Thứ 2, 08/07/2024, 19:41[GMT+7]

Hậu cứ vi bản

Thứ 2, 07/03/2022 | 08:07:21
2,977 lượt xem
Theo các tài liệu khảo cứu, vùng đất phía Bắc Thư Trì (nay là huyện Vũ Thư) và làng An Để (xã Xuân Hòa) hình thành cách ngày nay hơn 2.000 năm, dấu tích còn lại là những ngôi mộ Hán nằm rải rác ở các xã Xuân Hòa, Hiệp Hòa, Đồng Thanh, Việt Hùng…, những đền, miếu thờ các vị thần thời Hùng Vương, thời Hai Bà Trưng… vẫn được trọng phụng trong vùng còn khá nhiều. Sử cũ ghi, giữa thế kỷ thứ VI khi Lý Bí qua hương Mần Để, cảm xúc trước cảnh đẹp của quê hương với sự hòa hợp thiên nhiên và tình người nơi đây, vua tiền Lý tức cảnh đề 4 câu thơ: “Thành thị lâu đài xinh tựa ngọc/Núi sông, hoa cỏ biếc màu xanh/Mạch nhỏ nhưng tràn trung thành khí/Quyết cho dựng lũy, lập cung thành”. Lý Bí đã đóng đồn binh, dựng cung thành, dấy binh tụ nghĩa đánh tan giặc Lương, lên làm vua.

Nét trầm mặc, cổ kính của miếu Hai thôn, xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư - nơi thờ vua Lý Nam Đế và hoàng hậu Đỗ Thị Khương.

Đất Thư Trì xưa được các nhà phong thủy xếp hàng thứ 5 trong 9 long mạch điển hình của quận Giao Chỉ. Sách “An Nam cửu kinh long” viết: “Hữu Cổ Trì, Vũ Tiên đẳng huyện, địa hình sở bố, diện vi tối kỳ”. Là vùng đất linh nên Thư Trì đã sinh ra nhiều người hiền tài mà An Để là một trong những vùng “địa linh nhân kiệt”. Lịch sử hình thành, phát triển của hương Mần Để (trung tâm là trang An Để, nay thuộc xã Hiệp Hòa) trọng yếu của lòng yêu nước chống ngoại xâm, lịch sử khoa bảng… Người dân An Để đời nào cũng có những người con hiệt kiệt, viết tiếp những trang sử liệt oanh làm rạng rỡ quê hương gấm vóc. Xưa, cả hương Mần Để là căn cứ của Lý Bí. Làng An Để vẫn còn dấu tích một chiến lũy của Lý Nam Đế, dân quen gọi là Lũy Hồ dài hơn 1km chạy từ chùa Ông Lâu (Phúc Minh tự) sang tới miếu Hai thôn. Vào những năm 50 của thế kỷ XX, lũy vẫn cao gần 1m, mặt lũy rộng 3 - 4m, ngoài lũy là hào sâu (hào nay đã bị san lấp do quy hoạch đồng ruộng).

Làng có 2 đình và 1 chùa (đình Cả và đình Nội), chùa làng dân quen gọi chùa Ông Lâu, tên chữ là Phúc Minh tự với nghĩa chữ Phúc soi rọi khắp nơi. Ngoài đình và chùa, làng An Để còn một ngôi miếu thờ Lý Bí và Đỗ Thị Khương, miếu có tên gọi Vạn Xuân. Lý Bí và Đỗ Thị Khương còn được thờ ở miếu Hai thôn, sở dĩ gọi là Hai thôn bởi ngôi miếu của chung hai làng là An Để và Phương Tảo, xưa hai làng này cùng một xã, nay thuộc hai xã Hiệp Hòa, Xuân Hòa. Miếu Hai thôn còn lưu giữ được bức tranh vẽ vua tiền Lý (Lý Nam Đế và hoàng hậu Đỗ Thị Khương), tranh thuộc loại sơn mài có kích thước 1,7 x 1,2m, được vẽ từ thế kỷ XVIII. Người dân các làng An Để, Phương Tảo… thường truyền ngôn về vua tiền Lý và hoàng hậu Đỗ Thị Khương cho con cháu nghe, truyền ngôn rằng: “…một hôm trên đường đi về đồn canh ở Tây Để, Lý Bí chợt nhìn xuống cánh đồng sau đồn lũy của mình (sau miếu thờ hiện nay), thấy một ánh hào quang tỏa sáng chói lòa khắp mặt ruộng. Thấy điềm lạ, Lý Bí cho hai vệ sĩ lội xuống thì nhìn thấy có một người con gái (đó là ái nữ nhà hào trưởng Đỗ Công Cần, tên thường gọi là Khương, đẹp người, đẹp nết) đang lúi húi cắt cỏ, be bờ, giữ nước mặt ruộng vừa cấy. Hai vệ sĩ của Lý Bí liền hỏi: “Sao chủ tướng tôi qua đây mà nàng không đứng dậy để giữ đạo trên dưới” (dân với quan). Đỗ Thị Khương điềm tĩnh chỉ xuống bờ ruộng và nói: “Ta còn đang bận diệt bọn giặc cỏ, be bờ giữ nước, các ngài không biết sao”. Hai vệ sĩ lên tâu với Lý Bí, thấy câu trả lời gãy gọn, hàm chứa triết lý sâu xa, Lý Bí cảm kích, lại cho có thể là điềm lành “Trời mách cho biết có người giúp đỡ để dựng nước”, Lý Bí liền xuống ngựa, rảo bước tới chỗ ái nữ nhà hào trưởng đang mải be bờ, giữ nước, diệt cỏ dại. Lúc này thôn nữ Đỗ Thị Khương đứng dậy trong khi tay vẫn cầm liềm, quần vẫn còn xắn cạp, lấm lem bùn đất nhưng ở tư thế ngưỡng mộ bề trên. Thấy vậy, Lý Bí hỏi: “Nàng đang làm gì và tay cầm gì vậy”. Đỗ Thị Khương bình tĩnh đáp: “Tay cầm bán nguyệt thênh thang/Em đang giữ nước sửa sang cõi bờ”. Thế rồi hai người cứ vậy đối đáp, bao lời hay ý đẹp dâng ca, hoa xuân nở rộ, tiếng chim hót vang lừng. Ngắm vẻ đẹp thôn nữ không rời mắt, Lý Bí giục Đỗ Thị Khương cứ tiếp tục công việc của mình rồi cùng hai vệ sĩ trở lại đồn doanh, chuẩn bị sính lễ tìm về nhà hào trưởng Đỗ Công Cần dâng lễ cầu hôn.

Có truyền ngôn khác kể rằng, Đỗ Thị Khương sinh trưởng trong một gia đình khá giả, có nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa. Một lần bà đi mua tơ, thuyền đang đi trên sông thì gặp thuyền của Lý Bí đánh nhau với quân Lương, thuyền của Lý Bí đứt quai chèo, tình thế nguy cấp, giặc đuổi sát sau lưng, bà liền thả hết thuyền tơ cho trôi trên sông, quân lính vớt lấy buộc lại quai chèo để Lý Bí tiếp tục đánh giặc. Sau lần ấy, Lý Bí cho quân lính đi dò hỏi, biết Đỗ Thị Khương người hương Mần Để, ông đã đến xin hỏi làm vợ, hai vợ chồng lập căn cứ chống quân Lương. Khi lên làm vua (544), Lý Bí phong Đỗ Thị Khương làm hoàng hậu.

Cách làng An Để không bao xa là làng Thanh Hương, xã Đồng Thanh, cùng hương Mần Để. Xưa làng Thanh Hương có tên gọi là Mạt Hương (nghĩa là làng nổi trên mặt nước). Các thế hệ người cao tuổi làng Thanh Hương vẫn kể, làng Thanh Hương xưa là vùng đất “Thập niên cửu đạo”, nghĩa là mười năm thì chín năm có thiên tai lũ lụt, lại có tên Thanh Ninh từng được chọn làm châu lỵ của châu Hoàng (thời nhà Trần). Xưa nơi đây đã có phố với các tên phố Gù, phố Khách... Trước đây, làng Thanh Hương nằm kề bên cửa Vàng (còn gọi là Vường, nơi chi lưu sông Hồng chảy vào Mần Để, gọi là dòng Lãng Bạc, hay Trà Lý). Sau này do “đại hồng thủy” nước lũ tràn về, sông nắn dòng, cửa Trà Lý chuyển về Phạm Lỗ (nay thuộc xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà), làng Thanh Hương lùi sâu vào trong đê như hiện tại. Làng Thanh Hương nổi tiếng có chợ ma (còn gọi chợ tiên), ca dao xưa có câu: “Một năm chỉ có một phiên/Rủ nhau đi đến chợ tiên Thư Trì”. Có thể, chợ ma làng Thanh Hương xuất phát từ những phiên giao dịch trong đêm nhằm cung cấp lương thực, thực phẩm cho quân sĩ nhà tiền Lý để tránh quân giặc phía bờ Bắc dòng Trà Lý phát hiện nên lâu dần mà quen gọi là chợ ma. Nhờ lương thực, thực phẩm của người dân cung cấp cho quân sĩ nhà tiền Lý mà Lý Bí đã lãnh đạo nghĩa quân nổi dậy đánh tan ách đô hộ nhà Lương, dựng lên nhà nước Vạn Xuân. Các cụ cao niên làng Thanh Hương kể: “Chợ ma họp tại Càn Nấm vào ban đêm, người và “ma” đến chợ, trao đổi hàng hóa, mua bán hàng hóa với nhau. Người bán hàng đặt một chậu nước trước mặt để nhận tiền. Người tiêu tiền đồng còn ma tiêu tiền giấy, tiền của người chìm xuống đáy chậu, tiền của ma nổi trên mặt nước, người ta lấy tiền đồng còn tiền giấy (của ma) vứt ra chợ nên sáng ra tiền giấy rải khắp sân chợ, trên mặt nước hồ ao. Có người cho rằng chuyện chợ ma, chợ tiên từ xa xưa để tránh giặc nhà Lương đô hộ thám thính, chợ mang màu sắc tâm linh, huyền bí. Sau này, hàng năm cứ vào ngày mùng 10 tháng Giêng dân làng lại mở hội ở chỗ chợ ma xưa để nhớ về tích cũ.

Vùng đầm Lãng, hay còn gọi là hương Mần Để nay thuộc các xã Xuân Hòa, Hiệp Hòa, Đồng Thanh, Việt Hùng, Hồng Lý… được sách cổ ghi rằng: “Thủy (sông, ngòi) tuy không sâu mà đẹp, sơn (gò đất) tuy không cao mà xanh, nhờ có khí thiêng hun đúc của núi non, sông biển mà đời đời sinh ra các bậc tiên hiền tài ba, tạo nên do từng phong thổ, đạo đức vươn tới các đấng thánh hiền, văn chương đẹp như gấm vóc, đều xứng là hiền tài của nước Nam…”. Từ thời nhà Lý, nhà Trần trở về sau, các làng trong hương Mần Để có cùng bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, nhiều khi là nửa làng này với nửa làng kia đều chung bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa… Miếu Hai thôn là minh chứng cho sự hiện diện văn hóa đó.

Quang Viện

  • Từ khóa