Thứ 2, 08/07/2024, 18:33[GMT+7]

Lưỡng triều đại thụ

Thứ 2, 23/05/2022 | 08:45:57
4,116 lượt xem
Bài thơ “Lưu Gia độ” là tuyệt bút của Thái sư Trần Quang Khải khi tháp tùng vua Trần rời kinh thành về Long Hưng, ghé bến Lưu Gia, trong đó khẳng định: “Thái Bình đồ chi kỳ thiên lý/ Lý Đại Quan Hà nhị bách niên”, nghĩa là: Đất Thái Bình rộng muôn nghìn lý, đất ấy thời nhà Lý gọi là đất Quan Hà. Địa linh ắt sinh nhân kiệt, ngay từ thời nhà Lý rồi chuyển sang thời Trần, đất Long Hưng - Ngự Thiên đã xuất hiện nhiều bậc hiệt kiệt để nhân duyên tạo tác nên một vương triều thịnh trị. Phùng Tá Chu và Trần Thủ Độ, hai vì sao sáng trên bầu trời Đại Việt...

Nhiều tài liệu cổ ghi chép, chùa làng Lộng Khê, xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ là nơi Tả Nhai đạo lục Phùng Tá Thang, thân phụ Hưng Nhân đại vương Phùng Tá Chu viên tịch.

Dưới bàn tay đạo diễn tài ba của Trần Thủ Độ và kịch bản truyền ngôi đầy thuyết phục của Phùng Tá Chu thì vua mạt Lý là Lý Huệ Tông đã nhường ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng và nghiễm nhiên Trần Thừa (thân phụ Trần Cảnh) trở thành Phụ quốc Thái úy (Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh và sau đó không lâu thì nhường ngôi cho Trần Cảnh). Trần Thủ Độ trở thành Điện tiền chỉ huy sứ, còn Phùng Tá Chu được phong làm Phụ quốc Thái phó, giúp đỡ việc triều chính và trở thành “đại thần lưỡng triều”. Sử thần Ngô Sĩ Liên đã chép trong “Đại Việt sử ký toàn thư” có ý trách Phùng Tá Chu: “Các quan bấy giờ không ai nghĩ đến xã tắc, để cho Phùng Tá Chu viện dẫn Lữ Hậu và Vũ Hậu làm cớ mà thành ra việc Chiêu Hoàng nhường ngôi cho họ Trần, thế là người có tội với họ Lý”. Vì sự trường tồn của quốc gia dân tộc ông sẵn sàng chấp nhận lời chê cười, để hậu thế phán xét đúng sai.

Việc Phùng Tá Chu cùng nhóm trí thức Long Hưng tiếp sức cho nhà Trần đứng vững đã tránh cho Đại Việt một cuộc nội chiến đang có nguy cơ hiển lộ và sớm chấm dứt nỗi đau khổ của cả dân tộc đã kéo dài hơn nửa thế kỷ dưới ách cai trị của các bậc vua ngu hèn thời mạt Lý. Phùng Tá Chu được sử sách ghi chép là trọng thần nhà Lý, sinh ra và lớn lên ở Hải Ấp (Hưng Nhân, Hưng Hà), là con trai của Tả Nhai Đạo lục Phùng Tá Thang triều Lý, năm Giáp Ngọ (1234) được triều đình phong tước Hưng Nhân vương, năm Bính Thân (1236) được gia phong là Hưng Nhân đại vương và sau này được thờ tại miếu Mẽ, làng Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên (nay là khu Mẽ, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà). Các nguồn khảo luận cho thấy, Phùng Tá Chu là người khảng khái quyết đoán, dám bước qua và vượt qua những định kiến của Nho giáo mà người sống đương thời với ông không dễ vượt qua “Tôi trung không thờ hai vua”. Các sử gia cho rằng, ông đã phò vua giúp nước thì không ăn ở hai lòng nhưng vua Lý hèn mạt, triều chính lại suy tàn, đồi bại, bê trễ việc chăm dân để muôn dân lâm vào cảnh lầm than, khổ ải, do vậy dù ăn lộc nhà Lý nhưng ông không thể nhắm mắt trước sinh mạng của nhân dân, sự tồn vong của quốc gia dân tộc.

Phùng Tá Chu làm đại quan triều Lý trong giai đoạn nhà Lý đang rơi vào suy thoái. Với một vị quan trong bậc “Tam công”, Phùng Tá Chu đã sớm nhận ra cung cách tha hóa của triều đình nhà Lý khi buông lỏng kỷ cương để kẻ nịnh thần lộng hành, vua bất tài, ăn chơi sa đọa để cuối triều Lý dân chết đói đến ba lần. Phép nước không nghiêm, kẻ có tội đút lót được tha, lòng dân ngày càng oán thán. Triều chính bê trễ, quan lại các vùng miền thỏa sức hống hách, ăn chặn, cướp bóc hành hạ dân nghèo. Kẻ trung thần ngay thẳng bị diệt, bọn nịnh hót đút lót được tin dùng. Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ biết Phùng Tá Chu là người có tài nên khéo léo lôi kéo ông về phía nhà Trần và “nhờ vả” ông hiến kế giữ nước, yên dân. Trần Thủ Độ cũng đã nhận ra sự hiểu biết uyên thâm của Phùng Tá Chu và khẳng định Phùng Tá Chu là một nhân vật đặc biệt của triều Lý, ông sẽ là cái gạch nối giữa lịch sử triều Lý và triều Trần. Thân phụ Phùng Tá Chu là Phùng Tá Thang, một trí thức xuất sắc của triều Lý. Phùng Tá Thang là đạo sĩ, sau này tu lập phái Trúc Lâm, quá trình tu hành, ông có dịp gặp Trần Cảnh lúc còn nhỏ ở Hải Ấp, ngắm kỹ dung mạo của Trần Cảnh, ông tiên đoán Trần Cảnh sẽ là bậc quân vương. Vậy là Phùng Tá Thang cùng con trai là Phùng Tá Chu, trọng thần của triều đình nhà Lý đang thời suy vong một lòng hướng về nhà Trần, tích cực giúp nhà Trần gây dựng thanh thế và khi có điều kiện, Phùng Tá Chu đã không tiếc công sức giúp nhà Lý chuyển giao quyền lực cho nhà Trần.

Còn với Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ, sau khi đạo diễn cuộc chuyển giao ngai vàng quyền lực từ nhà mạt Lý sang nhà Trần không tốn một mũi tên, hòn đạn. Dân gian tương truyền, tuy là trụ cột triều Trần nhưng Trần Thủ Độ không quên quê hương, bản quán, nặng lòng với Long Hưng - Ngự Thiên, Thái sư cho đào, sửa, nạo vét những dòng chảy nhỏ thành sông lớn như dòng Nông Kỳ (sông Luộc), dòng Thái sư, sông Hóa, sông Cô... vì Thái sư Trần Thủ Độ cho rằng mạch nước tự nhiên, uốn lượn qua đất Ngự Thiên - Long Hưng có hình dáng con rồng, biểu hiện mạch đất vượng khí “tay long, tay hổ”. Ông cho khơi rộng vừa làm nguồn cung cấp nước tưới trong nông nghiệp vừa là hệ thống quân sự quan trọng cũng là hệ thống tường hào bảo vệ khu vực lăng tẩm nhà Trần trước sự tấn công ồ ạt của quân thù khi xảy ra chiến sự. Để đào sông nhanh, gọn, Thái sư Trần Thủ Độ úy lạo dân chúng: “Ai có hiếu với tổ tiên, bố mẹ thì ra đào” vậy là dân chúng không kể già, trẻ, gái, trai, sang hèn nô nức ra đào sông. Các tài liệu cho thấy, sông Thái sư chảy uốn khúc, có đoạn trối lên như hàm rồng nên còn có tên khác là Hàm Rồng hay sông Quan Hà... Theo tư liệu điền dã, trước đó thời nhà Lý còn đang thịnh vượng, công cuộc trị thủy của ba nhà sư là Giác Hải, Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không cùng Thái phó Lưu Khánh Đàm có quy mô lớn nhất nhưng cũng chỉ tiến hành xung quanh kinh thành Thăng Long và phải tới thời nhà Trần thay thế nhà Lý suy vong mới thực hiện quy mô cấp quốc gia, mở rộng tới tận các địa phương, đặc biệt là cuộc khai thông dòng chảy của các dòng sông nhỏ có dòng chảy tự nhiên ở lộ Long Hưng dưới sự chỉ huy của Thái sư Trần Thủ Độ.

Các tài liệu nghiên cứu cũng khẳng định: Thái sư Trần Thủ Độ vừa là công thần góp phần sáng lập triều Trần vừa là người trực tiếp lãnh đạo công cuộc xây dựng và bảo vệ giang sơn thời kỳ đầu nhà Trần khoảng những năm 1225 - 1264. Nhắc đến ông, người ta nghĩ ngay đến câu nói: “Đầu thần chưa rơi xuống đất thì bệ hạ không lo ngại gì”, câu trả lời đanh thép trong thời điểm Đại Việt lâm nguy trước vó ngựa hung tàn của đế quốc Nguyên Mông khiến vua Thái Tông phải bỏ cả kinh thành Thăng Long rút ra ngoài biển đã giúp vua Trần yên lòng. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Thái Tông lấy được thiên hạ là nhờ mưu sách của Thủ Độ, nhà nước phải nhờ cậy, quyền hơn cả vua”. Tên tuổi của ông gắn liền với nghiệp đế vương của họ Trần và với sự nghiệp hưng thịnh quốc gia Đại Việt thế kỷ XIII cùng với những chiến công oai hùng ba lần đánh tan quân giặc Nguyên Mông. Sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn ghi: “Trần Thủ Độ sau khi chết chôn ở địa phận xã Phù Ngự, huyện Ngự Thiên, nơi để mả có hổ đá, dơi đá, chim đá và bình phong bằng đá, chỗ đất ấy rộng hai mẫu, cây cối um tùm. Về tự điền, trước vẫn liệt vào hạng thượng đẳng, các quan phủ, huyện, huấn giáo đến kính tế”.

Sách “An Nam chí nguyên” đời nhà Thanh (Trung Hoa) có chép về công cuộc trị thủy quốc gia Đại Việt như sau: “Năm nào cũng vậy, cứ đầu năm các quan coi đê phải lo đốc thúc dân phụ cận không kể sang hèn, già trẻ phải đi đắp... Một con đê chạy dài từ sông Đáy (sông phó Đáy) đến cửa Hải Triều (sông Luộc), sông Phù Vạn thì đứt...”. Sách “Đại Nam nhất thống chí” lại ghi rằng, xưa trên đất Thái Đường (nay là xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà) có con sông Thái Thường bao quanh khu lăng tẩm Thái Đường của nhà Trần.

Quang Viện