Thứ 2, 08/07/2024, 17:09[GMT+7]

Đê tả Hồng Hà II kêu cứu

Thứ 4, 04/10/2017 | 08:57:08
2,585 lượt xem
Nắng thì bụi mù mịt, mưa thì lầy lội, đó là thực tế đã diễn ra nhiều năm nay trên tuyến đê tả Hồng Hà II đoạn qua địa phận các xã Vũ Đoài, Việt Thuận, Vũ Vân (Vũ Thư).

Mặt đê tả Hồng Hà II, đoạn qua địa phận các xã Vũ Đoài, Việt Thuận, Vũ Vân (Vũ Thư) xuống cấp nghiêm trọng gây khó khăn cho người tham gia giao thông.

Theo phản ánh của người dân, tuyến đê tả Hồng Hà II đoạn qua địa phận các xã Vũ Đoài, Việt Thuận, Vũ Vân xuống cấp rất nghiêm trọng. Nguyên nhân là do tuyến đê này được xây dựng từ rất lâu nhưng không được duy tu, sửa chữa thường xuyên. Bên cạnh đó, những năm gần đây trên tuyến đê này xuất hiện một số bến bãi vật liệu xây dựng, xe tải trọng lớn chở vật liệu xây dựng thường xuyên hoạt động cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tuyến đê này xuống cấp.

Trước thực trạng trên, người dân địa phương đã kiến nghị lên các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. 

Ông Hồ Sỹ Oanh, 62 tuổi, ở thôn Thuận An, xã Việt Thuận sống gần tuyến đê tả Hồng Hà II cho biết: Tuyến đê này được cứng hóa bằng đá dăm láng nhựa từ những năm 1990. Qua thời gian sử dụng cộng với việc không được tu bổ thường xuyên nên hiện nay tuyến đê này đã và đang xuống cấp. Nhiều ổ trâu, ổ gà xuất hiện khiến cho việc đi lại của người dân rất vất vả, khó khăn. Trong khi chờ được nâng cấp, hàng ngày tuyến đê tả Hồng Hà II vẫn tiếp tục phải “oằn mình” cõng những chuyến xe trọng tải lớn chở vật liệu xây dựng từ các bến bãi tập kết gây mất an toàn giao thông. Trong mỗi cuộc họp tại địa phương chúng tôi đều kiến nghị để các cấp, các ngành duy tu, sửa chữa, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đi lại nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai thực hiện.

Bãi tập kết vật liệu xây dựng nằm trong hành lang bảo vệ đê.

Theo ghi nhận của phóng viên, mặt đê tả Hồng Hà II đoạn qua địa phận các xã Vũ Đoài, Việt Thuận, Vũ Vân rất xấu, nhiều chỗ trơ đá, sụt lún, lồi lõm tạo thành các ổ trâu, ổ gà trải dài toàn tuyến, gây nguy hiểm cho người dân khi tham gia giao thông. Các phương tiện tham gia giao thông, nhất là người điều khiển xe máy, xe đạp phải rất chật vật mới có thể đi qua tuyến đê này. Mỗi khi có mưa, nước ngấm xuống mái đê, tạo thành các rãnh thoát nước, gây mất an toàn cho thân đê. Việc mặt đê xuống cấp không chỉ ảnh hưởng tới đi lại của người dân mà còn khiến kết cấu đê, bao gồm cả mặt đê, thân đê và đường ven đê bị phá vỡ, từ đó làm giảm khả năng phòng, chống lũ của tuyến đê.

Mặt đê bị vỡ hoàn toàn kết cấu đá dăm láng nhựa.

Đưa chúng tôi đi thực tế tuyến đê tả Hồng Hà II, ông Nguyễn Tiến Dũng, cán bộ địa chính - xây dựng xã Việt Thuận cho biết: Tuyến đê tả Hồng Hà II đoạn qua địa phận xã Việt Thuận có chiều dài khoảng 2,4km. Tuyến đê này được xây dựng từ rất lâu và đã xuống cấp nghiêm trọng. Điển hình như từ km180+300 - km182, mặt đê đã được cứng hóa bằng đá dăm láng nhựa nhưng đến nay xuất hiện nhiều ổ trâu, ổ gà; từ km182 - km183 đoạn bến Thái Hạc đến giáp địa phận xã Vũ Vân, mặt đê bị biến dạng hoàn toàn, hiện không còn mặt đá, thấp hơn so với cao trình khoảng 0,4m… 

Nguyên nhân chính của việc tuyến đê trên xuống cấp là do không được tu bổ thường xuyên, các xe chở vật liệu xây dựng từ bến bãi đi các địa phương lân cận diễn ra rất phổ biến. Việc xử lý các xe quá tải chở vật liệu xây dựng lưu thông trên tuyến đê này cũng gặp rất nhiều khó khăn. Khi có bóng dáng lực lượng chức năng, các chủ phương tiện và chủ bến bãi đều dừng hoạt động, hoặc chọn những lối đi khác để tránh việc bị kiểm tra, xử phạt...

Hiện nay, tình trạng hư hỏng, xuống cấp của một số tuyến đê trên địa bàn tỉnh trong đó có tuyến đê tả Hồng Hà II đang diễn biến phức tạp, đe dọa sự an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. 

Trước thực trạng trên, đề nghị các cấp, các ngành sớm có biện pháp nhằm hạn chế sự xuống cấp của các tuyến đê, đồng thời có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, hạn chế nỗi lo thường trực của nhân dân sống ven sông.

Phạm Hưng