Thứ 2, 08/07/2024, 12:05[GMT+7]

Giải pháp để công nghiệp - thương mại phát triển

Thứ 7, 01/02/2014 | 08:06:45
899 lượt xem
Nỗ lực vượt qua khó khăn do khủng hoảng, suy giảm kinh tế, năm 2014 ngành Công Thương phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 34.185 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2013. Báo Thái Bình đã phỏng vấn đồng chí Vũ Ngọc Khiếu, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương về những giải pháp ngành đặt ra để hoàn thành mục tiêu này.

Ảnh: LÊ QUANG VIỆN

Phóng viên: Là ngành chủ lực đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng chí có thể đánh giá những nét nổi bật trong lĩnh vực phát triển công nghiệp - thương mại  năm 2013?

Ðồng chí Vũ Ngọc Khiếu: Năm 2013 là năm công nghiệp của tỉnh có nhiều khởi sắc. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt 30.523 tỷ đồng, tăng 11,87% so với năm 2012 (năm 2012 chỉ tăng 6,17%). Nhiều loại sản phẩm chủ yếu tăng mạnh so với năm 2012 như: khăn các loại, bia lon, quần áo, sứ vệ sinh, sản phẩm tai nghe... Sở cũng đã thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho người lao động, xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho sản phẩm, quản lý thị trường… Tổng mức lưu chuyển, bán lẻ hàng hóa năm 2013 ước đạt 23.118,4 tỷ đồng, tăng 11,96%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 974,6 triệu USD, tăng 20,85%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 895 triệu USD, tăng 19,3% so với năm 2012.

Phóng viên: Thời gian qua, nghề và làng nghề trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, hiện nay tình hình sản xuất tại các làng nghề thế nào, thưa đồng chí?

Ðồng chí Vũ Ngọc Khiếu: Riêng đối với lĩnh vực nghề và làng nghề, sau một thời gian gặp khó khăn, từ đầu năm 2013 đến nay đã phục hồi, duy trì và phát triển. Toàn tỉnh hiện có 242 làng nghề, 8 xã nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận. Giá trị sản xuất năm 2013 của các làng nghề ước đạt 5.773 tỷ đồng, chiếm 23,88% giá trị sản xuất  công nghiệp, giải quyết việc làm cho gần 150.000 lao động với mức thu nhập trung bình 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng. Kinh tế phục hồi, một số nước đã tìm đến Việt Namon> đặt hàng các sản phẩm làng nghề nên một số nghề có mức tăng trưởng khá như: dệt khăn, dệt chiếu, chế biến lương thực, gỗ mỹ nghệ... Năm 2013, 26 sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

 

May mặc là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Phóng viên: Ðồng chí có thể cho biết năm 2014 ngành Công Thương có những thời cơ, thuận lợi gì và mục tiêu, kế hoạch của ngành đặt ra góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế chung toàn tỉnh?

Ðồng chí Vũ Ngọc Khiếu: Ðiều đáng mừng nhất là hiện nay kinh tế thế giới, trong nước đang có dấu hiệu phục hồi sau một thời kỳ dài chịu ảnh hưởng của lạm phát rồi suy giảm kinh tế. Trải qua khó khăn, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nào trụ được sẽ tìm được hướng phát triển. Ðặc biệt, từ giữa năm 2013 đến nay mặt bằng lãi suất ngân hàng đã giảm sâu, một số đơn vị đã tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp để đầu tư cho sản xuất kinh doanh, tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nên giải quyết cơ bản lượng hàng tồn kho. Sức mua ở cả thị trường trong và ngoài nước cũng tăng. Trên cơ sở đánh giá đúng, sát tình hình sản xuất của doanh nghiệp, nhu cầu thị trường, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2014, ngành Công Thương phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 34.185 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2013; tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 26.000 tỷ đồng, tăng 12,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1.075 triệu USD, tăng 10,3%; kim ngạch xuất khẩu đạt 985 triệu USD, tăng 10,5%.

Phóng viên: Vậy ngành đã có những giải pháp gì để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đặt ra cũng như hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sự tăng trưởng, thưa đồng chí?

Ðồng chí Vũ Ngọc Khiếu: Ðể hoàn thành mục tiêu đề ra, năm 2014 ngành sẽ tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thiện lập các quy hoạch: phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2014 - 2020, xét đến 2025; phát triển điện gió đến năm 2020, xét đến năm 2030; mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2020.

Phối hợp tích cực với các ngành, các địa phương hỗ trợ tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án công nghiệp trọng điểm của tỉnh: Trung tâm Ðiện lực Thái Bình, Nhà máy Amonitrat, hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Thái Bình và mỏ Hàm Rồng... Sở sẽ theo sát nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, tổ chức các hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất theo từng lĩnh vực.

Chú trọng thu hút và phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, tiết kiệm nguyên liệu và không gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, Sở sẽ khai thác, thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn khuyến công, khuyến thương hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Nâng cao chất lượng các chương trình xúc tiến thương mại tìm kiếm mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tập trung những thị trường có tiềm năng, các hàng hóa có nhu cầu tiêu thụ lớn.

Ðặc biệt chú trọng xây dựng các mô hình liên kết tiêu thụ nông sản thực phẩm cho nông dân như: lúa gạo, rau quả, ngao, thịt gia súc, gia cầm... Tiếp tục hoàn thiện hệ thống phân phối trên thị trường trên cơ sở gắn kết chặt chẽ giữa người sản xuất với doanh nghiệp nhằm giảm chi phí trung gian, hạ giá thành sản phẩm, ổn định giá cả hàng hóa, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Hình (Thực hiện)

 

  • Từ khóa