Thứ 6, 05/07/2024, 19:55[GMT+7]

Lòng nhân kiến tạo

Thứ 2, 06/06/2022 | 08:26:28
3,548 lượt xem
Các nhà nghiên cứu văn hóa cùng chung nhận định rằng văn hóa làng được sản sinh từ các làng tụ cư cổ truyền ở nông thôn của người Việt, văn hóa làng chính là văn hóa nông thôn mà diện mạo của nó là cây đa, bến nước, xóm ngõ, đình, chùa, miếu làng... là tâm tính của những người nông dân biểu hiện trong kho tàng văn hóa dân gian trong đất lề quê thói vốn là sản phẩm của kết cấu xóm làng với vô số những quan hệ khác nhau. Ở tỉnh ta, từ khi xuất hiện làng của người Việt cổ cũng là lúc xuất hiện văn hóa làng bởi vì văn hóa là tổng thể các giá trị vật chất và giá trị tinh thần do cộng đồng cư dân sáng tạo ra trong quá trình tồn tại và phát triển. Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Văn hóa Việt Nam cổ truyền, về bản chất, là một nền văn hóa xóm làng. Là sức mạnh, vừa là điểm yếu của truyền thống Việt Nam cũng là ở đó”.

Đền Mẫu Luật Ngoại, xã Quang Lịch (Kiến Xương).

Thử làm một cuộc điền dã về một vài làng quê trong tỉnh để “chiêm bái” nền nghệ thuật kiến trúc còn sót lại trong các đền, chùa, miếu... một trong những “yếu nhân” kiến tạo nên vẻ đẹp làng quê thuần Việt và cũng là yếu tố gắn kết tình người trong những làng quê Thái Bình. Bắt đầu từ xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, nơi có ngôi chùa Phúc Minh, không rõ năm xây dựng, chỉ biết chùa được sửa chữa vào thời kỳ nhà Lê và được xây dựng thêm 50 gian “trai đường”. Chùa có quy mô kiến trúc hoành tráng dãy ngang, dãy dọc là dấu tích của 1 trong 100 ngôi chùa cổ do Hoàng Thái hậu Ỷ Lan phu nhân cho xây dựng khi bà đang nhiếp chính. Trong chùa vẫn còn tấm bia cổ, trên đó khắc ghi những dòng chữ Hán do quyền Đại học sỹ Hàn lâm viện Đỗ Nguyên Chương viết vào năm Đại trị thứ 12 (1369), được dịch là: “Nước Đại Việt, Châu Hoàng, Màn Để có chùa Ông Lâu tên là chùa Phúc Minh. Thời xưa truyền nói do Linh Nhân Thái hậu dựng lên...”. Những người tâm đức thời đó còn quyên góp tiền của trùng tu, xây dựng thêm 27 gian tả vu, hữu vu, tiền đường, hậu đường, cầu gỗ, thiết đăng cùng 8 tượng kim cương, 4 tượng Bồ Tát... công việc trùng tu trong vòng hai năm. Bia ký được dựng năm Hoằng Định thứ 19 (1618) ngợi ca: “Thật là lâu đài của hôm sớm. Đúng là nơi điện gác của thời nay. Xứng là một chốn danh lam nơi tam bảo...”.

Sang huyện Quỳnh Phụ, thời nhà Lý, vùng đất Phụ Dực (nay thuộc huyện Quỳnh Phụ) đã được coi là một trong 4 thắng cảnh đẹp nổi tiếng, cho đến bây giờ vẫn tương truyền câu ca: “Đào Động, Lộng Khê, Tô Đê, A Sào - Lý triều tứ cố cảnh”. 4 địa danh trên thuộc xã An Lễ, An Khê, An Thái, An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ. Làng Đào Động có một ngôi đền, hiện nay gọi là đền Đồng Bằng, tương truyền thờ “Vĩnh Công Đại vương” là vị thủy thần đã có công giúp Vua Hùng thứ 18 đánh thắng giặc xâm lược. Đền có ba tòa gồm 9 bộ cửa võng được chạm khắc đủ cách: lõng, bong, thủng. Trên bức chạm có đủ các loại linh thú: rồng bay, phượng múa, li chầu, rùa đội lá sen quấn quyện trong các khóm trúc, mai được cách điệu thành những hình rồng mềm mại đồng thời được tô điểm thêm những loại hoa thơm quả ngọt như hồng, lựu, đào, nho... tạo nên một bức tranh sống động. Bộ cửa chạm khắc được sơn son, thếp vàng càng làm cho ngôi đền vẻ lung linh, rực rỡ. Một lần, tướng quân Phạm Ngũ Lão vào bái yết thần đền, xúc cảm dâng trào, tướng quân đã đề thơ ca ngợi: “Xuân đến lung linh rợp trời hoa/Hạc về để tiễn gió thu xa/Dưới bóng trời cây, đền rực rỡ/Đáng chốn thần tiên nhất nước nhà”. Với lối thiết kế và thi công không cần bản thiết kế của những nghệ nhân tài ba, vào năm 1623, hai vị quan trong triều là Nguyễn Văn Lâm và Nguyễn Gia Khánh đã quyên góp được 1.700 cân tiền và đồng để trùng tu ngôi chùa Thủ và Am Bảo Long (thờ Quốc sư Dương Không Lộ) ở thôn La Vân, xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ) nay. Cho đến năm 1682, chùa Thủ và Am Bảo Long một lần nữa lại được trùng tu, mở rộng tạo thành quần thể kiến trúc đa thần, đa giáo khá độc đáo. Cũng giống như ở Quỳnh Phụ, rải rác đâu đó ở trong dân chúng phía Bắc huyện Hưng Hà còn lưu giữ những vật dụng bằng đất nung như đầu nghê đất, mái cong đao guột, chum, chóe đất nung... giúp chúng ta có thể hình dung ra một khung cảnh kiến trúc rực rỡ của một thời hưng thịnh Trần triều với những cung điện nguy nga tráng lệ, những lăng tẩm, mộ chí u tịch, oai nghiêm. Kiến trúc chùa thông thường theo lối Tam quan tiền Phật hậu Thánh, cổng vào chùa có 3 cửa, ứng với thuyết Tam không của nhà Phật, thường cửa giữa to, hai cửa hai bên nhỏ hơn. Ở tam quan thường có gác treo chuông chùa, khánh, trống. Trong chùa có Tháp, Tháp là một công trình nghệ thuật quan trọng của chùa. Cùng với chùa, tháp là nơi thờ Phật có tính chất tưởng niệm và là nơi để hài cốt của các nhà sư. Các tầng của tháp tượng trưng cho từng bước tu hành để lên cõi Niết Bàn của Phật tử.

Về miền biển Thái Thụy, trong miên man, lớp lớp những con sóng biển từng ngày đẩy lùi ra xa nhường chỗ cho những cồn, bãi ngập nước phù sa với dải rừng ngập mặn như nghĩ suy về một thời kỳ lịch sử đã lùi xa, khiến con người hiện tại phải giật mình khi chạm tay vào tấm bia đá cổ phong vũ bào mòn da thịt chỉ còn trơ ra cốt xương gân guốc ở đình làng An Cố, xã An Tân, làng cổ Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, thế nhưng nét hoa văn độc đáo, dấu ấn kiến trúc của triều Lý hưng thịnh vẫn còn hiển linh dáng rồng sống động uốn lượn khác thường. Trên đầu bia khắc đôi rồng lớn thân hình cuồn cuộn như sóng cửa bể, môi rồng nở to chầu mặt trời được cách điệu thành lửa thiêng nhà Phật. Đường “diềm” hai mép bia có cài đều các ô hình nửa lá đề ôm trọn hình rồng giun (biểu tượng rồng nhà Lý), đây chính là nỗi khao khát của dân chúng cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân khang, vật thịnh.

Dọc quốc lộ 10, ghé thăm làng Cổ Lũ, xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ, thăm ngôi chùa cổ tương truyền do Thiệu Ninh công chúa (thời nhà Trần) dựng lên để thờ Phật và tiện việc cúng giỗ thân mẫu là Ưu Bà Thiên Huệ. Ngôi chùa được Vinh Lộc Đại phu kiêm Hàn lâm viện học sỹ Hồ Tông Thốc ca ngợi trong bài văn bia soạn khắc năm Xương Phù thứ 6 (1382): “...Thực là một dòng lành và đẹp đẽ của đất Tây Quan tự có riêng vậy. Công chúa là người quý hiển của vua mà không quên gốc rễ, trong lòng đều dậy lên niềm suy nghĩ mà đau đáu nhớ mong, luôn trăn trở về chốn Tây Quan này. Nay, chốn chùa chiền tỏa hương thâm nghiêm, nhìn cây giá tốt tươi, sự kính trọng dậy lên do cảm kích bèn dựng một nếp đạo tràng quán để làm nơi đi về chiêm ngưỡng...”.

Điều còn lại trong tâm khảm con người đối với các công trình kiến trúc cổ dân gian không phải ở quy mô lớn hay nhỏ mà lại là tính mỹ thuật kiến trúc và độ bền vững. Bí quyết làm cho các kiến trúc cổ xưa vừa đẹp lại vừa khỏe, không chỉ là vật liệu gỗ to, gỗ tốt, đá cứng hay gạch già mà chính là sự tính toán xây dựng (theo cách tính dân gian của các nghệ nhân đời xưa) cả về hình học, vật lý, cả về mỹ thuật và kỹ thuật thi công xây dựng. Đó là cái tài về tính lực nén của bộ mái nặng hàng chục tấn và các lực khác tác dụng vào như gió, bão... để rồi phân phối đều cho toàn bộ kiến trúc. Từ đó tạo cho kiến trúc một thế cân bằng. Ngoài chân móng (nếu là tháp) và các cột (nếu là đình, chùa, đền) các trọng tâm phải chịu lực nhiều hơn, các bộ phận khác phải chịu một lực nhất định, tương xứng với chức năng của nó. Các xà ngang, dọc giằng lấy nhau hút lực đưa về ngọn cột, để cột chịu lực là chính.

Quang Viện

  • Từ khóa