Thứ 4, 03/07/2024, 11:37[GMT+7]

Võ tướng uy linh

Thứ 2, 29/07/2019 | 09:25:35
10,651 lượt xem
Làng Bồng Tiên xứ Bồng Lai là dấu ấn thuở hàn vi của danh tướng Yết Kiêu và theo truyền ngôn sau này khi đã là danh tướng nhà Trần ông đã từng về đây tuyển mộ quân lính và lấy địa danh Bồng Tiên làm nơi luyện quân.

Hậu cung đình Bồng Tiên, nơi thờ danh tướng Yết Kiêu.

Tương truyền, ở làng Kiến Xá, xứ Sơn Nam (cạnh sông Hồng, nay thuộc xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư) có một gia đình truyền đời làm nghề chài lưới sinh được một người con gái bơi lội rất giỏi có thể lặn dưới nước hàng giờ, bơi trên sông cả ngày, nhiều trai làng đã từng đọ sức nhưng đều thua nên dân gian gọi là “bà chúa bơi”. Thuở hàn vi, Yết Kiêu lang thang kiếm sống bằng nghề sông nước phiêu bạt tới làng Kiến Xá. Thấy Yết Kiêu nhỏ tuổi mà chịu khó, lại thông minh, nhanh nhẹn, “bà chúa bơi” liền nhận làm con nuôi và truyền thụ cho Yết Kiêu bí quyết bơi lội, sau này là tỳ tướng của Hưng Đạo Vương và nổi tiếng nhờ chiến tích lặn đục thủng thuyền quân Nguyên Mông...

Theo ngọc phả đình Bồng Tiên, nơi thờ Yết Kiêu là thành hoàng làng, Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế (1242 - 1303), thân phụ ông là Phạm Hữu Hiệu, người làng Hạ Bì, lộ Hồng (nay là làng Hạ Bì, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) làm nghề chài lưới bên sông Quát. Thân mẫu ông là bà Vũ Thị Duyên, người huyện Thanh Hà bán hàng nước ở bến đò. Cuộc sống bần hàn quanh năm nghèo khó, bữa no, bữa đói lại mồ côi cha từ nhỏ nên Phạm Hữu Thế (Yết Kiêu) đã phải sớm hôm chài lưới, mò cua, bắt ốc bán đổi lấy gạo phụng dưỡng mẹ già và nuôi thân.

Trong chuyến điền dã về xứ Bồng Lai (xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư) tìm hiểu về thực ấp nhà Trần tại đây tôi được nghe các bậc cao niên kể về sự tích đình Bồng Tiên, trong đó không quên nhắc tới công lao của danh tướng Yết Kiêu “Đệ nhất đô soái thủy quân đức thánh Trần triều” đối với quốc gia Đại Việt được dân làng Bồng Tiên tôn vinh làm võ tướng uy linh của làng. 

Gặp gỡ cựu chiến binh Trần Văn Dực, thôn Bát Tiên, xã Vũ Tiến là người nhiều năm dành tâm huyết cho công việc tu tạo đình Bồng Tiên, ông cho biết ông đã vận động con cháu công đức tiền, vàng rồi tự mình sang tận làng Hạ Bì (Hải Dương) sao chép nguyên mẫu tượng Yết Kiêu rồi thuê thợ đúc đồng Nam Định về quê đúc tượng ngài sau đó làm lễ “Hô thần nhập tượng” tại cung cấm đình làng. Giờ đây, đình làng Bồng Tiên thờ thành hoàng làng Yết Kiêu đã có tượng ngài để con cháu trong làng đi xa về gần hương khói phụng thờ. 

Theo các tài liệu khảo cứu, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có nhiều thuộc tướng hết mực trung thành và tài giỏi, góp công sức to lớn vào chiến thắng của quân dân Đại Việt ba lần đại thắng quân Nguyên Mông, trong đó có danh tướng Yết Kiêu, tỳ tướng trung thành của Hưng Đạo Vương. Yết Kiêu có tài bơi lặn “nhập thủy như phúc bình địa hỹ” (tức là bơi lặn dưới nước như đi trên đất bằng) và nhờ có tài bơi lội mà Yết Kiêu lập được nhiều chiến công hiển oai, đặc biệt là tài lặn sâu và lặn rất lâu dưới nước bám đáy thuyền chiến của giặc rồi đục thủng làm đắm 20 thuyền chiến của giặc trong trận đại chiến quân Nguyên Mông 1288. 

Cho đến ngày nay nhiều giai thoại về Yết Kiêu với tài bơi lặn “siêu việt” vẫn được lưu truyền trong đó có truyền ngôn “bà chúa bơi” ở làng Kiến Xá (xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư) dạy Yết Kiêu bơi lặn. Cũng theo sử cũ, năm 1285, quân Nguyên Mông huy động 50 vạn quân lần thứ hai tiến đánh Đại Việt từ phía Bắc. Trước thế giặc mạnh như chẻ tre, Hưng Đạo Vương chỉ huy các cánh quân vừa đánh vừa lùi nhử địch vào bẫy để tiêu hao lực lượng của chúng và bảo toàn lực lượng của ta. Các cánh quân được chia ra nhiều hướng đánh địch và cùng rút về Vạn Kiếp, căn cứ quân sự nhà Trần. Lúc này tướng giặc là Thoát Hoan thấy quân Đại Việt còn quá mỏng thì nảy sinh chủ quan thúc quân truy kích. Trước thế mạnh quân Nguyên Mông các hiệu quân Đại Việt bị mất liên lạc với nhau, mạnh ai nấy rút hết về Vạn Kiếp. Người rút đi sau cùng lại chính là Hưng Đạo Vương. 

Đại Việt Sử ký Toàn thư chép: Hưng Đạo Vương nghĩ rằng các quân của mình đã rút hết khỏi chiến trường, ra bến thuyền chắc chẳng còn chiếc thuyền nào nên nói với Dã Tượng (thuộc tướng của Hưng Đạo Vương) theo đường núi mà rút đi, nhưng Dã Tượng lại nói rằng: “Yết Kiêu chưa thấy Đại Vương thì nhất định không rời thuyền”. Hưng Đạo Vương ra Bãi Tân thì quả nhiên chỉ còn duy nhất chiếc thuyền của Yết Kiêu chờ sẵn, Hưng Đạo Vương mừng rỡ mà nói rằng: “Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng chim thường thôi”. 

Tuy nhiên quá trình điền dã qua nhiều ý kiến của bậc cao niên ở làng quê vẫn tồn nghi cho rằng Yết Kiêu không phải là tên gọi một loài kình ngư như sử sách vẫn chép mà là tên gọi một loại “linh cẩu” còn Dã Tượng là “voi rừng”. Dù Yết Kiêu là tên gọi được bậc vương hầu đặt cho hay tự thân ngài đặt tên cho mình thì Yết Kiêu vốn xuất thân là gia nô của nhà Trần vẫn tận trung vì đại nghĩa đánh giặc cứu nước xét cho cùng thì trên đời này mấy người hơn được danh tướng Yết Kiêu và Dã Tượng và không vì xuất thân là gia nô mà không thể sánh ngang hàng với các bậc hào kiệt khác để trở thành tỳ tướng trung thành của nhà Trần. 

Tương truyền khi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đánh quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng, là tỳ tướng giúp Hưng Đạo vương “thủy chiến” giặc trên sông Yết Kiêu đã gặp người lái đò biết đường đến khu vực có nhiều đồng, sắt. Khai thác được quặng quý, Yết Kiêu cho quân lính mang sắt về rèn giũa rồi bịt đầu cọc làm vũ khí cắm trên sông tiêu diệt thuyền chiến giặc. Duyên trời xui khiến, ông lão lái đò có cô con gái mắt phượng, mày ngài lại tài cung kiếm, “trai tài, gái sắc” gặp nhau cảnh loan phượng không nói lên lời. Một lần tìm cách tiếp cận thuyền giặc, chẳng may Yết Kiêu bị giặc phục kích, tên giặc bắn như mưa, cô gái đã dùng thân mình làm bia đỡ mũi tên của quân giặc cứu mạng Yết Kiêu. Cô chết trên tay của Yết Kiêu khi chưa kịp nói lời yêu. Yết Kiêu ngửa mặt lên trời mà thề sẽ giết hết giặc Thát. Mang nặng ân huệ với cô gái con ông lái đò đã chọn cái chết về mình để Yết Kiêu được sống và duyên tình không hẹn ước đã khiến cho Yết Kiêu chung tình dẫu có chết vẫn từ chối tình cảm của công chúa nhà Trần. 

Những tư liệu về danh tướng Yết Kiêu tại Bồng Tiên quá ít ỏi để khắc họa lại chân dung võ tướng uy linh Yết Kiêu thuở hàn vi ở thực ấp của nhà Trần xứ Bồng Lai nhưng những truyền ngôn về vị danh tướng bơi lội tài giỏi có một không hai trong lịch sử vốn là gia nô nhà Trần vẫn như dòng chảy của sông nước dội về từ quá khứ âm thầm kể cho các thế hệ người dân làng Bồng Tiên và xứ Bồng Lai về danh phận một võ tướng uy linh thời Trần cho dù ngài xuất thân nghèo khó nhưng đức độ và tấm lòng hiếu trung với xã tắc và chung tình đến chết của ông thì còn mãi với thời gian.

Làng Bồng Tiên xứ Bồng Lai là dấu ấn thuở hàn vi của danh tướng Yết Kiêu và theo truyền ngôn sau này khi đã là danh tướng nhà Trần ông đã từng về đây tuyển mộ quân lính và lấy địa danh Bồng Tiên làm nơi luyện quân. Năm Quý Sửu 1203 ông mất, vua Trần sắc phong cho ông là “Đệ nhất đô soái thuỷ quân đức thánh Trần triều”. Dân làng Bồng Tiên xót thương tôn thờ ông làm thành hoàng làng và thờ ông tại đình Bồng Tiên.


Ông Trần Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư

Nét nổi bật của làng Bồng Tiên chính là hai dòng họ lớn nhất làng là Trần và Nguyễn cùng song tồn, phát triển. Trong đình Bồng Tiên cũng có hai cung Tả, Hữu thờ hai vị thủy tổ hai dòng họ Trần và Nguyễn.

Cựu chiến binh Trần Quyết Chiến, trưởng ban khánh tiết đình Bồng Tiên, thôn Bát Tiên, xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư

Kiến trúc đình Bồng Tiên theo kiểu “Nội công, ngoại quốc” và có niên đại gần 700 năm. Mới đây, con cháu trong làng góp công, góp của thay mới hai trụ cột hậu cung xuống cấp, giữ cho ngôi đình vững chãi với thời gian.


Ông Trần Văn Dực, thôn Bát Tiên, xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư

Tâm nguyện của tôi cầu mong “Đệ nhất đô soái thủy quân đức thánh Trần triều” linh thiêng phù hộ cho tôi sức khỏe để tiếp tục làm công việc duy tu, bảo tồn di tích lịch sử đình Bồng Tiên trường tồn với thời gian cho cháu con sau này. Tôi kiến nghị chính quyền địa phương tháo dỡ khung sắt án ngữ trước Tam bảo để giữ được cảnh quan không gian kiến trúc đình Bồng Tiên.

Ông Trần Văn Khuê, thủ từ đình Bồng Tiên, thôn Bát Tiên, xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư

Đình Bồng Tiên thờ thành hoàng làng Yết Kiêu, một danh tướng kiệt xuất của nhà Trần là niềm tự hào của nhân dân làng Bồng Tiên chúng tôi. Chúng tôi mong các cấp chính quyền tạo điều kiện bảo tồn ngôi đình cổ kính và linh thiêng này cho cháu con muôn đời.


Quang Viện 

  • Từ khóa