Thứ 2, 08/07/2024, 15:51[GMT+7]

Lỗi lầm của con

Thứ 2, 25/11/2013 | 09:59:52
1,093 lượt xem
Hồi còn nhò, dù con có làm sai, bố mẹ vẫn luôn đứng về phía con, bênh vực cho con. Nếu con mải chơi mà ngã, bố sẽ nói đó là lỗi của cái bàn làm cho con ngã. Nếu con làm đổ vỡ đồ đạc, mẹ sẽ nói đó là lỗi của mẹ để đồ đạc lung tung. Cho nên, trong đầu óc non nớt của con, con luôn nghĩ con chưa bao giờ có lỗi.

Ảnh minh họa.

Rồi theo thời gian, con trưởng thành hơn. Nhưng đồng thời cái ý nghĩ phủ nhận sai lầm cá nhân cũng theo thời gian mà trở thành một thứ rễ cây ăn sâu vào tâm thức. Cho nên, kể cả khi con bị hạnh kiểm khá, kể cả khi con trượt cấp ba, kể cả khi con không đỗ nổi vào một trường đại học nào thì đó vẫn không phải là lỗi của con. Con chưa bao giờ ý thức được trách nhiệm của mình vì con biết, sau lưng con có ba mẹ - những người sẽ luôn bênh vực, sẽ luôn giải quyết mọi khó khăn cho con. Con mặc nhiên cho rằng đó chính là nghĩa vụ, là điều mà ba mẹ phải làm cho con cái mà chưa từng nghĩ nghĩa vụ của con đối với gia đình mình gì.

 

Khi con chuẩn bị thi lại đại học lần thứ hai, con được tin ba bị tai nạn rất nghiêm trọng dẫn đến liệt nửa người. Công việc của ba ở công ty cũng phải thôi hẳn. Mẹ vì lo tiền viện phí cho ba mà bán luôn căn nhà trên thành phố. Gia đình mình chuyển về quê sống. Với con, cuộc sống chưa bao giờ khó khăn hơn thế.

 

Từ bỏ sự nhộn nhịp, xa hoa nơi đô thị, khi về quê, mẹ bắt con phải sống một cách tích cóp, tiết kiệm. Con không thể muốn gì có nấy, cũng không được chơi bời mà phải giúp mẹ làm việc nhà. Lúc bấy giờ con rất giận. Con cũng  không biết mình đang giận ai, giận gì. Có lẽ cái tính đổ lỗi từ bé đã khiến con phải tìm ra một thứ gì đó để ghét, để trút tội, để “ăn vạ” vì hoàn cảnh khó khăn hiện giờ.

 

Có một lần, bọn trong thôn rủ con đi đánh bạc. Tuy không có tiền nhưng vì ham vui, ham sĩ diện cho nên con đã tham gia mà không hề cân nhắc đến hoàn cảnh gia đình mình. Những quân bài đỏ đen cứ hiện lên trước mắt như những lá bùa đầy ma mị làm con không thể nào dứt ra được. Một ván rồi hai ván, hai ván rồi ba ván... Cuối cùng, con thua hết cả chục triệu đồng. Số tiền ấy, con lấy đâu ra mà trả cho chúng bây giờ?

 

Ba tháng liền con đứng ngồi không yên, cứ suốt ngày khất nợ rồi trốn nợ. Vậy mà chúng nó vẫn tìm tới nhà. Chúng nó quát tháo, chửi bới ầm ĩ, lật tung hết đồ đạc lên. Rồi chúng nó còn hăm dọa nếu không trả đủ tiền thì sẽ chặt một cánh tay con để cảnh cáo. Lúc bấy giờ mẹ mới biết chuyện con đánh bạc.  Mẹ không nói gì, lặng lẽ vào nhà rồi lấy ra đôi nhẫn cưới và sợi dây chuyền là của hồi môn của mẹ đưa hết cho chúng nó. Trong tim con lúc đó có cái gì đâm vào rất đau.  Con nhìn lại quanh nhà, đồ đạc đơn sơ bị lật tung, bị đập nát hết cả, cửa kính, cửa tủ cũng vỡ hết.

 

Trên giường bệnh, bố nằm im nhìn con. Dáng bố gầy gò ốm yếu và tiều tụy biết bao. Bố quay mặt vào tường, nước mắt khẽ rơi ướt gối. Mẹ ngồi bên cạnh bố, nắm chặt tay bố. Những dòng nước mắt khẽ lăn dài trên má mẹ. Con sẽ không bao giờ quên được gương mặt mẹ khi ấy – gương mặt cũng giống như khi mẹ nghe tin bố bị tai nạn – đau đớn và bất lực. Mẹ vừa khóc, vừa nói trong nghẹn ngào: “Là mẹ đã hại con, là mẹ đã nuông chiều con quá mà làm hư con rồi!”

 

Con như chết lặng. Ðến nước ấy mà mẹ vẫn nhận lỗi về mình được sao? Mẹ không hề trách con, không hề mắng con cứ như con là một kẻ vô can một người bị hại. Mẹ thì có lỗi gì cơ chứ? Chính con mới là đứa bất hiếu không giúp được gì cho gia đình mà lại còn ra ngoài gây chuyện. Vậy thì sao mẹ lại nhận lỗi?

 

Lúc ấy, con chỉ ước mẹ hãy mắng con, đánh con, trừng phạt con. Có như thế con mới bớt day dứt được. Nhưng không, một lần nữa, mẹ lại bao che cho con, lúc nào mẹ cũng vậy, lúc nào cũng nuông chiều con. Nhưng giờ đây, những giọt nước mắt lăn dài trên má mẹ và sự nuông chiều ấy lại chính là chứng cớ tố cáo lỗi lầm của con lên tòa án lương tâm. Con biết, sẽ không có vị luật sư nào có thể bào chữa nổi cho con được nữa vì lỗi lầm của con quá lớn. Nó không chỉ là hôm nay mà là suốt hai mươi năm qua. Hai mươi năm qua, con đã luôn là một đứa bất hiếu và hèn nhát. Con đã không dám đối mặt với bất kỳ sai phạm nào của bản thân. Hết lần này đến lần khác, con lại oán trách và tự lừa dối mình rằng con không có lỗi. Nhưng giờ phút này đây, đứng trước mẹ, lương tâm và tình mẫu tử đã không cho phép con tiếp tục chạy trốn nữa. Con phải đối diện với sự thật.

 

Và rồi mắt con cứ thế nhòe đi. Chưa bao giờ con ý thức được trách nhiệm và sai phạm của bản thân như thế. Lao vào lòng mẹ, con khóc thút thít như đứa trẻ, cứ luôn miệng xin lỗi, luôn miệng hứa sẽ sửa đổi. Mẹ dang rộng vòng tay với con. Ðôi vai nhỏ gầy của mẹ run lên từng hồi theo tiếng nấc và con cảm thấy rõ những giọt nước mắt mặn chát của mẹ lăn dài trên má mình. Tiếng mẹ vang lên đều đều bên tai con, hòa vào tiếng khóc, tiếng nghẹn ngào xé lòng: “Mẹ xin lỗi! Là mẹ đã hại con...” Nhưng mẹ ơi, con sai! Con sai thật rồi.

Hoàng Hạnh Minh Châu

(Lớp 11 Văn – Trường THPT Chuyên Thái Bình)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày