Thứ 2, 08/07/2024, 13:06[GMT+7]

Tăng trưởng công nghiệp có xu hướng cao lên

Thứ 2, 01/07/2013 | 08:43:11
698 lượt xem
Công nghiệp là ngành kinh tế thực lớn nhất, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tốc độ tăng trưởng đã có xu hướng cao lên.

Tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2013 so với cùng kỳ năm trước. Nguồn số liệu: TCTK

Kết quả tăng trưởng công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2013 nổi bật nhất là tốc độ tăng IIP so với cùng kỳ năm trước của toàn ngành đã cao lên qua các tháng.

 

Nếu quý I tăng 4,5%, thì tháng 4 tăng 5,4%, tháng 5 tăng 5,7%, tháng 6 tăng 6,5%. Tính chung quý II, IIP tăng 6%, tính chung 6 tháng tăng 5,2%. Cũng nhờ vậy mà tốc độ tăng GDP từ nhóm ngành công nghiệp-xây dựng đã cao hơn tốc độ tăng GDP của toàn bộ nền kinh tế (tăng 5,18% so với tăng 4,9%).

 

Đây là tín hiệu khả quan để công nghiệp-xây dựng dần dần trở lại vị thế là động lực và đầu tàu tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế, phù hợp thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhằm mục tiêu tổng quát biến nước ta đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

 

Kết quả trên càng có ý nghĩa khi đạt được trong điều kiện công nghiệp gặp khó khăn lớn ở cả đầu vào lẫn đầu ra. Ở đầu vào, các doanh nghiệp công nghiệp-xây dựng có tỷ trọng vốn chủ sở hữu chỉ khoảng trên 1/3, còn 2/3 phải đi vay, trong khi việc tiếp cận vốn khó khăn, một phần do lãi suất cao, một phần do nợ xấu... Ở đầu ra, sản phẩm tiêu thụ chậm...

 

Một điểm đáng lưu ý khác là trong các ngành của toàn ngành công nghiệp, công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng lớn nhất đã tăng với tốc độ cao hơn tốc độ tăng của toàn ngành và cao lên qua thời gian (tốc độ tăng của quý II cao hơn của quý I tới 2,3 điểm phần trăm (trong khi toàn ngành chỉ cao hơn 1,5 điểm phần trăm và cùng kỳ năm trước tốc độ tăng của quý II lại thấp hơn của quý I tới 1 điểm phần trăm). Trong ngành chế biến, một số ngành chi tiết còn tăng cao hơn tới 2 chữ số. Ngành công nghiệp khai khoáng tăng thấp hơn tốc độ tăng của toàn ngành công nghiệp và tăng thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (tăng 1,9% so với tăng tương ứng 5,2% và 4,2%). Nguyên nhân chủ yếu do sản lượng than bị giảm (giảm 2,7%), sản lượng dầu thô tăng thấp (tăng 2,5%).

 

Các ngành khác trong công nghiệp tăng cao hơn tốc độ tăng của toàn ngành.

 

Nếu theo địa bàn, IIP toàn ngành công nghiệp của một số tỉnh, thành phố tăng cao hơn tốc độ chung của cả nước, như Hải Dương tăng 10,1%, Vĩnh Phúc tăng 20%, Đà Nẵng tăng 10,5%, Quảng Ngãi tăng 22,6%, Đồng Nai tăng 6,5%, Bình Dương tăng 7,4%...

 

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến 5 tháng tăng 7,5%, cao hơn tốc độ tăng của sản xuất. Vì vậy, tốc độ tăng tồn kho cũng đã chậm lại tương đối nhanh qua các thời điểm từ đầu năm đến nay (1/2 tăng 19,9%, 1/3 tăng 16,5%, 1/4 tăng 13,1%, 1/5 tăng 12,3%, 1/6 tăng 9,7%).

 

Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp tăng lên so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản đã tăng từ 45,8% lên 46,7%. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp đã tăng từ 33,4% lên 35,5%. Một số mặt hàng công nghiệp có kim ngạch lớn hoặc tăng cao, như điện thoại các loại và linh kiện đạt 9,9 tỷ USD, tăng 97%; hàng dệt may đạt gần 8 tỷ USD, tăng 16,8%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 4,7 tỷ USD, tăng 39,3%; giày dép đạt 4,1 tỷ USD, tăng 16,4%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2,6 tỷ USD, tăng 16,6%; túi xách, ví, va li, mũ và ô dù đạt 925 triệu USD, tăng 23,6%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,4 tỷ USD, tăng 12%; sắt thép đạt 878 triệu USD, tăng 13,9%; sản phẩm chất dẻo đạt 851 triệu USD, tăng 11,5%...

 

Bên cạnh các kết quả tích cực trên, sản xuất công nghiệp cũng còn không ít các hạn chế và đứng trước những thách thức không nhỏ.

 

Tốc độ tăng IIP của toàn ngành công nghiệp vẫn còn thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (5,2% so với 6,1%). Việc tăng thấp hơn của IIP đã làm cho tốc độ tăng GDP do nhóm ngành công nghiệp-xây dựng 6 tháng năm nay bị thấp hơn của cùng kỳ 2 năm trước (tương ứng là tăng 5,18% so với 5,59% và so với 6,63%). Việc tăng thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước của toàn ngành cũng là tình trạng chung của ngành công nghiệp cụ thể: công nghiệp khai khoáng là 1,9% so với 4,2%, công nghiệp chế biến là 5,7% so với 5,9%, sản xuất và phân phối điện là 8,7% so với 14,4%. Chỉ có cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải là tăng cao hơn (9,6% so với 8,7%), nhưng ngành này chiếm tỷ trọng nhỏ trong toàn ngành công nghiệp.

 

Tốc độ tăng IIP của một số địa bàn có quy mô công nghiệp lớn tăng thấp hơn tốc độ tăng của cả nước, như Hà Nội 4%, Hải Phòng 3,8%, Quảng Ninh 0,9%, Quảng Nam 0,2%, Bà Rịa-Vũng Tàu còn bị giảm 1,2%...

 

Tốc độ tăng tồn kho của công nghiệp chế biến tuy đã chậm lại, nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với IIP (9,7% so với 5,7%). Tốc độ tăng tồn kho của một số sản phẩm còn cao hơn tốc độ chung.

 

Thách thức ở đầu vào, đầu ra tuy có giảm so với các thời gian trước, nhưng vẫn còn rất lớn. Ở đầu vào không chỉ có việc tiếp cận vốn khó khăn mà chi phí có thể còn tăng lên (giá than, điện, nước, lương...) và nếu tỷ giá tăng sẽ còn làm cho chi phí nhập khẩu tăng lên nữa. Trong khi ở đầu ra, tiêu thụ vẫn còn khó khăn.

Nguồn chinhphu.vn

  • Từ khóa