Thứ 2, 08/07/2024, 19:23[GMT+7]

Để bộ máy tinh gọn, thông suốt, hiệu quả (Kỳ 1)

Thứ 2, 31/07/2017 | 09:16:49
1,345 lượt xem
Từ nhiều năm nay, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước luôn là nhiệm vụ được Thái Bình quan tâm. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và so với yêu cầu đặt ra thì kết quả đạt được cũng còn khiêm tốn. Vậy các cấp, các ngành, các địa phương cần làm gì để bộ máy hành chính nhà nước bảo đảm đồng bộ, thực sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì sự phát triển của tỉnh.

Cán bộ Trung tâm Hành chính công tỉnh hướng dẫn công dân hoàn thiện hồ sơ thủ tục hành chính.

Kỳ 1: Đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước gắn với địa phương, những năm qua, Thái Bình đã tập trung rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan chuyên môn thuộc cấp tỉnh, cấp huyện. Tỉnh cũng chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính của UBND các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, nhờ đó cơ bản khắc phục được tình trạng chồng chéo, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Theo báo cáo của Sở Nội vụ, hiện nay Thái Bình có 18 sở, cơ quan ngang sở và 2 cơ quan tương đương với 138 phòng trực thuộc; 96 phòng thuộc UBND cấp huyện; 17 chi cục với 59 phòng trực thuộc; 1.048 đơn vị sự nghiệp công lập. So với năm 2011, số lượng sở, cơ quan tương đương giữ nguyên, số phòng trực thuộc tăng 4; số lượng phòng thuộc UBND cấp huyện, các chi cục và tương đương cơ quan chuyên môn cũng được giữ nguyên; đơn vị sự nghiệp công lập giảm 16. 

Theo đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Giám đốc Sở Nội vụ: Giai đoạn 2011 - 2016, công tác quản lý bộ máy thuộc UBND tỉnh được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Việc quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính và tình hình thực tế địa phương; đồng thời, xác định rõ thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, đơn vị, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Tổ chức bộ máy hành chính của Thái Bình về cơ bản giữ ổn định, không có biến động lớn. Việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, đơn vị giai đoạn 2011 - 2016 cơ bản khắc phục được tình trạng chồng chéo hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện; mỗi nhiệm vụ chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện, không hình thành khâu trung gian; tách bạch chức năng quản lý nhà nước của tổ chức hành chính với nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp. Cùng với đó, tỉnh cũng đã từng bước đẩy mạnh phân cấp quản lý giữa UBND tỉnh với các sở, ngành, UBND huyện, thành phố, giữa UBND huyện, thành phố với UBND xã, phường, thị trấn, bảo đảm tương ứng giữa nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm, tránh được tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan các cấp.

Giờ học tiếng Anh của cô và trò Trường THPT Bắc Đông Quan (Đông Hưng)

Để cải cách và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, giải pháp quan trọng hàng đầu Thái Bình triển khai thực hiện là quy định rõ và đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện; đổi mới phương pháp, cách thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong quản lý nhà nước. Các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, chấn chỉnh, đổi mới lề lối, tác phong, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức; lấy tinh thần phục vụ nhân dân, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân. Đến nay, 100% sở, ban, ngành và UBND cấp huyện ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, xử lý, giải quyết văn bản và các công việc chuyên môn trên mạng văn phòng điện tử liên thông. 

Cán bộ cơ sở (Đông Hưng) kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp.

Thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012 - 2015, toàn tỉnh đã cắt giảm 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính và năm 2016 tiếp tục cắt giảm 30%; đồng thời, đơn giản hóa thành phần hồ sơ của mỗi thủ tục, bãi bỏ nhiều thủ tục không phù hợp và bổ sung các thủ tục cần thiết. Đến nay, 100% thủ tục hành chính được đưa ra giải quyết tại Trung tâm Hành chính công tỉnh và các huyện, thành phố không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đến giao dịch công việc mà còn góp phần làm cho bộ máy hành chính nhà nước ngày càng hoạt động hiệu quả.

Đồng chí Phạm Văn Tuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết: Vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 tại một số sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát thực tế, Đoàn ghi nhận: Những năm qua, UBND tỉnh không chỉ kịp thời quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định của cấp trên, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh mà còn ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về cải cách bộ máy hành chính ở địa phương. Điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các sở, ngành, địa phương tổ chức lại bộ máy và biên chế tinh gọn, giảm chồng chéo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; không để xảy ra trường hợp lạm quyền, lộng quyền trong thực hiện nhiệm vụ. Phương pháp, cách thức tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong quản lý nhà nước được đổi mới, góp phần tăng tính công khai, minh bạch, trách nhiệm hoạt động công vụ; đã thực hiện các chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ, có cơ chế loại bỏ những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân.

( Còn nữa)



Đồng chí Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế

Hệ thống tổ chức bộ máy của ngành Y tế Thái Bình gồm 1 sở với 7 phòng, 350 cơ sở y tế công lập, trên 1.600 cơ sở y tế ngoài công lập. Ngành đang quản lý trên 4.100 cán bộ. Sau thành lập, sắp xếp, kiện toàn, cơ cấu tổ chức bộ máy của ngành đã phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của địa phương; chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị được phân định rõ ràng, có sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ, không chồng chéo, trùng lắp. 100% đơn vị của ngành đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và trong hoạt động khám chữa  bệnh, bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính không còn phù hợp, giảm 20% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân đến khám và điều trị bệnh tại các bệnh viện.

Đồng chí Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Căn cứ kế hoạch, chương trình cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng chương trình thực hiện cụ thể. Thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của mỗi cán bộ, công chức, các phòng, ban, đơn vị trực thuộc đã được quy định rõ ràng, không chồng chéo, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. Sở đã sắp xếp, hợp nhất một số phòng và chi cục nên đã giảm được 2 phòng, 2 chi cục, 2 trưởng phòng và 2 chi cục trưởng; thực hiện tinh giản 8 chỉ tiêu biên chế công chức, 4 chỉ tiêu biên chế viên chức. Sở cũng xem xét, giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác tổ chức bộ máy hành chính, nhất là bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, tuyển dụng công chức, tạo sự ổn định, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Chị Trịnh Thị Hường, thị trấn Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ)

Những năm gần đây, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ không thay đổi nhiều về số lượng phòng, ban, đơn vị song chất lượng hoạt động đã được nâng lên rõ rệt. Cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, có tinh thần trách nhiệm cao, thái độ hòa nhã, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân nhanh gọn, hiệu quả.


Nguyễn Hình - Thu Hiền