Thứ 2, 08/07/2024, 14:50[GMT+7]

Những người giữ nghề tò he

Thứ 2, 13/03/2017 | 09:11:23
3,000 lượt xem
Trong sự ra đời của vô vàn trò chơi, đồ chơi công nghệ cao, những món đồ chơi dân gian như tò he đang mai một dần. Nhưng giữa thành phố Thái Bình vẫn có những nghệ nhân tâm huyết, bền bỉ gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Gian hàng tò he của ông bà Tâm tại hội chợ làng quê cổ truyền của Trường THCS Đông Thọ (thành phố Thái Bình).

Nhiều năm nay, đi qua các cổng trường học, các khu chợ, bệnh viện hay các nhà thờ, nhà chùa, trung tâm thương mại trong thành phố, người dân có thể bắt gặp hai người làm tò he. Đó là vợ chồng ông bà Lưu Văn Tâm, Lương Trịnh Tâm, trú tại tổ 33 phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình). Không quản ngại xa xôi, mưa nắng, nhiều năm nay ông bà miệt mài mang đến cho trẻ thơ món quà giản dị. 

Bà Tâm chia sẻ: Đây là nghề truyền thống của gia đình tôi. Trước kia khi tôi còn công tác, làm tò he là nghề tay trái của tôi. Khi về hưu chúng tôi đi làm vừa để làm vui cho đời vừa giữ gìn nét văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Hai ông bà đều đã ngoài 60 tuổi. Cả hai gia đình đều có nghề nên từ nhỏ ông bà đã được bố mẹ dạy làm tò he. Riêng gia đình bà chỉ với nghề làm tò he cùng với làm ruộng mà đã nuôi được 10 anh chị em khôn lớn. Sau này làm công tác khác, thỉnh thoảng ông bà chỉ làm cho con cháu chơi để không quên tay nghề và dạy con cháu biết về món đồ chơi dân gian ông cha truyền lại. Từ khi nghỉ hưu, vào những năm 1994, 1995, hai ông bà thấy bản thân còn sức khỏe, lại luôn đau đáu với nghề gia truyền có nguy cơ mai một nên quyết định làm nghề.

Phương tiện hành nghề tò he vốn rất đơn giản, ngày nay với các nguyên vật liệu sẵn có, tiện dụng thì càng dễ dàng hơn. Chỉ cần một chiếc lược đầu nhọn, thùng xốp, đất nặn các màu, que tre, giấy bóng kính… là người nghệ nhân tò he có thể làm ra nào hoa trái, con vật, nào những nhân vật trong sách, trong phim. Một góc nhỏ khiêm nhường bên đường phố hay các khu vui chơi là nơi họ kể những câu chuyện, thổi hồn vào các hình tượng, nhân vật bằng đôi bàn tay khéo léo.

Bà Tâm bảo, không chỉ riêng thành phố mà vợ chồng bà mang gánh hàng đi khắp nơi trong tỉnh, đi khắp miền đất nước. Mỗi nơi ông bà chọn các điểm vui chơi, trường học, công viên, những nơi có nhiều khách du lịch để quảng bá, giới thiệu và bày bán sản phẩm. Người làm tò he bây giờ phải năng động hơn nhiều để đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Nếu trước đây chủ yếu nặn cây, hoa quả, con giống, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới… thì bây giờ người nghệ nhân phải biết nặn rô bốt, siêu nhân, siêu anh hùng… Vậy nên ông bà phải để ý đến những phim hoạt hình, truyện tranh mới và phải tìm hiểu, ghi nhớ các ngày hội, ngày lễ, tết của các địa phương.

Khi xã hội ngày một phát triển, tưởng rằng đồ chơi dân gian có nguy cơ bị đồ chơi công nghiệp lấn át. Nhưng giờ đây, đồ chơi hiện đại tràn lan thì những gì cổ xưa, thủ công lại trở nên nổi bật. Những thứ đồ chơi quen thuộc trong ký ức tuổi thơ của các thế hệ trước thì đối với trẻ em ngày nay là những thứ mới lạ, độc đáo. Một điều tuy đáng buồn nhưng đã trở thành lợi thế để đồ chơi dân gian mộc mạc như tò he cạnh tranh, tìm được chỗ đứng trên thị trường. Những con tò he giá chỉ từ 10.000 - 15.000 đồng/con bây giờ có thể mang lại cho ông bà Tâm thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/tháng. Thị trường được mở rộng, nhiều trường mầm non đã mời ông bà về dạy nặn tò he cho các cháu. Rồi nhiều lời mời trình diễn và bày bán từ các cơ quan, đơn vị, trung tâm thương mại nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, tết Trung thu, chào hè, tri ân khách hàng, các chương trình từ thiện tặng quà trẻ em… Chợ đêm khu đô thị Petro Thăng Long cũng dành một vị trí cho ông bà.

Hỏi chuyện em Hoàng Hạnh Phương, học sinh lớp 6A4 Trường THCS Hoàng Diệu đang cùng các bạn chọn lựa tò he, em chia sẻ: Em rất thích tò he vì nó thú vị. Nhìn những gương mặt hớn hở, thích thú khi xem ông bà nặn, khi cầm trên tay tò he mới thấy tò he có sức sống mãnh liệt. Dù ở thời nào nó cũng có thể là người bạn của tuổi thơ.

Tuy vậy, nghề làm tò he ở thành phố đang đối mặt với nguy cơ không có người kế thừa. Theo ông bà Tâm, cách đây vài năm cũng có vài người theo nghề nhưng người mất, người bỏ nghề, bây giờ chỉ còn vợ chồng ông bà. Con cháu ông bà đều thành đạt, công tác ở xa, không ai học được nghề gia truyền này nữa. Ông bà tâm sự: Chỉ sợ chúng tôi mất rồi thì nghề cũng mất. Chúng tôi mong xã hội quan tâm hơn nữa để nghề làm tò he được lưu truyền mãi mãi. Mong ngành Giáo dục, nhất là các trường mầm non hoặc tiểu học đưa nghề này vào chương trình ngoại khóa để các em được biết, được học rồi có ý thức giữ gìn nghề.

Trong guồng quay vội vã của cuộc sống có những nét điểm tô giản dị mà đẹp đẽ như hai vợ chồng nghệ nhân làm tò he tâm huyết giữ nghề, giữ lại một nét văn hóa của dân tộc, góp phần nuôi dưỡng những tâm hồn thơ trẻ.

Mai Hiền 

(Đài TTTH thành phố Thái Bình)


Lê thị kim oanh - 6 năm trước

Tuyệt vời, cho mình xin sđt của nghệ nhân nặn tò he với các bạn ơi

Tải thêm