Thứ 4, 03/07/2024, 10:43[GMT+7]

Bình Nguyên Điểm sáng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Thứ 3, 08/04/2014 | 14:28:01
798 lượt xem
Bình Nguyên (Kiến Xương) có 4 thôn với 8.000 khẩu, có 4.800 người trong độ tuổi lao động, tỷ lệ lao động có nghề thường xuyên chiếm khoảng 60%. Để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, ngoài phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, Bình Nguyên đã giữ thế chủ động phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN). Năm 2013, giá trị sản xuất CN - TTCN của Bình Nguyên đạt 53,7 tỷ đồng, tăng 5,7 tỷ đồng so với năm 2012.

Xưởng may của anh Phạm Xuân Nam, thôn Quân Hành tạo việc làm cho 50 lao động địa phương.

Có được kết quả đó, ngay từ đầu năm Bình Nguyên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền duy trì nghề truyền thống, du nhập nghề mới. Hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất đào tạo hàng chục lao động bằng nguồn vốn khuyến công. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế gia đình. Do đó một số ngành nghề như đan mặt ghế cói, đan mây xuất khẩu, đan ghế nhựa, đan tre truyền thống được duy trì và tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông nhàn ở địa phương.

Hiện tại toàn xã có 586 cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ cá thể với 35 hộ vận tải, 256 hộ thương mại, dịch vụ, 256 hộ làm tiểu thủ công nghiệp, 25 tổ xây dựng dân dụng, 23 cơ sở sản xuất đồ mộc. Nhiều ngành nghề, dịch vụ cho thu nhập khá cao và có chiều hướng phát triển tốt đã thu hút đông đảo người dân làm nghề như nấu rượu 16 hộ, 4 hộ kinh doanh gas, 9 hộ kinh doanh vật liệu xây dựng, 6 hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp, 13 hộ sản xuất bún bánh, làm đậu phụ, 36 hộ xay xát...

Đặc biệt, đã có 6 doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào địa bàn, trong đó 3 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động. Điển hình như Công ty TNHH Thế Anh hàng năm kinh doanh trên 300 tấn lương thực đem lại doanh thu trên 3 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động với mức lương bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng; Công ty TNHH Thanh Thủy kinh doanh nhà hàng ăn uống, doanh thu năm 2013 đạt trên 2,3 tỷ đồng, tạo việc làm cho 5 lao động.

Trong phát triển nghề, Bình Nguyên duy trì làng nghề truyền thống Quân Hành được UBND tỉnh công nhận. Làng có gần 3.000 khẩu, trong đó 1.200 người trong độ tuổi lao động, trên 600 lao động tham gia làm nghề. Ngoài nghề mây tre đan là nghề chính thu hút 150 lao động, đem lại giá trị gần 3 tỷ đồng, Quân Hành còn phát triển đa dạng các ngành nghề khác như 90 hộ làm đệm ghế cói, 25 hộ đan ghế nhựa, 12 hộ làm mộc, 15 hộ xay xát, 25 hộ may mặc, 12 hộ nấu rượu, 6 hộ làm bún. Với kết quả đó, giá trị sản xuất năm 2013 của làng Quân Hành đạt trên 20 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất từ nghề đạt trên 11 tỷ đồng, chiếm 55,1%.

Chủ cơ sở sản xuất ghế nhựa mây Nguyễn Văn Môn cho chúng tôi biết: Để nâng cao thu nhập gia đình, cách đây 4 năm ông Môn đã lên Thành phố Thái Bình để tìm nghề, chuyển từ buôn bán sang làm nghề đan ghế nhựa cho Công ty TNHH Liên Thắng. Từ đó ông Môn đã tạo việc làm thường xuyên cho 35 - 40 lao động trong xã với thu nhập từ 2 - 2,8 triệu đồng/người/tháng. Bình quân mỗi tháng cơ sở sản xuất 400 sản phẩm bao gồm các mặt hàng như bàn, ghế, đôn, đem lại thu nhập cho gia đình mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng.

Hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn xã cũng đã phát triển khá mạnh đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất và phục vụ tiêu dùng cho nhân dân. Nhất là các dịch vụ hoàn thiện công trình xây dựng, dịch vụ ăn uống, các hàng hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Đặc biệt, năm 2013 Bình Nguyên được tiếp nhận chương trình xúc tiến thương mại đưa hàng Việt về nông thôn tổ chức trong thời gian 3 ngày với quy mô 22 gian hàng. Thông qua chương trình, đã thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho nhân dân địa phương tiếp cận với hàng hóa và quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các đơn vị sản xuất. Hàng năm có hàng trăm hộ gia đình tham gia dịch vụ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ với tổng dư nợ đến nay tới trên 67 tỷ đồng. Bình Nguyên cũng chú trọng  tới việc đầu tư phát triển chợ theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên diện tích hơn 4.000m2 với trên 100 gian hàng bày bán các mặt hàng nông sản thực phẩm, thu hút từ 300 - 400 người tới giao dịch.

Với kết quả đó, năm 2013 giá trị sản xuất thương mại dịch vụ của Bình Nguyên đạt 50,7 tỷ đồng, tăng 6,1 tỷ đồng so với năm 2012. Năm 2014, Bình Nguyên phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 53,7 tỷ đồng, giá trị thương mại dịch vụ đạt 50,7 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/năm, tăng 2,3 triệu đồng so với năm 2013. 

Quốc Cường

                                   

  • Từ khóa