Thứ 2, 08/07/2024, 19:47[GMT+7]

Kỳ địa Đinh Danh

Thứ 2, 31/08/2020 | 08:34:18
5,323 lượt xem

Từ đường Đinh Danh ở làng Đún Ngoại, xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà còn lưu giữ được ba gian hậu cung từ 400 năm trước.

Sử cũ chép, vào năm Cảnh Hưng thứ 18 (1747), thời hậu Lê, theo lệnh của triều đình, ông Đinh Phúc Thuần đời thứ 14 dòng họ Đinh ở làng Y Đún (Đún Ngoại) thảo bản “khai báo” công trạng của 15 người họ Đinh có công lao “phụng thờ” vương triều Lê từ khi Lê Thái Tổ khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh qua thời trung hưng diệt Mạc cho đến đời vua Lê Hiển Tông. Theo “khai báo” dòng họ có 4 người được phong tước Quốc công, 3 người Quận công, 1 người tước Bá, 13 tước Hầu, 4 người được phong làm Phúc thần, Đại vương, nhiều người làm đến chức Thái sư, Tư không, Thái phó, Thái tể…

Tương truyền, cuối thế kỷ XIV có một người con trai họ Đinh tên là Thỉnh quê ở “hương” Mỹ Lâm, huyện Thụy Nguyên, đạo Thanh Hoa (nay là tỉnh Thanh Hóa) phiêu dạt đến làng Đún Ngoại, huyện Thần Khê, phủ Ngự Thiên, đạo Sơn Nam (nay là xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà) kiếm kế mưu sinh. Phú ông họ Phạm trong làng có cô con gái nuôi là Phạm Thị Gái đẹp người, đẹp nết tuổi vừa tròn trăng, “nhác thấy” Đinh Thỉnh gương mặt tuấn tú lại “có chữ” nên nhận về làm gia sư cho con gái. “Lửa gần rơm” dần dà Đinh Thỉnh bén duyên con gái nuôi của phú ông. Mối tình “cầm sắt” đơm hoa kết trái, phú ông “đứng lên” xe duyên cho hai người, chỉ năm sau vợ chồng Đinh Thỉnh đã sinh con trai, Đinh Thỉnh liền đặt tên con là Tôn Nhân. Khi Tôn Nhân khôn lớn, Đinh Thỉnh “dắt” con về thăm quê nội Thanh Hoa. Về quê đúng lúc Đặng Dung (là con Quốc công Đặng Tất), Nguyễn Cảnh Dị (là con Tham mưu quân sự Nguyễn Cảnh Chân) vừa bị Giản Định Đế giết hại, hai tướng trẻ đem quân từ Thuận Hóa về Thanh Hóa đón Trần Quý Khoáng (tức Trùng Quang Đế là con thứ của Mẫn Vương Ngạc, cháu nội của vua Trần Nghệ Tông, gọi Giản Định Đế bằng chú ruột) đưa vào Nghệ An dựng làm vua để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Minh. Đinh Thỉnh cùng con trai theo Trần Quý Khoáng, tiếc thay việc lớn không thành, tháng 4 năm Giáp Ngọ (1414), do lực lượng mỏng không thể chống lại giặc Minh, tướng giặc Minh là Trương Phụ, Mộc Thạch bắt được Trần Quý Khoáng, Đặng Dung, Nguyễn Súy đem về Trung Quốc. Trên đường bị giải đi, vua tôi nhà hậu Trần đã nhảy xuống biển tự tử để giữ khí tiết. Hai cha con Đinh Thỉnh lại tìm đến nhà hào kiệt Lê Khoáng (thân phụ Lê Lợi) xin làm quản gia. Lê Lợi thấy cha con ông Đinh Thỉnh là người có chí khí, bèn xin cha (Lê Khoáng) gả em gái của mình cho Đinh Tôn Nhân. Vợ chồng Đinh Tôn Nhân sinh được 3 người con trai là Đinh Lễ, Đinh Bồ và Đinh Liệt. Ba anh em nhà họ Đinh sau này đều là những bậc kiệt hiệt và đều là khai quốc công thần của triều hậu Lê. Đinh Bồ hy sinh ở trận Khả Lưu, Lê Lợi vô cùng thương tiếc, truy tặng Định Quốc công. Đinh Lễ làm đến chức Tư không. Vào năm 1426 nghĩa quân Lam Sơn đã chuyển từ thế thủ sang tấn công, tiêu diệt quân thù giải phóng đất nước. Đại quân tiến từ vùng Thanh - Nghệ ra Đông Quan để đánh nhau với Tổng binh Vương Thông, Lê Lợi sai Đinh Lễ nhử địch đánh tại trận Trúc Động diệt hơn năm mươi vạn tên, bắt sống trên mười vạn tên khác. Trận đánh ở My Động do Đinh Lễ và Nguyễn Xí chỉ huy, quân ta thắng lớn. Nhân đà thắng lợi, nghĩa quân tiến đánh sát thành Đông Quan, quân địch kéo ra quá đông, lực lượng địch ta chênh lệch quá lớn, voi chiến bị sa lầy, tại bến Chương Dương, Đinh Lễ, Nguyễn Xí bị giặc vây bắt. Nguyễn Xí giả hàng, Đinh Lễ không chịu khuất phục nên bị giặc giết hại. Lê Lợi vô cùng thương tiếc, truy tặng Đinh Lễ tước Bân Quốc công. Đinh Lễ sinh được 3 người con trai là Đinh Trung, Đinh Vệ, Đinh Vĩnh Thái và một người con gái không rõ tên. Sau khi Đinh Lễ hy sinh, Lê Lợi trọng dụng người em ruột của ông là Đinh Liệt. Bấy giờ Đinh Liệt đang ở mặt trận phía Bắc, Lê Lợi cho gọi về dinh Bồ Đề (nay thuộc Gia Lâm) giao cho chỉ huy đội quân Thiết đột ở bên cạnh chủ tướng. Trong khi ấy, Liễu Thăng đem mười vạn quân sang để tiếp viện cho Vương Thông đang bị vây ở thành Đông Quan. Mộc Thạnh cũng đem năm vạn quân vượt qua biên giới Lao Cai tiến vào nước ta. Lê Lợi sai Đinh Liệt và Đại tư mã Lê Sát đem quân Thiết đột tiến lên Lạng Sơn chặn đường đánh địch. Đinh Liệt đem đại binh tiến thẳng tới ải Chi Lăng (Lạng Sơn) trực tiếp chỉ huy trận đánh địch ở núi Mã Yên, chém chết Liễu Thăng, thu được bằng sắc và ấn kiếm của tướng giặc khét tiếng này đem về dinh Bồ Đề. Đinh Liệt lại cùng Lê Sát và các tướng khác đánh trận Xương Giang bắt sống Thượng thư Hoàng Phúc, Đô đốc Thôi Tụ (quan đại thần triều Minh làm tán quân vụ An Nam). Lê Lợi sai người đem ấn kiếm của Liễu Thăng lên Lao Cai trao cho Mộc Thạnh. Mộc Thạnh run bắn người lên khi nhìn thấy ấn kiếm, hắn bèn xua quân tháo chạy về nước. Vương Thông thế cô cũng mở cổng thành Đông Quan xin đầu hàng quân ta. Năm 1428, khi đất nước sạch bóng quân xâm lược, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế đặt niên hiệu là Thuận Thiên năm thứ nhất. Triều đình luận công khen thưởng Đinh Liệt là một trong những Đệ nhất công thần khai quốc. Sau đó ông được giữ chức Thái phó giúp vua Thái Tông trị nước.

Từ đường họ Đinh ở làng Đún Ngoại, xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà vẫn còn lưu giữ được đôi câu đối: Quốc sử lưu bi địa giáp Chú Đình thang mộc ấp/Thần châu hưng nhượng danh trì mỹ lý duệ di hương. Tạm dịch nghĩa: Sử vàng bia đá còn ghi Thúy Sách thuở trước danh ấp thang mộc/Làng đẹp sông thần lại chép Thần Khê ngày nay tiếng thơm con cháu truyền. Đại ý là: Sử sách bia đá còn chép đất Chú Đình (tức sách Thúy Lâm) xưa đã sinh ra vua Lê Lợi. Thần Châu (bãi thiêng) cũng như Thần Khê (sông thần) sinh Lê Thánh Tông. Thần Khê là danh trì (nay thuộc huyện Đông Hưng), Mỹ Lý (làng đẹp) cũng như Mỹ Lâm ở Thanh Hóa, vùng đất này đã sinh Lê Thánh Tông, cháu nội Lê Lợi.

Sử cũ ghi những năm (1480 - 1485) Đinh Thế Vĩnh từ Thanh Hóa ra làng Đún, sau đó con cháu ông chuyển tới làng Hòa Trai, xã Hoành Mỹ, Kinh Bắc (Cẩm Giàng, Hải Dương). Khoảng năm 1505 - 1529, Đinh Phúc Vận (đời thứ 7) làm tướng đóng đồn ở Hòa Trai chống nhà Mạc được triều Lê - Trịnh phong tước Nam quận công, con trai ông là Đinh Thừa Cận theo chúa Trịnh Tùng, Trịnh Tráng phò vua Lê Trang Tông, Thế Tông, Anh Tông tập hợp con cháu họ Đinh ở Hòa Trai, Y Đún đi đánh nhà Mạc lập được công lớn được phong đến chức Thái tể, Uy dũng Tán trị công thần, Thúy quận công. Con trai ông là Đinh Phúc Diên cũng theo cha đi đánh nhà Mạc lập căn cứ Hàn Giang (Hải Dương) được phong chức Thiếu úy, tước Dương quận công. Hai ông cháu Đinh Phúc Vận và Đinh Phúc Diên được chúa Trịnh Tráng thưởng cho mỗi người một tấm kim bài. Năm 1627, ông Đinh Phúc Diên về xây nhà thờ họ Đinh ở làng Đún, mang tấm kim bài về để thờ tổ tiên…


Ông Đinh Danh Lẫm, hậu duệ, trưởng ban quản lý di tích từ đường họ Đinh Danh, thôn Toàn Phúc, xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà
Khi nhà Nguyễn lên ngôi đã buộc dòng họ Đinh Phúc ở làng Đún Ngoại phải đổi thành Đinh Danh để tránh tên húy Nguyễn Phúc, chống triều đình không được, dòng họ Đinh đổi thành Đinh Danh từ đó. Hiện trong hậu cung từ đường họ Đinh làng Đún Ngoại vẫn được con cháu gìn giữ 400 năm nay. Tuy nhiên, để nơi thờ tự các bậc tiền bối công thần triều Lê được xứng tầm, con cháu dòng họ đã quyên góp tiền mua lại đất cũ, tiến hành tôn tạo ngôi từ đường mới khang trang hơn.
Ông Đinh Danh Cheng, hậu duệ, phó trưởng ban quản lý di tích từ đường họ Đinh Danh, thôn Minh Khai, xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà
Chính quyền địa phương xã Chi Lăng rất quan tâm, tạo điều kiện để dòng họ Đinh Danh chúng tôi mua gom đất của các hộ lân cận và tiến hành tôn tạo di tích. Dự kiến tòa tiền tế và hậu cung từ đường mới tôn tạo sẽ khánh thành vào dịp giỗ tổ họ Đinh.

Ông Đinh Danh Mai, hậu duệ, thủ nhang từ đường họ Đinh Danh, làng Đún Ngoại, xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà
Các bậc cao niên họ Đinh kể trước khi thực dân Pháp xâm lược Bắc kỳ tràn về làng và tàn phá từ đường, khuôn viên từ đường họ Đinh do cụ Đinh Phúc Diên chủ công xây dựng nguy nga, lộng lẫy. Con cháu còn giữ được tòa hậu cung của từ đường khá nguyên vẹn với 4 cột đá khắc câu đối về dòng tộc họ Đinh.

Quang Viện