanh nghiệp, thực hiện chính sách thuế… nhằm tiếp tục nâng cao năng lực vận tải cả về số lượng và chất lượng, tăng cường vận chuyển hàng hóa tuyến đi nước ngoài. Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện để các nhà máy đóng tàu hiện có trên địa bàn củng cố phát triển, tập trung đóng mới tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá theo Nghị định số 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản và sửa chữa các tàu vận tải, tạo việc làm cho nhiều lao động. Phối hợp với các ngành chức năng thực hiện việc mở rộng luồng tàu vào cảng Diêm Điền cũng như nâng cấp, mở rộng cảng thương mại, khôi phục hoạt động của cảng.

 

Phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái gắn với du lịch tâm linh là hướng trọng tâm khai thác tiềm năng lợi thế từ biển mà Thái Thụy hướng đến trong những năm tới. Vì vậy, huyện tích cực quảng bá, giới thiệu về rừng ngập mặn, nhất là khu rừng sinh thái Thụy Trường, Khu du lịch cồn Đen (Thái Đô) gắn với các di tích lịch sử tâm linh, như:  đền Hệ (Thụy Ninh), đền Hét (Thái Thượng), đền Chòi (Thụy Trường), Khu lưu niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh (thị trấn Diêm Điền)… Cùng với đó, huyện cũng sẽ xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư trồng rừng, quai đê, lấn biển. Trước mắt huyện sẽ quy hoạch và thu hút đầu tư dự án quai đê, lấn biển tại khu vực xã Thụy Hải, Thụy Xuân diện tích khoảng 300ha đưa vào khai thác để phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị và phục vụ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng. Tiếp đó triển khai dự án quai đê, lấn biển tại khu vực xã Thái Thượng khoảng 200ha để phát triển công nghiệp ven biển.

 

 Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, Thái Thụy phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng thế trận phòng thủ ven biển vững mạnh, phát động phong trào quần chúng tham gia tự quản trên địa bàn, góp phần để kinh tế biển phát triển nhanh, bền vững.

 

Giai đoạn 2016 - 2020, Thái Thụy phấn đấu giá trị sản xuất ở các xã khu vực ven biển tăng trưởng bình quân từ 14 - 15%/năm; đến năm 2020, các xã ven biển đóng góp khoảng 30 - 35% giá trị sản xuất toàn huyện, giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt khoảng 110 - 120 triệu đồng; giai đoạn 2016 - 2020, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn các xã ven biển tăng trưởng bình quân 5,1%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp khu vực ven biển tăng trưởng bình quân 20%/năm, giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ tăng bình quân 15%/năm.

 

Nguyễn Hình

  • Từ khóa