Thứ 2, 08/07/2024, 19:34[GMT+7]

Công điền, công thổ quan phân

Thứ 2, 21/02/2022 | 08:11:11
3,453 lượt xem
Đầu thế kỷ XIX, các phủ Kiến Xương, Tiên Hưng, Thái Bình thời điểm đó thuộc trấn Sơn Nam hạ, sau đó được chia thành ba huyện là Vũ Tiên, Thư Trì và Chân Định. Ba huyện này có 25 tổng, 199 làng, xã, thôn, trang, phường, sở… Phủ Tiên Hưng chia làm 4 huyện là Thần Khê, Thanh Quan, Duyên Hà và Hưng Nhân, gồm 30 tổng và 215 làng, xã. Phủ Thái Bình chia thành 4 huyện là Đông Quan, Thụy Anh, Quỳnh Côi và Phụ Dực, gồm 29 tổng và 197 làng, xã… Điều đáng lưu ý, mặc dù được chia tách từ phủ thành huyện nhưng cương vực tỉnh ta lúc đó còn lệ thuộc ranh giới với Nam Định và Hưng Yên, chưa tách thành tỉnh độc lập và cô lập ba mặt sông, một mặt biển...

Làng cổ “Chiếp Đông, Chiếp Đoài” nay thuộc các thôn Vũ Đông, Vũ Đoài, xã Hồng Lĩnh, huyện Hưng Hà là một trong những làng giữ được đất công điền, công thổ quan phân.

Điều nhận thấy rất rõ qua các tài liệu lưu trữ là bộ máy hành chính của các huyện thuộc tỉnh ta thời bấy giờ được chia tách từ phủ ra dưới quyền cai trị của thực dân Pháp thời điểm đó đều được thực dân Pháp uỷ quyền cho quan lại phong kiến trực tiếp cai trị dân chúng theo phương châm cai trị của thực dân Pháp là “dùng người bản địa cai trị người bản địa”. Các cuộc “giao ban” bắt đầu từ cấp tỉnh dưới hình thức cho xuất hiện một viên quan lại người Việt hàm nhị phẩm dưới danh hiệu tổng đốc đứng đằng sau viên công sứ thực dân, chủ tính và chấp hành những mệnh lệnh của viên công sứ đó.

Khảo tả tình hình kinh tế, chính trị tỉnh ta hồi đầu thế kỷ XIX cho thấy bộ máy cai trị rất gọn nhẹ, tuy nhiên điều khiến nhiều nhà nghiên cứu “nghi ngờ” rằng bộ máy cai trị gọn nhẹ vậy thì sao các cuộc nổi dậy và các phong trào cách mạng của nhân dân ta lại bị đàn áp dã man đến vậy. Lời giải đáp được đưa ra là bộ máy cai trị phong kiến dựa vào lực lượng vũ trang thực dân gồm cả bọn mật vụ, quân đội và cảnh sát. Thời điểm đó, quản lý nhà nước thực dân nửa phong kiến bao gồm việc tổ chức kinh doanh của nhà nước, của các nhà kinh doanh còn tổ chức hành chính chỉ căn cứ vào quy mô kinh doanh nhằm thu thuế theo quy định. Nhiều người đặt câu hỏi, với một tỉnh nông nghiệp như Thái Bình thì nguồn thu chủ yếu là thuế nông nghiệp mà chủ yếu là thuế đất đánh vào các suất đinh, đàn ông từ 15 tuổi trở lên đến năm 59 tuổi bị đánh thuế, thuế đó gọi là thuế thân, vậy thì ngân sách chi tiêu sao đủ nuôi bộ máy hành chính lại còn phải nộp lên trên thì lấy đâu ra tiền nộp? Theo các nguồn sử liệu, thuế đinh tức là thuế thân đánh vào người đàn ông từ 15 tuổi trở lên được chia thành hai hạng. Hạng 1 là người có điền sản, mức thu thuế là 2 đồng 5 hào (tiền Đông Dương) và người không có điền sản là 1 đồng. Hơn nữa, chức năng và nhiệm vụ của từng viên chức trong bộ máy cai trị được xác định rõ ràng bởi các văn bản pháp lý hoặc các quy định có tính chất pháp lý và phải chịu sự chi phối ngặt nghèo của các văn bản pháp lý đó. Một yếu tố khá quan trọng là để bộ máy cai trị có sức mạnh thì việc tuyển dụng rất ngặt nghèo khiến người được tuyển dụng vào bộ máy phải có năng lực đáp ứng được yêu cầu công việc. Ngược dòng lịch sử, vùng đất “ven bờ cuối bãi” được các vương triều từ tiền Lý đến Đinh, Lê, Lý, Trần khai thác, lập ra các điền trang, trại, ấp về sau đổi thành các làng, xã. Đó là các làng có bề dày lịch sử lại được bồi đắp liên tục của phù sa các con sông nên biển cứ dần lùi xa, lập nên vùng đất mới. Dân siêu tán từ khắp nơi đổ về khai khẩn đất đai, tiếp tục lập nên các làng xã mới. Cho đến năm 1828, doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ được triều đình nhà Nguyễn bổ dụng về đây chiêu tập dân chúng khắp nơi kể cả tù binh nhằm khai khẩn đất đai, lập nên huyện Tiền Hải. Trong tài liệu lưu trữ còn sót lại có một tài liệu đề ngày 1 tháng 5 năm 1894, nội dung ghi năm Tự Đức thứ 2, tức năm 1849 đại thần Nguyễn Công Trứ đã về Chân Định tổ chức chiêu mộ dân chúng khai hoang, lấn biển, lập làng mới. Mỗi lô đất khai hoang tương đương 600 mẫu nếu có 30 suất đinh thì thành lập 1 lý. 400 mẫu mà có 20 suất đinh thì thành lập 1 ấp. 300 mẫu đất với 10 hoặc 15 suất đinh thì lập thành trại. Dưới 200 mẫu và dưới 10 suất đinh thì lập thành giáp. Mới gần 200 năm mà các trại, ấp… đã lớn mạnh không ngừng, trở thành những làng xã trù mật, đẩy lùi biển ra xa hình thành các làng, xã mới, huyện Tiền Hải thành một pháo đài bên bờ Biển Đông.

Bề dày lịch sử của làng xã Thái Bình theo chiều giảm dần xuôi về hướng biển. Các làng, xã của tỉnh ta cũng khác nhau về quy mô diện tích, dân số và tục lệ. Nghiên cứu các tài liệu về công cuộc khẩn hoang qua các thời kỳ để hình thành nên đất đai, làng xã của tỉnh ta cho thấy, từ thời tách từ trấn Sơn Nam hạ thành một tỉnh độc lập nửa đầu thế kỷ XIX, mỗi “lý” đã lớn gấp 3 giáp và tỷ số đó được duy trì mãi sang đầu thế kỷ XX. Lấy ví dụ, theo tài liệu lưu trữ, làng Thượng Tầm, tổng Thượng Tầm, phủ Tiên Hưng (nay thuộc xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng) có diện tích 3,17km², làng Cổ Ninh, tổng Xuân Vũ (nay thuộc xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương) chỉ rộng 0,96km²… Nhìn chung, các xã có diện tích từ 1 - 2km² chiếm số đông, trong đó các làng, xã làm nghề thủ công hoặc chài lưới thường có quy mô nhỏ, dân số ít hơn các làng làm nghề nông, cấy lúa nước. Điều đáng chú ý là các làng xã của tỉnh ta sau khi thành lập tỉnh (1890) đều có phân định ranh giới rõ ràng, không có trường hợp “dân hỗn cư, điền đồng bạ” nghĩa là không có tình trạng hai làng trở lên cùng cư trú một địa bàn và cùng sở hữu ruộng đất chung một địa bàn.

Một vấn đề gắn chặt với đời sống dân sinh của mảnh đất “ven bờ cuối bãi” đó là ruộng đất, sở hữu ruộng đất có ý nghĩa then chốt quyết định đời sống kinh tế - xã hội của cư dân nông nghiệp trong tỉnh, quyết định sự phân hóa giai cấp xã hội nông thôn từ thời phong kiến như “bạch đinh” và “quan viên”. Ruộng đất cuối thế kỷ XIX ở tỉnh ta cũng được chia thành “quốc gia công điền, công thổ” và “bản xã công điền, công thổ”. Quốc gia điền thổ ở tỉnh ta thế kỷ XIX - XX là ruộng đất thuộc quyền sở hữu của nhà nước phong kiến do làng xã quản lý và phân chia phần lớn cho dân đinh. Bản xã điền thổ là ruộng đất riêng của các tập thể người trong làng xã như ruộng đình gọi là thần điền, ruộng chùa gọi là tự điền, ruộng họ gọi là tộc điền, ruộng đất của các hội (tư văn điền, tư võ điền, môn sinh điền…) và các loại ruộng đất mà làng xã dùng để trả công cho những người làm việc cho làng như lý trưởng, hương sư, thủ cống, quản đê… Trên thực tế, nhà nước địa phương mà trực tiếp là làng, xã vẫn sử dụng quỹ đất kể trên theo tập quán, phong tục được quy định trong hương ước, phân chia cho dân đinh cày cấy.

Thái Bình là một trong những tỉnh thuần nông xếp hàng đầu trong việc bảo tồn đất công điền, công thổ. Theo tài liệu khảo cứu, diện tích đất canh tác đầu thế kỷ XX của tỉnh là 328.655 mẫu, trong đó công điền 106.881 mẫu, chiếm 32,5%, trong khi đó Bắc Ninh chỉ có 15,5%, Hải Dương 14,6%, Hưng Yên 22%... Việc bảo tồn được số lượng lớn diện tích đất công điền, công thổ là do cuộc khẩn hoang ven biển ở tỉnh ta thời doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, thời gian khẩn hoang thành ruộng đất công chưa đủ cho tư điền phát triển chiếm ưu thế so với công điền, kể cả khi thực dân Pháp xóa bỏ quá trình giải thể công điền chuyển thành tư hữu hóa ruộng đất thì quá trình này vẫn diễn ra một cách chậm chạp bởi quá trình giải thể công điền đi đôi với quá trình tập trung quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất tức là quá trình phân hóa giàu nghèo trong xã hội cũng rất chậm. Quá trình giải thể đất công điền, công thổ không đưa lại ruộng đất cho dân nghèo mà ngược lại người nghèo càng ngày càng giảm “khẩu phần” ruộng đất được chia làm “tiêu tan” bảo hiểm xã hội của làng xã đối với dân nghèo sống trong làng xã đó.


Quang Viện

  • Từ khóa