Thứ 2, 08/07/2024, 18:55[GMT+7]

Địa linh đa thần

Thứ 2, 20/07/2020 | 08:14:38
5,934 lượt xem
Sự kết hợp giữa thờ thiên thần và nhân thần, giao thoa giữa tín ngưỡng và tôn giáo phản ánh đời sống tâm linh phong phú của người dân các làng của xã Đồng Tiến, phản ánh rõ nét diện mạo và giá trị của tín ngưỡng thờ Thần hoàng và Thành hoàng làng của người Việt.

Di tích lịch sử quốc gia miếu Hòe Thị, thôn Đông Hòe, xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ.

Trong tiềm thức sâu xa, các thế hệ người dân làng Cổ Đẳng, Kẻ Neo, Bất Nạo, Đông Hòe, Quan Đình Bắc, Quan Đình Nam thuộc xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ luôn “khắc khoải” nỗi lo “mai một” mỹ tục thờ cúng Thành hoàng và Thần hoàng từ cổ xưa đến nay vẫn được thực hành nghi lễ mỗi năm một lần vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, trùng với ngày Quốc giỗ Hùng Vương ở đình, miếu và đặc biệt mỗi làng lại thờ một vị thần riêng của làng mình. Đó là những vị thần có công lao lớn trong việc bảo vệ, coi sóc con dân của làng như Thần Lai Công, Đức Thánh Trần Khánh Dư, Trạng nguyên Vũ Duệ, Đức Thánh Trực, Thạch Thần Quý nhân Đại vương, thần “Ông ăn mày”, thần rắn...

Sáu “ngôi làng” có truyền thống văn hoá sâu đậm tục lệ thờ Thần hoàng, Thành hoàng làng ấy hàng năm đều mở hội làng để cầu may. Lễ rước Thành hoàng, Thần hoàng của các làng cũng có nét độc đáo riêng, nhưng tựu trung đều thỏa mãn nhu cầu tâm linh của người dân trong làng, thu hút đông đảo nhân dân quanh vùng tham gia lễ hội. Để làm sáng tỏ nét đẹp trong nghi thức thờ cúng Thần hoàng, Thành hoàng, nhóm nghiên cứu chúng tôi đã tìm đọc các thư tịch cổ về địa danh, vùng hạ lưu sông Cô, thấy có tên 3 “trại ấp” còn giữ nguyên tên địa danh cổ từ thời Hùng Vương đến nay là “Lạc Cổ” thuộc xã An Dục và “Cổ Đẳng”, Kẻ (Cổ) Neo thuộc xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ. Theo sách “Bắc Kỳ trấn phủ huyện xã” thì thời nhà Lê trở về trước Lạc Cổ và Cổ Đẳng có tên “Cô Cổ”. Theo từ điển Hán Việt, Cô có các ngữ nghĩa là nơi buôn bán, đất của “bà cô” hoặc là vùng bị cô lập. Cổ cũng hàm chứa nội dung vùng đất cổ, nơi sản sinh lưới vó lớn. Địa danh Kẻ, Cô hàm chứa nội dung địa vực vùng giao lưu kinh tế, theo cách suy đoán này “Cô” và “Cổ” là nơi buôn bán, giao lưu thương mại từ thời cổ xưa.

Theo các tài liệu khảo cứu, tín ngưỡng thờ cúng của người dân sáu  làng Cổ Đẳng, Kẻ Neo, Bất Nạo, Đông Hòe, Quan Đình Bắc, Quan Đình Nam thuộc xã Đồng Tiến có quan hệ gắn bó mật thiết với các thần thoại, truyền thuyết, nghi lễ, phong tục và lễ hội văn hoá tạo thành giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể có ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hoá, tinh thần của người dân làng quê miền duyên hải. Trong chuyến điền dã tìm hiểu về các nghi lễ thờ Thần hoàng, Thành hoàng làng khu vực Nam sông Luộc, chúng tôi tìm về địa bàn xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ, nhiều giá trị văn hoá tín ngưỡng thờ Thần hoàng và Thành hoàng làng của người dân nơi đây được “phát lộ”. Các bậc cao niên làng Cổ Đẳng cho biết, Thành hoàng làng Cổ Đẳng là nhân thần, vốn là Trạng nguyên Vũ Duệ. Ông nổi tiếng về óc sáng tạo, lòng trung thực và khẩu tài từ nhỏ. Truyền ngôn, ngày còn nhỏ Vũ Duệ thường hay chơi đùa với bọn trẻ con trong xóm. Một lần, Duệ lấy đất nặn con voi, bắt hai con bướm làm hai tai, cầm con đỉa làm vòi, lấy bốn con cua làm chân. Con voi bằng đất có thể di chuyển được khiến ai cũng ngạc nhiên. Lần khác, có người đến đòi nợ, Duệ liền trả lời rằng: “Bố tôi đi chém cây sống, trồng cây chết” còn “Mẹ tôi đi bán gió, mua que”. Người đòi nợ lấy làm lạ, tò mò hỏi bố mẹ Duệ làm gì nhưng Duệ không nói. Cuối cùng chủ nợ phải dỗ dành: “Mày nói thật, ta sẽ tha nợ cho”. Duệ cầm một cục đất dẻo bảo chủ nợ in tay vào làm chứng. Sau đó, Duệ nói “Bố tôi đi nhổ mạ cấy lúa, còn mẹ tôi đi bán quạt”. Người chủ nợ ngẩn mặt ra, không biết nói làm sao, nhân khuyên cha mẹ Duệ cho đi học. Duệ học rất thông minh, các sách chỉ đọc qua một lần là thuộc. Nhân dân trong làng Cổ Đẳng suy tôn ông làm Thành hoàng làng nhằm đề cao tinh thần hiếu học của những người con trong làng. Từ làng Cổ Đẳng, mở rộng diện khảo cứu ra các làng Quan Đình Bắc, Quan Đình Nam, Đông Hoè, Cao Mộc, Kẻ Neo, Bất Nạo... được biết Thành hoàng làng Quan Đình Bắc là Đức Thánh Trực Công Nhập Nội Hành Khiển Đại Vương. Ngài họ Chu, tên húy là Trực, cha là Chu Việt, mẹ là Hiền. Ngài có công rất lớn giúp Vua Hùng đánh giặc Thục và các bộ tộc quanh vùng đến xâm lược nước Văn Lang. Vị tướng Cao Sơn từ miền núi Tản Viên (Ba Vì, Hà Nội nay) chiêu mộ quân sĩ, lập đồn binh, tích lũy lương thực và tiến đánh quân Thục. Truyền ngôn, trong các trận đánh thường thì Đức Thánh đi hậu quân, Đức Thánh Tản Viên đi trung quân, ông Đồng, ông Nghệ đi tiên phong. Sau khi chiến thắng giặc xâm lăng, Vua Hùng vui mừng liền phong chức, ban tước và cho hưởng bổng lộc được chọn vùng đất làm thực ấp. Ngài đã đến Lan Đình (làng Quan Đình ngày nay) khai làng, mở ấp, đem binh sĩ về làng Lan Đình đóng quân, nhân dân được hưởng an vui, phong cảnh thái bình. Khi Ngài qua đời, nhân dân lập đình hương hỏa, thờ phụng và được Quốc Triều gia phong mỹ tự: “Nhất phong hiển ứng anh linh nhập nội Hành Khiển Trực Công Đại Vương” trải hậu Lý, tiền Lý, Trần, Lê. Thành hoàng làng Quan Đình Nam là Thạch Thần quý nhân Đại vương. Tương truyền, vào thời Hùng Vương có hai vợ chồng ngoài 40 tuổi nhưng vẫn chưa có con. Họ chăm làm việc thiện, cứu giúp người nghèo. Sau đó, bà có thai sinh được một người con gái dung nhan tuyệt sắc đặt tên là Thạch Nương. Nàng vừa tròn 18 tuổi thì được gả chồng tên là Cao Công ở trang Văn Xá, huyện Thanh Liêm. Một hôm, nàng cùng chồng đi thuyền qua bến Bích Trì thì gặp 2 quả trứng bèn cho vào nồi luộc. Lạ thay, đun từ sáng đến chiều mà nước vẫn lạnh, không thể chín được. Cao Công cho là chuyện lạ, bèn đem thả xuống giếng. Trăm ngày sau, hai quả trứng nở ra hai con rắn, mỗi con dài hai trượng. Hai con rắn trông thấy Cao Công thì vui mừng lắm. Khi giặc Thục đem quân đánh tiến nước ta, Vua Hùng lấy làm lo lắng, bèn lập đàn cầu trời đất và bách thần. Đêm ấy, nhà vua được báo mộng: Thiên đình cử hai vị tướng tài xuống trợ giúp là hai vị thủy thần hiện đang ẩn mình thành mãng xà giáng sinh ở làng Văn Xá. Nhà vua sai người xuống ngôi làng ấy thì bỗng nhiên trời đất tối rầm, hai mãng xà xuất thế thành hai người trai trẻ, mình rồng, cưỡi ngựa xung trận, đánh tan quân xâm lược. Một hôm, Thạch Nương đi thăm thú trang Lan Đình, huyện Phụ Phượng, phủ Thái Ninh, đạo Sơn Nam (nay là làng Quan Đình), thấy nhân dân ở đây nhiều năm bị mất mùa, đời sống khổ cực, bà liền đem tiền bạc của mình nộp thuế thay cho dân còn khuyến khích nhân dân trồng lúa, nuôi tằm, trị thủy, trừ điều hại. Sau đó, Thạch Nương tự nhiên không mắc bệnh mà qua đời. Nhà vua thương xót, mới truy phong bốn chữ “Hiển ứng linh thông”, cho hai ấp của trang Lan Đình  đón sắc về cho dân thờ phụng. Nhân thần được phong Thành hoàng làng Bất Nạo là tướng Lai Công. Truyền ngôn ngài là tướng thời Hai Bà Trưng có công lao đánh giặc ngoại xâm. Tương truyền, thầy giáo cũ của Lai Công là người thôn Quan Đình nên sau khi thắng trận, tưởng nhớ công ơn của thầy, ngài trở về Quan Đình thăm thầy. Khi về đến đầu làng, ngài quỳ xuống vái lạy thầy dạy, bỗng một cơn gió ập tới cuốn ngài đi. Để tưởng nhớ công lao của ngài khi cầm quân đánh giặc giữ nước và là người có công giúp Hai Bà Trưng đánh giặc giữ nước, dân làng Bất Nạo đã thờ ông làm Thành hoàng làng...

Sự kết hợp giữa thờ thiên thần và nhân thần, giao thoa giữa tín ngưỡng và tôn giáo phản ánh đời sống tâm linh phong phú của người dân các làng của xã Đồng Tiến, phản ánh rõ nét diện mạo và giá trị của tín ngưỡng thờ Thần hoàng và Thành hoàng làng của người Việt.


Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thao, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Cổ Đẳng, xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ

Thông qua lễ hội làng, nhân dân 6 làng trong xã có cơ hội giao lưu văn hóa của mỗi làng, mang đến cho nhân dân nguồn vui, niềm phấn khởi gắn bó với nhau hơn, hiểu nhau hơn và giúp đỡ nhau trong cuộc sống đời thường. Đó chính là những giá trị phi vật chất mà hội lễ rước Thành hoàng làng đem lại.

Cựu chiến binh Đỗ Xuân Biền, Trưởng thôn Cổ Đẳng, xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ
Hiện nay, khu đất đình Cổ Đẳng xưa vẫn còn bỏ trống. Cán bộ, nhân dân thôn Cổ Đẳng chúng tôi tha thiết đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, tỉnh, huyện tạo điều kiện giúp đỡ để nhân dân thôn Cổ Đẳng xây dựng lại ngôi đình trên nền đất cổ xưa, gắn với tục lệ thờ Thành hoàng làng.

Cựu chiến binh Đỗ Xuân Du, thôn Cổ Đẳng, xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ
Làng Cổ Đẳng chúng tôi có một nét đẹp văn hóa “đầu tuổi” 18, 39, 49. Mọi “công to, việc lớn” trong làng sẽ do các đầu tuổi gióng dựng, lo toan. Bắt đầu độ tuổi 18 gọi là “vào làng” dành cho những cậu choai bước vào tuổi trưởng thành cũng phải sắm lễ ra đình, lễ bái tạ Thành hoàng làng. Người xưa quan niệm qua được tuổi 49 nghĩa là thọ.

Quang Viện