Thứ 6, 05/07/2024, 14:59[GMT+7]

Xuất khẩu “được mùa” trong gian khó

Thứ 3, 07/01/2014 | 08:56:01
1,099 lượt xem
Năm 2013, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa tăng doanh thu và tạo việc làm cho nhiều lao động. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu của Thái Bình tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá, vượt chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Nghề mây tre đan xuất khẩu ở xã Thượng Hiền (Kiến Xương).

Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 975 triệu USD, tăng 21% so với năm 2012, vượt kế hoạch 11%. Trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu thì hàng dệt may vẫn giữ vai trò chủ lực với giá trị đạt 640 triệu USD, chiếm 61,17% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ðiều đáng ghi nhận là các doanh nghiệp dệt may giảm tỷ lệ hàng gia công thay bằng mua nguyên liệu và bán thành phẩm nên duy trì sản xuất ổn định, tăng lợi nhuận, tạo việc làm cho khoảng 60 nghìn lao động với mức lương bình quân từ 3 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Mặt hàng cơ khí, chế tạo cũng đạt hơn 14 triệu USD, vật liệu xây dựng đạt 9,35 triệu USD, hàng thủy sản đạt 11,882 triệu USD, hàng điện tử đạt 4,3 triệu USD, hàng thủ công mỹ nghệ đạt 1,526 triệu USD, thực phẩm chế biến đạt 3,058 triệu USD… Năm 2013, các thị trường xuất khẩu của Thái Bình tiếp tục được giữ vững, so với năm 2012 mở rộng thêm 5 thị trường mới.

Cùng với đó, các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ðài Loan được các doanh nghiệp chú trọng khai thác sâu, thị phần tăng. Cũng trong năm qua, Thái Bình có thêm 31 doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu, nâng số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp toàn tỉnh lên con số 151. Quy mô doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu tiếp tục được tăng cường với 25 doanh nghiệp xuất khẩu đạt kim ngạch từ trên 10 triệu USD đến 100 triệu USD, 26 doanh nghiệp xuất khẩu đạt từ trên 5 triệu USD đến 10 triệu USD, số doanh nghiệp còn lại hầu hết xuất khẩu đạt trên 1 triệu USD đến 5 triệu USD.

Theo ông Vũ Ngọc Khiếu, Giám đốc Sở Công Thương: So với một số tỉnh, thành phố trong cả nước kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ta năm 2013 đạt 975 triệu USD vẫn là con số khiêm tốn, tuy nhiên đó đã là nỗ lực lớn. Trước hết, trong điều kiện kinh tế khó khăn nhưng các doanh nghiệp đã thực hiện nhiều biện pháp tiết giảm chi phí, duy trì sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo việc làm ổn định cho lao động và đến thời điểm này đã cơ bản giải quyết được lượng hàng tồn kho.

Ngoài những ngành hàng giúp tạo nhiều việc làm cho người lao động như may mặc, giầy da, thời gian qua tỉnh cũng chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để đẩy mạnh thu hút đầu tư. Xây dựng thương hiệu một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực, nhằm tăng lợi thế, khả năng cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt xuất khẩu nông sản thực phẩm gắn với xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, tạo việc làm ổn định cho người lao động ở khu vực nông thôn.

Cùng với đó, Sở Công Thương cũng tích cực hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ các mô hình: đan cói, đan bèo, mây tre đan, chế biến xuất khẩu gạo. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, các hoạt động xúc tiến thương mại ở trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu. Phòng Quản lý xuất nhập khẩu tích cực cung cấp đầy đủ các văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành về xuất xứ hàng hóa, lập giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) đồng thời hỗ trợ giải đáp những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục xuất khẩu. Niêm yết công khai các thủ tục, hồ sơ đề nghị cấp C/O, các số điện thoại nóng để doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp, kiến nghị, phản ánh tinh thần, thái độ phục vụ của công chức khi nhận hồ sơ, xét, trình cấp C/O.

Sở cũng đã thống nhất chỉ đạo và thực hiện linh hoạt việc cấp C/O trong các trường hợp doanh nghiệp thiếu, nợ một số chứng từ và phải được hoàn trả trong lần đề nghị cấp C/O kế tiếp, chậm không quá 10 ngày. Thực hiện cấp trước số tham chiếu, ngày cấp C/O cho doanh nghiệp qua điện thoại và kiểm tra C/O qua mạng ECOSYS liên thông của Bộ Công Thương. Nhờ vậy, việc cấp C/O ở Thái Bình hiện nay được rút ngắn trên 50% thời gian so với quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BCT ngày 21/3/2011 của Bộ Công Thương quy định thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi.

Năm 2014, Thái Bình phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 1.075 triệu USD, tăng 10,2% so với năm 2013. Trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, để đạt được mục tiêu này, Sở Công Thương đã đưa ra nhiều giải pháp tổng thể. Trước hết, phối hợp với các sở, ngành, các địa phương tổ chức thực hiện tốt kế hoạch  hành động của UBND tỉnh: “Thực hiện chiến lược xuất khẩu hàng hóa thời kỳ 2012 - 2020, định hướng đến năm 2030”. Ðẩy mạnh tuyên truyền để doanh nghiệp thấy rõ lợi ích của Hiệp định thương mại tự do (FTA), tận dụng lợi thế ưu đãi thuế quan của Hiệp định thương mại tự do trong khối ASEAN và các đối tác đã ký với FTA, Hiệp định tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong đó, chú trọng khai thác các thị trường: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc… và quan tâm vào các mặt hàng phục vụ xuất khẩu gồm: may mặc, dệt khăn, sợi, hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản, thủy sản.

 Làm tốt công tác quy hoạch để xây dựng các vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, vùng trồng rau quả tập trung, vùng cấy lúa hàng hóa tập trung để tạo nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, giải quyết nhanh gọn các thủ tục khai báo hải quan, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hoàn thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu nguyên liệu, các chính sách tín dụng ưu đãi với hàng xuất khẩu.

Sở cũng sẽ tiếp tục làm tốt công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu hàng hóa sản phẩm, đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống gian lận thương mại, nhập lậu, trốn lậu thuế… từng bước làm lành mạnh hóa thị trường, thúc đẩy sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu phát triển.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa