Thứ 2, 08/07/2024, 15:43[GMT+7]

Ngày Tết quê hương

Thứ 7, 01/02/2014 | 10:59:12
1,894 lượt xem
Ngày mùng 2 Tết, tôi cùng bạn bè đi chúc tết các thầy cô. Không khí tết kéo dài đến hết ngày mùng 5, sang đến ngày mùng 6 chúng tôi lại đến trường, nhịp sống đời thường quay trở lại. Tôi gói những kỷ niệm ngày tết lưu giữ nó lại như một kỷ niệm đẹp về gia đình, quê hương, thầy cô, bè bạn.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

 

Ngày ấy, sắp đến tết, mọi thứ như đổi thay hoàn toàn, không khí háo hức, vui sướng dâng trào khắp mọi nơi. Mới đầu tháng Chạp mà sự chuẩn bị đã rất bận mải,  cả gia đình tôi, mọi người rậm rịch chào đón cái tết. Bà nội tôi đã trên 80 tuổi lưng còng, bước chậm, tay lần lần kiểm tra lại cót thóc xem còn đủ gạo nếp để gói bánh chưng không? Ông tôi gọi thợ, sửa sang lại nhà cửa, quét vôi ve trên những bước tường bao quanh khu vườn, chúng như được con người khoác cho bộ quần áo mới vậy.

 

Chị em tôi đi học về nhìn thấy căn nhà đẹp đẽ mà lòng hồi hộp sung sướng. Vậy là tết đến thật rồi! Mẹ đã đi chợ mua thêm những đồ vật mới cho gia đình, một bộ bàn ghế mới, một cái ti vi mới tinh, rồi cả những cái cốc xinh xắn uống trà, những chiếc đĩa cô tiên tuyệt đẹp... nhìn thấy chúng mà chúng tôi nghĩ đến một cái tết đầm ấm, vui vẻ, ngập tràn hạnh phúc. Mấy đứa em tôi đòi mẹ mua quần mới. Tôi cũng thế, cũng ước ao có một bộ quần áo mới xúng xính diện trong ngày tết nhưng chẳng dám nói ra, vì tôi biết tết đến mẹ còn phải mua biết bao nhiêu thứ cho gia đình. Thôi, đành âm thầm gói lại ao ước của mình và cầu mong điều kỳ diệu sẽ đến.

 

Ngoài đường, trong câu chuyện của các bà đi chợ, họ cứ vang vang hỏi nhau: “Tết đã chuẩn bị được những gì?  Con cái ở tận miền Trung, miền Namon>, ai về ? Ai ở lại? Rồi lợn, gà đã to chưa? Gạo, thóc đã xay xát chưa?... Không khí chuẩn bị tết mới háo hức làm sao?  Họ đã chắt bóp dành dụm cả năm trời để có một cái tết sum vầy.  Trên ti vi, chương trình thời sự nói về tết rất nhiều, giá cả thực phẩm lên xuống ra sao? Giá vé tàu Bắc - Namon>, vé máy bay và ô tô khách đường dài phục vụ nhân dân đi lại khó khăn hay thuận tiện? Những ngày cuối tháng chạp, nhất là khi tiễn ông Táo lên trời, cái tết như đến gần lắm rồi. Hàng nghìn cây mai, cây đào, cây quất từ các khu vườn ngoại thị  tấp nập đi vào thành phố. Chợ hoa đầu đường Lê Lợi lung linh sắc màu, trong mưa xuân lây phây như rây bột những lá hoa ướt nước mưa xuân. Người mua, người bán, người vãn cảnh, vui quá.

 

Sang đến ngày 27 tết, tôi bắt đầu được nghỉ học giúp bà, giúp mẹ lau chùi nhà cửa, giặt giũ chăn màn... tôi mong cái tết đến gần hơn, sớm hơn nữa. 28 tết, bố đi công tác ở mãi vùng Tây Bắc cũng đem về cả một ba lô quà tết, nào là măng, miến, mộc nhĩ, chè Tuyết Hà Giang và cả chén rượu cần dân tộc nữa. Mở từng gói quà tết của bố, tôi thấy lòng hân hoan sung sướng lạ thường, ước gì một năm có 365 ngày, ngày nào cũng là tết thì vui biết mấy. Nhìn ra ngoài đường, chà! Ðông người quá đi mất thôi, toàn là các anh, các chị, các cô bác đi làm ăn xa tết đến mới có dịp trở về quê hương; họ chào hỏi hân hoan, nắm tay nhau sóng bước, thì thầm kể chuyện làm ăn, gia đình, bè bạn... Hạnh phúc như bừng lên trong từng ngôi nhà, đường làng, ngõ xóm.

 

Ngày 30 tết ông bà tôi thịt con lợn nuôi suốt một năm ròng, tiếng lợn kêu eng éc, các em tôi sung sướng nhảy múa. Tôi cùng bà lau lá dong xanh mướt, giã đỗ xanh để gói bánh chưng. Bố chạy vội ra chợ hoa mua về một cây quất, một cành đào. Nhìn cây quất với những quả chín mọng nước nằm chen giữa những búp lá xanh non trên ngọn bật nảy những chùm hoa trắng thơm ngát. Ông tôi bảo, nhà nào có cây quất đẹp như thế thì cả năm mới sẽ có Phúc - Lộc - Thọ. Còn với tôi, tôi thích đào hơn, những cành đào màu nâu, khẳng khiu bật nảy những búp lá dưới mưa xuân, những nụ hoa nhỏ màu hồng tươi lấm tấm như những hạt gạo nằm câm lặng trên cành chỉ cần đợi tết đến là sẽ bật tung những cánh thắm.

 

Vui nhất là đêm 30 tết, trời đã khuya lắm rồi mà đường xá vẫn đông đúc, nhộn nhịp. Trong ngôi nhà nhỏ, ông tôi thận trọng đặt gói quà tết, gói mứt, đĩa hoa quả  và những tấm bánh chưng lên bàn thờ tiên tổ. Trong không khí se lạnh, trong mùi thơm của hương trầm, quyện trong mùi thơm của bánh chưng xanh và đĩa gà luộc ngậm hoa hồng đỏ thắm tôi cảm nhận rất rõ  một không khí tết thật đầm ấm, hạnh phúc. Khi chuông đồng hồ trên tường thong thả điểm 12 tiếng, thời khắc giao thừa đã đến, pháo hoa rực sáng giữa bầu trời; trên ti vi Chủ tịch nước đọc lời chúc tết. Nhìn sang bên cạnh, thấy ông nội đang lầm rầm khấn vái... Và kìa, bố mẹ tôi đi hái lộc ở chùa làng đã về, trên tay bố hương trầm nghi ngút tỏa khói... Lời chúc, nụ cười râm ran nở như pháo hoa. Trong giờ phút ấy tôi nhận được rất nhiều tiền mừng tuổi và những lời chúc ý nghĩa từ ông bà, bố mẹ, cô chú...

 

Ðêm giao thừa qua đi, ngày mùng 1 tết bắt đầu.  Cả gia đình tôi thức giấc rất sớm. Mẹ khẽ khàng bưng lên đầu hè một chậu nước rửa mặt bằng nước lá mùi già thơm nức. Chị em tôi rửa mặt thật kỹ và hà hít thật lâu cái hương thơm sâu thẳm ấy vào nỗi nhớ rồi sung sướng mặc những bộ quần áo mới tinh. Mẹ còn buộc tóc cho từng đứa, bắt chúng tôi quay đi quay lại ngắm nghía kỹ càng. Trông chị em tôi ai cũng gọn gàng, xinh xắn khác hẳn ngày thường. Thế rồi cả nhà lên chiếc xe máy đã được rửa sạch từ chiều hôm trước - Gia đình tôi về quê ngoại chúc tết, thăm họ hàng, cô bác, dọc đường tôi gặp rất nhiều người bạn, chúng tôi e thẹn chào nhau, lí nhí chúc nhau một năm mới an khang, thịnh vượng.

 

Ngày mùng 2 tết,  tôi cùng bạn bè đi chúc tết các thầy cô. Không khí tết kéo dài đến hết ngày mùng 5, sang đến ngày mùng 6 chúng tôi lại đến trường, nhịp sống đời thường  quay trở lại. Tôi  gói những kỷ niệm ngày tết lưu giữ nó lại như một kỷ niệm đẹp về gia đình, quê hương, thầy cô, bè bạn.

 

Trải qua năm tháng, bây giờ tôi đã trở thành người mẹ; lại cần mẫn chuẩn bị cái tết cho gia đình bé nhỏ của mình, nhưng ký ức về cái tết tuổi thơ vẫn sống trong lòng đẹp tựa bức tranh.

Trần Thanh Phương

(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày