Thứ 4, 03/07/2024, 12:37[GMT+7]

Nỗi day dứt hơn nửa thế kỷ

Thứ 2, 29/07/2019 | 09:50:10
2,338 lượt xem
...Còn chút hơi thở em còn tìm anh. Từ nơi xa xôi, em cầu mong anh luôn được an lành và hạnh phúc. Nếu anh xem được tấm ảnh này, thì anh sẽ nhận ra em ngay, phải không anh...

Cựu chiến binh Hoàng Thị Ngọc Điệp.

Đó là sự thổn thức day dứt của nữ cựu chiến binh Hoàng Thị Ngọc Điệp, trú ở tổ 19, bầu Ốc Thượng, Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, quê chị Điệp ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An viết gửi cho người mà chị yêu thương có tên là Thợi quê Thái Bình. Chị Điệp gửi tới tôi nỗi day dứt hơn nửa thế kỷ đi tìm người yêu và những mong thông tin từ bài báo này anh Thợi nếu còn sống và đang ở xã, phường, thị trấn nào của tỉnh Thái Bình cũng như những người thân của anh biết được tấm lòng của người con gái xứ Nghệ, đã thủy chung son sắt chờ đợi anh Thợi khi miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, đất nước sạch bóng quân thù.

Chị Điệp kể lại, đầu năm 1967, trong một lần đi làm nhiệm vụ xa đơn vị tại xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, tình cờ chị gặp và quen biết anh Thợi cũng đang trên đường làm nhiệm vụ. Biết anh khát nước chị đã đưa anh Thợi bi đông nước của mình, vừa uống nước anh Thợi vừa ngắm nhìn chị và ngắm vào dòng chữ khắc trên bi đông nước Hoàng Thị Ngọc Điệp rồi tươi cười. Anh hỏi: Tên em đây à? Tôi trả lời anh rất khẽ. Vâng ạ! Sao nhìn em giống thiếu niên tiền phong vậy? Anh đùa. Tôi đỏ mặt đáp em mười sáu tuổi vừa nhập ngũ được nửa năm, em phải khai tăng thêm hai tuổi để được đi bộ đội. Anh nheo mắt nhìn tôi trong bộ quân phục thùng thình rồi chậm rãi: Em về lên gấu quần vài ba phân để mặc cho vừa, mặc thế đi lại khó khăn vấp ngã thì khốn. Nói đoạn anh trả lại chị Điệp chiếc bi đông nước, chị đã từ chối và bắt anh mang theo về đơn vị... Anh sẽ trở lại trả bi đông nước của anh cho em. Sao lại thế ạ? Anh ngoắc tay và nói: Vì bi đông nước ấy có tên của anh còn bi đông nước em tặng anh sẽ mang theo ra trận. Hơn một tháng sau anh Thợi tìm đến đơn vị của chị Điệp, họ vừa nhìn thấy nhau anh đã gọi: Điệp ơi! Anh trả bi đông nước cho em này. Chiếc bi đông nước khắc chữ T rất đẹp, anh nói đủ hai người nghe: Anh tên Thợi quê Thái Bình, còn em quê đâu xa? Dạ! Em ở thị xã Vinh ạ. Tuyệt nhiên hai người không hỏi nhau về hòm thư và vị trí đóng quân vì kỷ luật quân đội ngày đó phải giữ bí mật? Anh Thợi đã đi vào trái tim của chị Điệp giản đơn như vậy khi cả hai cùng song hành vào chiến trường gian khổ và hiểm nguy. Chị Điệp trải lòng: Vào một đêm mưa gió có nhiều sấm chớp phía đằng Tây, đơn vị của chị tiếp tục hành quân vào phía trong thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, chiếc áo mưa chỉ che đủ ba lô đựng quân trang, quần áo trên người chị ướt sũng, chị đã nản trên đường hành quân nhưng rồi chị lại nghĩ đến anh Thợi, trái tim chị lại thì thầm cố lên, gắng lên. Hình ảnh và nụ cười hiền của anh tiếp sức cho chị vượt lên tất cả. Hai tháng sau lần trao bi đông tặng chị Điệp, anh Thợi lại tìm đến đơn vị chị lần này anh thông báo anh sắp đi B rồi và họ đã có phút giây tâm sự bên nhau. Thay lời ước hẹn hai người trao tặng nhau chiếc bi đông đựng nước, họ nhìn về nhau mơ về ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất... Khi chia tay chị Điệp anh Thợi dúi vào tay chị một mảnh giấy và nói: Nếu còn sống trở về, anh sẽ đến thị xã Vinh để tìm em, còn đây là hòm thư của anh, em giữ kỹ rồi viết thư cho anh nhé... Khi anh Thợi đi rồi chị mới giở thư anh ra đọc, ngoài hòm thư là những vần thơ của người lính chân tình và mộc mạc, chữ viết rất đẹp, màu mực rất tươi:

Anh muốn rằng em sẽ đợi chờ
Xuân đến, xuân đi cứ làm ngơ?
Biển tình dù nổi cơn giông tố
Mãi mãi... trăm năm vẫn cứ chờ.

Chưa đầy mười bẩy tuổi và chưa đủ một năm tuổi quân trái tim của nữ quân nhân Hoàng Thị Ngọc Điệp đã thổn thức, khi anh Thợi đi rồi là những ngày tiếp đó chị Điệp bị đồng đội bạn bè trêu chọc, nhiều lúc chị đã cự cãi đồng đội và tất cả bực tức của chị dồn vào phút nông nổi khi chị viết thư gửi cho anh Thợi và có lẽ chính điều này làm chị day dứt hơn nửa thế kỷ đi tìm anh chưa thấy? Chị Điệp viết:

Em biết rằng, em chẳng đợi chờ
Xuân đến, xuân đi chẳng làm ngơ
Biển tình đâu nổi cơn giông tố
Anh hãy quên đi giấc mộng mơ...

Chiến tranh kéo dài rồi cũng kết thúc ngày 30/4/1975 anh Thợi không về thị xã Vinh tìm chị Điệp còn chị Điệp thì sống với thước phim quay chậm và vô cùng day dứt, ân hận chị đã thầm thì gọi tên anh Thợi và rồi chẳng thấy anh đâu? Chị Điệp đã không trở về thành phố Vinh mà đi tìm hạnh phúc cho riêng mình một gia thất ấm cúng và viên mãn với chồng con đủ đầy, cuộc sống khá dư giả nơi thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Trong nhiều năm qua chị vẫn giữ chiếc bi đông có khắc chữ T và chỉ mình chị hiểu đó là lời ước hẹn tình yêu đầu tiên của tuổi trẻ chị không giữ được cho riêng mình, để rồi hoài niệm và day dứt, chị dành nhiều thời gian về quê hương Thái Bình, nhờ các đồng đội quê Ninh Bình, Nam Định để tìm anh bộ đội có tên Thợi mà kết quả vẫn đang vô vọng...

Mới đây chị điện thoại cho tôi giọng chị cứ run, nấc nghẹn, chị nói nhờ Báo Thái Bình chuyển thông điệp của nữ cựu chiến binh Hoàng Thị Ngọc Điệp, cư trú tổ 19, bầu Ốc Thượng, Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam quê gốc ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An mong tìm được anh bộ đội tên Thợi quê Thái Bình, chị Điệp nói có thông tin là chị tìm về gặp anh ngay. Nếu anh gặp khó khăn về cuộc sống chị sẽ mở lòng giúp anh vượt khó. Chị Điệp cũng lường tình huống xấu nhất nếu chẳng may vì sự khốc liệt của chiến tranh, anh Thợi đã hóa thân cho đất rừng Phương Nam thì thân nhân của anh Thợi, những người đồng đội của anh, các cựu chiến binh tỉnh Thái Bình biết được thông tin này sẽ liên lạc với chị, để chị một lần được sám hối trước vong linh của người đã khuất mà trước đó chị đã có lời ước hẹn mà không thể cùng nhau đi trọn cuộc đời.

Nguyễn Công Liêm
(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa