Thứ 2, 08/07/2024, 13:46[GMT+7]

Các doanh nghiệp ở Quỳnh Phụ Vượt khó đi lên

Thứ 3, 09/07/2013 | 10:25:57
824 lượt xem
Những năm gần đây, với việc chú trọng hỗ trợ, phát huy thế mạnh của các loại hình doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong phát triển sản xuất, kinh doanh, cơ cấu kinh tế của huyện Quỳnh Phụ đang có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp.

Công nhân Công ty may Hà Thành đang hoàn thiện sản phẩm quần nam

Huyện Quỳnh Phụ hiện có gần 120 doanh nghiệp hoạt động, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực may mặc, vật liệu xây dựng, chế biến lương thực thực phẩm… Mặc dù gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế nhưng các doanh nghiệp vẫn nỗ lực giữ vững ổn định và tìm mọi giải pháp phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng quy mô, đa dạng ngành nghề nhằm tạo sức bật mới. Trong khi nhiều doanh nghiệp dệt may đang đứng trước nguy cơ đóng cửa hay sản xuất cầm chừng do thiếu đơn hàng thì Công ty Cổ phần may Hà Thành vẫn có đơn đặt hàng sản xuất cho cả năm 2013.

Doanh thu 6 tháng đầu năm 2013 của Công ty tăng trên 150% so với cùng kỳ năm trước; tạo việc làm ổn định cho 300 lao động với mức thu nhập 3,8 triệu đồng/người/tháng. Để tồn tại và phát triển, theo Giám đốc Công ty CP may Hà Thành, Trần Đăng Sứ thì giải pháp hàng đầu là phải có đủ nguồn hàng cho sản xuất và tạo thu nhập cho người lao động bảo đảm cuộc sống, vì vậy Công ty quyết định tái cơ cấu ngành nghề, nhân sự, cải tiến khâu phục vụ sản xuất, áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới cho phù hợp với tình hình thực tế. Từ chỗ gia công hàng xuất khẩu với các mặt hàng áo Jecket, quần âu, Công ty đã chủ động tìm kiếm khách hàng, xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Mỹ sản phẩm quần đồng phục nam. Với phương châm lấy chất lượng sản phẩm là tiêu chí hàng đầu trong việc giữ chữ tín với khách hàng nên liên tiếp trong 3 năm qua, Công ty có nhiều bạn hàng đến ký hợp đồng. Đặc biệt, từ chỗ bị động đã tự chủ được đơn giá với các khách hàng lớn, theo lộ trình có lãi cho doanh nghiệp.

Doanh thu năm 2012 đạt 18 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2013 đạt trên 11 tỷ đồng, xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Mỹ trên 400.000 sản phẩm quần đồng phục nam. Được thành lập từ năm 2008, mỗi năm Công ty TNHH Thành Đạt, Cụm công nghiệp Đập Neo, xã Đồng Tiến thu mua trên 70.000 tấn thóc; xuất bán cho thị trường: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc... gần 50.000 tấn gạo; tạo việc làm thường xuyên 30 - 35 lao động và hàng trăm lao động vệ tinh với mức thu nhập từ 3 - 6 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù năm 2012, Công ty chịu ảnh hưởng trực tiếp của sự biến động thất thường vì giá thóc, thiệt hại gần 1 tỷ đồng nhưng 6 tháng đầu năm 2013, giá thóc gạo luôn giữ ổn định nên doanh thu cao hơn cùng kỳ năm trước gần 200%. Hơn nữa, việc tiếp cận vốn vay từ ngân hàng năm nay cũng thuận lợi hơn, lãi suất giảm, vì vậy doanh nghiệp có lãi.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, một trong những giải pháp mà huyện Quỳnh Phụ chú trọng là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, nhất là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, thủ tục về thuế nhằm thu hút các dự án đầu tư mới, quy mô lớn, công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Ngay sau khi có Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Cục Thuế tỉnh về việc miễn, giảm, gia hạn thuế cho các doanh nghiệp, Chi cục Thuế huyện Quỳnh Phụ đã tăng cường công tác quản lý, kê khai thuế; đẩy mạnh kiểm tra, rà soát tình hình kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; thông qua bộ phận “một cửa”, mọi giao dịch từ đăng ký thuế và cấp mã số thuế, đăng ký thay đổi phương pháp tính thuế giá trị gia tăng và các văn bản đăng ký khai thuế, nộp thuế... đều được rút ngắn thời gian.

Đồng thời, UBND huyện Quỳnh Phụ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn thuê mặt bằng để sản xuất, kinh doanh; tích cực, thiện chí trong giải quyết các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp. Hàng năm, huyện đều tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp trên địa bàn để cùng đánh giá thực trạng hoạt động trong năm, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp để kịp thời đề ra các giải pháp phát triển cho năm tiếp theo, biểu dương, khen thưởng các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, 6 tháng qua, tốc độ tăng trưởng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt gần 17% so với cùng kỳ năm 2012, vượt 5,7% so với kế hoạch; thu hút mới 13 dự án sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ với vốn đầu tư đăng ký 98,9 tỷ đồng, sử dụng gần 500 lao động.

Trong điều kiện khó khăn nhiều mặt, sự vươn lên của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ là rất đáng ghi nhận. Để các doanh nghiệp tiếp đà phát triển, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, đóng góp cho ngân sách Nhà nước, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và thương mại - dịch vụ rất cần sự quan tâm, tạo mọi điều kiện hỗ trợ của Nhà nước, nhất là việc tiếp cận với các nguồn vốn, đặc biệt là vốn ưu đãi, để các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, cải tiến mẫu mã và đa dạng hóa sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Đức Dũng

  • Từ khóa