Thứ 4, 03/07/2024, 11:01[GMT+7]

Nhìn lại 10 năm hình thành và phát triển các khu công nghiệp

Thứ 3, 15/04/2014 | 10:01:52
1,610 lượt xem
Việc hình thành các KCN không chỉ giúp tỉnh khai thác tiềm năng thế mạnh sẵn có về đất đai, tài nguyên, nguồn nhân lực... mà còn góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đồng thời giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng chục nghìn lao động địa phương.

Dây chuyền sản xuất của Nhà máy bia Hà Nội - Thái Bình tại KCN Sông Trà.

Sau hơn 10 năm thực hiện chủ trương xây dựng các khu công nghiệp (KCN) tập trung, đến nay Thái Bình đã có 7 KCN được Chính phủ chấp thuận phê duyệt.

Việc hình thành các KCN không chỉ giúp tỉnh khai thác tiềm năng thế mạnh sẵn có về đất đai, tài nguyên, nguồn nhân lực... mà còn góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đồng thời giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng chục nghìn lao động địa phương.

Phúc Khánh là KCN đầu tiên hình thành tại tỉnh ta vào cuối năm 2002 với quy mô diện tích ban đầu 120ha trên địa bàn Thành phố Thái Bình. Hiện tại, Thái Bình đã có 7 KCN tập trung được Chính phủ chấp thuận đưa vào danh mục phát triển các KCN Việt Nam với tổng diện tích quy hoạch là 1.276ha. Trong đó, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 6 KCN với quy mô diện tích 770ha, gồm: Phúc Khánh (130ha), Nguyễn Ðức Cảnh (68ha), Tiền Hải (251ha), Gia Lễ (85ha), Cầu Nghìn (214ha) và KCN Sông Trà (200ha). Ngay sau khi được quy hoạch chi tiết, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực kết hợp giữa ngân sách Nhà nước với xã hội hóa tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN.

Nhờ làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đưa ra nhiều cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư thông thoáng hấp dẫn, thời gian qua các KCN tỉnh ta trở thành địa chỉ đỏ thu hút khá đông các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ðến nay, 2 KCN Phúc Khánh và Nguyễn Ðức Cảnh đã lấp đầy 100% diện tích đất dành cho công nghiệp; KCN Gia Lễ đã cho thuê 64,5/68,8ha đất dành cho công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy đạt 93,75%; KCN Tiền Hải cho thuế hết 60ha theo quy định của Chính phủ; các KCN còn lại đều thu hút ít nhất 3 dự án đầu tư với diện tích đất đã cho thuê từ 14 - 35ha.

Năm 2003 mới có 26 dự án đăng ký đầu tư vào KCN của tỉnh với số vốn 483,5 tỷ đồng thì đến hết năm 2013 các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút 138 dự án với tổng số vốn đăng ký lên tới 14.111 tỷ đồng. Trong đó 121 dự án đã hoàn thành xây dựng chính thức đi vào hoạt động với số vốn thực hiện đạt gần 13.000 tỷ đồng, chiếm 92% vốn đăng ký.

Ngoài các doanh nghiệp trong nước, các KCN đã thu hút được 34 dự án FDI (vốn đầu tư nước ngoài) với số vốn đăng ký đạt 5.858 tỷ đồng. Trong số các dự án đầu tư vào KCN có 32 dự án dệt may, 24 dự án cơ khí, 10 dự án về điện - điện tử, 27 dự án về thủy tinh - vật liệu xây dựng... Các doanh nghiệp đăng ký đầu tư cũng khá đa dạng về hình thức, với doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu là loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn, với các doanh nghiệp trong nước chủ yếu là loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn (chiếm 68%) và công ty cổ phần (chiếm 29%). Lượng vốn đầu tư bình quân trên mỗi dự án cũng tăng nhanh qua các năm: Năm 2003 vốn đầu tư trung bình của 1 dự án là 18,5 tỷ đồng đến năm 2013 tăng lên 103 tỷ đồng.

Việc hình thành các KCN tập trung trên địa bàn đã góp phần tạo bước đột phá về tăng trưởng giá trị sản xuất (GTSX) ngành Công nghiệp của tỉnh. Năm 2003 giá trị sản xuất tại các KCN đạt 70,2 tỷ đồng, chiếm 3,02% tổng GTSX ngành Công nghiệp đến nay GTSX đạt gần 5.000 tỷ đồng, chiếm 36,7% tổng GTSX ngành Công nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trong KCN tăng từ 140 tỷ đồng lên 428 triệu USD, chiếm 44% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Ðặc biệt, năm 2013 các doanh nghiệp tại các KCN đóng góp cho ngân sách Nhà nước hơn 500 tỷ đồng tiền thuế, đồng thời tạo việc làm cho khoảng 47.400 lao động...

Ðể các KCN tập trung tiếp tục khẳng định vị trí, phát huy vai trò đầu tàu quyết định sự phát triển của ngành Công nghiệp địa phương, thời gian tới tỉnh chủ trương rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch tổng thể mạng lưới các KCN và quy hoạch chi tiết từng KCN làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách và kêu gọi thu hút đầu tư. Huy động các nguồn lực cả trong và ngoài ngân sách đầu tư hoàn thiện hạ tầng, nhất là các KCN chưa lấp đầy và các KCN dự định quy hoạch mới tại khu kinh tế ven biển. Hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, ưu tiên các dự án có số vốn lớn, công nghệ hiện đại thân thiện với môi trường. Ðồng thời tăng cường hơn nữa công tác quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, quy hoạch xây dựng, việc sử dụng đất, bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp hoạt động trong KCN góp phần thúc đẩy ngành Công nghiệp tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững.

Vũ Mạnh

  • Từ khóa