Thứ 2, 08/07/2024, 18:48[GMT+7]

Thiên khải dư đồ

Thứ 2, 24/01/2022 | 09:40:07
8,875 lượt xem
Không cổ xưa như vùng đất phía Bắc của tỉnh như Duyên Hà, Thần Khê, Thư Trì (nay là các huyện Hưng Hà, Đông Hưng, Vũ Thư)... vốn thuộc Hưng Yên và Nam Định (cũ), mảnh đất có tên gọi Kiến Xương được cho là vùng bồi đắp bởi phù sa của sông Hồng, sông Trà Lý trên nền thềm lục địa mềm bởi quá trình biển thoái cách ngày nay hàng nghìn năm. Kết quả khảo cổ học cho thấy chứng tích vỉa than trầm tích trong lòng đất nhiều xã của huyện Kiến Xương sâu dưới lớp đất màu khoảng 80 - 120cm với nhiều dấu vết của những đầm lầy, lau lách, có những “sóng cây” bần cổ thụ còn xô đổ nghiêng. Một vùng đất trù mật đã nhanh chóng thu hút cư dân từ khắp các vùng miền về đây khai khẩn đất đai, sinh cơ lập nghiệp...

Đền làng Đắc Chúng, xã Quốc Tuấn (Kiến Xương).

Đền Đồng Xâm thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương được coi là ngôi đền cổ, linh thiêng, mặt tiền đắp nổi ba chữ “Nhất thống thủy” nghĩa là cái nút thắt về cội nguồn được “cởi” từ quê vợ mà thống nhất về một mối. Đền thờ Triệu Đà và Hoàng hậu Trình Thị, trong đền còn đôi câu đối tối cổ: “Thiên khải dư đồ, Bắc giáng thần, Nam thủy đế/Địa truyền thính lý, Kim thanh miếu, tính hành cung”. Tạm dịch nghĩa: Trời mở ra vùng đất rộng, thoáng tầm mắt, thần giáng phương Bắc, vua đầu phương Nam, đất truyền quê ngoại, xưa hành cung, nay đền miếu. Lý giải cho nội dung câu đối tối cổ này có nhiều tài liệu hành văn cổ, trong đó có thư của Triệu Đà gửi Hán Vũ Đế báo cáo rằng, trong thời gian qua lại vùng đất Đảo Vông (nay là xã Hồng Thái) và kết duyên với người con gái nơi đây là Trình Thị Lan trong khoảng thời gian 49 năm, thời gian này được các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng vào năm 180 trước Công nguyên, Triệu Đà là viên tướng của nhà Tần đem quân đánh Âu Lạc của Thục An Dương Vương. Chiếm được Âu Lạc rồi, Triệu Đà sáp nhập 3 quận là Âu Lạc, Văn Lang và Việt Thường. Thời nhà Nguyễn, doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ khi trị nhậm và đưa dân siêu tán đến khai khẩn và lập nên huyện Tiền Hải đã đến viếng đền Đồng Xâm, ông đề tự câu đối: “Đương niên qua mã đê Lưu, Hạng/Tự tích sơn hà triệt Bắc Nam”. Tạm dịch là: Ngựa, xe, giáo, mác năm ấy (của Triệu Đà) hạ uy thế họ Lưu, họ Hạng (tức Lưu Bang, Hạng Vũ), từ đây phân chia ranh giới rõ ràng Bắc, Nam.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khảo cứu các văn bản Hán Nôm còn sót lại cho thấy Hương Cổ Trảm là vùng đất được thành lập khá sớm của huyện Kiến Xương giáp sông Hồng hướng ra cửa Ba Lạt, Cổ Trảm là tấm bản lề Bắc Nam của huyện. Khi lập Hương, đặt tên hương, các bậc cao niên đã thêm nét “phẩy” vào chữ “Cổ” thành chữ “Hữu” đồng thời cho ba chấm “thủy” vào chữ “Trảm” thành chữ “Tiệm” gọi là “Hương Hữu Tiệm” để tránh cách đọc ngược từ “Cổ Trảm” thành “trảm cổ” có nghĩa ám chỉ không hay của người đời. Tương truyền, hai anh em họ Lý vốn quê ở Quốc Oai, Hà Tây (cũ), nay là Hà Nội tên là Lý Đại Lang chức Anh Sơn hành khiển và em là Lý Nhị Lang phó tướng của Lý Bí và Triệu Quang Phục đã đến Hương Cổ Trảm xây dựng căn cứ, chiêu tập binh sĩ nhằm giúp Lý Bí chống lại nhà Lương. Khi hai ông mất, Triệu Việt Vương sắc chỉ truy phong làm thành hoàng làng Hữu Tiệm. Sau này, dân cư đông đúc, làng Hữu Tiệm chia làm hai, Hữu Tiệm trong và Hữu Tiệm ngoài. Hữu Tiệm trong nay là thôn Lai Vy Đông, xã Quang Minh lúc đầu chỉ có mấy chục hộ gọi là “cao táo, lão thổ bất thành điền” và Hữu Tiệm ngoài nay thuộc xã Minh Hưng.

Theo tài liệu khảo cứu, khoảng năm 722, nhà Đường lên ngôi vua, ngay sau đó đã tính chuyện thôn tính nước ta, cử Cao Biền sang làm Tiết độ sứ. Cao Biền sang nước ta cai trị dân lành, ông ta đã từng đặt chân đến đất Kiến Xương như Nam Đường (Nam Cao), Trình Phố (An Ninh, Tiền Hải nay), Đồng Xâm (Hồng Thái), Động Trung (Vũ Trung, Vũ Quý), Dưỡng Thông (Thượng Hiền), Phú Cốc (Nam Bình), An Bồi, Quốc Tuấn, Vũ Lễ... Những thế đất đẹp ở Kiến Xương đều được Cao Biền ghi chép trong cuốn “An Nam địa linh Cao Biền tấu cảo tập” nguyên văn bằng chữ Hán, đáng chú ý đất Động Trung và Cổ Ninh, có đoạn ghi: “Đa Cát mạch hồi, Trần triều tướng súy, Cổ Ninh sơn ý, Kế thế khôi nguyên, Động Trung hậu thị, Phú Hữu thần thượng”. Tạm dịch là “Long mạch về Đa Cát, Vũ Quý đời đời tướng súy, Cổ Ninh dựa vào thế gò, đời đời nối tiếp nhau đỗ đầu thi cử, phía sau chợ Động Trung có huyệt để được thì giàu nghìn kho đụn”. Ngày nay, ở xã Vũ Lễ vẫn còn nhiều đền, miếu thờ Cao Biền. Tương truyền, Cao Biền luyện được phép thuật, thường “cưỡi” chiếc diều to, gọi là Phi Diểu bay trên không trung để quan sát huyệt mạch của đất. Ông từng đến cửa Ba Lạt, Trà Lý, Cửa Lân... quan sát, vẽ đồ bản, cho các em là Cao Hải, Cao Vân cùng viên tùy tướng là Tăng Cổn đảm nhiệm việc củng cố các cửa bể kể trên. Khu vực chợ Đác, xã Vũ Lễ còn địa danh Man Đích, chính làng này là trại cải tạo bằng phương pháp học tập và lao động đối với những người có tư tưởng chống đối Bắc quốc cai trị và do chính Cao Biền lập ra. 

Theo cổ sử, xã Vũ Lễ chính là đất của sứ quân Trần Lãm tặng cho Đinh Bộ Lĩnh, Bộ Lĩnh đã lấy đất này xây dựng căn cứ, luyện tập quân sĩ. Khi Trần Lãm già yếu đã nhường quyền chỉ huy và đất đai cho Đinh Bộ Lĩnh, vì thế mà thế mạnh quân sự của Đinh Bộ Lĩnh vươn lên rất nhanh, thống lĩnh thiên hạ. Khi Trần Lãm mất, dân làng Đông Vinh (Vũ Thư), Động Trung, phủ Sóc (Kiến Xương) đã lập đền thờ Trần Lãm cùng với hai tỳ tướng của ông là Bính Công và Bồ Công, nhiều làng tôn làm thành hoàng làng. 

Dân gian còn tương truyền câu chuyện về một vị tướng mất một tai, được Đinh Bộ Lĩnh khi lên làm vua phong là “Độc nhĩ đại vương”. Chuyện kể rằng, ở làng Mộ Đạo, có vị trai trẻ võ công cao cường tên là Lã Tiệp sau đổi thành Nguyễn Khoan hay còn gọi là Nguyễn Thái Bình có công mở ấp mộ đạo, tự xưng là “sứ quân” vùng Nam Kiến Xương. Khi thấy làng còn nhỏ quá đã bỏ làng lên Vĩnh Yên mở đất, trở thành sứ quân mạnh. Trong một trận giao chiến với tướng quân Lê Hoàn, Lã Tiệp bị Lê Hoàn chém sượt đầu, mất một tai. Rất may, Lã Tiệp đã nhận ra thế mạnh của Đinh Bộ Lĩnh mà nhanh chóng quy hàng.

Nhà Đinh suy vi, nhà tiền Lê cũng không trụ được lâu, nhà Lý lên ngôi với 200 năm trị vì đất nước luôn coi vùng đất Kiến Xương là địa bàn trọng yếu. Vua Lý Thái Tông và Lý Thánh Tông đã từng về vùng đất Kỳ Bố cày tịch điền, khuyến khích phát triển nông nghiệp. Đất Kiến Xương cũng là nơi dừng chân của nhiều thiền sư như Đại Minh Không, Minh Không, Tiểu Minh Không, Dương Không Lộ, Giác Hải, Nguyễn Chí Thành... Những vùng đất in dấu chân các đại thiền sư như Quân Hành, Tử Tế, Lại Trì... Thời nhà Trần, Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng là người Hưng Yên, do có mẹ là vú nuôi của vua nên Đoàn Thượng được coi là Hoàng Đệ (em vua), ông được ban lộc điền ở nhiều nơi trong đó có đất Kiến Xương. Đoàn Thượng về Kiến Xương giúp dân mở mang ruộng đất, cấp đất cho dân nghèo sinh sống. Khi Đoàn Thượng mất, nhiều làng ở Kiến Xương thờ ông làm thành hoàng làng. Các triều đại phong kiến tiếp theo phong Đoàn Thượng là “Đông Hải Đại vương thượng, thượng đẳng thần”.

Lý Tử Tấn, người làng Triều Đông, xã Minh Tân, huyện Thượng Phúc, Hà Đông (cũ) nay thuộc thành phố Hà Nội đỗ Thái Học sinh khoa Canh Thìn, niên hiệu Thánh Nguyên 1400, đời Hồ Quý Ly, làm quan thời Lê sơ đã từng về vùng đất Kiến Xương có đoạn ghi chép như sau: “Vùng đất Sơn Nam bằng phẳng, cao ráo, cấy lúa thích hợp, nhân công làm lụng hơn các lộ khác. Các triều phí dụng nuôi quân lính đều nhờ ở vùng đất ấy”.


Quang Viện