Thứ 4, 03/07/2024, 11:05[GMT+7]

Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2020

Thứ 6, 18/04/2014 | 15:59:36
986 lượt xem
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng vừa ký Quyết định số 3218/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với quan điểm “phát triển ngành Dệt May theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững; chuyển mạnh sản xuất từ gia công sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm, đảm bảo nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu”.

Phát triển ngành Dệt May theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững.

 

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch nhằm xây dựng ngành công nghiệp Dệt May trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, hướng về xuất khẩu và có khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng cao; tạo nhiều việc làm cho xã hội; nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập vững chắc vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

 

Cùng với đó, phấn đấu đảm bảo cho ngành Dệt May phát triển bền vững, hiệu quả trên cơ sở công nghệ hiện đại, hệ thống quản lý chất lượng, quản lý lao động, quản lý môi trường theo các chuẩn mực quốc tế; phân bố dệt may ở các vùng phù hợp: thuận lợi về nguồn cung cấp lao động, giao thông, cảng biển. Đến năm 2020, ngành Dệt May xây dựng được một số thương hiệu nổi tiếng.

 

Theo Quy hoạch, các sản phẩm, lĩnh vực quan trọng được phát triển theo định hướng:

 

Tăng cường cho ngành may xuất khẩu để tận dụng cơ hội thị trường; trong đó: đa dạng hóa và nâng cao đẳng cấp mặt hàng may mặc, phát triển các mặt hàng có giá trị gia tăng cao; nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực trong quản lý doanh nghiệp, thiết kế mẫu, quản lý chất lượng, xúc tiến thương mại;...

 

Xây dựng Chương trình sản xuất vải phục vụ xuất khẩu, phát triển các sản phẩm dệt kỹ thuật, sản phẩm dệt phục vụ y tế; tập trung vào các khâu trọng yếu nhằm tăng chất lượng sản phẩm và lòng tin khách hàng, trong đó khâu dệt nhuộm, hoàn tất là quan trọng nhất. Các dự án đầu tư sản xuất sợi, dệt, nhuộm, cần lựa chọn công nghệ phù hợp theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm và ít gây ô nhiễm môi trường;...

 

Phát triển nguồn nguyên liệu xơ bông, các loại cây có xơ sợi, xơ sợi nhân tạo và phụ liệu; trong đó lựa chọn, đầu tư bổ sung các nhà máy sản xuất xơ sợi nhân tạo, từng bước chủ động đáp ứng nhu cầu của ngành dệt về chủng loại, chất lượng, số lượng, nhằm mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa; triển khai chương trình phát triển cây bông, trong đó chú trọng xây dựng các vùng trồng bông có tưới nhằm tăng năng suất và chất lượng bông xơ trong nước, cung cấp cho ngành dệt.

 

Quy hoạch ngành công nghiệp Dệt May theo vùng lãnh thổ được phân bố ở các khu vực như sau:

Vùng đồng bằng sông Hồng: trong đó Hà Nội là trung tâm về thiết kế thời trang, trung tâm sản xuất mẫu mã, cung cấp dịch vụ, nguyên phụ liệu, công nghệ dệt may, tiếp tục phát triển một số doanh nghiệp may các sản phẩm cao cấp, sản phẩm mẫu có chất lượng cao, giá trị gia tăng cao. 

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc: định hướng sản xuất sợi, dệt, nhuộm cung cấp cho ngành may trong nước, đồng thời xuất khẩu thông qua cửa khẩu quốc tế...; 

Vùng Bắc Trung bộ: phát triển mạnh đầu tư sợi, dệt, nhuộm; đầu tư phát triển vùng nguyên liệu bông xơ tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình...; 

Vùng đồng bằng sông Cửu Long: định hướng sản xuất sợi, dệt, nhuộm tại khu công nghiệp Xuyên Á – tỉnh Long An. Phát triển sản xuất may xuất khẩu và tiêu thụ nội địa tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bạc Liêu, Kiên Giang. 

Vùng Tây Nguyên: định hướng đẩy mạnh chuyên môn hóa các cây nguyên liệu dệt như bông, dâu tằm, gắn liền với chế biến, tạo ra các sản phẩm cho thị trường xuất khẩu và nội địa. Đồng thời kết hợp phát triển các cơ sở may phục vụ nội địa hoặc làm vệ tinh cho đơn vị may xuất khẩu...

Theo dangcongsan.vn

  • Từ khóa