Thứ 4, 03/07/2024, 09:52[GMT+7]

Cấp bách, quyết liệt phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ

Thứ 3, 27/09/2011 | 15:07:45
2,708 lượt xem
Hiện nay, trên đồng ruộng đang có mật độ rầy rất cao và có khả năng gây cháy với quy mô lớn nếu không được phòng trừ kịp thời. Theo kết quả kiểm tra của Chi cục bảo vệ thực vật cho thấy, toàn tỉnh có khoảng 25 nghìn ha lúa bị nhiễm rầy, với mật độ khoảng 3000 con/m2 trở lên, trong đó có 7000 ha có mật độ rầy từ 5000 con đến vài vạn con/ m2. Rầy vẫn đang tiếp tục gia tăng trong những ngày tới. Bên cạnh đó, sâu đục thân cũng đang diễn biến phức tạp trên diện tích lúa trỗ b

Nông dân các địa phương trong tỉnh tập trung phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa. Ảnh: Thành Tâm

Tính đến ngày 24/9/2011, diện tích lúa mùa toàn tỉnh đã trỗ được gần 70 nghìn ha, chiếm 83,7% tổng diện tích gieo cấy; trong đó huyện Hưng Hà và Quỳnh Phụ đã cơ bản trỗ xong, thấp nhất là Tiền Hải mới trỗ được 26% diện tích. Hiện nay, trên đồng ruộng đang có mật độ rầy rất cao và có khả năng gây cháy với quy mô lớn nếu không được phòng trừ kịp thời.

 

Theo kết quả kiểm tra của Chi cục bảo vệ thực vật cho thấy, toàn tỉnh có khoảng 25 nghìn ha lúa bị nhiễm rầy, với mật độ khoảng 3000 con/m2 trở lên, trong đó có 7000 ha có mật độ rầy từ 5000 con đến vài vạn con/ m2, rầy vẫn đang tiếp tục gia tăng trong những ngày tới. Bên cạnh đó, sâu đục thân cũng đang diễn biến phức tạp trên diện tích lúa trỗ bông sau ngày 25/9. Trước tình hình sâu bệnh trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thành phố tập trung cao độ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các biệp pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời, quyết tâm giành thắng lợi toàn diện vụ lúa mùa năm 2011.

 

Ngay từ đầu vụ, diễn biến của rầy tương đối phức tạp và cao hơn cùng kỳ nhiều năm, các ổ bệnh hình thành sớm với mật độ cao ngay từ khi lúa đẻ nhánh. Đến nay, rầy tiếp tục phát sinh, phát triển trên tất cả các trà lúa, giống lúa trong toàn tỉnh. Cụ thể, rầy trưởng thành mang trứng mật độ trung bình 30 – 40 con/m2; ổ trứng trung bình 300 – 500 ổ/m2, nơi cao 700 ổ/m2; rầy tuổi 1,2 có mật độ phổ biến 700 – 1000 con/m2, cao 3000 – 5000 con/m2, cục bộ 7000 con đến vài vạn con/ m2. Trong thời gian tới, rầy vẫn tiếp tục đẻ trứng và nở nên mật độ tăng rất nhanh, nếu không được phòng trừ kịp thời sẽ dẫn đến giảm năng suất, sản lượng nghiêm trọng, có khi mất trắng.

 

Cùng với đó là sâu đục thân trưởng thành cũng tăng nhanh, qua kiểm tra ngày 20/9 mật độ sâu đục thân trưởng thành từ 50 – 70 con/đèn, đến ngày 23/9 sâu đục thân đã tăng lên 120 con/ đèn; dự báo sâu non sẽ nở rộ và gây hại nghiêm trọng trên diện tích lúa trỗ sau ngày 25/9 – 10/10.

 

Để chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp của sâu bệnh, bảo đảm lúa mùa không bị gây hại, giành được năng suất, chất lượng cao, UBND tỉnh đã có cuộc họp khẩn chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thành phố triển khai cấp bách việc phòng trừ rầy nâu, sâu đục thân, liên tục từ nay đến khi thu hoạch.

 

Các cấp, ban, ngành, đoàn thể phải huy động tối đa lực lượng cán bộ tăng cường xuống cơ sở để kiểm tra, đôn đốc, vận động, hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu đục thân, rầy nâu cùng các đối tượng sâu hại khác để nông dân hiểu và làm theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

 

Theo đó, Sở Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo các đơn vị liên quan bảo đảm đủ số lượng, chủng loại thuốc đặc hiệu và phát hành tài liệu hướng dẫn kỹ thuật; thời điểm phun trừ, lượng thuốc, nước, cách pha...

 

Chi cục quản lý thị trường phối hợp  với các đơn vị liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra thị trường thuốc bảo vệ thực vật; kiên quyết xử lý các trường hợp kinh doanh thuốc chất lượng kém. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền lưu động, hệ thống phát thanh, truyền thanh của xã, tăng thời lượng phát sóng...

 

Trong quá trình triển khai thực hiện, để phát hiện được rầy có gây hại trên lúa hay không, các hộ nông dân phải ra đồng kiểm tra trên tất cả diện tích nhà mình bằng cách rẽ lúa, 2-3 ngày kiểm tra một lần, thời gian kéo dài liên tục đến ngày 5/10; sát mặt nước ruộng thấy rầy non mới nở màu trắng xám bám vào thân lúa, với mật độ khoảng 25 - 30 con/ khóm phải phun ngay.

 

Để phòng trừ rầy có hiệu quả và bảo vệ môi trường không bị ô nhiễm thuốc trừ sâu, nông dân chỉ sử dụng các loại thuốc nội hấp, lưu dẫn như Dantotsu 16WSG, Chess 50WG...phun cho diện tích lúa chưa trỗ và mới trỗ xong.

 

Đối với diện tích lúa chắc xanh đến chín, nông dân nên sử dụng các loại thuốc có tính tiếp xúc trực tiếp như Penalty Gold 50EC, Victory 585 EC...rẽ lúa theo băng khoảng 4 - 5 hàng và phun từ ngang thân cây lúa trở xuống.

 

Những diện tích lúa trỗ sau 25/9, các địa phương khuyến cáo nông dân phòng trừ sâu đục thân 2 chấm khi lúa thấp thoi trỗ, lúa trỗ sang tháng 10 phải phun kép trước và sau khi trỗ, bằng thuốc Prevathon 5SC, Vitarko 40WG, Prevathon 35WDG...

 

Để lúa mùa giành thắng lợi toàn diện, tại cuộc họp sáng ngày 26/9, đồng chí Phạm Văn Sinh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho các sở, ngành, huyện, thành phố về nhiệm vụ phòng trừ sâu bệnh đợt này. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, tuyệt đối không để xảy ra cháy rầy và bông bạc do sâu đục thân gây ra trên diện rộng, địa phương nào không làm tốt phải chịu trách nhiệm trước tỉnh, huyện.

 

Ngay tại cuộc họp, các huyện cũng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm đưa ra các biện pháp chỉ đạo, triển khai thực hiện ngay sau cuộc họp này.

 Nguyên Bình

 

  • Từ khóa