Thứ 2, 08/07/2024, 11:18[GMT+7]

Nỗ lực bình ổn không để thiếu hàng, sốt giá trong dịp Tết Nguyên đán

Thứ 3, 14/01/2014 | 08:49:47
923 lượt xem
Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 là năm thứ 4 tỉnh ta triển khai thực hiện chương trình bình ổn giá. Thời điểm này, các doanh nghiệp đăng ký tham gia đã chuẩn bị đủ các mặt hàng thiết yếu sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết theo đúng giá cam kết, bảo đảm cân đối cung cầu, góp phần thực hiện mục tiêu bình ổn giá thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Các đơn vị kinh doanh bánh kẹo, thực phẩm sẵn sàng phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán.

Ông Vũ Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Chương trình bán hàng bình ổn giá những tháng cuối năm 2013 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 của Thái Bình kéo dài trong 3 tháng (từ 15/12/2013 đến 15/3/2014). Ngay từ đầu tháng 11, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch bình ổn giá với danh mục các mặt hàng thiết yếu gồm: gạo, dầu ăn, nước mắm, mỳ chính, đường, thực phẩm đông lạnh, thịt gia súc, gia cầm.

Tham gia chương trình, doanh nghiệp và hộ kinh doanh được tỉnh cho vay vốn không tính lãi suất trong thời gian 3 tháng để dự trữ hàng hóa với mức cho vay không quá 3 tỷ đồng/đơn vị. Thời gian qua, Sở Công Thương phối hợp với Sở Tài chính đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa xã hội của chương trình bình ổn giá, hướng dẫn các doanh nghiệp, cá nhân đăng ký thực hiện. Thẩm tra năng lực thực tế, khả năng cung ứng nguồn hàng và nhu cầu vay vốn của từng doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh.

 

Các doanh nghiệp chuẩn bị đủ nguồn hàng cung ứng cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.

Theo đó, các đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá phải là tổ chức, cá nhân có uy tín, thực hiện tốt các quy định của pháp luật và kinh doanh những mặt hàng nằm trong danh mục bình ổn giá. Có năng lực tài chính lành mạnh, không có nợ xấu, nợ quá hạn. Có địa điểm bán hàng cố định, khu vực bán hàng bình ổn giá riêng biệt và đăng ký với Sở Công Thương và Tài chính.

Ðặc biệt, các doanh nghiệp phải cam kết không tăng giá trong thời gian bán hàng  bình ổn nếu giá thị trường biến động tăng 15%. Trong trường hợp có biến động tăng giá trên 15% thì tổ chức, cá nhân được điều chỉnh giá bán nhưng phải thấp hơn giá thị trường 10% và phải được sự chấp thuận của cơ quan chức năng.

Ðến nay, toàn tỉnh có 23 doanh nghiệp và 2 hộ kinh doanh đăng ký tham gia chương trình thực hiện bình ổn giá những tháng cuối năm 2013 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ với tổng số vốn vay 54,5 tỷ đồng. Số tiền trên cộng với vốn tự có của mình, các doanh nghiệp đã chuẩn bị đủ lượng hàng dự trữ bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Ông Nguyễn Văn Khởi, Giám đốc Công ty TNHH Quang Ðức (Thị trấn Ðông Hưng) cho biết: “3 năm qua, Công ty TNHH Quang Ðức đều tham gia chương trình bình ổn giá. Là đơn vị đầu mối chuyên kinh doanh, phân phối các mặt hàng nước mắm, đường, mỳ chính, dầu ăn, mỳ tôm, cà phê, bánh kẹo cho 8 huyện, thành phố với 2.000 điểm bán hàng, doanh nghiệp luôn thực hiện chương trình theo đúng cam kết.

Năm nay, chúng tôi đăng ký bán hàng bình ổn 4 mặt hàng gồm: đường, nước mắm, mỳ chính, dầu ăn và bảo đảm tất cả các điểm bán hàng, các đại lý sẽ bán hàng cùng một giá cho người tiêu dùng”. Tại Công ty TNHH Hưng Cúc ở Cụm công nghiệp Xuân Quang (Ðông Hưng) đã treo băng rôn điểm bán hàng bình ổn giá và niêm yết công khai giá các loại gạo bán trên thị trường trong 3 tháng. Ông Lý Thái Hưng, Giám đốc Công ty cho biết: “Hiện tại, trong kho của doanh nghiệp đã dự trữ 3.000 tấn thóc, 2.000 tấn gạo sẵn sàng cung ứng cho  các đại lý dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Ðược biết, năm nay ngoài Hưng Cúc cũng còn một số doanh nghiệp đăng ký tham gia dự trữ bình ổn giá mặt hàng này với lượng lớn cộng với giá cả thị trường thóc gạo thời gian qua tương đối ổn định nên sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân”. Còn chị Trần Thị Bích Liên, chủ cửa hàng kinh doanh bánh kẹo Bảy Liên (Thành phố Thái Bình) chia sẻ: “Tham gia chương trình bình ổn giá, không chỉ  hưởng lợi từ vay vốn với lãi suất 0% mà còn là cơ hội tốt để doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh quảng bá thương hiệu, tạo niềm tin với người tiêu dùng.

Năm nay, đơn vị được vay vốn 3 tỷ đồng tham gia bình ổn 3 mặt hàng: đường, dầu ăn, thủy sản đông lạnh nhưng chúng tôi giành 16 tỷ đồng để dự trữ các loại hàng hóa đã đăng ký. Tôi mong muốn những năm sau sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh được tham gia chương trình này, được vay với số vốn cao hơn…bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, phục vụ tốt đời sống dân sinh”.

Như vậy, năm nay toàn tỉnh sẽ có ít nhất 46 điểm bán hàng bình ổn giá. Tại những địa điểm này đều đã treo băng rôn “Ðiểm bán hàng bình ổn giá những tháng cuối năm 2013 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014”. Phía trong cửa hàng có bố trí khu vực bán hàng bình ổn giá riêng biệt với các mặt hàng theo đúng quy định.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, tại Hội chợ mừng Ðảng-mừng Xuân 2014 tổ chức từ ngày 22/1 đến 27/1 cũng bố trí 22 gian hàng cho các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá. Trong thời điểm tổ chức chương trình bình ổn giá, Sở Công Thương sẽ phối hợp tích cực với Sở Tài chính tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp tham gia bảo đảm phải bán hàng đúng giá đã cam kết.

Ông Tuấn cũng cho biết thêm: Mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, người dân vẫn giữ tâm lý thắt chặt chi tiêu, tuy nhiên với những mặt hàng thiết yếu thì nhu cầu vẫn tăng trong dịp Tết Nguyên đán nên việc bình ổn giá, kiềm chế lạm phát, ổn định tâm lý người tiêu dùng là rất cần thiết. Qua 3 năm thực hiện, chương trình đã có sức lan tỏa trên thị trường, có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp.

Ðể chương trình bình ổn giá đạt hiệu quả cao hơn, thiết thực hơn, thời gian tới tỉnh cần tổ chức thêm nhiều chương trình bình ổn giá tại nhiều thời điểm trong năm, tăng danh mục các mặt hàng thiết yếu, tăng thêm lượng vốn vay cho doanh nghiệp, mở rộng các điểm bán, nhất là vùng nông thôn.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa