Thứ 2, 08/07/2024, 11:19[GMT+7]

Hành trình tìm mộ

Thứ 2, 28/07/2014 | 08:40:47
958 lượt xem

Nhà văn Minh Chuyên tặng tập truyện “Di họa chiến tranh” cho giáo sư Kevin Bowen trong dịp dự hội thảo văn học quốc tế Boston tại Mỹ ngày 17/6/2014.

Kỳ 1 - Lời nguyền
Cảnh làng mới Trà Tân cuối chiều mùa đông. Con suối chảy qua nước trong veo, róc rách. Phía Tây con suối cách làng chừng nửa tầm mắt là rừng Sắc Rông, đủ các loại cây tầng tầng, lớp lớp. Cánh rừng đang chìm trong sương chiều. Rừng hoang vắng, huyền bí. Người ta kể sau ngày chiến tranh chấm dứt, rừng Sắc Rông càng trở nên bí ẩn. Người chỉ có vào mà không có trở ra. Vậy mà mấy tháng gần đây lại thường xuyên xuất hiện một người đàn bà ở đó.

Cứ mỗi buổi chiều tà, khi ông mặt trời đỏ mọng từ từ khuất sau khe núi, người ta lại thấy một người đàn bà từ cửa rừng Sắc Rông đi ra, vai khoác ba lô, quần xắn qua gối, dò dẫm lội qua con suối nước trong rồi mất hút vào làng Trà Tân. Một cái làng chỉ có hơn trăm hộ gia đình từ miền Bắc di dân vào lập nghiệp sau ngày miền Nam giải phóng.

Người đàn bà ấy tuổi đã ngoài 30, tên là Trần Hạnh Dung. Hạnh Dung, quê ở làng Lâm Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Dáng người tầm thước, khuôn mặt luôn đượm buồn nhưng nét hào hoa, duyên dáng một thời vẫn còn đọng lại. Hạnh Dung là vợ Trần Quang. Ngày ấy hai người yêu nhau lắm. Cứ tưởng cả trái đất này chẳng ai yêu Hạnh Dung hơn Quang. Cứ tưởng chả sức mạnh nào có thể tách rời được hai trái tim ấy. Vậy mà họ lại tự nguyện rời nhau. Sống bên nhau chưa đầy tuần trăng, Quang lên đường vào chiến trường B3. Ngày Quang và Dung ly biệt nhau, họ thề: nếu Quang không trở về Dung sẽ sống một mình đến già. Lời nguyền ấy đã thành sự thật.

Ngày làm lễ truy điệu Quang, Hạnh Dung mới ngoài đôi mươi. Cái tuổi tinh hoa của người con gái đang kỳ rực rỡ. Gương mặt tròn trĩnh, đôi mắt trong veo, tính tình dịu dàng, đoan trang. Nhiều bạn trai trong làng ngoài xã để ý và đặt vấn đề  nhưng Dung đều khéo léo khước từ. Năm tháng qua đi, Dung lầm lũi tựa cái bóng thủy chung với lời nguyền và âm thầm nuôi đứa con gái, kết quả của tình yêu mà Quang để lại.

Khi hai miền Nam Bắc thống nhất, nhiều gia đình ở miền Bắc vào các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên tìm hài cốt của chồng, của con đưa về nghĩa trang quê nhà. Hạnh Dung cũng muốn đi tìm mộ Quang. Nhưng hoàn cảnh chưa cho phép nên chưa có dịp đi được. Một năm sau, theo chủ trương của Nhà nước, chuyển một bộ phận dân cư vào khai hoang ở Tây Nguyên. Quê Dung đất chật người đông nên cả làng tình nguyện vào Trà Tân, Đắc Min, Đắc Lắk xây dựng quê hương mới. Vào đây, ngày ngày vừa phát nương, làm rãy, nuôi mẹ già, nuôi con, Dung vừa đi rừng tìm hài cốt của chồng.

Người đàn bà lội suối lầm lũi đi vào rừng tìm hài cốt cùng Hạnh Dung là bà Phan mẹ của Quang. Bà gần 70 tuổi, mặt nhiều nếp nhăn, nhưng vẫn cố sức. Bà hy vọng một ngày nào đó bà và Dung sẽ tìm thấy Quang vì bà nghe kể Quang đã chiến đấu, hy sinh ở khu rừng này.

*
*      *

Người ta bảo rừng Sắc Rông huyền bí và thiêng lắm. Đêm khuya vắng vẻ, nhất là những đêm mịt trời, người dân ở các bản làng quanh khu rừng thường nghe thấy những âm thanh kỳ lạ, não nùng. Có khi như là âm thanh của rất nhiều người la hét, ai oán. Có khi là tiếng  trẻ con gào gọi, cười vang. Tất cả đều trộn trong tiếng lá rừng lao xao. Những đêm trời sắp mưa, mây  đen trùm xuống, âm khí ngột ngạt, y như là đêm ấy có hiện tượng lạ. Khu rừng mịt mùng bóng tối bỗng vụt lên những đốm lửa, khi bay là là, khi vút lên cao. Từ một vài đốm, lan tỏa dần dần, rồi tới hàng trăm đốm chập chờn. Những đốm lửa chập chờn trong rừng lừ lừ đi ra, rồi lại lừ lừ đi vào. Người thì bảo đấy là ma trơi. Hiện tượng này ở nhiều nơi người ta cũng đã gặp. Người thì cho là bóng lân tinh từ gốc cây rừng bay ra. Nhưng lân tinh chỉ chiếu sáng lập lèo chứ sao lại như ngọn lửa chập chờn. Có người cho đó là  cốt khí bốc hỏa của các linh hồn tan thây vì bom đạn trong chiến tranh. Bà Phan và Dung cùng một số dân làng Trà Tân cũng nghĩ như thế.

Hạnh Dung nhớ có lần một ông già người Ê Đê, mình trần, da nâu về thăm bản và kể lại, làng Trà Tân chính là vùng đất trước kia người Ê Đê sinh sống. Ông bảo trong những năm đánh Mỹ, một hôm có một trung đoàn bộ đội hành quân qua vùng này. Họ trú quân trong rừng Sắc Rông. Bộ đội nhiều, họ mắc võng dày đặc gốc cây, ngồi kín cả đất rừng. Không may bọn thám báo rình mò phát hiện. Nửa đêm, chúng gọi máy bay Mỹ trút bom xuống khu rừng. Lúc ấy bộ đội đang ngủ. Máy bay quần đảo bắn phá suốt từ 12 giờ khuya tới sáng hôm sau. Hàng trăm tấn bom sát thương và bom cháy đủ loại đổ xuống rừng Sắc Rông. Những chớp lửa bùng lên cháy rừng rực, sáng một góc trời đêm. Cả trung đoàn bộ đội bị thương và hy sinh gần hết. Ngày hôm sau, dân bản vào rừng chôn cất những người hy sinh và băng bó cho những anh bộ đội còn sống. Nhưng người sống chẳng còn được là bao. Bom đạn cày xới nhiều lần thi hài bộ đội hầu hết bị vùi lấp và tan nát, lẫn vào đất đá. Ngày ấy là mùa nắng. Mấy hôm sau máu và thịt xương bộ đội văng lên cành cây, khe đá còn sót, bốc mùi nồng nặc. Ông  già bảo, dân bản lại cùng nhau vào rừng tìm kiếm, thu nhặt. Nhiều người trèo lên tít ngọn cây mới gỡ được những bàn tay, bàn chân, mảng tóc đưa xuống. Ông già và mọi người gói lại được hơn 100 gói thịt đem chôn cất cẩn thận...

Nghe ông già E Đê kể lại, dân làng Trà Tân không ai cầm được nước mắt. Dung bùi ngùi nói với bà Phan:
- Chồng con và nhiều anh em báo tử không có mộ chí và hài cốt, có thể cũng hy sinh như hoàn cảnh các anh bộ đội trong rừng Sắc Rông mẹ ạ.
Bà Phan gật đầu bảo:
- Chỉ thương các chú ấy vì dân, vì nước chết mà không được vẹn toàn.

Hạnh Dung nghĩ, chồng chị cũng đã từng chiến đấu ở Tây Nguyên, ở trên mảnh đất này. Trong số hàng nghìn chiến sĩ hy sinh ấy, có thể có cả anh Trần Quang của chị. Thế là từ đó, cứ sau mỗi vụ thu hoạch cà phê, sau những mùa làm rẫy, Hạnh Dung lại cùng bà Phan vào rừng tìm kiếm hài cốt của Quang và đồng đội của anh. Dung coi đó như là trách nhiệm, một công việc thường ngày trong cuộc sống của chị.

Ngày mới vào khai hoang, vất vả, thiếu thốn đủ thứ. Rồi bệnh tật, sốt rét, ốm đau, trạm y tế thiếu, trường học thiếu. Một số gia đình không chịu nổi quay gót hồi hương. Những người trụ lại, dần dần cuộc sống khá hơn. Non nghìn héc ta cà phê của làng Trà Tân trải dài trên 5 quả đồi xanh tươi bạt ngàn. Những luống cà phê cao ngập đầu người, chùm quả đỏ thẫm, dày dít. Mùa cà phê chín, cả làng lên đồi thu hái nhộn nhịp. Nhờ liên tiếp được mùa cà phê dân làng Trà Tân ngày một khấm khá. Nhiều gia đình trở thành giàu có.

Đứa con gái của Hạnh Dung tên là Hoa. Hoa rất ngoan ngoãn và hiếu nghĩa với mẹ, với bà nội. Ngoài  buổi đi học, về nhà Hoa giúp mẹ dọn dẹp, cơm nước, chăm sóc bà nội. Ba người nương tựa vào nhau, Dung cảm thấy ấm lòng. Nhờ mấy vụ cà phê, cuộc sống gia đình Dung ngày càng ổn định, khá giả hơn trước. Dung dành dụm một số tiền mua vải tốt và mua những chiếc túi nhựa thật tốt, thật dày. Mỗi lần đi tìm hài cốt, Dung mang theo một miếng vải, một túi nhựa cho vào chiếc ba lô. Chiếc ba lô của chú em đi bộ đội về phục viên tặng chị. Một vai khoác ba lô, một vai vác cây xẻng, chị lặng lẽ đi vào rừng Sắc Rông. Có ngày chị đi cùng mẹ chồng, nhiều hôm Dung đi một mình.

Rừng Sắc Rông mênh mông, bao la. Nay tìm ở khu này, mai sang khu khác. Chân bước, mắt dõi nhìn, tay vạch lá. Hễ có mô đất cao cao là Dung nghĩ ngay ở dưới có hài cốt. Dung đào, đào hì hục, đào không biết mệt, rồi bới đất tìm kiếm. Có khi đào hàng chục mô đất, mệt phờ người cũng chả có gì. Những lúc đào trúng mộ, Dung hồi hộp lắm. Mộ nào chị cũng mong là hài cốt anh Quang. Nhưng chẳng có dấu vết gì riêng biệt. Mặc dù khuôn mặt Quang khi còn sống rất gần gũi thân thương, Dung còn rất nhớ. Vậy mà trước mỗi thi hài tìm được, chị vẫn không thể nào hình dung  ra nổi, có phải hài cốt anh Quang không? Nhìn những bộ xương sọ, cái sọ nào đôi mắt cũng sâu hun hút, cái cằm cũng hoăn hoắt nhọn. Bộ xương đầu nào, Dung cũng cảm thấy có nét hao hao, giông giống anh Quang. Chị nhẹ nhàng bới tìm  từng mẩu xương, lau sạch rồi gói cẩn thận vào tấm vải. Tất cả những bộ hài cốt tìm được, Dung đều lặng lẽ mang về chôn cất chu đáo ở khu vườn sau nhà.

Ảnh: Thành Minh

Kỳ 2 -Ổ mối mang hình người
Chị giấu bé Hoa vì sợ bé Hoa sợ hãi, nên khi đưa hài cốt về chị phải chờ lúc bé Hoa đi học hoặc chờ trời tối mới ra vườn đào hố chôn cất. Dung giấu cả mọi người vì sợ dân làng và người thân ngăn cản. Gần 3 năm leo đèo, lội suối, đi rừng vất vả Dung đã tìm được hơn 100 bộ hài cốt liệt sĩ đưa về chôn cất. Tuy mộ không đắp to cao, nhưng vì thấy nhiều mô đất cạnh nhau, nên có lần bé Hoa ra vườn đã hỏi:
- Mẹ ơi, mẹ đắp những mô đất này làm gì thế?  Dung nói lái đi:
- Để sau này ươm cây cho chóng tốt con ạ.
- Sao mẹ lại thắp hương ?
Dung lúng túng rồi cũng mau nghĩ được cách ứng xử:
- Khu đất này ngày trước là chiến trường có nhiều chú bộ đội hy sinh ở đây. Mẹ thắp hương để các chú bộ đội về phù hộ cho mẹ con ta đấy.
- Vậy à!
Dung nói với bé Hoa:
- Bố con trước ngày cũng chiến đấu ở B3 tức là ở vùng đất Tây Nguyên này. Biết đâu bố con cũng sẽ về đây.
Bé Hoa vui lên:
- Bố hy sinh ở đây thì về nhà mình gần mẹ nhỉ.
Ở một góc phía Tây rừng Sắc Rông, Phạm Tường, người đại đội trưởng thời chống Mỹ, bạn thân của liệt sĩ Trần Quang đang cùng bảy chiến sĩ đi tìm hài cốt đồng đội. Vai khoác ba lô, vai mang xẻng cuốc, vừa đi vừa quan sát quanh gốc cây rừng.

Sau ngày miền Nam giải phóng, Phạm Tường chuyển ngành về một đơn vị chuyên đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở  Tây Nguyên. Anh là thương binh hạng 2/4. Tuổi tác và sức khỏe tuy có giảm nhưng tinh thần đồng đội của anh vẫn như thời trai trẻ. Anh tình nguyện xin vào làm việc này vừa là trách nhiệm vừa là duyên nợ với đồng đội. Anh bảo, hơn 10 năm chiến đấu ở chiến trường B3 Tây Nguyên phần nào anh hiểu được thông thổ đất rừng ở đây. Anh đã  từng chứng kiến và trực tiếp chôn cất nhiều đồng đội ở cánh rừng Sắc Rông này.

Ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, đội tìm kiếm hài cốt len lỏi vào tận  rừng sâu, hẻm núi. Ban  ngày quan sát, phát hiện, đào đất. Ban đêm mắc võng ngủ ngay dưới tán cây rừng. Tìm được một thi thể đâu có dễ. Có khi hàng ngày, hàng mấy ngày vất vả đào bới,  tay không vẫn hoàn tay không. Nhưng cũng có khi đào một hố,  tìm được hai, ba đồng đội.

Mỗi khi thấy một bộ hài cốt, Phạm Tường cùng anh em kiểm tra  rất cẩn thận các di vật kèm theo. Quan trọng nhất là tìm được cái lọ pênicêlin. Bên trong lọ đựng tờ giấy ghi họ tên, đơn vị, quê quán, đậy nắp cao su rất kín. Tìm được là biết được địa chỉ anh bộ đội ở đâu, khi xây mộ làm bia sẽ có đầy đủ họ tên, quê quán. Hài cốt nào không có cái lọ pênicêlin đựng “danh tính” thì được xây  ở hàng liệt sĩ chưa tìm được tên.

Rừng Sắc Rông mênh mông, trùng điệp. Bao nhiêu đồng đội đã vùi xác ở đây. Ngày ấy, cuộc chiến còn đang tiếp diễn, mọi người còn mải truy đuổi quân thù nên các chiến sĩ hy sinh phải nằm nghỉ tạm nơi rừng xanh, khe suối. Mà hồi đó, thời gian mưa nắng xóa nhòa, cây rừng lấy khuất, phải vất và lắm mới tìm được nơi các anh yên nằm.

Một hôm vừa vượt qua con suối cạn gặp ngay một cái dốc dựng đứng. Leo tới đỉnh dốc, tình cờ gặp một cây sấu đại thụ bị bom  phạt cụt ngọn, mọc cành mới tòe ra hai bên. Phạm Tường dừng lại nghiêng ngó và bất chợt nhận ra dấu vết xưa. Đầu anh gật gật rồi nói với mọi người:
- Có thể chỗ này là nơi bọn mình đã chôn cất một người đồng đội. Người ấy là bạn của mình. Chôn ngay dưới gốc cây sấu đây.

Phạm Tường nhớ lại cái ngày bất hạnh của Trần Quang, người bạn của anh. Hồi đó là cuối năm 1972, đơn vị của Tường và Quang đóng quân ở khu rừng này. Hôm ấy đơn vị cử Quang đi gùi gạo. Kho quân  lương chỉ cách nơi đóng quân chừng 3 cây số đường rừng, mà đến tối không thấy Quang trở về. Đơn vị cử người đi tìm suốt đêm, suốt cả ngày hôm sau vẫn không thấy. Bốn ngày sau đơn vị phải hành quân di chuyển địa điểm. Phạm Tường và Bùi Minh được phân công ở lại tiếp tục tìm kiếm Trần Quang. Tìm đến trưa ngày thứ năm, mệt quá, Tường và Minh dừng nghỉ, ngồi ăn cơm dưới gốc cây sấu cụt. Bỗng dưng Minh phát hiện ra gò đất kỳ lạ bên gốc cây sấu đối diện sát chỗ hai người ngồi. Minh sửng sốt chỉ tay:
- Anh Tường trông kìa, ai lại đắp tượng bên gốc cây kia nhỉ? Tường ngước nhìn nhạc nhiên:
- Ừ nhỉ. À, hình như là đống mối cậu ạ. Mối nó xông gốc cây đấy.
Mắt Minh vẫn không rời mô đất.
- Mối xông, sao lại xông hình người ngồi, lạ nhỉ?

Tường và Minh ngồi ăn cơm, thỉnh thoảng mắt vẫn hướng về phía đống mối. Bỗng dưng cả hai cùng kinh ngạc. Mô đất mối xông hình người bên gốc cây đối diện tự nhiên lúc lắc, cựa quậy. Tường và Minh trấn tĩnh rồi khe khẽ bước lại phía đống đất. Đúng là một ổ mối, một ổ mối rất giống hình người ngồi dựa lưng vào gốc cây. Phần đầu cựa quậy làm một mảnh đất vỡ ra. Tường đoán có thể là một người ngồi chết bị mối xông. Minh lấy một khúc cây đập đập và dùng lưỡi dao găm rạch phần trên ổ mối, đất bở ra, một cái mặt người trật ra. Tường và Minh sửng sốt cùng nhận ra cái mặt người ấy là Quang.
- Trời ơi! Quang. Đúng là Quang rồi. Sao cậu lại ra nông nỗi này Quang ơi.

Tường và Minh cuống quýt bóc tách ổ mối bao quanh người Quang. Cả ba lô gạo sau lưng Quang mối cũng xông kín. Bóc Quang ra khỏi ổ mối, đặt anh nằm xuống, vừa lau chùi, Tường và Minh vừa thay nhau thổi ngạt, hà hơi tiếp sức cho Quang. Sờ lên ngực, nhịp tim Quang vẫn đập nhưng yếu. Hơi thở chỉ còn nhè nhẹ. Người lạnh toát. Chừng hơn 10 phút sau, trái tim Quang ngừng hẳn, hơi thở cũng không còn, anh vĩnh viễn ra đi.

Tường và Minh vuốt phẳng ống quần, cài cúc áo, đặt anh nằm ngay ngắn  trên tấm vải đỏ. Hai người lặng lẽ ngồi bên  Quang rất lâu và phán đoán. Có thể Quang gùi gạo về tới đây thì đột ngột lên cơn sốt rét ác tính. Hoặc bị cảm, bị đau bất thường, dữ dội. Vì mệt lả, Quang để nguyên cả bao gạo sau lưng ngồi dựa vào gốc cây. Cơn bệnh làm anh hôn mê, bất tỉnh. Kiệt sức, cứ ngồi mê man trong cơn bệnh hành hạ suốt bốn, năm ngày đêm nắng, mưa nên mối đã xông kín người Quang. Đống mối lúc lắc, động đậy mà Minh nhìn thấy, có thể là thời khắc Quang sắp trút hơi thở cuối cùng.

Tường và Minh đào đắp một cái bệ đất cao chừng nửa mét, gom lá cây trải ra rồi  trải tấm nilon lên trên. Khẽ khàng khiêng thi hài Quang đặt lên mô đất. Đêm ấy hai người thay nhau đốt lửa suốt đêm bên thi hài của bạn và lặng lẽ ngồi bên Quang cho tới sáng hôm sau. Khi ông mặt trời lên nửa cây rừng là lúc Tường và Minh đào xong cái huyệt bên gốc cây sấu cụt rồi nhẹ nhàng đặt Quang vào yên nghỉ dưới đó. Trước lúc vĩnh biệt bạn, Tường và Minh quỳ xuống chống tay bên nấm mộ, giọng Tường nghẹn ngào: Quang ơi, thế là từ nay anh em mình vĩnh viễn xa nhau. Đại đội 2 mất một người đồng chí. Gia đình  Quang mất một  người con, Dung mất một người chồng... Đơn vị đang hành quân  vào mặt trận nên chỉ có Tường và Minh tiễn đưa Quang về nơi an nghỉ cuối cùng. Quang yên lòng nằm lại đây nghe. Bao giờ đất nước thống nhất, nếu chúng tôi còn sống, nhất định chúng tôi sẽ vào đón Quang về...

Tường đi đi, lại lại, quan sát xác định nấm mộ dưới gốc cây sấu cụt. Cỏ dại và cây gai đã trùm kín. Giá không có ngọn cây sấu cụt và cái dốc dựng đứng qua con suối để xác định, để nhớ thì cũng khó tìm được nơi Quang yên nghỉ giữa chốn rừng xanh mênh mông này.

Truyện ký của Minh Chuyên
(còn nữa)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày