Thứ 6, 05/07/2024, 19:09[GMT+7]

Tam nguyên Diên Hà

Thứ 4, 11/03/2020 | 09:02:08
3,531 lượt xem
Nói đến danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn, nhà bác học Phan Huy Chú triều Nguyễn xúc động viết: “Ông (Lê Quý Đôn) tư chất khác đời, thông minh hơn người mà vẫn giữ tính nết thuần hậu, lại chăm học không biết mỏi. Tuy đỗ đạt vinh hiển tay vẫn không rời quyển sách. Bình sinh làm sách rất nhiều. Bàn về kinh sử thì sâu sắc, rộng rãi mà nói về điển cố thì đầy đủ, rõ ràng. Cái sở trường của ông vượt hơn cả, nổi tiếng ở trên đời”.

Tượng đài Lê Quý Đôn trong khuôn viên Trường THPT Lê Quý Đôn (thành phố Thái Bình).

Về văn thơ của Lê Quý Đôn, nhà bác học triều Nguyễn không kiệm lời: “Ông là người học vấn rộng khắp, đặt bút thành văn. Cốt cách thơ trong sáng. Lời văn hồn nhiên... không cần suy nghĩ mà trôi chảy dồi dào như sông dài biển cả, không chỗ nào không đạt tới, thật là phong cách đại gia”.

Bảng nhãn Lê Quý Đôn sinh ngày 5/7/1726, con trai Tiến sĩ Lê Trọng Thứ, Đông các Đại học sĩ, quê làng Phú Hiếu, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam (nay là thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà), ngày nhỏ có tên là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường. Ngay từ thuở thiếu thời, Lê Quý Đôn đã nổi tiếng thông minh, chăm học. Năm 14 tuổi, Lê Quý Đôn theo cha lên học ở kinh đô Thăng Long. Lúc ấy cậu bé 14 tuổi đã học xong toàn bộ sách kinh sử của Nho gia. Ông đỗ đầu cả ba kỳ thi: thi Hương, thi Hội, thi Đình. Khoa thi năm ấy, triều đình không chọn tiến sĩ và ông là Tam nguyên bảng nhãn.

Dân gian vẫn thường lưu truyền câu: “Hổ phụ sinh hổ tử” hay “Cha nào con nấy” ngầm ý ca tụng những gia đình văn hiến truyền gia, khoa cử, đỗ đạt. Chuyện một gia đình có hai cha con cùng đỗ đạt, hiển vinh vốn xưa nay hiếm nhưng đỗ đạt mà làm đến chức quan lớn trong triều thì có lẽ chỉ có gia đình nhà họ Lê. Đó là gia đình Tiến sĩ Lê Trọng Thứ. Hai cha con cùng làm đại quan triều hậu Lê. Các nhà nghiên cứu lịch sử đưa ra nhận xét: Cuộc đời làm quan của Lê Quý Đôn nhìn chung không có gì trắc trở, nhưng nếu chỉ có thế thôi thì chắc ngày nay không mấy ai còn nhớ đến ông. Điều đáng nhớ và học tập ở ông là một sức làm việc không mệt mỏi. Ông đã miệt mài học và đi nhiều nơi để trở thành nhà bác học lẫy lừng ở thế kỷ XVIII. Được đi nhiều, thấy nhiều, nghe nhiều, biết nhiều việc đời cộng với sự giáo dưỡng của người cha làm quan ngự sử khắt khe, ân tình, do vậy mà kiến thức của Lê Quý Đôn trở nên phong phú. Lê Quý Đôn viết trong lời tựa sách Kiến văn tiểu lục: “Tôi vốn là người nông cạn, lúc còn bé thích chứa sách, lúc trưởng thành ra làm quan, xem lại sách đã chứa trong tủ, vâng theo lời cha dạy, lại được giao du nhiều với các bậc hiền sĩ đại phu. Thêm vào đấy phụng mệnh làm việc công, bốn phương rong ruổi: mặt bắc sang sứ Trung Quốc, mặt tây bình định Trấn Ninh, mặt nam trấn thủ Thuận Quảng (Thuận Hóa, Quảng Nam). Đi tới đâu cũng để ý tìm tòi, làm việc gì mắt thấy tai nghe đều dùng bút ghi chép, lại phụ thêm lời bình luận sơ qua, giao cho tiểu đồng đựng vào túi sách”. Những tác phẩm tiêu biểu của Lê Quý Đôn còn giữ được có thể kể ra như: “Quần thư khảo biện”, tác phẩm chứa đựng nhiều quan điểm triết học, lịch sử, chính trị được viết trước năm ông 30 tuổi. “Vân đài loại ngữ” được Lê Quý Đôn làm xong lúc ông 30 tuổi. Đây là một loại “bách khoa thư” trong đó tập hợp các tri thức về triết học, khoa học, văn học... sắp xếp theo thứ tự: vũ trụ luận, địa lý, điển lệ, chế độ, văn nghệ, ngôn ngữ, văn tự, sản vật tự nhiên, xã hội... “Vân đài loại ngữ” là bộ sách đạt tới trình độ phân loại, hệ thống hóa, khái quát hóa khá cao, đánh dấu một bước tiến bộ vượt bậc đối với nền khoa học Việt Nam thời phong kiến. “Đại Việt thông sử”, còn gọi “Lê triều thông sử” là bộ sử được viết theo thể ký truyện, chép sự việc theo từng loại, từng điều một cách hệ thống, bắt đầu từ Lê Thái Tổ đến Lê Cung Hoàng, bao quát hơn 100 năm của triều Lê, trong đó chứa đựng nhiều tài liệu mới mà các bộ sử khác không có, đặc biệt là về cuộc kháng chiến chống quân Minh. “Kiến văn tiểu lục” là tập bút ký về lịch sử và văn hóa Việt Nam từ đời Trần đến đời Lê. Ông còn đề cập tới nhiều lĩnh vực thuộc các vương triều Lý, Trần, từ thành quách, núi sông, đường sá, thuế, phong tục tập quán, sản vật, mỏ đồng, mỏ bạc và cách khai thác cho tới các lĩnh vực thơ văn, sách vở... “Toàn Việt thi lục”, 6 quyển là công trình biên soạn lớn nhất của Lê Quý Đôn tuyển chọn 897 bài thơ của 73 tác giả từ thời Lý đến đời Lê Tương Dực (1509 - 1516). Lê Quý Đôn hoàn thành “Toàn Việt thi lục” năm 1768, dâng lên vua, được thưởng 20 lạng bạc. Giới sử gia triều Nguyễn nhắc tới Lê Quý Đôn: “Trên con đường nam tiến, có được dịp may, Lê Quý Đôn đã miệt mài đi và ghi chép về xứ Đàng Trong. “Phủ biên tạp lục” là tập bút ký của Lê Quý Đôn viết về Đàng Trong, nhất là xứ Thuận và xứ Quảng từ thế kỷ XVIII trở về trước. Thời gian lưu lại xứ Đàng Trong, có người đến than phiền với ông là quan lại trong làng xã bắt phải nộp thuế sơn đầu. Chưa hiểu sơn đầu là gì, ông liền mời người đó vào gặp để tìm hiểu cặn kẽ, hiểu đến đâu ông ghi chép đến đó. Sau đó ông trực tiếp đến tận nơi quan sát đặc sản này. Trong vòng sáu tháng, Lê Quý Đôn đã hoàn thành bộ sách “Phủ biên tạp lục”. Tiến sĩ Ngô Thì Sĩ đã nhận xét: “Sách này chép về hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam, ghi rõ núi sông, thành ấp, ngạch lính, thuế má, nhân tài, sản vật cùng các đời chúa Nguyễn với việc đánh dẹp, đóng quân rõ ràng như những ngón tay trên bàn tay...”. Các sử gia viết rằng: “Ngày nay, đọc lại tác phẩm của Lê Quý Đôn trong phần tựa, chúng ta càng hiểu tấm lòng của ông khi lao vào công việc nặng nhọc này”. Trước đó, Lê Quý Đôn từng đăng đàn đầy khiêm tốn: “Nhân tôi đi dạo núi sông, hỏi xem di tích, xem xét lệ cũ, tìm kiếm nhân tài, tùy bút chép ra thành quyển, gọi là “Phủ biên tạp lục”. Thế nhưng, giới sử gia sau này khẳng đã “nói hộ” lời nhân thế: “Đọc lại những trang viết mô tả chi tiết và chính xác về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong “Phủ biên tạp lục” có người đã thốt lên rằng: Có thể do Lê Quý Đôn quá hiểu bản chất và tính cách người Trung Hoa nên ông đã tiên đoán gần 300 năm sau thế sự “nước lớn, nước nhỏ” sẽ diễn ra, ông đã sớm khẳng định chủ quyền của Đại Việt với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Căn cứ vào những tác phẩm nghiên cứu về lịch sử rất có giá trị của ông như “Đại Việt thông sử”, “Phủ biên tạp lục”, “Kiến văn tiểu lục”, “Bắc sứ thông lục”..., có thể gọi ông là nhà sử học. Căn cứ vào những tác phẩm, nghiên cứu về triết học như “Kinh thư diễn nghĩa”, “Dịch kinh phu thuyết”, “Xuân Thu lược luận”, “Quần thư khảo biện”..., có thể gọi Lê Quý Đôn là nhà triết học. Căn cứ vào những sáng tác và công trình biên soạn rất công phu của ông như “Toàn Việt thi lục”, “Hoàng việt văn hải”, “Quế đường thi tập”, “Quế văn tập”..., hoàn toàn có thể gọi Lê Quý Đôn là nhà hoạt động văn học. Và căn cứ vào những tri thức được phản ánh trong các công trình trước tác khác của ông, nhất là trong bộ “Vân đài loại ngữ”, còn có thể gọi ông bằng nhiều danh hiệu khác như nhà chính trị học, nhà kinh tế học, nhà xã hội học, nhà nông học, nhà địa lý học, nhà ngôn ngữ học... Nhiều nhận xét trong các nghiên cứu của các sử gia cho rằng: Số lượng tác phẩm của ông có trên 40 bộ, bao gồm hàng trăm quyển để lại cho đời sau nhưng qua binh lửa, chiến tranh, loạn lạc nay còn lại không quá một nửa. Học trò của Lê Quý Đôn là Tiến sĩ Bùi Huy Bích nhận xét về thầy mình: “Thông minh nhất đời, học rộng các sách, soạn ra văn chương đủ dạy đời và lưu truyền về sau, nước ta trong vài trăm năm nay mới có một người như thầy”. Các nguồn sử liệu đều ghi Lê Quý Đôn được bổ làm Thị Thư ở Viện hàn lâm rồi làm ở Ban toản tu quốc sử, sau đó được cử đi điều tra trấn Nam Sơn rồi biệt phái sang phủ chúa. Năm 1757 được thăng chức Thị giảng Viện hàn lâm. Năm 1760 khi vua Lê Ý Tông mất, ông được cử làm phó sứ cùng Trần Huy Mật cầm đầu phái đoàn sang Trung Quốc báo tang. Điều đáng kể trong chuyến đi này là khi về đến Quế Lâm, ông đã viết thư cho quan đầu tỉnh Quảng Tây phản đối việc Thanh triều đã dùng chữ “di quan” (quan lại mọi rợ) để gọi sứ bộ ta trên văn thư của họ. Trước sự ngoại giao ứng đối, biện bác sắc sảo khiến nhà Thanh phải chấp nhận đề nghị của ông, ra thông báo cho các địa phương Trung Quốc, khi nói về sứ bộ của nước ta phải dùng bốn chữ “An Nam cống sứ”.

Ngày 31/3/1986, khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn gồm làng Đồng Phú (nơi sinh), từ đường Lê Quý, hồ Lê Quý và phần mộ Tiến sĩ Lê Trọng Thứ tại xã Độc Lập, huyện Hưng Hà được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa.

Cuộc đời thần đồng Lê Quý Đôn bước ra từ lũy tre xanh làng Phú Hiếu, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam nghèo khó để bước chân vào chốn quan trường thăng trầm muôn nỗi. Ước tính, đời quan lộc của Lê Quý Đôn có tới 27 lần thăng, giáng nhưng tất cả những trang viết về sự nghiệp quan trường của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn cũng mới chỉ là tạm đủ để chúng ta có thể kết luận một điều: Bảng nhãn Lê Quý Đôn là con người hành động, con người thực tiễn, giàu năng lực và đầy nhiệt huyết, nhiều tiết tháo và lắm ưu tư, muốn hành động vì dân, vì nước.

Quang Viện