Thứ 2, 08/07/2024, 16:16[GMT+7]

Thông tư số 39/2016/TT-NHNN: Nhiều người lo do hiểu sai

Thứ 3, 07/03/2017 | 08:44:28
1,330 lượt xem
Ngày 30/12/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Theo đó, kể từ ngày 15/3/2017, chủ thể vay vốn tại các TCTD chỉ bao gồm pháp nhân được thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân được thành lập ở nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam và cá nhân có quốc tịch Việt Nam, cá nhân có quốc tịch nước ngoài.

Nhiều hộ kinh doanh lo lắng khi Thông tư số 39 có hiệu lực nhưng trên thực tế không có gì đáng lo bởi thực chất chỉ là thay đổi tên gọi chủ thể vay vốn.

Lo không được vay vốn

Chị Nguyễn Thị Hằng, chủ cửa hàng tạp hóa (khu đô thị Petro Thăng Long, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình) cho biết: Ðể kinh doanh cửa hàng tạp hóa này tôi đã phải làm thủ tục vay ngân hàng gần 300 triệu đồng với tư cách là hộ kinh doanh cá thể. Mới đây, tôi có nghe thông tin thời gian tới để được vay vốn ngân hàng thì phải thành lập doanh nghiệp mà tôi lo quá bởi thủ tục thành lập doanh nghiệp rất phức tạp, trong khi đó với quy mô kinh doanh nhỏ như hiện nay của tôi thì việc thành lập doanh nghiệp là không cần thiết. Nhưng nếu không thành lập doanh nghiệp, ngân hàng không cho vay vốn nữa thì tôi không biết lấy tiền đâu để quay vòng hàng hóa.

Cùng băn khoăn như chị Hằng, anh Nguyễn Văn Ðức, tiểu thương buôn bán ở chợ Bo (phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình) cho biết: Từ trước đến nay tôi chỉ quen làm ăn nhỏ lẻ, nhu cầu buôn bán không lớn nên bây giờ mà thành lập doanh nghiệp thì tôi không có kinh nghiệm để quản lý sổ sách, con dấu, chứng từ. Nếu không thành lập doanh nghiệp mà vay vốn ngân hàng với tư cách là cá nhân thì mức lãi suất sẽ rất cao, như thế thì lấy đâu ra lãi nữa.

Hiểu thế nào cho đúng

Trước khi Thông tư số 39 được ban hành, hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng được thực hiện theo Quyết định số 1627/2001/QÐ-NHNN và Luật các TCTD 2010. Ðể tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ cho hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, đồng thời để phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về chủ thể (bao gồm cá nhân và pháp nhân), ngày 30/12/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 39 điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với thực tế. Ðiều đáng lưu ý nhất đó là sự điều chỉnh về chủ thể vay vốn chỉ bao gồm cá nhân và pháp nhân (không phải là cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân, tổ hợp tác và các tổ chức khác có năng lực pháp luật dân sự như Quyết định số 1627). Chính điều này đã tạo nên sự lo lắng cho các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đang vay vốn của các TCTD. Tuy nhiên, thực chất của vấn đề điều chỉnh này chỉ đơn thuần là làm rõ một thuật ngữ, khái niệm, là sự thay đổi tên gọi của chủ thể vay vốn. Từ ngày 15/3, các gia đình, hộ kinh doanh sẽ giao dịch với ngân hàng với tư cách là cá nhân, chủ hộ sẽ không đại diện cho hộ như trước đây; trong trường hợp vay phục vụ hoạt động kinh doanh, chính cá nhân sẽ đứng ra vay vốn và tự chịu trách nhiệm trả nợ chứ không nhất thiết phải chuyển đổi thành doanh nghiệp thì mới được tiếp tục được vay vốn ngân hàng.

Bà Trần Thị Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh cho biết: Chi nhánh hiện đang cho hơn 67.000 khách hàng vay vốn với tổng dư nợ hơn 8.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hộ sản xuất chiếm 71,7%. Nếu Thông tư số 39 có hiệu lực thì các khách hàng là hộ sản xuất sẽ không phải thành lập doanh nghiệp mà chỉ phải chuyển đổi hồ sơ, giấy tờ vay vốn. Ðối với lãi suất cho vay, Chi nhánh sẽ căn cứ quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mục đích sử dụng vốn, thời hạn vay, mức độ rủi ro, tính khả thi của phương án vay vốn, chi phí đầu vào… để áp dụng mức lãi suất phù hợp với từng đối tượng khách hàng.

Không chỉ thay đổi về chủ thể vay vốn, Thông tư số 39 cũng có nhiều điểm mới so với Quyết định số 1627 như: quy định rõ nguyên tắc áp dụng pháp luật trong hoạt động cho vay, bỏ điều kiện quy định về tài sản bảo đảm tiền vay, không giới hạn mục đích vay vốn, quy định rõ đồng tiền cho vay và trả nợ…

“Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh sẽ tổ chức tập huấn triển khai Thông tư số 39 tới các tổ chức tín dụng, cấp ủy, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn cùng nắm rõ và thực hiện; đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng tổ chức hướng dẫn cụ thể cho các khách hàng nhằm bảo đảm việc cho vay được thông suốt, không để vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn từ ngày 15/3”.
(Ông Ðinh Ngọc Thạch, Giám đốc Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh)

Minh Hương