Thứ 2, 08/07/2024, 11:21[GMT+7]

“10 cô gái ngã ba Ðồng Lộc” Nén tâm hương nhớ người dưới mộ

Thứ 7, 26/07/2014 | 00:00:25
1,138 lượt xem
Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một nét đặc trưng trong tính cách và ngoại hình. Võ Thị Tần là tiểu đội trưởng, tính nết thẳng thắn, vô tư, yêu đời nên được bạn bè yêu quý. Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc cùng tuổi với Tần. Cùng với tiểu đội trưởng, Cúc luôn cố gắng để tiểu đội vừa là tập thể vững mạnh, vừa là một gia đình đầm ấm, yêu thương.

 “10 cô gái ngã ba Ðồng Lộc” của Nghiêm Văn Tân được Nhà xuất bản Phụ nữ in năm 2005, đến nay đã được tái bản nhiều lần. Sách gồm 307 trang chia 2 phần chính: “Ðài hoa tím” và “vĩ thanh”. “Ðài hoa tím” chiếm 2/3 dung lượng tác phẩm, là phần trọng tâm, đặc sắc nhất trong cuốn sách. Trong phần này, với cách dẫn truyện tự nhiên, ngôn từ giản dị, hình ảnh 10 cô gái thanh niên xung phong ngã ba Ðồng Lộc hiện lên dung dị, đời thường. Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một nét đặc trưng trong tính cách và ngoại hình. Võ Thị Tần là tiểu đội trưởng, tính nết thẳng thắn, vô tư, yêu đời nên được bạn bè yêu quý. Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc cùng tuổi với Tần. Cùng với tiểu đội trưởng, Cúc luôn cố gắng để tiểu đội vừa là tập thể vững mạnh, vừa là một gia đình đầm ấm, yêu thương.

Bên cạnh Tần, Cúc - hai chỗ dựa tinh thần của cả tiểu đội, các đội viên A4, C552 cũng dần xuất hiện qua từng trang sách. Nguyễn Thị Xuân quê ở Vĩnh Lộc, Xuân có gương mặt đôn hậu, đoan trang. Mối tình của Xuân và Vĩnh được nhắc đến trong nhiều trang viết, là một mối tình đẹp giữa thời chiến. Nguyễn Thị Nhỏ có hoàn cảnh gia đình gần giống Cúc. Gương mặt Nhỏ phảng phất một nỗi buồn sâu kín nhưng Nhỏ rất vui và hay đùa, chăm làm nên bà con rất quý. Hà Thị Xanh và Võ Thị Hà chơi thân với nhau. Hồi mới vào thanh niên xung phong việc gì Hà cũng bỡ ngỡ. Xanh biết vậy nên đỡ đần cho Hà. Võ Thị Hợi cùng quê và cùng họ với Tần, hai cô thân nhau nhưng kín đáo. Dương Thị Xuân, ngoan ngoãn, khỏe mạnh, xinh xắn. Trước khi lên đường, cô được người yêu trao quyển điều lệ Ðảng và buộc sợi dây màu xanh lam vào tay như một lời hứa hẹn. Trần Thị Rạng có nụ cười rất tươi và hay e thẹn. Trần Thị Hường ở thị xã Hà Tĩnh, là con liệt sĩ. Hường nhỏ người nhưng có giọng hát hay, nên chị em đặt cho cô biệt hiệu  Hường “sơn ca”.

Mười cô gái ngã ba Ðồng Lộc, người lớn tuổi nhất: 24, người ít tuổi nhất: 18. Họ là những người trẻ, đến từ những miền quê khác nhau của mảnh đất Hà Tĩnh nhưng có chung lý tưởng sống, chiến đấu, vì độc lập, tự do cho dân tộc. Một đoạn văn rất ngắn trong trang 41 của cuốn sách kể lại cuộc họp triển khai nhiệm vụ của tiểu đội đã cho thấy điều đó. “Chiến trường không thể thiếu đạn, thiếu gạo một ngày, một giờ được. Chúng mình phải mở đường máu ở đây cho xe vào mặt trận. Vì vậy, trên quyết định đưa chúng mình vào bảo đảm giao thông ở Ngã ba Ðồng Lộc (…) Vào đây, khó khăn gian khổ sẽ nhiều hơn so với tất cả những lần chúng mình trải qua từ trước đến nay. Vào đây, sự sống và cái chết chỉ còn trong gang tấc. Nhưng chúng mình không thể lùi bước được. Chúng mình phải chiến thắng giặc Mỹ ngay trên Ngã ba Ðồng Lộc này”.

Phần lớn các trang viết trong “Ðài hoa tím” khá nhẹ nhàng, một số đoạn tả cảnh khá nên thơ, Nghiêm Văn Tân tập trung nói về tính cách, hoàn cảnh gia đình, cuộc sống, chiến đấu của 10 cô gái ngã ba Ðồng Lộc bằng những chi tiết chân thực được kể từ những người trong cuộc. Nhưng, sự ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước vẫn được tác giả khắc họa rõ nét qua những trang viết miêu tả cảnh tiểu đội trưởng Võ Thị Tần cùng anh lính lái xe dập lửa cứu chiếc xe chở đạn, cảnh các cô gái A4 tập trung cứu người, cứu đồ cho nhân dân khi bị Mỹ đánh bom trong ngày đầu tiên đến Ðồng Lộc và cảnh ngày  24 tháng 7 năm 1968, lúc 16 giờ 40 phút, khi các cô đang làm nhiệm vụ, một quả bom đen trùi trũi như mũi tên lao thẳng xuống nơi Tần và đồng đội đang ngồi. “Từ hôm nay, đây sẽ là nơi yên nghỉ, nơi giữ gìn mười cuộc đời đã hy sinh ở tuổi hai mươi”(trang 181).

Phần hai của cuốn sách được chia thành hai phần nhỏ: “Ðêm” và “Ngày”. Phần “Ðêm”, Nghiêm Văn Tân tập trung kể chuyện tác giả đi tìm lại cuộc đời các cô ra sao, lặn lội bao nhiêu lần để hoàn thành tác phẩm. Hiện tại gia đình 10 cô gái được hương khói nơi quê nhà như thế nào. Phần “Ngày” là câu chuyện viễn tưởng vào năm 2018, tác giả cùng con cháu của mình trở lại thăm Ðồng Lộc với lòng biết ơn được nâng lên một tầm cao mới.  

Khi xem  phim “Ngã ba Ðồng Lộc”,  chúng ta có thể ấn tượng với “tiếng cười con gái” trên nền khói lửa chiến tranh, với tinh thần dũng cảm hướng dẫn đoàn xe vượt qua đoạn đường bom đạn khốc liệt trong đêm thẳng tiến vào chi viện cho miền Nam của các cô gái thanh niên xung phong nơi ngã ba Ðồng Lộc; chúng ta có thể sẽ xúc động rơi nước mắt trước bài văn tế của Ðại đội trưởng Nguyễn Thế Linh đọc tiễn đưa 10 cô gái về với đất mẹ nhưng chắc hẳn không ít người trong chúng ta sẽ thắc mắc hoàn cảnh nào, số phận nào đã giúp các cô gái có ý chí, nghị lực để đương đầu với sự ác liệt của chiến tranh?! Cuốn sách “10 cô gái ngã ba Ðồng Lộc” của Nghiêm Văn Tân sẽ cho chúng ta câu trả lời cho câu hỏi đó. Ðọc “10 cô gái ngã ba Ðồng Lộc” ta như được sống lại một thời thế hệ trẻ của đất nước “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” và ta có dịp tự suy ngẫm về trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay với tương lai của đất nước.

Thanh Yên

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày