Thứ 4, 03/07/2024, 11:54[GMT+7]

Góp lệ Dương Kinh

Thứ 2, 19/08/2019 | 10:14:32
3,745 lượt xem
Chùa Cao Lăng (An Vinh, Quỳnh Phụ) là một tuyệt tác kiến trúc đồng thời cũng là nơi lưu giữ nhiều bia ký và hương đài thời Lê - Mạc, Nguyễn có giá trị cao về văn hóa phi vật thể.

Chùa Cao Lăng.

Với 10 bi ký, 2 cây hương đài và 1 bia tháp ghi chép khá đầy đủ đời sống và quan hệ xã hội của người dân trấn Sơn Nam trong xã hội phong kiến còn tồn lưu tại Cao Lăng tự (chùa Cao Lăng, làng Cổ Tiết, xã An Vinh, huyện Quỳnh Phụ) từ thời nhà Mạc (thế kỷ XVI) đến đầu thế kỷ XX thì đây là ngôi chùa cổ kính, kiến trúc nghệ thuật độc đáo thiết kế theo kiểu “nội công ngoại quốc” biến hình của “tam cung cửu viện”; “mái cong đạo guột”; “chín nóc, chín mái” được xếp vào hạng “độc nhất vô nhị” không chỉ trên địa bàn tỉnh mà cả vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cao Lăng tự được xây dựng trước năm 1543, triều đại nhà Mạc, niên hiệu Mạc Quảng Hòa.

Theo sử cũ cùng các nguồn khảo luận và bi ký, Cao Lăng tự được xây dựng khoảng thời gian trước năm 1543 trong bối cảnh nhà Mạc sau khi cướp ngôi nhà Lê, ở ngôi không lâu Mạc Đăng Dung (Mạc Thái Tổ) nhường lại ngôi báu cho con là Mạc Đăng Doanh (Mạc Thái Tông). Mạc Ðăng Doanh lên ngôi trị vì thiên hạ được 10 năm, đất nước khá bình yên, phía Bắc nhà Minh cũng chỉ có ý đe dọa, phía Nam quân đội trung hưng nhà Lê chưa đủ mạnh để đem quân ra Bắc. Ðể dẹp bọn trộm cướp, Ðăng Doanh đưa ra một kế sách hay, ra lệnh cấm dân chúng các xứ không được mang gươm giáo, dao nhọn và các đồ binh khí đi ra ngoài đường. Nếu kẻ nào trái lệnh, cho pháp ty bắt trị tội. Nhưng rồi Mạc Đăng Doanh đột ngột băng hà, Thái thượng hoàng Mạc Ðăng Dung ở Dương Kinh (Hải Dương) phải trở lại Ðông Kinh đưa cháu nội là Mạc Phúc Hải (Mạc Hiến Tông) lên nối ngôi vào năm Tân Sửu (1541) đặt niên hiệu Quảng Hòa. Lúc này ở thượng quốc, triều đình nhà Minh đang gia tăng áp lực với Đại Việt. Minh Thế Tông đem việc Nam chinh ra luận bàn, rất nhiều quan lại nhà Minh dâng sớ can Minh Thế Tông nên mềm dẻo mà giải quyết việc biên giới phía Nam, rút bài học thất bại của các đời vua trước. Hộ bộ thị lang Ðường Trụ dâng sớ trình bày 7 điều không nên đánh Đại Việt, cho rằng các thời vua trước chưa bao giờ giành thắng lợi ở Đại Việt kể từ thời Mã Viện đến Minh Thái Tông... Với việc trấn an nhà Mạc, Thị lang Phan Trân tấu trình: “Mạc Ðăng Dung cướp ngôi Lê cũng như nhà Lê cướp ngôi Trần vậy; nếu Mạc Ðăng Dung chịu dâng biểu nộp cống thì coi như được”.

Trong chuyến điền dã về làng Cổ Tiết, xã An Vinh, huyện Quỳnh Phụ tìm hiểu về hệ thống thủy lợi thời nhà Mạc, nhóm nghiên cứu chúng tôi đặt chân đến Cao Lăng tự, ngôi chùa cổ kính “9 nóc, 9 mái cong đao guột” hiện thân một thời vàng son dấu ấn triều đại nhà Mạc trên đất Thái Bình. Cổ Tiết thời nhà Lê là một xã thuộc tổng Hoàng Quan, huyện Đông Quan, phủ Thái Bình, là vùng đất cổ, Mạc Đăng Doanh coi đây là một địa danh quan trọng góp lệ vào Dương Kinh của nhà Mạc. Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn chép rằng: “Nhà Mạc đặt Nghi Dương làm Dương Kinh, trích lấy phủ Thuận An thuộc trấn Kinh Bắc và các phủ Khoái Châu, Tân Hưng, Kiến Xương, Thái Bình thuộc trấn Sơn Nam cho lệ vào Dương Kinh...”. Như vậy xã Cổ Tiết, tổng Hoàng Quan, phủ Thái Bình (thời Lê) là nơi nhà Mạc chọn mở mang thuộc ấp chấn hưng vương triều, củng cố Dương Kinh ở Cổ Trai. Trong “Đại Việt thông sử” nhà bác học Lê Quý Đôn thế kỷ XVIII ghi chép lại cũng chỉ vẻn vẹn có mấy dòng nhắc đến Dương Kinh nhà Mạc, sách chép rằng: “...tháng này (tức tháng 6 năm 1527), Đăng Dung vào kinh thành, ngự nơi chính điện, tế yết Nam Giao, đặt Hải Dương là Dương Kinh, lập cung điện ở Cổ Trai...”. Tại làng Cổ Tiết, Cao Lăng tự tọa lạc trên khoảnh đất giữa cánh đồng lúa xanh mướt với diện tích khoảng gần 3.000m² được chia thành 60 gian, chùa tọa trục Đông - Tây, cửa chính quay hướng Tây. Với lối kết cấu cuốn vòm và hệ thống cột tròn gia cố lực nâng bộ mái kiến trúc truyền thống, các nghệ nhân xây dựng chùa đã khéo léo tạo ra hệ thống hành lang bao quanh tòa Phật liên hoàn, có sức chứa cả ngàn người làm cho không gian nội thất chùa Phật như đẩy lên cao, huyền diệu. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tượng pháp chùa Cao Lăng được xác định có niên đại đầu thế kỷ XIX và khá đầy đủ, được bài trí theo ngôi vị rất thuận mắt. Tư thế các pho tượng hài hòa, đường nét điêu khắc tinh tế trong sắc màu sơn son thiếp vàng rực rỡ. 

Đặc biệt Cao Lăng tự còn bảo lưu được một số lượng lớn tư liệu Hán Nôm bài trí trên 10 bia đá (dựng sau Tam bảo và hành lang), hai cây hương đài dựng trước cửa chùa và một bia tháp, tổng cộng 13 hạng mục bi ký và cây hương đài được tạo tác bằng đá xanh khắc văn bia bằng chữ Hán Nôm. Các tư liệu này có niên đại từ Mạc Quảng Hòa năm thứ 3 (1543) đến Bảo Đại năm thứ 10 (1935), nội dung bi ký ngoài việc cung cấp tư liệu nghiên cứu về lịch sử gần 400 năm của ngôi chùa, hệ thống bi ký, cây hương đài còn cung cấp các thông tin về các mặt của xã hội phong kiến Việt Nam trong thời gian từ vương triều nhà Mạc (thế kỷ XVI) đến cuối triều Nguyễn (đầu thế kỷ XX).

Sử cũ chép, khi Mạc Phúc Hải (Mạc Hiến Tông) lên ngôi lấy niên hiệu là Quảng Hòa đã tiến hành chia cấp lộc điền, đặc biệt ưu tiên binh sĩ vì lực lượng quân sĩ hùng hậu (Bắc triều - nhà Mạc) cần được nuôi dưỡng tốt để chống lại nhà Lê trung hưng (Nam Triều). Chính vì thế nhà Mạc đã huy động dân công và binh sĩ nạo vét sông Hóa, sông Luộc, sông Cô (khu vực từ xã An Vinh, An Ấp, An Quý, An Lễ, An Vũ, huyện Quỳnh Phụ nay), sông Đào Động và sông Diêm Hộ... nhằm tạo nguồn nước ngọt thau chua, rửa mặn tăng độ phì nhiêu của đất phục vụ nông nghiệp, tạo nên những mùa màng tốt tươi. Song song với chính sách chia cấp lộc điền, nhà Mạc cũng tăng cường củng cố Dương Kinh đồng thời khuyến khích dân chúng xây dựng chùa chiền. Hiện tại ở chùa Cao Lăng vẫn còn giữ được tấm bia “Linh Ứng tự cung chung bi”, bia một mặt kích thước 65 x 88cm, trán trang trí mặt nguyệt, riềm trang trí dây leo; gồm 26 dòng, dòng 34 chữ Hán Nôm, niên đại Quảng Hòa năm thứ 3 (1543). Cột hương “Cao Lăng hưng công” niên đại Vĩnh Thịnh 15 (1719). Cột hương 4 mặt khổ 28,5 x 115cm, không có trán, diềm chạm mây gồm 6 dòng, dòng 53 chữ. Nội dung ca ngợi đạo Phật và cảnh chùa Cao Lăng cùng họ tên những người công đức dựng cột hương. Bia “Cao Lăng tự bi ký” niên đại Gia Long 10 (1811), 3 mặt khổ 61,5 x 133cm và 40 x 158cm, trán trang trí mặt rồng, phượng; diềm để trơn; gồm 16 dòng, dòng 48 chữ. Bia ghi: “Trong xã (xã Cổ Tiết, tổng Hoàng Quan, huyện Đông Quan) có 3 ngôi chùa, chùa Cao Lăng, chùa Linh Ứng và chùa Kim Cương nay đều bị đổ nát”. Những bia còn lại và 2 cây hương đài nét khắc chữ còn khá nguyên vẹn, được bảo quản khá tốt, khảo tả nội dung đều ngợi ca cảnh đẹp quê hương cùng các phong tục, tập quán tốt đẹp của người dân nơi đây...


Sư thầy Thích Đàm Nhàn, trụ trì chùa Cao Lăng, xã An Vinh, huyện Quỳnh Phụ

Mấy thế kỷ đã trôi qua, chùa Cao Lăng cũng đã qua 7 đời sư tổ trụ trì, nhân dân địa phương đã nhiều lần góp tiền trùng tu sửa chữa, tôn tạo chùa ngày thêm lộng lẫy, đến nay bảo tháp các sư tổ vẫn được bảo lưu gìn giữ. Nhà chùa rất mong các cấp chính quyền và nhân dân thập phương hướng lòng từ bi phát tâm công đức trùng tu chùa Cao Lăng gìn giữ nét văn hóa cổ và hưng long Phật pháp.

Ông Nguyễn Ngọc Ngẫu, trưởng ban quản lý di tích chùa Cao Lăng, xã An Vinh, huyện Quỳnh Phụ

Trải qua năm tháng thăng trầm, ngôi Tam Bảo chùa Cao Lăng xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ sập mái trong mùa mưa bão. Chùa Cao Lăng là một tuyệt tác kiến trúc đồng thời cũng là nơi lưu giữ nhiều bia ký và hương đài thời Lê - Mạc, Nguyễn có giá trị cao về văn hóa phi vật thể. Ban quản lý chúng tôi rất mong các cấp chính quyền quan tâm, có kế hoạch trùng tu, tôn tạo ngôi Tam Bảo chùa Cao Lăng để lưu truyền truyền thống lịch sử, văn hóa của cha ông để lại.

Ông Vũ Văn Thông, cán bộ hưu trí, thôn Vũ Xá, xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ

Cách đây gần 20 năm, khi tôi mới nghỉ hưu về quê, tình cờ một lần đến chùa Cao Lăng, tôi thấy có rất nhiều bia đá và cây hương đài khắc chữ Hán Nôm. Vốn được đào tạo Hán Nôm, tôi đã góp công với ban quản lý chùa Cao Lăng dịch thuật bia ký. Tuy nhiên do năm tháng bào mòn, ngoại lai tác động nên nhiều chữ trên bia đã bị mất nét nên rất khó khăn cho công tác dịch thuật nội dung văn bia cho chuẩn xác. Tôi nhận thấy ngoài giá trị kiến trúc, chùa Cao Lăng là kho tư liệu quý về di sản Hán Nôm rất cần bảo vệ, tôn tạo.


Quang Viện 

  • Từ khóa