Thứ 7, 29/06/2024, 08:59[GMT+7]

Cổ phả minh tông

Thứ 2, 24/06/2024 | 09:11:54
2,581 lượt xem
Theo tài liệu khảo cứu, thời Nguyễn (1802 -1945), xã Phúc Nội thuộc tổng An Lão, huyện Thư Trì, nay thuộc thôn Tống Văn,xã Vũ Chính,thành phố Thái Bình có dòng họ Ngô Phan hiển đạt, sinh nhiều bậc hiền nhân. Thần tích, thần sắc của làng là văn bản sao lục năm 1938 gồm 11 trang, cho biết làng thờ các vị thần: Uy Linh Phù, Phù Dung linh ứng và các nghi thức cúng tế và tập tục của làng. Làng có dòng họ Ngô Phan nổi tiếng khoa bảng và có đền thờ Ngô Vương Quyền.

Đền thờ Ngô Vương Quyền mới được nhân dân thôn Tống Văn, xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình trùng tu, xây dựng lại trên nền đất cổ xưa của tổng An Lão.

Dòng họ Ngô Phan cư trú tại thôn Tống Văn, xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình được các dòng họ khác trong làng nể phục và là dòng họ có cuốn “Ngô gia thế phả” cổ được giới sử học đánh giá cao về giá trị lịch sử, nhân văn. Cuốn sách được viết và biên tập vào mùa xuân năm Bảo Thái thứ 9 (1713), thượng tuần tháng hai do vị đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ, đệ nhị danh họ Hà Nguyên Công biên soạn. 

Theo bản dịch của tác giả Đào Hồng, nguyên Trưởng phòng Bảo tồn, Bảo tàng Thái Bình, họ Ngô tại đây có nguồn gốc rất xa xưa vào thời Bắc thuộc, nguyên quán tại châu Ái (Nghệ An). Vị thủy cao tổ là Ngô Nhật Đại lấy việc cày ruộng khởi nghiệp. Con là Ngô Nhật Dụ tính hiếu học, được đi theo Sĩ Vương (tức Sĩ Nhiếp) làm học trò và giúp việc, danh vị ngày một cao và họ Ngô này dần dần trải qua nhiều đời thành một dòng họ to lớn có danh vọng. Tới thế kỷ thứ X có Ngô Đình Thực làm chức thổ hào, Ngô Đình Mân là châu mục Đường Lâm (thuộc Ba Vì - Sơn Tây, nay thuộc Hà Nội); Ngô Mân sinh ra Ngô Quyền làm nha tướng cho Dương Diên Nghệ, sau giết loạn thần Kiều Công Tiễn, lên ngôi vua lập ra triều Ngô, lãnh đạo nhân dân ta đánh bại quân xâm lược Nam Hán ở sông Bạch Đằng. Ngô Quyền là vị vua anh hùng dân tộc nhưng triều đại nhà Ngô không được lâu bền, các đời về sau bị sa sút. Qua các triều đại Đinh, tiền Lê, Lý, Trần gia cảnh trở nên nghèo túng các vị phải chuyển cư về Động Phang (Thanh Hóa) và dần dần trở nên hưng thịnh do việc hai vợ chồng cụ Ngô Rô thiên táng vào nơi phúc địa, con cháu đông đúc, thịnh vượng. Đến thời hậu Lê hiển đạt lên hàng vương hầu với các thế hệ Ngô Tây sinh ra Ngô Kinh, Ngô Kinh sinh ra Ngô Từ, Ngô Từ được Lê Lợi coi như con nuôi. Trong khởi nghĩa kháng chiến chống quân Minh (1407 - 1414), hai cha con theo Lê Lợi lập nhiều chiến công, sau bước vào hàng ngũ quan tước. Ngô Kinh được phong làm Hưng Quốc Công, Ngô Từ làm Duyên Ý Dụ Vương, con gái là Ngô Thị Ngọc Xuân, Ngô Thị Ngọc Dao đều làm phi tần trong cung. Ngô Thị Ngọc Dao sau sinh ra vua Lê Thánh Tông, họ Ngô từ đây lại khôi phục lại địa vị là dòng họ quý tộc của đất nước. 

Ngoài việc ghi chép phả hệ của dòng họ, cuốn gia phả này chép nhiều sự kiện lịch sử liên quan đến các trận đánh, các chiến công của các võ tướng trong quá trình kháng chiến chống giặc Minh giành độc lập của nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi làm chủ tướng. Cuốn gia phả cũng nói nhiều về quan hệ thân tộc của họ Ngô và Hoàng tộc họ Lê, họ Ngô và các dòng họ quý tộc khác như họ Bùi của thái úy Bùi Quốc Hưng, họ Đinh của dòng ba vị quốc công Đinh Lễ, Đinh Liệt, Đinh Bồ (Đông Đô và Tây Đô, huyện Hưng Hà nay)... Phần cuối cuốn gia phả có chép một số sự kiện lịch sử liên quan các nhân vật lịch sử đời sau vào thời Lê Trung Hưng. 

Theo gia phả, con cháu dòng họ Ngô vẫn trung thành tuyệt đối với nhà Lê, theo vua Lê tiễu trừ nhà Mạc lập nhiều võ công và vẫn là các trụ cột của triều đại nhà Lê. Sách cũng thống kê được danh sách các văn thần võ tướng dòng họ Ngô trải qua hơn ba trăm năm phò tá triều hậu Lê được ban chức tước, lộc ấp, ruộng đất... để thể hiện họ Ngô mãi mãi là một dòng họ có truyền thống văn hiến, một dòng họ không hổ danh là quý tộc của đất nước. 

Còn cuốn “Ngô gia thế phả tục biên” là cuốn gia phả ghi chép đại lược về dòng họ Ngô của nước Việt Nam và ghi chép tương đối chi tiết về dòng họ Phan gốc họ Ngô về cư trú tại thôn Tống Văn, xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình. Người làm cuốn sách này là cử nhân Phan Ngô Cảnh Tung người của dòng họ. Cụ Phan Ngô Cảnh Tung sinh ngày mùng 4 tháng 10 năm Canh Thân (1860), tên khai sinh do tiên phụ đặt cho là Văn Kiến, anh cả đặt cho là Văn Thiệm, sổ đinh ghi là Đức Tuấn lại có tên là Đắc Thuyên, khi đỗ cử nhân năm Tân Mão (1891) lại đổi thành Cảnh Tung. Ông là con trai thứ ba của khóa sinh kiêm xã trưởng Phan Định tự Đăng Phú (1820 - 1861) và bà Nguyễn Thị Uyển (1828 - 1909). Ông là hậu duệ đời thứ 11 của thủy tổ Ngô Đình Quyền tự Phúc Toàn, người đã lập ra thôn Nam, xã Tống Vũ, sau là thôn Tống Văn ngày nay. Phan Ngô Cảnh Tung đỗ cử nhân khoa Tân Mão (1891) triều vua Thành Thái năm thứ ba. Đỗ đạt có bằng cấp nhưng Phan Ngô Cảnh Tung không ra làm quan, dành thời gian nghiên cứu và học tập thêm biên soạn sách lịch sử, cùng một số tri thức tiến bộ tham gia cuộc vận động Duy Tân truyền bá tư tưởng “cách tân” và “tân học” đầu thế kỷ XX. 

Theo cuốn “Việt sử mông học” từ thời Hồng Bàng đến năm 1945 của soạn giả Ngô Đức Dung (1880 - 1967, sách do NXB Văn học in tháng 2 năm 1998) có bài tựa bộ Việt sử của cử nhân Phan Ngô Cảnh Tung, ngoài bài tựa cử nhân Phan Ngô Cảnh Tung với bút danh Tống Văn Sơn còn lời bình một số sự kiện và nhân vật trong tập sách này. Cụ Phan Ngô Cảnh Tung đã dành nhiều thời gian công sức tâm trí để tìm hiểu và sưu tầm biên soạn gia phả dòng họ Ngô, dòng họ Phan gốc họ Ngô ở làng Tống Văn, xã Vũ Chính. Tương truyền, hai lần cụ Cảnh Tung về Đồng Phang (Động Bàng) Yên Định, Thanh Hóa viếng mộ tổ, thăm họ hàng đất phát tích trung hưng họ Ngô và cũng là để sưu tầm nghiên cứu các tư liệu nhằm biên tập một bộ gia phả dòng họ Ngô Phan thật hoàn thiện. Lần thứ nhất cụ Cảnh Tung về Đồng Phang là năm 1894, lần thứ hai là năm 1897. Cụ Cảnh Tung mất ngày 29 tháng 3 năm Nhâm Tuất (1922). 

Trước khi cuốn sách “Ngô gia thế phả tục biên” xuất hiện, dòng họ Ngô Phan đã có cuốn như “Ngô gia thế biên”, là cuốn sách có niên đại sớm nhất, trong đó có bài tựa của giám sinh Thao Vũ Hầu Phan Hữu Lập (tức Phan Ngô Mẫn Nghị) viết năm Kỷ Sửu (1709). Sau đó là cuốn “Phả chí họ Ngô Phan” có ghi tên tú tài ân khoa Phan Đăng Khoa, năm Thiệu Trị thứ hai, Nhâm Dần (1841). Đầu thế kỷ XX có cuốn “Phan tộc thống tôn ngọc chí” (Phan tộc chính chi thế hệ phả) ghi tên cụ Lý trưởng kỳ lão nhất trường Phan Duy Tự triều vua Duy Tân năm thứ tám, Giáp Dần (1914). 

Theo các nghiên cứu, khoảng những năm 20 của thế kỷ XX, dòng họ lại cho “ra mắt” cuốn “Ngô gia phả hệ” của cụ Giáo Thụ phủ Quảng Oai, Hàn lâm biên tu Phan Đức Mậu biên soạn. Đến năm 1951, cả họ lại tập trung công sức trí tuệ biên chép bằng chữ quốc ngữ đầu tiên là cuốn “Ngô Phan gia phả” do các cụ: Phan Văn Khoát, Phan Văn Khiết, Phan Văn Long, Phan Ngô Chử, Phan Văn Khư đồng tâm viết tập. Điểm chú ý trong cuốn “Ngô gia thế phả tục biên” là 104 trang viết chữ Hán.

Bài ký của cụ Cảnh Tung, hiệu đính lời tựa, biên tập thế thứ các đời họ Ngô Phan. Theo các nhà nghiên cứu, sách hàm chứa nhiều tư liệu lịch sử liên quan đến đất nước, đến quá trình hình thành phát triển của làng, xã và sự phát triển của dòng họ trong làng xã mà dòng họ lưu trú... tất cả đều trình bày khúc triết, rõ ràng giúp người đọc thông hiểu dễ dàng thế, thứ phả hệ của cả họ, các quy ước của dòng họ và truyền thống đạo lý chung của người dân trong giao tiếp xã hội.

Quang Viện