Thứ 6, 05/07/2024, 17:19[GMT+7]

Âm vang Bình Lỗ

Thứ 2, 30/12/2019 | 08:59:26
3,880 lượt xem
Các nguồn sử liệu cho thấy, để đánh thắng quân Tống, Hoàng đế Lê Đại Hành (941 - 1005) triều đại nhà tiền Lê đã tiến hành xây dựng tuyến phòng thủ thủy bộ vững chắc gọi là “Bình Lỗ” nhằm bảo vệ kinh đô Hoa Lư từ tuyến đầu.

Miếu Tứ Xã, thôn Cộng Hòa, xã Bắc Sơn, huyện Hưng Hà nơi thờ Hoàng đế Lê Đại Hành.

Xác định quân giặc xâm nhập Đại Cồ Việt chủ yếu bằng đường thủy qua cửa Bạch Đằng Giang nên phòng tuyến “Bình Lỗ” được xây dựng trải dài từ Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, trong đó làng Tè, tổng Xích Bích, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng (nay là xã Bắc Sơn, huyện Hưng Hà) tương truyền là nơi vua Lê Đại Hành “xa giá” chỉ huy...

Cảo thơm lần giở, sách Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn chép rằng: “Tháng 9 năm Quý Tỵ (1293) Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng Thái hậu mất ở Lỗ Giang phủ Long Hưng, tạm quàn ở cung”. Theo các nguồn khảo luận thì từ “Lỗ” nghĩa chỉ giặc Tống cũng là địa danh cổ tương ứng trong phòng tuyến Bình Lỗ của Hoàng đế Lê Đại Hành hiện còn rải rác trên địa phận Thái Bình như hành cung Lỗ Giang, xã Hồng Minh; dòng sông Lỗ Giang (xã Lô Giang, Đông Hưng)... Làng Duyên Tề (tên Nôm gọi là Tè) nay thuộc xã Bắc Sơn, huyện Hưng Hà có miếu thờ vua Lê Đại Hành (thường gọi là miếu Tứ Xã) và những địa danh lân cận như Phú Hà, tổng Hà Lỗ, huyện Diên Hà hay làng Đông Lỗ, Phạm Lỗ (có nơi đọc là Nỗ) nay thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà... được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng đây là một trong những địa danh cổ xây dựng lên chiến tuyến Bình Lỗ (diệt Tống) của Hoàng đế Lê Đại Hành.


Trong chuyến điền dã về thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư tìm hiểu về sự tích đền bà Chúa Mẫu (vú nuôi vua Trần Anh Tông) chúng tôi khảo cứu được nhiều tư liệu và truyền ngôn về vua Trần Anh Tông. Đáng chú ý là câu chuyện kể về sự kiện năm Canh Tý (1300) khi Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn bệnh nặng, vua Trần Anh Tông thân hành đến vấn an sức khỏe, nhân đó hỏi Quốc công về kế sách giữ nước, Quốc công bảo: “Thời trước Lê Đại Hành đã biết đắp thành Bình Lỗ mà phá được giặc Tống”. Theo tài liệu công bố của Trung tâm Nghiên cứu kinh thành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Thái Bình, kết quả điều tra kết hợp với khai quật khảo cổ học và nghiên cứu các nguồn sử liệu trong và ngoài nước, bước đầu cho thấy khu vực Thái Lăng, xã Hồng Minh (huyện Hưng Hà nay) chính là hành cung Lỗ Giang dưới thời các vua Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông. Có hay không việc vua Trần Anh Tông đã nghe theo kế sách của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương mà bảo toàn quốc gia bằng việc xây dựng hành cung Lỗ Giang là vấn đề vẫn còn phải tiếp tục nghiên cứu, chứng minh. Tuy vậy, đây cũng được xem là cứ liệu có thể khẳng định sự hiện diện phòng tuyến “Bình Lỗ” của Hoàng đế Lê Đại Hành trên đất Thái Bình. Làng Duyên Tề (làng Tè, xã Bắc Sơn, huyện Hưng Hà) có ngôi miếu cổ, dân gian gọi miếu Tứ Xã thờ vua Lê Đại Hành. Các bậc cao niên cho biết miếu có từ lâu đời. Không ai nhớ miếu được xây dựng từ thời nào, chỉ biết rằng những năm 1970 đầu đường cái (nay là đường liên xã) có tấm bia đá có khắc chữ Hán được dịch là bia Hạ Mã. Sau thời gian bia Hạ Mã không biết thất lạc nơi nào. Theo “Từ điển Lễ tục Việt Nam”, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin (1996), bia Hạ Mã có ý nghĩa: “Để nhắc nhở mọi người giữ sự cung kính đối với các bậc thần linh, tại đầu đường, khi sắp tới nơi thờ tự, thường có một tấm bia đá ghi hai chữ “Hạ mã” nghĩa là xuống ngựa. Bia này thường được dựng cách đình, đền vào khoảng 10 thước trước khi tới đình, đền”. Như vậy, miếu Tứ Xã vốn được nhân dân cung kính dựng bia Hạ Mã. Miếu còn giữ được hai bức đại tự cổ, một bức có 4 chữ, một bức 3 chữ. Nội dung bức đại tự khắc 3 chữ trước cung cấm có đặt tượng Hoàng đế Lê Đại Hành ghi: “Lưu Thiên Phúc”, bức đại tự khắc 4 chữ ngoài tòa đại bái đề: “Hải Tứ Ân Thuật”. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin về 2 bức đại tự, bức 3 chữ “Lưu Thiên Phúc” hàm nghĩa của tiền nhân gửi hậu thế là “Phúc” lưu giữ ở “Trời”, mà “Trời” (Thiên) ý chỉ bậc hoàng đế, dữ liệu này phù hợp với các văn tự Hán Nôm còn lưu giữ ở miếu là nơi tôn nghiêm thờ Hoàng đế Lê Đại Hành. Còn bức đại tự 4 chữ “Hải Tứ Ân Thuật” là một điển cố, hàm nghĩa của tiền nhân nhắn nhủ con cháu “sông Thuật đưa ân (nghĩa) về bốn biển” cũng tương tự như nghĩa của bức đại tự 3 chữ “Lưu Thiên Phúc” nhưng điển cố “trăm sông đổ về biển cả” sâu sắc hơn, đại ý công lao như trời biển của bậc hoàng đế trong việc bảo vệ non sông gấm vóc trước giặc dã. Đã có rất nhiều nhà nghiên cứu, sử gia... cho rằng phòng tuyến “Bình Lỗ” của vua Lê Đại Hành ở Cà Lỗ - Sơn Tây (Hà Nội nay) nhưng không được chấp nhận. Các sử liệu cũ đều ghi về một trận đánh Tống nổi tiếng vào đầu năm 981 do vua Lê Đại Hành trực tiếp chỉ huy, đáng chú ý là Việt sử lược (thế kỷ XIII), Thiền Uyển tập anh (thế kỷ XIV) và Đại Việt sử ký toàn thư (thế kỷ XVII). Cả 3 sử liệu trên đều được ghi chép sau sự kiện năm 981 vài thế kỷ nên không tránh khỏi có một số nhầm lẫn hoặc do chủ ý riêng của quan ngự sử đã dẫn đến sự không thống nhất giữa các địa danh “Bình Lỗ”. Trong cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất năm 981, thành Bình Lỗ có vai trò quyết định thắng lợi của Đại Cồ Việt. Vậy thành Bình Lỗ ở đâu? Có thuyết cho rằng thành Bình Lỗ phải nằm trên các tuyến đường chiến lược quan trọng đi vào Hoa Lư vì quân Tống coi Hoa Lư là mục tiêu tấn công khi đánh Đại Cồ Việt cho nên thành này phải gần kinh đô Hoa Lư và nằm trên một dải đất có nhiều sông ngòi chằng chịt án ngữ từ cửa Lềnh (Yên Lệnh, Hà Nam) kéo dài xuống cửa biển Văn Úc (sông Thái Bình). Có sử gia cho rằng các nghiên cứu chưa thuyết phục bởi thuyết ngược hẳn với chủ trương của vua Lê Đại Hành, vua chủ trương không ở Hoa Lư mà đưa toàn bộ lực lượng ra xa Hoa Lư để đánh địch. Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với ngọc phả, thần phả, thần tích miếu Tứ Xã, ghi chép và truyền ngôn rằng Hoàng đế Lê Đại Hành đã từng lưu lại nơi đây (làng Tè) thu thập quân, chỉ đạo xây dựng tuyến phòng thủ Bình Lỗ dựa vào thế của hệ thống sông ngòi chằng chịt của lưu vực sông Hồng, sông Luộc, sông Trà Lý, sông Diêm, Lô Giang, sông Cô, sông Hóa, sông Thái Bình... Bên cạnh miếu Tứ Xã còn có miếu “Đôi bà”, tương truyền đây là 2 nữ tướng từng giúp vua Lê Đại Hành chiêu binh mãi mã, xây dựng phòng tuyến Bình Lỗ.


Thủy binh Tống di chuyển dài ngày đến nước ta đã tổn hao binh lực còn quân Đại Cồ Việt thì dư sức. Vua Lê Đại Hành chủ trương “Lấy quân còn sức đánh quân mỏi mệt” là hợp với binh pháp “Dĩ giật đại lao”. Truyền ngôn “thành” Bình Lỗ nhưng thực chất là chiến lũy bám theo hệ thống sông cản hướng tiến của giặc vào kinh đô Hoa Lư. Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép: “Năm Bính Tuất (1406) tháng 7, Hồ Hán Thương sai các lộ đóng cọc gỗ ở bờ nam sông Cái (sông Hồng nay) từ thành Đa Bang đến Lỗ Giang để phòng thủ”. Như vậy, từ thế kỷ X khu vực Long Hưng, Diên Hà, Thần Khê đã tồn tại tên sông Lỗ thời chống Tống. Chỉ sau khi nhà Lý dời đô về Thăng Long, Hoa Lư thành cố đô, dấu tích Bình Lỗ dần rơi vào quên lãng.


Cựu chiến binh Trần Văn Chiến, trưởng ban quản lý di tích miếu Tứ Xã, thôn Cộng Hòa, xã Bắc Sơn, huyện Hưng Hà

Các hội viên cựu chiến binh thôn Cộng Hòa nói riêng và xã Bắc Sơn nói chung luôn trân trọng và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của di tích. Bản thân tôi luôn tích cực tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương từ giá trị lịch sử văn hóa của di tích tới thế hệ trẻ trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Cách, phó ban quản lý di tích miếu Tứ Xã, thôn Quyết Tiến, xã Bắc Sơn, huyện Hưng Hà

Di tích miếu Tứ Xã thờ vua Lê Đại Hành, nghe các bậc cao niên kể lại cách ngày nay hơn 1.000 năm vua Lê Đại Hành đánh giặc ở vùng núi Chí Linh (Hải Dương) rồi kéo quân về đóng ở làng Tè nhiều ngày xây dựng phòng tuyến chống giặc Tống.

Bà Khổng Thị Hồng, thủ nhang miếu Tứ Xã,  thôn Cộng Hòa, xã Bắc Sơn, huyện Hưng Hà

Hàng năm, du khách thập phương về dự hội miếu Tứ Xá, dâng hương tưởng nhớ công đức vua Lê Đại Hành đã đánh tan giặc Tống, bảo vệ độc lập dân tộc. Trường THCS, Trường Tiểu học Bắc Sơn thường xuyên có các buổi học ngoại khóa cho học sinh ngay tại miếu Tứ Xã với nội dung giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa.


 Quang Viện