Thứ 4, 03/07/2024, 11:08[GMT+7]

Đuổi hổ giữa đồng bằng

Thứ 7, 20/10/2018 | 17:15:00
9,645 lượt xem
Sự liên quan, gắn bó mật thiết giữa tâm linh và hiện thực, giữa truyền thuyết vua Hùng với đức vua cha Bát Hải Động Đình ở đền Đồng Bằng (xã An Lễ) với nghi lễ tôn thờ Tản Viên Sơn Thánh ở miếu Go (xã An Vũ) với đền Mẫu Thoải (xã Đông Hải) có thể là bộ ba thánh hiền hiển linh ở vùng đất cổ trang Đào Động thuộc huyện Phụ Phượng xưa.

Miếu Go nằm trong khu rừng nguyên sinh ở thôn Vọng Lỗ, xã An Vũ, địa chỉ đỏ thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Phụ Dực cũ, nay là huyện Quỳnh Phụ.

Giữa khu rừng nguyên sinh rộng cũng chừng 3 mẫu có hào nước bao quanh, xum xuê tán xà cừ, tre, trúc, thông, mây… ở làng Sổ nay là thôn Vọng Lỗ, xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ có ngôi miếu cổ tên nôm gọi là Go thờ Tản Viên Sơn Thánh. Miếu tọa lạc và chìm trong khu rừng nguyên sinh còn sót lại giữa cánh đồng lúa trải dài tốt tươi, cách đó một tầm mắt về phía Tây - Tây Bắc là đền Đồng Bằng thờ đức vua cha Bát Hải Động Đình, đền Mẫu Thoải và con sông Đào Động uốn lượn như dải lưng xanh. Miếu Go gắn bó sâu sắc với 4 ngôi đình làng Sổ bởi tục đánh bệt lưu truyền từ bao đời.

Tương truyền làng Sổ (Vọng Lỗ) thời xa xưa là vùng đất hoang vu, cây cối um tùm, nhiều cọp beo, rắn rết. Làng có 4 ngôi đình thờ 4 vị thành hoàng. Theo truyền ngôn 4 vị thành hoàng là anh em trong một nhà. Người anh cả có công giúp vua Hùng đánh giặc giữ yên bờ cõi, được vua trọng thưởng. Cách làng không bao xa là khu rừng nguyên sinh khá rộng nằm giữa cánh đồng lúa phì nhiêu và không biết từ đời nào dân làng đã dựng một ngôi miếu nhỏ dân gian gọi là miếu Go thờ đức thánh Tản Viên (Tản Viên Sơn Thánh), người có công lao lớn đánh tan giặc xâm lược giữ yên bờ cõi được vua Hùng 18 phong thưởng và nhân dân tôn phong là vị tổ của bách thần, một trong “tứ bất tử” của thần linh nước Việt. Đến thời nhà Lý, Tản Viên Sơn Thánh được phong là “Thượng đẳng tối linh thần” và “Đệ nhất phúc thần”.

Trong chuyến điền dã mới đây để tìm hiểu về tín ngưỡng thờ tứ phủ ở trang Đào Động trong các truyền thuyết linh ứng vùng đất Phụ Phượng xưa (nay là huyện Quỳnh Phụ), chúng tôi tìm về miếu Go. Theo truyền thuyết và dựa vào lời kể của các bậc cao niên ở làng Sổ thì Tản Viên Sơn Thánh có hai người em họ là Sùng Công và Hiển Công. Ba anh em mồ côi cha mẹ từ sớm, ngày ngày vào rừng kiếm củi sinh sống. Sau khi được Tiên ông ban gậy thiêng và thần chú, Tản Viên Sơn Thánh và hai người em được nhân dân tôn làm Thần sư do cứu giúp được nhiều người và diệt trừ thú dữ bảo vệ dân làng. Tản Viên Sơn Thánh còn được Tiên ông ban sách ước nên đã thắng Thủy Tinh và được vua Hùng 18 gả công chúa Mỵ Nương cho. Khi đất nước bị quân Thục đánh chiếm (vùng đồng bằng ven biển chép là Vĩnh Công Bát Hải Động Đình đánh Thục), vua Hùng sai Tản Viên Sơn Thánh cầm quân đánh giặc. Giặc tan, vua Hùng phong cho Tản Viên Sơn Thánh là Nhạc phủ Thượng đẳng thần, Hiển Công là Cao Sơn Đại vương, Sùng Công là Quý Minh Đại vương. Nguyễn Tông Quai (1693 - 1767) quê làng Sâm, huyện Ngự Thiên (nay là huyện Hưng Hà) là trọng quan triều hậu Lê khi hiệu chú sách “Dư địa chí” có chép: “…Người đời Thanh nói, Tản Viên Đại vương đi từ biển lên núi, Phù Đổng thiên vương cưỡi ngựa bay lên không trung, Đồng tử nhà họ Chử gậy nón lên trời, Ninh Sơn Từ Đạo Hạnh in dấu vào đá để đầu thai. Ấy là An Nam tứ bất tử vậy”. 

Theo hiệu chú của sách “Dư địa chí” kể trên thì Tản Viên Sơn Thánh đích thực là vị thần “tứ bất tử” trong dân gian được thờ ở miếu Go. Xét địa lịch sử và địa văn hóa giữa truyền thuyết và truyền ngôn hội tụ ở miếu Go ta có thể nhận thấy nét tương đồng trong tâm thức hướng về cội nguồn của cha ông ta trên mảnh đất làng Sổ xưa. Bắt đầu bằng câu chuyện thần tích Sơn Tinh và Thủy Tinh đời vua Hùng thứ 18. Sự tích được lưu ở đền Đồng Bằng (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ) cách miếu Go chừng 1km, trong quần thể tâm linh miếu Go, đền Mẫu Thoải, đền Đồng Bằng thờ đức vua cha Bát Hải Động Đình được dân gian biết đến qua bài hát Văn Công đồng:

“Tận hư không giới thánh hiền
Dục giới sắc giới chư thiên đều mời
Vua Đế Thích quản cai Thiên chủ
Vua Ngọc Hoàng Thiên phủ chi tôn
Dương phủ Ngũ nhạc thần vương
Địa phủ thập điện Minh vương các tòa
Dưới Thoải phủ giang hà ngoại hải
Chốn Động Đình Bát Hải Long Vương…”

Trong bài văn có câu hát “Dương phủ Ngũ nhạc thần vương” chính là nhắc tới “Tản Viên Sơn Thánh”, thần “tứ bất tử” là con rể vua Hùng 18 và được vua Hùng tấn phong “Nhạc phủ Thượng đẳng thần”. Trong thần tích Tản Viên Sơn Thánh đã dùng cây gậy thần cứu sống con rắn là Thuỷ Tinh, con của Động Đình Đế Quân rồi đi xuống thăm thủy phủ, được tặng thêm quyển sách ước… tục truyền có đủ các thần chủ của Tứ phủ từ Mẫu Thượng Ngàn, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Mẫu Thoải và vua cha Bát Hải Động Đình. Về giá trị lịch sử văn hóa tập quán thờ Tản Viên Sơn Thánh không chỉ tưởng nhớ tới người anh hùng, vị thánh đứng đầu trong “tứ bất tử” của người Việt mà còn thể hiện ước vọng chinh phục tự nhiên, chiến đấu chống thiên tai, lũ lụt để bảo vệ mùa màng và cuộc sống cho nhân dân. Miếu Go còn gắn bó với tục múa bệt (đánh bệt) hay còn gọi là đuổi hổ. Tương truyền, 4 anh em thành hoàng làng có công khai hoang lập làng, đánh đuổi thú dữ, bảo vệ làng xóm, dân lành, trong đó ông anh cả có công đánh giặc giữ nước được vua Hùng trọng thưởng. Sau khi 4 anh em qua đời, dân làng thương nhớ xây đình, lập miếu tôn thờ làm thành hoàng làng. Các triều đại phong kiến sau này đều có sắc phong 4 vị làm thành hoàng làng Sổ. Tục truyền, miếu Go là nơi ông cả (4 anh em thành hoàng làng) cưỡi hổ đến rồi bay lên trời và từ đấy dân làng Sổ có tục đánh bệt (múa đuổi hổ), đây là trình thức văn hóa dân gian gắn với quá trình lập ấp, dựng làng liên quan đến người thật, việc thật cộng hưởng với tâm linh của làng cùng với tâm thức bày tỏ lòng biết ơn công lao hộ dân giúp nước của Tản Viên Sơn Thánh cùng 4 anh em thành hoàng làng. Miếu Go hiện còn nhiều loại cây gỗ của rừng già nguyên sinh, trong đó còn một cây lim khá to, cây cao vài chục mét (gỗ lim thường mọc trên núi) và một loại cây mà dân gian thường gọi là cây gỗ đẻ. Cây gỗ đẻ hơi giống lá bạch đàn nhưng cao hơn, thân mọc thẳng từ đất và quấn lấy nhau ở phần ngọn. Theo dân gian trong vùng, nhà nào hiếm muộn con cái tới miếu Go cầu tự, khấn vái và sờ vào cây gỗ đẻ sẽ được toại ý.

Sự liên quan, gắn bó mật thiết giữa tâm linh và hiện thực, giữa truyền thuyết vua Hùng với đức vua cha Bát Hải Động Đình ở đền Đồng Bằng (xã An Lễ) với nghi lễ tôn thờ Tản Viên Sơn Thánh ở miếu Go (xã An Vũ) với đền Mẫu Thoải (xã Đông Hải) có thể là bộ ba thánh hiền hiển linh ở vùng đất cổ trang Đào Động thuộc huyện Phụ Phượng xưa.

Ông Phạm Văn Khánh, Chủ tịch UBND xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ

Quá trình phấn đấu về đích xã nông thôn mới chúng tôi chú trọng bảo vệ và phát huy giá trị các thiết chế văn hóa như đền, đình, chùa, miếu. Toàn xã có 4 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đã được đăng ký bảo vệ, trong đó có miếu Go thuộc thôn Vọng Lỗ. Miếu Go không những là nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh gắn với điệu múa dân gian đuổi bệt độc đáo và còn là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Phụ Dực cũng là căn cứ hoạt động cách mạng của các chiến sĩ cách mạng tiền bối thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. 
Ông Trần Thế Vinh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ

Ở tỉnh đồng bằng không một ngọn núi, quả đồi như Thái Bình có khu rừng nguyên sinh miếu Go là điều rất quý. Chính vì thế, với vai trò là mặt trận đại đoàn kết toàn dân, Ủy ban MTTQ xã đã phát động bà con trong thôn, ngoài xã, con em nhân dân đi làm ăn sinh sống xa quê gửi tiền của về tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa theo phương thức xã hội hóa. Do vậy, nhiều di tích lịch sử văn hóa, trong đó có miếu Go đã được tu sửa, tôn tạo với số tiền hàng trăm triệu đồng góp phần xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Văn Sơn, thủ nhang miếu Go, thôn Vọng Lỗ, xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ

Tôi được Ban Quản lý di tích lịch sử đình, miếu Go của thôn Vọng Lỗ cử ra trông coi, bảo vệ miếu Go từ năm 1990. Xác định đây không những là khu bảo tồn thiên nhiên rừng nguyên sinh của tỉnh mà còn có di tích lịch sử miếu Go là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Phụ Dực với những chiến công oanh liệt của các chiến sĩ cách mạng thời kỳ chống thực dân Pháp. Hiện nay, nhiều hạng mục của miếu Go đã và đang xuống cấp cần được đầu tư tôn tạo, rất mong các cấp chính quyền và các cơ quan hữu quan quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa rừng nguyên sinh và di tích lịch sử miếu Go.


Quang Viện

  • Từ khóa