Thứ 2, 08/07/2024, 19:08[GMT+7]

Ký ức ngày toàn thắng

Thứ 6, 29/04/2022 | 23:55:41
3,564 lượt xem
Ngày đất nước toàn thắng 30/4/1975 đi vào lịch sử đến nay đã gần nửa thế kỷ. Vào thời điểm diễn ra sự kiện trọng đại này, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Kinh ở xã Vũ Quý (Kiến Xương) với cương vị Tham mưu trưởng tiểu đoàn của một đơn vị pháo binh được giao nhiệm vụ chỉ huy một lực lượng khống chế không cho quân địch từ Mỹ Tho chi viện về Sài Gòn. Đến nay, ông Kinh đã qua tuổi 75 nhưng thường vẫn kể về những ngày ấy như chuyện vừa xảy ra hôm qua vậy.

Xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu

Khi vừa chớm tuổi 19, Nguyễn Văn Kinh tòng quân và đã có gần bảy nghìn ngày tại ngũ trực tiếp chiến đấu đánh Mỹ, diệt ngụy Sài Gòn, đánh quân Lon Non, diệt quân Pôn Pốt trên các chiến trường Đông Nam Bộ, Trung Nam Bộ và Campuchia. Khi đang mang quân hàm Thiếu tá ở tuổi 40, vì hoàn cảnh gia đình, ông Kinh xin nghỉ hưu trong tâm thế “hưu mà không nghỉ”. Hàng chục năm sau ngày rời quân ngũ, ông vẫn ngày đêm lăn lộn với việc đồng, việc nhà, việc thôn, việc xã. Khi sức lực còn chưa quá yếu, chí tiến thủ để mưu sinh vẫn đang cuồn cuộn thì một tai nạn hy hữu đã đến với ông vào năm 2008. Do 11 đốt sống lưng bị thoái hóa, nên từ một lần trượt ngã ông bị vỡ xương, dập tủy, liệt nửa người vĩnh viễn, không thể tự nằm, tự ngồi được. Trong hoàn cảnh nằm nhiều hơn ngồi, những cơn đau buốt, co giật hàng giờ ập đến nhưng những kỷ niệm của một thời trận mạc vẫn luôn đau đáu trong ông. Vì vậy, mỗi khi cơn đau vừa dịu ông lại nhờ người thân vực ngồi dậy, gồng mình lên để viết. Sau hơn hai năm, ông Kinh đã kiên nhẫn viết trọn chuyện lính của mình trong một cuốn sổ tay bằng nhiều thứ mực khác nhau. Đây không chỉ là những kỷ niệm của riêng ông mà còn giúp chúng ta có cách nhìn nhận về cuộc kháng chiến chống Mỹ chân xác, sống động hơn, đa dạng, đa chiều hơn. Xin được trích giới thiệu một đoạn ông viết về sự kiện 30/4/1975:

“Chiều 27/4, tôi cùng đại đội 7 đưa cối 120 ly đi chiếm lĩnh trận địa để bắn vào căn cứ Long Định trên lộ 4, với nhiệm vụ chi viện cho bộ binh các đơn vị đánh chặn, không cho bộ binh sư đoàn 7 của quân ngụy có cơ hội về chi viện cho thị xã Mỹ Tho và Sài Gòn. 5 chiếc xuồng của đơn vị tôi đi trên sông Long Định bị máy bay trinh sát địch phát hiện và gọi máy bay phản lực đến đánh bom. Khi thấy tình hình khẩn cấp, tôi kịp cho đơn vị rời xuồng lên trú ẩn ở khu vực bờ sông. Địch đánh bom làm vỡ toang chiếc xuồng tôi đi cùng bộ phận thông tin, trinh sát. Không ai bị thương vong. Đây là lần thoát chết cuối cùng trong những năm đánh Mỹ.

Mục tiêu chúng tôi là đánh căn cứ Long Định có 1 tiểu đoàn địch và trận địa pháo với 4 khẩu lựu pháo 155mm. Từ sáng 28/4, chúng tôi pháo kích kiềm chế trận địa pháo để các đơn vị bộ binh triển khai phục kích chốt chặn đoạn lộ 4, từ Cái Bè đến Long Định. Chúng tôi luôn theo dõi sát tình hình chiến sự ở các mặt trận qua chiếc đài nhỏ. Có anh em đã kiếm được những tấm bản đồ hành chính nhỏ toàn miền để theo dõi, đánh dấu bước tiến của 5 mũi tiến quân của chiến dịch mà lòng cảm thấy vô cùng phấn khích.

11 giờ trưa 30/4, tôi từ đài quan sát về gặp đồng chí Kỷ là Chính trị viên trưởng tiểu đoàn xuống triệu tập chi ủy họp quán triệt nhiệm vụ, xác định quyết tâm cho đơn vị trong thời khắc lịch sử. Chi ủy đang họp, tôi mở đài nho nhỏ để theo dõi tình hình chiến sự thì nghe Tổng thống Dương Văn Minh đang tuyên bố đầu hàng và lệnh cho toàn bộ lực lượng Quân lực Việt Nam cộng hòa hạ súng.

Anh em cán bộ, chiến sĩ nhảy cẫng lên ôm nhau la hét mà khóc vì sung sướng nhưng rồi lại trấn tĩnh được ngay vì chúng tôi đang ở trận địa và chưa có lệnh cấp trên. Cấp ủy xác định, quyết giữ vững trận địa sẵn sàng chờ lệnh.

2 giờ 30 phút chiều, từ đài quan sát tôi thấy bộ binh địch gần mục tiêu của đại đội 7 và dọc trục lộ có hiện tượng xao động nhưng chưa có dấu hiệu chúng buông súng. Lực lượng bộ binh ta chưa chiếm lĩnh mặt lộ. Phía sau trận địa, du kích địa phương phát loa kêu gọi bọn dân vệ trong ấp Bắc Kỳ ra nộp súng cho cách mạng. Bọn dân vệ bắn ra, du kích bắn trả. Trận địa pháo 155 ở Long Định lại bắn vu vơ mấy quả vào khu vực lực lượng du kích. Hỏi xuống trận địa, anh em cho biết trận địa còn đủ cơ số đạn, trong đó có 15 quả cối 120 ly đã tra đủ ngòi liều. Tôi lệnh cho anh em bắn một loạt 5 quả cối vào mục tiêu làm chúng im bặt. Mặc dù lúc này chúng tôi đã nhận lệnh ngừng bắn pháo. Sau khi tiếp quản căn cứ địch, chúng tôi mới biết loạt cối cuối cùng của C7 đã phá hủy khẩu 155 ly cuối cùng của địch. Sau này tôi bị nhắc nhở về việc này, nhưng tôi nghĩ: chiến tranh mà!

Chiều và tối 30/4, đơn vị chúng tôi không có nhiệm vụ tiếp quản các căn cứ địch mà được lệnh tập kết tại chỗ, kiểm tra lại lực lượng, vũ khí, đạn dược và phương tiện, sẵn sàng chờ lệnh. Mừng mừng, tủi tủi, chúng tôi nắm tay nhau, ôm lấy nhau và mỗi người có một suy nghĩ riêng về tương lai, về dự định cho những ngày tiếp theo.

Từng đơn vị chúng tôi có những cuộc liên hoan vui chung với bà con địa phương còn bám trụ để giữ đất sản xuất, bằng khả năng của đơn vị và những sản phẩm hiện có, hết sức nghèo nàn tại chỗ của bà con, trong khi phần lớn người già và trẻ em đi di tản chưa về.

Sáng ngày 1/5 chúng tôi lên mặt quốc lộ 4, đoạn Long Định - Cái Bè. Đập vào mắt chúng tôi là một cảnh tượng không náo loạn nhưng hết sức lộn xộn. Trên mặt đường, đồ quân trang quân dụng của địch vứt ngổn ngang. Từ quần áo, mũ sắt, giày của lính ngụy trút lại. Có những chiếc xe cháy và hỏng nằm chềnh ềnh giữa lòng đường. Người nhiều thành phần đi lại xuôi ngược bằng đủ các phương tiện. Không có xe quân sự vì bộ đội đang triển khai tiếp quản. Ngược xuôi trên đường là xe khách và các phương tiện vận tải dân sự. Ngồi, đứng và đu quanh xe có đủ các thành phần, màu sắc. Phần lớn là binh sĩ ngụy quyền bỏ đơn vị chạy trốn về quê. Gặp chúng tôi, họ không còn những mặc cảm của người khác chiến tuyến mà vẫy chào, hét to: “Các anh ơi sống rồi”. Chúng tôi nghĩ, chắc họ cũng chỉ là những người lính bị ép phải cầm súng chiến đấu không có mục đích hoặc chỉ vì miếng cơm manh áo, nay đã thoát chết. Chúng tôi cũng nghĩ rằng họ không hiểu nổi để có cái “sống” hôm nay phải đổi bằng bao xương máu của mấy thế hệ.

Hôm nay, giữa thanh thiên bạch nhật, đứng trên con lộ đầy không khí náo nhiệt của ngày hòa bình đầu tiên tôi lại nhớ về những chuyến vượt lộ đi và về để làm nhiệm vụ của nhiều bộ phận trong tiểu đoàn là những giờ phút cam go, căng thẳng. Vượt lộ là phải vào những đêm tối, ở những điểm xung yếu của địch, có sự hỗ trợ của du kích và cơ sở cách mạng sống hai bên lộ. Mỗi lần vượt lộ là một lần như vượt qua ranh giới giữa cái sống và cái chết vậy.

Tôi nhớ mãi chuyến mình đã dẫn bộ phận trinh sát và thông tin vượt sang nam lộ làm đài chỉ huy bắn ngược hướng cho trận địa ĐKB của đơn vị ở bắc lộ. Chúng tôi cùng anh em du kích dẫn đường tụt xuống sông, dùng bèo lục bình ngụy trang, lội dọc sông và chui qua cầu Cổ Cô cách đây không xa để lên bờ ở miệt vườn bên nam lộ và hơn 3 năm qua từ ngày xuống chiến trường này đã có nhiều anh em trong đơn vị ngã xuống, trong đó có những anh em hy sinh khi vượt lộ làm nhiệm vụ.

Xúc động, bồi hồi tôi lại nhớ về những năm tháng đã qua. Hơn chín năm, kể từ ngày rời quê hương lên đường nhập ngũ rồi vượt Trường Sơn. Tám năm tròn, kể từ ngày có mặt ở mặt trận miền Đông Nam Bộ - Campuchia và mặt trận Trung Nam Bộ sông nước này. Bao trận đánh vào các căn cứ địch, bao trận đánh chống càn quét và phục kích của địch. Vui chiến thắng có. Buồn vì mất mát hy sinh của đồng đội có. Để có ngày toàn thắng, không nói rộng mà chỉ ở cái đơn vị nhỏ này đã có bao cán bộ, chiến sĩ đồng đội của chúng tôi ngã xuống. Lớp cán bộ này kế tiếp lớp cán bộ khác. Lớp chiến sĩ này kế tiếp lớp chiến sĩ kia để còn đội hình đơn vị hôm nay. Nếu nhìn lại những gương mặt đồng đội đã từng đi cùng tôi từ mặt trận miền Đông Nam Bộ tám năm trước đến ngày toàn thắng này chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Thế mới biết chúng tôi là những người may mắn, hạnh phúc nhất…”.

Gần nửa thế kỷ đã qua đi nhưng những cảm xúc tuyệt vời của ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975, Bắc - Nam sum họp một nhà vẫn vẹn nguyên trong hàng triệu trái tim người dân Việt Nam. Đối với cựu chiến binh Phạm Văn Lãi, xã Tự Tân (Vũ Thư), sự kiện này càng có ý nghĩa đặc biệt bởi ông là người trực tiếp tham gia cuộc chiến và cắm 2 lá cờ ở những vị trí quan trọng tại Sài Gòn vào tháng ngày lịch sử ấy.

Trại Davis được bao quanh bởi hàng rào kẽm và các chòi gác có trang bị súng máy sẵn sàng nã súng.

Người cắm 2 lá cờ tại Sài Gòn ngày giải phóng

Năm 1971, ở tuổi 19, Phạm Văn Lãi viết đơn xung phong lên đường nhập ngũ. Ông được điều động vào chiến trường B2, nhận nhiệm vụ tuyên huấn tại Cục Chính trị miền. Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, trại Davis là nơi đặt trụ sở của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Sài Gòn để đấu tranh nhằm bảo đảm Hiệp định Paris được thi hành. Ông Lãi là 1 trong hơn 400 cán bộ, chiến sĩ cách mạng của ta nhận nhiệm vụ tại trại Davis.

Trại Davis là một doanh trại cũ của quân đội Mỹ tại sân bay Tân Sơn Nhất, rộng hơn 33.000m2. Toàn trại được bao quanh bởi hàng rào kẽm gai với 20 chòi canh, lô cốt gắn súng máy, lính Mỹ, ngụy luôn chĩa nòng súng vào trại. Mục đích của Mỹ và Thiệu là cô lập, tách nơi ở của 2 phái đoàn cách mạng ta ra xa khu dân cư để dễ bề kiểm soát, khống chế. Hơn 2 năm sống trong lòng địch, dù hiểm nguy, gian khó, ông Lãi vẫn hoàn thành nhiệm vụ thông tin báo chí phục vụ phái đoàn và tuyên truyền, chiếu phim phục vụ cán bộ, chiến sĩ ta trong trại Davis. Ông Lãi chia sẻ: Xác định thương vong về quân số của ta rất lớn nếu chính quyền Thiệu cố tình vi phạm hiệp định, vài ngày trước ngày 30/4/1975, bộ đội ta đã xây dựng một kế hoạch đột nhập vào trại Davis đưa phái đoàn của ta ra ngoài nhưng chiến sĩ ta nói chung và ông Lãi nói riêng kiên quyết không rút, sẵn sàng ở lại trại chiến đấu dù phải hy sinh. Ngày 29/4, bộ đội ta dồn lực bắn phá ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và bộ tổng tham mưu địch theo các mũi tiến công. Trận đánh ác liệt, ta giành chiến thắng.

9 giờ 30 phút sáng ngày 30/4/1975, ông Lãi được giao nhiệm vụ cắm cờ trên đỉnh tháp nước trong trại Davis bởi đây là điểm cao nhất, dễ báo tin chiến thắng cho quân và dân ta. Một sự tình cờ thú vị là sáng hôm sau (ngày 1/5/1975), ông Lãi tiếp tục được giao nhiệm vụ cắm lá cờ to hơn, mới hơn thay cho lá cờ do đồng chí Bùi Quang Thận cắm (do lá cờ này khổ nhỏ, đã bị sờn màu) trên nóc dinh Độc Lập. Nhìn những lá cờ đỏ sao vàng ngạo nghễ tung bay trên bầu trời Sài Gòn, ông Lãi hạnh phúc vỡ òa và dâng tràn cảm xúc tự hào.

“Sau khi quân ta tiếp quản dinh Độc Lập, tình báo ta cung cấp thông tin lái xe Trần Ngọc Địa có ý đồ xấu. Địa vốn là lái xe kiêm võ sĩ bảo vệ của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhưng đã cải tà, quy chính làm lái xe cho bộ đội ta. Tuy nhiên, theo tình báo của ta, gia đình Địa vẫn treo cờ “ba que” (cờ của Việt Nam Cộng hòa) và ảnh của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Địa thường có hành vi lén lút thăm dò và ghi lại thời gian, biển số xe của quân ta khi ra, vào dinh nhằm cung cấp cho đội quân phản động. Ngày 1/5/1975, quân ta quyết định bắt sống Địa, nhưng không thể bắt trực tiếp Địa tại dinh vì sẽ gây ồn ào, chú ý. Tôi cùng với 5 chiến sĩ nghĩ kế lừa, mời Địa lên ô tô về quê hắn chơi. Địa vui vẻ trò chuyện, khi đến vùng ngoại ô, chúng tôi mới bất ngờ áp sát và đọc lệnh bắt. Trần Ngọc Địa vô cùng kinh ngạc và sợ hãi, khai nhận hết ý đồ lật đổ chính quyền cách mạng” - ông Lãi kể lại câu chuyện gây nhiều ấn tượng cho ông trong những ngày chiến thắng lịch sử năm xưa.

Cựu chiến binh Phạm Văn Lãi giới thiệu bức ảnh tư liệu quý giá về khoảnh khắc ông treo cờ trên đỉnh tháp nước tại trại Davis ngày 30/4/1975 mà một nhà báo chiến trường chụp được.

Người cán bộ văn phòng mẫn cán

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Lãi ở lại Sài Gòn thực hiện nhiệm vụ địch vận tại Ủy ban Quân quản. Từ năm 1977 - 2012, ông được điều động công tác tại Phủ Thủ tướng (nay là Văn phòng Chính phủ) với nhiệm vụ cùng đơn vị chuẩn bị các thông tin, báo cáo, tài liệu phục vụ các hội nghị hoặc theo yêu cầu của các đồng chí lãnh đạo Chính phủ. Ông Lãi chia sẻ, trước kia công nghệ, phương tiện còn lạc hậu, hầu hết tài liệu, báo cáo phải viết tay, mỗi đợt chuẩn bị tài liệu cho các cuộc họp lớn của Chính phủ, ông Lãi và đồng nghiệp phải thức thâu đêm để làm việc. Để chuyển giấy mời họp, nhất là các cuộc họp khẩn, ông Lãi đạp xe hàng chục cây số quanh Hà Nội, đến tận gia đình các đồng chí bộ trưởng để thông báo, thông tin kịp thời lịch họp. Với vị trí Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính, ông Lãi được tín nhiệm, nhiều lần giao nhiệm vụ cho ông đạp xe ra sân bay Nội Bài trực tiếp tiếp nhận, gửi các văn bản, tài liệu quan trọng, bí mật. 35 năm công tác tại Văn phòng Chính phủ, ông Lãi được làm việc, phục vụ tài liệu cho 6 đồng chí Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ.

“Những năm ấy, bố mẹ, vợ con ở quê còn thiếu ăn, tôi quanh năm công tác xa nhà, được cơ quan giao cho 1 căn phòng tập thể cấp 4, đồng lương ít ỏi, khó khăn, gian khổ vô cùng. Nhưng những năm tháng chiến đấu gian khổ trong chiến trường đã tạo động lực cho tôi quyết tâm vượt khó, vươn lên hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Tôi rất mong thế hệ trẻ biết trân quý cuộc sống hòa bình hôm nay, từ đó nỗ lực góp sức bảo vệ, dựng xây đất nước ta giàu đẹp” - ông Lãi chia sẻ.

Nguyễn Thanh - Quỳnh Lưu 


  • Từ khóa