Thứ 2, 08/07/2024, 16:55[GMT+7]

Ðồng Thanh Nỗ lực thực hiện tiêu chí môi trường

Thứ 2, 05/05/2014 | 07:57:33
1,193 lượt xem
Ðồng Thanh là xã nghèo, xa trung tâm của huyện Vũ Thư, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Vì vậy, đến nay Ðồng Thanh mới chỉ đạt 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Cùng với các tiêu chí khác, xã đang nỗ lực thực hiện tiêu chí môi trường, phấn đấu cán đích tiêu chí số 17 trong năm 2014.

Nhân dân xã Ðồng Thanh (Vũ Thư) tham gia làm đường giao thông nông thôn.

 

Xác định tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí khó thực hiện trong 19 tiêu chí xây dựng NTM nên ngay sau khi phát động chương trình xây dựng NTM, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động khuyến cáo đến người dân những tác hại do ô nhiễm môi trường với cuộc sống con người; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức và kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) thông qua các lớp tập huấn, hướng dẫn mọi người cách thức giữ gìn vệ sinh trong nhà, ngoài ngõ; đồng thời tuân thủ các quy định của pháp luật về BVMT.

 

Qua trao đổi với ông Phạm Ngọc Năng, Chủ tịch UBND xã, được biết: Chỉ cách đây vài năm, tình hình môi trường, nhất là vấn nạn xả rác thải sinh hoạt bừa bãi diễn ra khá phổ biến. Trước thực trạng đó, xã đã tích cực xây dựng, triển khai Ðề án thu gom, xử lý rác thải nhằm giải quyết tận gốc vấn nạn này. Lúc đầu việc thu gom rác thải gặp nhiều khó khăn vì người dân đã quen với việc tự do vứt rác ra môi trường xung quanh như: vệ đường, ao, hồ, mương máng... nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó Hội Phụ nữ xã được giao vai trò chủ đạo cùng với các ban, ngành và thôn, xóm thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp tiền để trả công cho tổ thu gom rác thải. Ðài Truyền thanh xã thường xuyên tuyên truyền về nếp sống ăn ở hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh môi trường ngay từ gia đình đến các ngõ xóm.

 

Mưa dầm thấm lâu, sau một thời gian thực hiện, bà con nhân dân đã đồng tình hưởng ứng, góp phần làm thay đổi những thói quen xấu, vứt rác bừa bãi ảnh hưởng đến môi trường. Ðể bảo đảm cho tổ thu gom rác thải duy trì hoạt động thường xuyên, UBND xã đã hỗ trợ tiền mua xe chở rác, chổi, cuốc, xẻng và dụng cụ bảo hộ lao động...

 

Ðến nay, 100% lượng rác thải sinh hoạt đều được thu gom, vận chuyển tập kết về bãi chứa theo quy định. Xã quy hoạch gần 1 ha đất để chôn lấp rác từ năm 2010 nằm cách xa khu dân cư, thành lập 7 tổ vệ sinh môi trường đảm nhận việc thu gom, vận chuyển rác thải ra khu xử lý tập trung.

 

Trên các cánh đồng, nông dân sau khi bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc cây trồng đều bỏ bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định. 100% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó trên 90% hộ sử dụng nước máy. Ðặc biệt, thực hiện Quyết định 19 của UBND tỉnh về hỗ trợ xi măng xây dựng kết cấu hạ tầng NTM, đến nay Ðồng Thanh đã tiếp nhận trên 2.700 tấn xi măng, cứng hóa gần 20 km đường giao thông nông thôn. Nhiều ngõ bà con còn làm cả hệ thống rãnh thoát nước. Những con đường lầy lội bùn đất mỗi khi trời mưa, bụi mù mịt khi trời nắng giờ đây đang được thay thế bằng những con đường bê tông to rộng tạo cho nhân dân đi lại thuận tiện.

 

Bà Nguyễn Thị Hoa, một người dân thôn Ðồng Ðại 1 vui mừng bày tỏ: Khi chưa bê tông hóa, con đường đất đi lại rất khó khăn, lầy lội, ngày nắng còn đỡ, ngày mưa thật vất vả vì đường trơn trượt, đất bám chặt vào bánh xe không đi nổi. Giờ được tỉnh hỗ trợ xi măng, ai cũng phấn khởi tham gia, con đường giờ đã bằng phẳng thoáng đãng, sạch đẹp.

 

Ðồng Thanh nổi tiếng với làng nghề truyền thống làm cốm Thanh Hương, hay các nghề chế biến lương thực thực phẩm, bún bánh, đậu phụ, mỗi năm đóng góp trên 50% giá trị sản xuất cho địa phương. Nhờ đó mà đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, nhiều gia đình có điều kiện cho con cái học hành, mua sắm được phương tiện đắt tiền như xe máy, ô tô... Tuy nhiên, do phát triển tự phát không theo quy hoạch nên làng nghề đã nảy sinh vấn đề ô nhiễm môi trường.

 

Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các cơ sở sản xuất ở đây đều chưa có hệ thống xử lý nước thải, hoặc có cũng chỉ là hình thức. Các hộ xả chất thải trực tiếp ra cống rãnh. Mùa nắng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, mùa mưa, nước bẩn theo các con mương tràn vào khu dân cư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước và không khí. Không chỉ người sản xuất gặp khó khăn trong việc khắc phục ô nhiễm môi trường mà chính quyền địa phương cũng “đau đầu” trước vấn nạn này.

 

Cũng theo ông Phạm Ngọc Năng thì đây là một trong những khó khăn lớn nhất đối với Ðồng Thanh để sớm cán đích tiêu chí môi trường. Giải pháp của địa phương là tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn, BVMT chung nhưng để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm tại làng nghề thì giải pháp khả thi nhất hiện nay là di chuyển các cơ sở sản xuất về một khu tập trung, thế nhưng với khả năng của xã thì giải pháp này không khả thi, cần có sự vào cuộc của huyện và tỉnh.

 Ðức Dũng

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày