Thứ 2, 08/07/2024, 11:11[GMT+7]

Hoài

Thứ 6, 28/02/2014 | 16:59:05
981 lượt xem
Thế là cô đã trở lại với trường, với lớp, trở lại với các em học sinh thân yêu mà những ngày nằm trên giường bệnh cô khắc khoải đợi chờ cái giây phút hạnh phúc, tưởng như không bao giờ có được. Cô run rẩy bước lên bục giảng, nước mắt cứ chực trào ra, cố gắng lắm cô mới kìm được cái cảm xúc đang trào lên thật mãnh liệt. Ngày ấy...

Ảnh minh họa

Khi phát hiện mình bị ung thư, cả đất trời như sụp xuống. Chiếc xe chở cô đi Hà Nội lặng lẽ rời khỏi làng biển. Bố cô, người cha yêu thương cô nhất đứng bên đường vẫy tay tạm biệt đứa con gái mà ông luôn coi còn bé bỏng. Cô không ngờ đó là cuộc chia tay định mệnh bởi sau lần ấy, chẳng bao giờ cô được gặp cha nữa. Cô nhập viện, cùng phòng bệnh với cô có một cháu gái quê tận Thanh Hóa, tên là Mai Anh. Nhìn Mai Anh cô lại nhớ cồn cào hai đứa con gái bé bỏng của mình: Phương Anh và Quỳnh Trang. Bác sĩ xếp Mai Anh nằm cùng giường với một cháu trai, Anh vùng vằng không chịu, cô đã nhường cho Mai Anh sang giường của cô, còn cô ra hành lang bệnh viện nằm.

Một ngày, một năm nằm ở bệnh viện dài lê thê. Hết mùa hè đến mùa đông, cái rét Hà Nội tê tái lòng người. Hai cô cháu như một định mệnh, trời xe duyên. Biết cô bệnh nhân là cô giáo, Mai Anh đang học lớp 9, chỉ còn một năm nữa là em vào Trung học phổ thông. Khát khao được học tập cứ cháy lên trong lòng cô bé ham học. Cô Hoài đã dạy em học, dạy em làm thơ cho khuây khỏa nỗi lòng. Trước khi mất, Mai Anh đã viết thư để lại cho cô giáo Hoài với những câu chữ chỉn chu mà thấm đẫm tình người. Khẩu khí trẻ con mà đầy tính triết lý, em mong cô sống để tiếp tục đến lớp, đến trường... vì ở đó còn có các bạn, phía sau cô còn có hai con gái. Em mong được sống, sau này có tiền em sẽ xây một bệnh viện tình thương cho người nghèo, để rồi không còn ai khổ như cô và em.

Nỗi khắc khoải trong Mai Anh bật lên thành những câu hỏi như cứa vào lòng người đọc: “Cô ơi, ngày mai em đi rồi, ai sẽ đi lấy cơm từ thiện cho cô? Ai sẽ dắt cô đi trong bệnh viện? Cô không được chết đấy nhé. Tài sản duy nhất của con chỉ còn tấm phiếu lấy cơm nhân đạo, con tặng lại cô, cô lấy mà ăn cho khỏe, nếu không ăn được cô cho người nào nghèo cũng như cô cháu mình ấy”. Em đã gửi lại cô Hoài chiếc áo rét mà cô cho em mặc những ngày nằm viện với lời lẽ thật xúc động: “Con gửi lại cô chiếc áo ấm để cô mặc chống chọi với mùa đông gió lạnh ở Hà Nội”. Mai Anh về quê, theo ngôn ngữ của thầy thuốc là “trả về”; nghĩa là hết phương cứu chữa. Cô Hoài lại bắt đầu vào cuộc chiến với bệnh tật. Từ ngót 50kg, cô chỉ còn 37kg, người chỉ còn da bọc xương, tóc rụng hết, mắt lồi. Qua hai lần mổ, sáu lần truyền hóa chất, cô như cái xác không hồn. Định mệnh cũng đã đến lượt cô, bệnh viện trả cô về nhà, giống như Mai Anh và rất nhiều bệnh nhân khác điều trị ở cái bệnh viện này. Trước đó một tuần, bác sĩ điều trị thuyết phục cô và gia đình đồng ý để bệnh viện thử nghiệm một phương thức điều trị mới. Cô nghĩ ngay rằng: nếu thành công, sẽ cứu được rất nhiều người; còn thất bại, cô sẽ ra đi sớm hơn. Chồng cô, anh Thúy nhất mực không nghe. Các cụ bảo: “còn nước, còn tát”, không chữa được thì đưa vợ về quê gặp mẹ, gặp các con được chừng nào hay chừng đó.

Anh là kỹ sư nông nghiệp. Những năm thập kỷ 80, kỹ sư về làng là chuyện hy hữu, vì mẹ già, các em đông, còn nhỏ... Anh chấp nhận về địa phương công tác, làm chủ nhiệm HTX nông nghiệp. Công việc đang thuận lợi, con đường danh lợi đang mở ra trước mắt thì vợ đổ bệnh ốm, căn bệnh nan y. Nghĩa vợ, tình chồng là cao nhất, sâu nặng nhất, Thúy xin nghỉ chức chủ nhiệm để đi chăm sóc vợ. Của cải trong nhà cứ lần lượt ném vào cho vợ chữa bệnh. Đầm nuôi tôm, cua... bao nhiêu nhọc nhằn, mồ hôi, nước mắt của hai vợ chồng thành công cốc. Căn nhà của riêng vợ chồng anh đã tính chuyện bán lấy tiền cho vợ chữa bệnh rồi dọn về nhà mẹ đẻ ở. Bây giờ trắng tay, vợ lại hết phương cứu chữa. Ngày mai đưa vợ về quê, chứ quyết không để vợ làm vật thí nghiệm. Anh điện về cho chú em ở nhà chuẩn bị hậu sự. Dặn đi, dặn lại là phải đóng bộ quan tài tốt nhất; nhớ bắc phông rạp cho đàng hoàng. Dù hết tiền cũng phải làm tang cho vợ thật to. Anh ra bờ hồ gọi taxi chở vợ về quê ngay trong đêm. Ông lái xe đòi giá đúng hai trăm năm mươi nghìn đồng và phải đưa tiền trước mới chở. Kinh nghiệm cho ông thấy: không cầm tiền trước, về đến nhà, chẳng ai đoái hoài đến mình nữa, nên phải cầm đằng chuôi. Thúy lục hết các túi áo, túi quần đếm được một trăm hai mươi lăm nghìn đồng. Anh hứa, về đến nhà sẽ trả nốt, nhưng lái xe không chịu. Thúy lững thững quay về bệnh viện, lòng như lửa đốt, chỉ lo đưa Hoài về quê quá muộn, sẽ không được gặp mẹ và các con. Về đến bệnh viện lúc nào không hay, nhìn thấy vợ nằm trên giường bệnh lòng anh xót xa, nhói đau. Hoài là cô gái tốt, về làm dâu chịu đựng nhiều gian khổ. Dâu trưởng, mẹ già, các em đông, bao vất vả đổ cả lên đầu cô gái vừa trưởng thành. Thương vợ, thương hai con gái, đứa lên ba, đứa lên tám tuổi đã phải mồ côi mẹ, nước mắt anh bỗng trào ra. Hoài nhìn thấy chồng khóc, ra hiệu cho anh cúi sát xuống hỏi sao anh khóc? Như bản năng của kẻ nghèo khó, anh bật nói: Không đủ tiền thuê xe đưa em về quê.

Trời sáng dần. Một ngày mới lại đã bắt đầu. Bệnh viện ầm ĩ như vốn có. Hoài bắt đầu thuyết phục chồng:
- Thôi anh ạ! Cứ để bệnh viện họ điều trị theo phương thức mới. Biết đâu, may ra ông trời thương em mà cho em sống. Đằng nào em cũng chết, bệnh viện trả về nghĩa là không cứu được nữa. Đây là “còn nước, còn tát”, anh nghe em một lần cuối cùng đi.
Thúy khẽ gật đầu mà lòng anh ngổn ngang dằn vặt, chua xót. Bác sĩ điều trị xuống, Hoài nói đồng ý ở lại điều trị và thế là cô được đưa lên tiếp tục truyền hóa chất và thực hiện phác đồ điều trị mới. Cách làm này người bệnh rất mệt mỏi và có thể có những phản ứng xấu khác. Một tuần, hai tuần tình hình diễn biến khá hơn. Hoài được phép về nhà uống thuốc theo chỉ dẫn và cứ mỗi tháng phải lên bệnh viện kiểm tra một lần. Về đến nhà, tự dưng cô không còn biết gì nữa. Cô như người vô cảm, hoàn toàn mất trí nhớ. Hai chân không mang nổi tấm thân còm cõi. Cô không nhận ra mẹ chồng, không nhận ra hai con gái bé bỏng. Mẹ chồng hỏi: Có nhận ra mẹ không? Cô ngơ ngác: Bà là ai? Thế là tất cả đều khóc, chỉ có cô là cười. Mọi người lo cô bị điên, nhưng theo các thầy thuốc giải thích thì cô bị ngộ độc thuốc làm mất trí nhớ.

Sau này bình phục cô nói: Không ai ngờ rằng đời người hai lần tập nói, hai lần tập đi. Mẹ chồng, rồi anh Thúy bắt đầu từng bước tập cho cô đi, làm cho cô hồi phục trí nhớ dần dần. Điều kỳ diệu đã đến hay ông trời thương cô để cô được hồi phục trí nhớ, đi chập chững như đứa trẻ mới tập đi. Người ta bảo, nếu cô không từng là vận động viên điền kinh thì không có được khả năng hồi phục nhanh như thế. Hơn chục năm trời chiến đấu với bệnh tật, giành giật với thần chết từng giây, từng phút cô đã thành công, Bệnh viện K rất mừng vì khả năng thắng lợi của phương thức điều trị mới. Hàng tháng, một lần cô phải lên bệnh viện để kiểm tra và bổ sung thuốc uống. Bây giờ thì cứ ba tháng lên một lần. Cô đã tăng cân trở lại, tóc đã mọc bình thường, da dẻ hồng hào, trí nhớ đã được cải thiện; cô nhận biết được hiện tại, riêng quá khứ thì lúc nhớ, lúc quên. Cô kể rằng đã phải bán tất cả những gì cần bán để chữa bệnh: đất cát, đầm ao nuôi hải sản... vẫn không đủ, phải vay ngân hàng, cán bộ tín dụng sợ cô chết, không trả được nợ, từ chối cho cô vay.

Thầy hiệu trưởng già Mai Đăng Phần, từ lâu coi cô như con gái, đã dùng sổ lương của mình đem thế chấp vay tiền cho cô chữa bệnh. Bạn bè cùng khóa học sư phạm, bạn học trung học phổ thông đã dang tay giúp đỡ cô, họ gửi tiền cho cô chữa bệnh, góp tiền sửa nhà cho cô ở; các em học sinh dành dụm tiền ăn sáng gửi lên biếu cô chữa bệnh... Cô nói, cô mang ơn cuộc đời này nhiều lắm. Rồi Công đoàn nhà trường, Công đoàn ngành Giáo dục chăm lo cho cô, động viên cô khắc phục khó khăn, kiên cường chiến đấu với bệnh tật. Cô đã hoàn toàn bình phục và tiếp tục được đến trường, đến lớp. Mấy năm nay, môn thể dục, thể thao do cô phụ trách đều giành được thành tích cao, đem vinh quang về cho trường, cho ngành.

Tuy dạy môn phụ, nhưng Ban giám hiệu thấy cô có khả năng quản lý tốt, được học sinh yêu quý, nên giao cô chủ nhiệm lớp 9, lớp cuối cấp của bậc trung học cơ sở. Không biết có phải các em thương cô bệnh tật hay thực sự cô giỏi quản lý mà lớp cô luôn dẫn đầu trên nhiều mặt. Đây cũng là lứa học sinh đã khá trưởng thành, cũng có em rất khó bảo, ham chơi hơn ham học, do đua đòi cũng có, do hoàn cảnh xô đẩy cũng có... cô đã lặn lội đến các gia đình để tìm hiểu, thuyết phục. Có trường hợp bố hoặc mẹ ly hôn đã tỏ ra bất lực... cô đã gặp các em, từng trường hợp một để khuyên nhủ. Nhớ lại em Mai Anh khao khát được học tập vì bệnh tật đã dở dang học hành và vĩnh viễn không được cắp sách đến trường nữa... cô đã khóc, khi tâm sự với những học sinh cá biệt. Trái tim non nớt, tưởng đã chai lỳ của những em học sinh hư hỏng lại trỗi dậy bản năng và sự tự trọng. Có em đã tỉnh ngộ và hứa với cô sẽ ngoan, học tốt.

Có một điều không ai nghĩ rằng cô vốn có năng khiếu văn học, lúc đi học phổ thông, cô rất giỏi văn, nhưng lý do gì để cô rẽ ngang đi học thể dục, thể thao. Nghe tin cô đi học thể thao, cô giáo dạy văn đã rất thất vọng, bạn bè cùng học không hiểu trước quyết định đường đột của Hoài. Lẽ ra, cô phải đi học tổng hợp văn, nếu đi sư phạm thì vào khoa văn mới đúng. Tốt nghiệp ra trường năm 1989, vốn là vận động viên điền kinh có tiếng, nên các anh chị ở huyện đoàn gợi ý cô về cơ quan huyện đoàn công tác, cô cũng không nghe. Cuối cùng, cô chọn về trường vùng sâu, vùng xa của cái huyện biển này công tác. Trong cái rủi có cái may, nhờ về nơi khó khăn, gian khổ này tình người lại thấm đẫm nhiều thế. Nơi ấy đã vực cô đứng lên, vượt qua nỗi đau bệnh tật. Hai con gái, ngày cô đi nằm viện, đứa lên tám đứa lên ba, phải nhờ hai trường mầm non và trung học cơ sở giúp đỡ; anh em họ hàng, bạn bè cưu mang... bây giờ cháu lớn Phương Anh đã tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đi đúng con đường của mẹ. Bà nội các cháu, người mẹ chồng rất mực thương đứa con dâu cả tốt bụng, giỏi giang... đã không còn nữa. Bố cô, người cha cô yêu thương, kính trọng nhất cũng bỏ cô mà đi. Anh Thúy, người chồng hơn cô cả chục tuổi, anh là người tốt, hy sinh tất cả sự nghiệp để đi chăm sóc vợ khi chị ốm đau, bệnh trọng. Các em bên chồng, người ở gần, người ở xa tận miền Nam đều thương yêu, quý trọng chị dâu. Trong thâm tâm họ coi chị như mẹ, như chị cả trong gia đình. Chị ở xã bên về làm dâu làng này, nhưng bà con trong xóm, trong làng coi cô giáo như người thân. Cô vẫn cứ nói về con số chín định mệnh. Sinh năm một nghìn chín trăm sáu chín, tốt nghiệp sư phạm năm một nghìn chín trăm tám chín; năm một nghìn chín trăm chín chín thì đổ bệnh đi viện, cuộc đời cô sẽ kết thúc ở con số chín nào? Nhưng số phận đã mỉm cười với cô, ít nhất là đến lúc này. Mười bốn năm qua là quãng thời gian nặng nề, u ám nhất trong đời cô. Có lúc cô đã buông trôi, mặc cho số phận. Ngay cả việc đồng ý để Bệnh viện K thử nghiệm phác đồ điều trị mới cũng là sự buông trôi. Nhưng, đó là buông trôi của tấm lòng nhân đạo. Cô có thể chết vì thất bại, nếu cô sống sẽ cứu được rất nhiều người có căn bệnh hiểm nghèo như cô.

Cháu gái lớn, Phương Anh, tốt nghiệp ra trường, nỗi lo lớn nhất là tìm đâu được việc làm cho con. Nghe người ta bảo phải có trăm triệu mới xin được đi làm. Cô còn phải gánh nợ ngân hàng, lấy đâu tiền để xin việc cho con. Các em chồng bàn tính cho cháu vào miền Nam làm. Nhưng đi đâu thì cũng phải có tiền. Kẻ nghèo khó như cô tính mãi không ra. Vợ chồng bàn nhau bán căn nhà đang ở lấy tiền lo việc cho con, rồi vào nhà mẹ đẻ ở, vì anh Thúy là con trai trưởng vào đó ở để thờ cúng cha, mẹ là hợp lý. Đúng vào cái thời khắc ấy, xuất hiện một “Bồ Tát sống” đã cứu cả gia đình cô – Anh đã can thiệp với Chủ tịch huyện, trao đổi với các cơ quan chuyên môn ở huyện, để ra quyết định cho cháu về dạy ở trường cạnh nhà cô. Hai tháng sau, bằng tài năng ngoại giao và tấm lòng nhân ái, từ thiện... anh đã xin huyện để cháu Phương Anh vào biên chế. Cô Hoài phải thốt lên rằng: Bệnh viện đã cứu sống cô khỏi tay thần chết, còn anh đã cứu cả gia đình cô trong cơn hoạn nạn. Ngày đưa cháu về làm dâu nhà người, cô đã khóc rất nhiều. Khóc vì sung sướng, cô không nghĩ rằng cô được sống để chứng kiến ngày con gái lên xe hoa. Ngày con gái đến trường, đứng lớp như mẹ, cô đã rùng mình nghĩ nếu cô chết thì các cháu sẽ thế nào? Dĩ nhiên, anh Thúy đi bước nữa để có người chăm sóc hai con. Nhưng liệu Phương Anh có được đi học đến nơi đến chốn không? Quỳnh Trang thì còn bé bỏng quá. Cô đã chắp tay cảm ơn ông trời đã thương cô, không lấy cô đi về với các cụ, với cha mẹ, để cô được nuôi dậy hai con gái yêu của mình nên người như hôm nay. Nghĩ đến hai con, cô như được tiếp thêm sinh khí để chữa bệnh, thêm nghị lực để cô sống.

Đêm ở vùng biển dường như tối cũng nhanh hơn. Cô thiếp đi trong giấc ngủ thật ngon lành. Ngày mai, cô lại đến lớp với đàn em thân yêu. Năm học sắp kết thúc, lứa học sinh của cô chuẩn bị vào Trung học phổ thông. Chuyến đò thứ bao nhiêu trong cuộc đời làm “người chở đò” tri thức sang sông cô không nhớ được. Nhưng, cứ mỗi chuyến đò như thế, lớp của cô đừng có em nào nhỡ chuyến sau là cô thấy hạnh phúc.

Truyện ký: Phạm Viết Thanh
(Thành phố Thái Bình)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày