Thứ 2, 08/07/2024, 11:53[GMT+7]

Lũy tre làng An Cố

Thứ 3, 22/04/2014 | 10:23:52
4,623 lượt xem
Chứng tích về thành lũy trong rặng tre xanh ở làng An Cố đến nay không còn nữa, do nông thôn đổi mới theo hướng đô thị hóa. Với sự tích lịch sử rào làng kháng chiến chống Pháp thắng lợi vẻ vang, niềm tự hào kiêu hãnh này sẽ mãi mãi còn trong lòng thế hệ những người con An Cố!

Thời kháng chiến chống Pháp, làng An Cố (xã Thụy An, Thái Thụy ngày nay) cùng với làng Phương Man, Đông Dương và Diêm Tĩnh hợp thành một xã, gọi là xã Dũng Tiến. Làng An Cố không giáp với ba làng kia, mà như một hòn đảo nằm giữa những cánh đồng chiêm mênh mông. Bởi thế, khi thực hiện chỉ thị chống càn của cấp trên, việc đào hào đắp thành lũy của An Cố có nhiều thuận lợi. Ta hãy tưởng tượng Loa thành An Dương Vương xưa kia thế nào, việc đào hào đắp thành lũy ở An Cố cũng tương tự như thế. Có lũy cao, hào sâu, vòng trong vòng ngoài, hố chông, cổng chắc.

Bốn tháng mùa khô cuối năm 1950 nhân dân An Cố đã khẩn trương làm “loa thành” ấy. Vòng ngoài cùng của “loa thành” được đào một cái hào rộng chừng hơn hai mét, sâu hơn một mét để lấy đất đắp vào phía trong, thành một bức lũy có chiều cao hơn hai mét. Cứ độ ba mét lũy lại để một lỗ châu mai ở tầm ngang ngực. Đáy hào được cắm chông tre chắc nhọn. Như vậy, hào như một con mương lớn lòng đầy chông và bờ mương bên trong là một thành lũy cao, uốn lượn theo thế đất để bao bọc kín diện tích thổ cư của làng. Lũy vòng ngoài để bốn cổng chính ở bốn góc làng. Cổng được làm bằng gỗ lim rất dầy và chắc. Trong làng còn đắp hai vòng lũy nữa, nhưng lũy thấp hơn, và không có hào cắm chông. Tường nhà và tường bao của mỗi gia đình (hầu hết là đắp đất) đều phải đào khoét lối thông nhau, để khi tác chiến được cơ động dễ dàng. Dưới lòng đất có nhiều hầm bí mật.

Đầu năm 1951, khi thành lũy đã xong Đại đội 131 và Đại đội 61 bộ đội chủ lực về làng An Cố để huấn luyện dân quân du kích, thâm nhập địa hình chuẩn bị kháng chiến.

Nghe người lớn kể về những trận càn và việc đánh trả ác liệt của quân dân ta ở Tiên Hưng, Duyên Hà, Tiên Lãng, Kiến Thụy… tôi vừa sợ lại vừa thích. Sợ bởi nếu giặc càn về không biết sẽ ra sao? Thích bởi có những người gan dạ, dũng cảm, mưu trí như chú Nước ở Vinh Quang, một mình chú làm cả một trung đội địch phải run sợ, không dám vây đuổi bắt chú…

Nhà tôi, nhà bác tôi cùng ở một thổ đất. Hai gia đình được bố trí cho bốn chú bộ đội ở. Bờ tre ngoài cùng của nhà bác tôi áp sát cánh đồng Sú, đã được làng lấy làm mốc giới cho việc đắp lũy. Như vậy rặng tre gai dày đặc ở ngoài, lũy cao hơn hai mét ở trong càng làm cho “loa thành” kiên cố. Bờ vườn và các bờ ao cũng có nhiều bụi tre và cây cối xanh tốt um tùm. Cây cối rợp mát, yên tĩnh, sân rộng, vườn rộng, là nơi luyện tập quân sự lý tưởng cho hàng trăm dân quân du kích của làng.

Bố và bác Hướng tôi cùng được phát một khẩu súng trường để tập. (Lúc ấy chỉ gọi là súng trường, chứ tên cụ thể là gì, có lẽ chỉ có các chú bộ đội mới biết). Trong giờ tập ngắm, tập sử dụng súng, bố, và bác tôi được các chú bộ đội chỉ dẫn tỷ mỷ. Bọn trẻ con chúng tôi chỉ dám đứng ngồi từ xa ngóng xem một cách thèm thuồng, thích thú. Lúc giải lao, các cô chú hát rất hay. Những lúc ấy các chú bộ đội mới gọi chúng tôi đến gần để âu yếm, chuyện trò.

Tôi rất muốn tò mò tìm hiểu về những khẩu súng. Vẻ đồ sộ, hiện đại, oai hùng của súng máy làm chúng tôi càng muốn sán đến gần để xem. Một buổi trưa, khi đã nghỉ tập, bác tôi vác khẩu súng trường vẫn được giao vào nhà. Tôi chạy theo. Lúc vào nhà, ngó ra sân không thấy ai, tôi nói với bác: “Bác cho cháu xem khẩu súng một tý!”. Bác tôi ngồi xuống giường, để khẩu súng vắt ngang hai đùi. Tôi cũng ngồi xuống bên cạnh sờ vào súng. Tôi hỏi: “Khi cho đạn vào, ở trong có cái gì đẩy đi, mà đạn bay được xa thế bác nhỉ?” Bác tôi chỉ vào phía dưới của nòng súng rồi nói: “Ở trong này có cái kim hỏa, nó mổ vào cát tút làm đạn nổ, đẩy đầu đạn đi”. Tôi không biết “kim hỏa” là cái gì , nên tự hỏi: “Nó ở trong này, chắc chỉ bé tí, làm sao đẩy đạn đi xa, đi nhanh thế?”.

Những buổi chúng tôi được xem bộ đội và dân quân luyện tập còn rất ít. Tôi chưa kịp biết tên bốn chú bộ đội ở bên nhà bác tôi. Đến sáng ngày 26/4/1951 (21/3 Tân Mão) có tin là giặc Pháp đang mở cuộc hành quân về bao vây An Cố. Làng xóm xôn xao. Nhà nhà lo toan việc cất giấu thóc gạo. Bộ đội, dân quân khẩn trương dàn trận địa.

Khi gia đình tôi đang quây quần bên chiếc mâm chác (có nơi gọi “mâm chõng”) ăn cơm, một loạt ca nông đại bác từ đâu câu xuống. Một quả đạn nổ ngay vào nhà ông xã Thọt - phía đông nhà tôi, làm bà vợ ông Thọt chết ngay tại chỗ. Khói lửa bốc lên mù mịt. Cả nhà tôi chạy vội ra tăng-xê (hầm trú ẩn để tránh đạn bom với khả năng cao nhất của nhà mình). Tăng-xê nhà tôi ở vườn, được đắp đất theo hình chữ chi. Xung quanh dầy đến gần hai mét. Độ cao của phần vào trú ẩn người lớn ngồi không chạm đầu. Bên trên được bắc ván và nhiều lớp tre gai. Rồi lại đắp đất lên cao hàng mét nữa. Trên cùng là đánh đống rạ trùm kín phần đất đã đắp ở trong. Đống rạ trên nóc tăng-xê cao tới vài ba mét. Nhìn từ xa, đấy chỉ là một đống rạ khổng lồ. Đã ngồi vào tăng-xê, đạn của máy bay Bê-vanh-xít, hoặc ca nông đại bác cũng không làm gì nổi. 

Sau mấy loạt ca nông đại bác câu xuống ác liệt làm náo động làng nước, là đến máy bay ba càng bay lượn trên bầu trời An Cố ném lựu đạn khói xuống chỉ điểm cho lực lượng đang hành quân tới. Nhiều nhà đã cháy. Nhiều người đã chết. Tiếng kêu khóc thảm thiết của nhiều gia đình tạo ra cảnh tang thương ai oán. Căm hờn và khí thế chiến đấu sôi sục dâng lên. Lực lượng bộ đội chủ lực và dân quân du kích tấp nập, hối hả dàn trận địa. Ông tôi, bố tôi và các cô chú tôi hòa vào lực lượng chiến đấu. Trong tăng-xê chỉ còn lại bà, mẹ và tôi. Ngồi trong hầm mà tôi còn nghe tiếng các chú bộ đội hét to: “Khuân vác đạn ra các lỗ châu mai! Vị trí nào của ai người ấy chốt giữ”.

Ngay sau đó ít phút, bố tôi quay về báo tin là có lệnh phải cho đàn bà, trẻ con tản cư đi nơi khác để chuẩn bị cho trận đánh lớn sắp diễn ra. Mẹ tôi thu xếp quang gánh để cùng với bà tôi chuẩn bị ra đi. Mẹ tôi gánh một ít gạo, nồi niêu và mấy cái quần áo. Bà tôi mang thêm mấy thứ lặt vặt dắt tôi đi trong nắng và khói lửa. Cụ già và đàn bà trung tuổi gọi nhau inh ỏi. Tiếng trẻ thơ khóc thét vì sự náo loạn làm vang cả đường làng. Người người gồng gánh ra đi. Cổng làng mở toang. Dòng người tứa ra cổng như nước chảy.  Ban chỉ đạo yêu cầu mọi người đi theo con đường Cái - là con đường phía tây nam làng để lên các thôn Thiên chúa giáo phía trên, xa thành lũy An Cố hơn. Mặt con đường này chỉ rộng độ hai mét, nhưng Ban chỉ đạo kháng chiến đã cho dân làng đào hố, đắp ụ theo kiểu so le dày dịt để ngăn các loại xe của địch, nên rất khó đi. Có chỗ còn phải lội bùn, lội nước mới qua được.

Bà nội tôi từ thời son trẻ đã phải đi làm thuê cho gia đình cụ ký Út – là người có chân trong Ban hành giáo ở nhà thờ Bình Lạng (xã Thụy Xuân, Thái Thụy ngày nay) nên bà tôi biết mấy ông trùm ở thôn Vạn Đồn - là nơi có nhà thờ Thiên chúa giáo to nhất huyện Thụy Anh lúc bấy giờ, hay xuống chơi và làm việc ở nhà cụ ký Út. Được lệnh tản cư lên Vạn Đồn, bà tôi bảo với mẹ tôi là lên đó sẽ hỏi thăm vào nhà ông trùm Dương để trọ. Cũng may, nhà ông trùm Dương ở ngay mé đường đi vào chợ Đụn và cũng rất gần nhà thờ Vạn Đồn. Cả nhà tôi được ở nhờ một góc nhà ngang. Vào nhận chỗ ở xong, tôi nói với bà và mẹ là muốn quay lại chỗ nghĩa địa để ngóng về An Cố xem thế nào? 

Đến khoảng hơn hai giờ chiều, một đoàn xe chạy từ phía Diêm Điền dọc theo con đê Ngư Lâm thẳng về An Cố. Từ phía cánh đồng phía tây bắc làng An Cố lại có xe lội nước từ phía sông Hóa gầm rú kéo vào. Khu nghĩa địa ở đầu thôn Vạn Đồn nhiều người đổ ra xem. Khi xe bọc thép và xe cam nhông và các loại xe lội nước của địch tiến gần đến thành lũy An Cố, mọi người bắt đầu nghe tiếng súng từ trong “loa thành” bắn ra quyết liệt. Trên đê Ngư Lâm, một chiếc cam nhông đi sau ba chiếc bọc thép có lẽ bị dính đạn ngay từ loạt  đầu, nên nó khựng lại. Những chiếc đi sau cũng từ từ đỗ lại. Rồi quân lính trên xe lục tục nhảy xuống ôm súng nằm phục ở mé đê ngoài. Mấy chiếc xe bọc thép cố tiến gần về phía thành lũy. Xe bọc thép đi đến đâu, lính lố nhố bò theo đến đấy. Xe lội nước khép chặt gọng kìm ở cánh đồng phía tây An Cố. Nhưng đến con đường Cái bị bốn chú bộ đội từ phía chiến lũy nhà bác tôi dùng súng máy bắn ra ác liệt, nên nó bị trúng đạn. Một chiếc xe lội nước còn “khỏe mạnh” cố đến kéo chiếc bị trúng đạn lên chỗ đường cao nhưng rồi chiếc “khỏe mạnh” cũng bị bốc cháy.

Bọn lính lái xe “bỏ của” trườn người bò qua bờ kênh để sang những xe khác. Những chiếc xe chưa trúng đạn tản ra vòng ngoài. Nó vòng xuống phía chùa Phương Man rồi áp sát phía tây “loa thành” An Cố. Tiếng súng từ xung quanh lũy tre làng An Cố nổ đanh từng hồi. Có lẽ bọn địch đã triển khai thế trận ở ngoài “loa thành”. Vòng cung đông làng, lính bộ từ cam nhông đổ xuống đã phục kích và bắn xối xả ở mé đê. Nhiều đêm nghe tiếng súng ùng oàng ở đâu đó, rồi ngày sau được nghe kể lại là giặc đã càn đến chỗ nọ chỗ kia, sự “chai sạn” trong lòng mọi người ngày càng “chai sạn” hơn. Giờ ngồi xem tận mắt, nghe tận tai từng tiếng súng nổ mới thấy cuộc kháng chiến đang hiển hiện ngay trước mặt mình...

Gần tối, tiếng súng thưa dần rồi im hẳn. Nhìn xuống những chiếc xe lội nước đỗ ở cánh đồng mờ mờ ảo ảo trong chập choạng cứ xanh xám, xanh đen như những đống phân xanh đang ủ ở cánh đồng. Chúng không gầm rú,  chuyển động và xả đạn nữa. Những người đi xem tản mạn ra về. Trời đã se lạnh.

Đêm đó không có tiếng máy bay. Nhưng khoảng từ tám giờ tối, tiếng ca nông đại bác từ đâu lại dội về An Cố. Tiếng súng nổ ùng oàng từng đợt.  Những người lớn tản cư ở nhiều nhà trong xóm ông trùm Dương  lo lắng suốt đêm, không ai chợp mắt. Họ tụ tập sang “nhà” nhau để bàn tán động viên. Từ sân nhà ông trùm Dương, tôi cứ thấy những tia chớp lóe lên ở phía tây rất xa. Sau đó nghe một loạt tiếng bục bục, rồi tiếng đạn vu vú xé rách không khí trên bầu trời đen thẳm, vượt qua làng ông trùm Dương bay về An Cố.

Ông trùm Dương nói với bà tôi: Đó là đại bác từ bốt  Kha Lý câu về. Nếu tính theo đường chim bay, làng Vạn Đồn nơi ông trùm Dương ở chỉ cách làng An Cố của tôi không đầy cây số. Ban chỉ đạo kháng chiến nhận định: Kẻ địch sẽ không bắn phá vào các nhà thờ lớn, vào các làng Thiên chúa giáo, nên đã phổ biến cho mọi người dân An Cố tản cư lên những làng có nhà thờ như: Vạn Đồn, Quảng Nạp, Tu Trình để trú ẩn…

Khi bà và mẹ tôi giục tôi đi ngủ, tôi nằm nghe mọi người bàn tán: Nếu giặc đổ bộ đến đây, các bà, các mẹ bày cách ăn mặc rách rưới, bẩn thỉu, lấy nhọ nồi bôi lên mặt cho già đi, để bọn giặc thấy xấu xí, sẽ không bắt bớ hãm hiếp… Nằm nghe tiếng ca nông bay qua Vạn Đồn, rồi rơi nổ ở An Cố, lòng tôi thắt lại. Tôi ước ao giá mình có cách nào làm cho những quả đạn kia bay ngược trở lại, thì cả cái bốt Kha Lý kia sẽ tan thành mây khói. 

Làng quê Thụy An (Thái Thụy). Ảnh: Ngọc Trâm

Sáng hôm sau tiếng súng im bặt. Từ làng Vạn Đồn chẳng ai biết tình hình ra sao? Ngày sau nữa vẫn im ắng như thế. Ca nông từ Kha Lý không câu xuống nữa. Máy bay cũng không đến do thám, giội bom. Chỉ có máy bay ba càng bay rất thấp rồi đỗ hẳn xuống Bến Mới. (Gần mặt đê Ngư Lâm - phía đông làng An Cố.) Những chiếc xe “còn sống” đã rậm rịch, ầm ì kéo nhau về phía Diêm Điền. Xe lội nước cũng chạy trên đê. Khi xe đã chạy đến chùa Bụt Mọc - gần làng Quang Lang, mọi người cho là giặc đã rút. Đến ngày thứ ba, tình hình vẫn im ắng. Mọi người như rồng rắn lặn lội theo đường cái đổ về.

Càng về gần làng, đường xá và những ụ đất càng bị cày xới. Về đầu làng, bà, mẹ và tôi đã trông thấy ông Vệ Ẩn đang cùng bọn lính bảo hoàng chỉ trỏ lên một cái đầu của ai đó xóc vào mũi đòn càn cắm lên thành lũy gần cổng làng. Tôi nhìn cái đầu người bị bêu lên cao: tóc tai bê bết máu, da mặt xám ngắt, mắt trợn trừng… mà sợ hãi co rúm người lại. Tôi khóc thét lên. Mẹ tôi phải dắt đi vòng ra chỗ thật xa.

Cổng làng và nhiều đoạn lũy đã bị phá toang. Đâu đâu đất cát cũng bị cày xới lên. Nhiều nhà cháy chỉ còn trơ lại tường đen thui. Nhà tôi và nhà bác Hướng cũng bị cháy hết. Vào tăng-xê không thấy ông và bố tôi đâu. Các cô, các chú ruột tôi cũng vắng bặt. Các chú bộ đội giờ này không biết ở chốn nào? Có ai đó bảo: ở cạnh cụm tre bờ ao nhà tôi đã tạm chôn cất hai chú bộ đội. Cái đầu bị giặc xóc vào đòn càn bêu lên gần cổng làng đó là đầu của chú Nguyễn Hữu Đẩu - người trong xóm An Tân.

Nhà tôi cũng như bao nhà khác không còn chỗ ở. Tình hình rất thê thảm và hoang mang. Sau nửa ngày chiến đấu không biết bộ đội và du kích giờ đã rút đi đâu?  Bọn lính bảo hoàng đang thúc giục nhân dân gánh thóc gạo  xuống nhà thờ Bình Lạng, vì chúng đã tụ quân lập bốt ở đây. Số đông người dân An Cố khác bị chúng bắt cuốc lũy san xuống hào. Trai tráng có lẽ đi chiến đấu, hoặc chạy trốn ở đâu cả. Còn lại tất cả đàn bà, trẻ con  phải tập trung vào một nhà  để bọn lính dễ kiểm soát. Tôi nhớ: người đàn bà nào ngồi tập trung cũng bôi nhọ mặt và cố kiếm  một đứa trẻ con để bế vào lòng để bọn Tây và lính bảo hoàng thấy xấu, thấy như đang nuôi con sẽ không bắt để hãm hiếp. Chỉ có buổi trưa và gần tối, bọn chúng mới để mọi người “tự do” tản ra nấu nướng thứ gì đó ăn uống qua ngày. Đêm vẫn phải tập trung. Thời gian sống tập trung của gia đình tôi ở Phấn Vũ cùng với mọi người kéo dài gần hai mươi ngày, sau đó được trở về nhà. 

Bà và mẹ lại đưa tôi về An Cố. Lúc này mọi gia đình mới có dịp gặp mặt  biết ai còn ai mất. Những người làm cán bộ chỉ đạo kháng chiến và dân quân du kích vẫn phải ở diện bí mật. Những nhà chưa thấy người thân về, càng khắc khoải. Ông, bố và các cô chú tôi cũng đã từ Tiên Lãng, Bái Thượng trở về. Trên mảnh đất còn khét mùi bom đạn, gia đình đã biết tin về nhau, nhưng phải ăn những bữa cơm vàng khét do gạo phải bới từ góc nhà bị cháy để nấu thành cơm. Mái che tạm chật chội, ông tôi mang tre xuống bờ sông Chái dựng riêng một túp lều để ở, và đơm đó, đánh cá tôm cung cấp cho cả nhà.

Các bốt gần nhất như: Bình Lạng, Diêm Điền, Kha Lý,  Xá Thị… thỉnh thoảng mới câu ca nông, hoặc mở một trận càn xuống các làng xã, nên mọi người về làng có cơ hội tìm kiếm cái ăn, đi lại hỏi thăm, kể chuyện cho nhau nghe trong những ngày qua thế nào và sắp tới sẽ ra sao. Ban chỉ đạo kháng chiến lại tiếp tục bí mật bám dân, củng cố lòng dân, chỉ đạo những yêu cầu mới. Những ngày lập tề là những ngày có thể nói ban ngày là của giặc, ban đêm là của ta. Những vụ bắt bớ, bắn giết vẫn diễn ra. Ai cũng “thót tim”.

Bọn phản động chỉ điểm ở làng đã tiếp tay thực dân Pháp đào được một số hầm bí mật, trong đó có hầm ở nhà ông Dù - là căn hầm lớn, mà mẹ tôi cùng đám dì Hiểu, cô Nẻ, cô Huyền… chuyên dùng để nuôi giấu cậu tôi là ông Mai Đăng Kiển và các ông khác. Nhưng rất may là lúc chỉ điểm hầm, đào lên chúng chỉ tìm được một lá cờ to, các ông đã đi đâu từ bao giờ. Cũng có một số cán bộ bị bắt, hoặc bị bắn chết. Có người dùng lựu đạn để tự sát khi chúng chỉ điểm và đào trúng hầm, chứ không chịu sa vào tay giặc.  Về phía ta, lực lượng Việt Hùng (giống như đặc công, biệt động) cũng đêm đêm tìm thời cơ ra tay bắt và thủ tiêu những tên phản động chỉ điểm ác ôn nhất, đồng thời tuyên truyền răn đe bọn hăng hái lập tề, bọn bảo an.

Trong việc lập tề, bọn giặc ra chiêu bài phải để dân bầu lý trưởng, phó lý. Những tên phản động thì hăm hở coi đây là cơ hội để ngóc lên “lãnh đạo” cai trị dân, làm tay sai đắc lực hơn nữa cho thực dân đế quốc. Bên Ban Chi ủy của ta đã bàn sách lược đưa người của  ta ra tranh cử. Do đó các ông trong Ban chỉ đạo kháng chiến đã cử bố tôi ra ứng cử và vận động toàn dân trong làng bỏ phiếu. Thế là bố tôi phải làm “lý trưởng gỗ”, làm lá chắn che mắt giặc mất mấy tháng để ban ngày, mỗi khi quan quân ở bốt Bình Lạng lên thì lựa cơ nói dối sao cho xong chuyện. Ban đêm lại cung cấp mọi tin tức cần thiết cho Chi ủy và làm những việc Chi ủy giao phó. 

Không khí làng xóm thật nặng nề, căng thẳng. Làng xóm lập tề làm lòng người ngày một vững vàng, không đến nỗi bất ngờ với sự chết chóc, bắt bớ nữa. Lợi thế lòng dân là cơ bản. Lúc nào lòng dân cũng nghiêng về Ban chỉ đạo kháng chiến. Mọi người tin tưởng, và động viên nhau kiên trì đối phó với mọi âm mưu và sự càn quét, vây bắt của giặc. Câu chuyện gia đình, làng xóm và đối phó với đồn bốt cứ  râm ran lan truyền làm cuộc sống quen dần với những đau thương, thiếu thốn… Qua lời kể của người này người khác mà nhất là cậu Mai Đăng Kiển - lúc đó là Chi ủy viên chỉ đạo xã kháng chiến:  Ngày 19/4/1951 Bộ chỉ huy quân đội Pháp điều thêm lính Âu Phi về Thái Bình là GM3 và GM4 gồm 11 tiểu đoàn, cùng với địa phương quân đưa tổng số lên hơn một vạn quân do tên tướng Đơ-li-na-rét, Tư lệnh các lực lượng trên bộ ở Bắc Việt Nam chỉ huy. Chúng mở cuộc hành quân dọc đồng bằng Bắc Bộ, lấy tên là Mê-Đuy. Khi càn qua Quỳnh Côi, Phụ Dực, Thị xã Thái Bình, chúng “đánh hơi” thấy bộ đội chủ lực từ Tiên Lãng - Hải Phòng được tăng cường về Thụy Anh, đó là Đại đội 61 và Đại đội 131, đã về “loa thành” An Cố. Ngày 26/4/1951 (21/3 Tân Mão) chúng liền hành quân cấp tốc bằng hai mũi thủy bộ vây chặt “thành lũy” An Cố hòng tiêu diệt và bắt hết cán bộ và quân chủ lực của ta. 

Từ quả đại bác đầu tiên câu từ bốt Kha Lý xuống làm vợ ông xã Thọt chết và sau khi đàn bà, trẻ em được tản cư đi, cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra tất cả năm đợt. Đến 18 giờ cùng ngày chiến sự chấm dứt. Ta đã tiêu diệt 150 tên giặc, bắn cháy 2 xe lội nước, 1 xe cam nhông, nhiều lính giặc bị thương, buộc chúng phải rút lên co cụm từng tốp ở đê Ngư Lâm. Vì thế ta cơ bản bảo toàn lực lượng. Tối và đêm hôm đó, bộ đội và cán bộ ta đã vượt sang Tiên Lãng - Hải Phòng, hoặc lên Bái Thượng là xã đầu huyện một cách an toàn.

Sau trận chiến đấu 26/4/1951 và khi được trở về làng, trong thời gian gần nửa năm sống trong cái gọi là “lập tề”, trẻ con chúng tôi chứng kiến mấy sự việc không thể nào quên: Đau thương và khủng khiếp nhất là vào một buổi sáng bọn lính từ bốt Bình Lạng lên vây làng. Chúng bắt hàng chục người nghi là dân quân du kích, đưa ra ngôi điếm đầu làng để đánh đập, hỏi tra. Không moi được tin tức gì về cơ sở hoạt động của ta, bọn chúng đã bắt mọi người đứng xếp hàng úp mặt vào tường để chúng lia mấy băng đạn làm mọi người chết gục tại điếm.

Một lần khác lính từ bốt Bình Lạng lên vây làng, chúng lùng sục mọi ngả, mọi nhà. Đến nhà bà Xính - cạnh nhà tôi, thấy ở vườn có cà chua chín, chúng vặt ăn sống. Thấy có con gà mái, chúng đuổi bắt. Một lần chúng lên vây làng ngay từ sáng tinh mơ, đến khoảng 7 - 8 giờ, chỉ huy rít còi tất cả tập trung tại điếm đầu làng để chuẩn bị ra về, bọn tôi thấy một thằng còn nằm ngủ ở chân đống rạ nhà bà Quạch. Bọn tôi đến đánh thức nó mới vội vàng cắp súng chạy ra chỗ xếp hàng… Nghĩ lại ngày ấy, tuổi thiếu niên chúng tôi còn khờ dại quá, chưa được ai huấn luyện, nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội giết giặc lập công.

Đầu năm 1952, các ông, các chú bảo: chiến thắng vang dội của quân dân ta ở Tây Bắc đã làm cho bọn địch thủ thế ở trong bốt, chờ lệnh mới, không dám ra khỏi bốt để đi càn nữa. Ngày mồng 9 và mồng 10/2/1952, bộ đội về cùng với dân quân du kích bao vây bốt Vạn Đồn, Kha Lý, Xá Thị, Diêm Điền, Bình Lạng… Cuộc sống của các làng được tự do gần như hoàn toàn.

Về phía địch, để tiếp tế cho các bốt, chúng không còn con đường nào khác là dùng máy bay để thả dù. Có những thùng gì đó quá nặng, phải buộc hai dù. Mọi người gọi đó là dù đôi. Độ chính xác của việc thả dù không cao, nên có nhiều dù bay ra ngoài hàng rào dây thép gai của bốt. Những chiếc “dù lạc” ấy trở thành những “của ngon vật lạ” hiến dâng các cô, các chú du kích. Chính vì thế, các chú biết: dù trắng là dù chứa gạo. Dù xanh chứa thực phẩm. Dù vàng là quần áo, thuốc men. Dù đỏ là súng đạn. Các chú bộ đội ăn ở cùng dân, còn dạy chúng tôi lấy khăn mùi xoa, hoặc khăn vuông của các bà, các mẹ buộc dây ở bốn góc khăn, rồi buộc chụm vào mẩu gạch, cuộn lại ném lên trời. Khi khăn rơi xuống cũng giống như những chiếc dù.

Trong thời gian bác Hướng, chú tôi, anh Hồng - là con chị mẹ tôi, cùng với bộ đội bao vây bốt Xá Thị, có một chuyện mà đến bây giờ bàn tay phải của anh Hồng vẫn là “nhân chứng”. Đó là khi nằm ở chiến hào, chĩa súng từ lỗ châu mai vào bốt Xá Thị ngày này qua ngày khác, mà không có lệnh được đánh cũng “buồn”. Một buổi gần trưa, có con chuồn đỏ đậu trên một cái cọc cắm ở mép hào, gần chỗ mai phục. Anh thò tay lên để rón con chuồn đó. Không ngờ một phát súng từ lỗ châu mai của bốt bắn ra. Viên đạn làm anh Hồng đứt mất ngón tay trỏ. Thì ra hai bên vẫn quan sát nghiêm ngặt lẫn nhau để chờ những phút giây lơi lỏng, mất cảnh giác như thế.

Ngày 7/5/1954 chiến thắng Điện Biên Phủ. Ngày 1/7/1954 toàn tỉnh Thái Bình được giải phóng. Giặc ở các bốt phải rút đi. Lúc đó một con tàu bị mắc cạn phía biển - ngay ngoài làng Phấn Vũ, cứ lún sâu xuống cát, mãi mãi làm “vật chứng”cho sự kiện này, đến hàng chục năm sau người ta mới tháo gỡ đi.

Làng An Cố tưng bừng phấn khởi hân hoan bước vào cuộc sống mới. Mọi người kéo xích của hai chiếc xe lội nước bị bắn cháy đem xuống mé sông đầu làng bắc thành cầu ao để bộ đội và nhân dân gánh nước, tắm giặt… Tối nào thanh thiếu niên cũng tập trung ở sân nhà ai rộng rãi để bộ đội dạy hát, dạy múa. Những bài hát, bài múa làm tuổi thiếu niên ghi dấu ấn cả đời không quên đó là: “Yêu hòa bình Tổ quốc chúng ta…”, “Một hai ba bốn năm sáu bảy…”, “Cánh chim hòa bình tung bay khắp nơi…”. Việc múa hát này các cụ bảo từ xưa đến nay chưa bao giờ có. Cứ buổi tối là tiếng hát lại vang cả làng.

Ban ngày chúng tôi theo nhau đi chăn trâu, đi đánh khăng ở con đê Ngư Lâm - nơi bọn giặc tập kết và mai phục bắn vào “loa thành” An Cố. Cứ mỗi lần xuống con kênh cạnh đê tắm, chúng tôi lại mò được khá nhiều đạn sitten. Chú Tân - con cụ Măng đã chế ra súng bắn cò bằng những viên đạn ấy. Chúng tôi còn mò được cả những chiếc sẵc-xờ (loại thép mỏng cuộn tròn để bọc giữ tút đạn) về cho người lớn làm dao cạo râu.

Thời gian sau, Trên có chủ trương đi tìm và bốc hài cốt bộ đội hy sinh để xây nghĩa trang. Bác Hướng, bố tôi, chú tôi và anh Hồng, cùng mọi người đau buồn đào phần đất cạnh cụm tre nhà tôi lên, bảo ở đây có hai chú bộ đội.   Hài cốt hai chú hy sinh trên thổ đất nhà tôi, cùng những chú khác hy sinh trong thành lũy An Cố được đưa xuống nghĩa trang rất long trọng. Cả ba xã: Thụy Xuân, Thụy Trường, Thụy An xây chung một nghĩa trang ở gần bốt Bình Lạng, lấy tên là “Nghĩa trang Xuân - Trường - An”.

Dân làng An Cố hy sinh trong trận đánh ngày 26/4/1951 (tức ngày 21/3 Tân Mão) và trong những ngày lập tề khá nhiều. Từ đó tới nay, CHIẾN THẮNG AN CỐ - ngày 21/3 âm lịch hằng năm,  đã trở thành ngày giỗ trận của cả làng để tưởng nhớ những người con anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhà Nước đã phong danh hiệu xã Anh hùng lực lượng vũ trang cho làng An Cố – xã Thụy An ngày nay. Nhân dân Thụy An đã xây bia tưởng niệm ở khuôn viên sau đình làng (ngôi đình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng: Di tích lịch sử Văn hóa Quốc gia) để vinh danh trận chiến thắng và nhắc nhở muôn đời con cháu việc uống nước nhớ nguồn.

Nhưng chứng tích về thành lũy trong rặng tre xanh ở làng An Cố đến nay không còn nữa, do nông thôn đổi mới theo  hướng đô thị hóa. Với sự tích lịch sử rào làng kháng chiến chống Pháp thắng lợi vẻ vang, niềm tự hào kiêu hãnh này sẽ mãi mãi còn trong lòng thế hệ những người con An Cố!

Hồi ký  Nguyễn Mai Sơn
(Thụy An, Thái Thụy)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày