Thứ 2, 08/07/2024, 15:49[GMT+7]

Kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới ở Bình Định

Thứ 2, 12/05/2014 | 08:37:47
1,580 lượt xem
Về Bình Định (Kiến Xương) vào những ngày cuối tháng 4, khi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây vừa vinh dự được đón nhận Bằng công nhận đơn vị đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới năm 2013. Xen lẫn cờ hoa tung bay, cảm nhận của chúng tôi khi đặt chân đến Bình Định là một diện mạo mới, một khí thế mới đang bừng sáng ở vùng quê nghèo khó ngày nào. Về đích sớm hơn so với kế hoạch, Bình Định đã có nhiều cách làm sáng tạo, khơi dậy được nguồn lực trong nhân dân, thực hiện thành công xây dựng

Làm đường giao thông nông thôn ở Bình Định (Kiến Xương).

Nằm ở phía Nam huyện Kiến Xương, Bình Định là xã thuần nông, thu nhập của người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Trước khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), qua rà soát, Bình Định đã đạt 9/19 tiêu chí. Thực hiện xây dựng NTM bằng việc hoàn thành 10 tiêu chí còn lại, trong đó các tiêu chí về cơ sở hạ tầng: giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa… đòi hỏi nguồn lực lớn trong khi ngân sách địa phương còn khó khăn, sức dân có hạn. Đặc biệt, một số tiêu chí khó thực hiện: thu nhập, môi trường, tỷ lệ hộ nghèo… là những thách thức đặt ra với địa phương.

Đồng chí Lê Xuân Hải, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, đây cũng là cơ hội để địa phương bứt phá tạo sự chuyển biến toàn diện nên Đảng ủy, chính quyền địa phương đã đánh giá tình hình thực tế, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn để đưa những giải pháp khắc phục cụ thể.

Nói về kinh nghiệm trong quá trình triển khai xây dựng NTM, ông Lê Xuân Hải cho rằng, trước hết, đội ngũ cán bộ phải thực sự có năng lực, tâm huyết với công việc, có sự đoàn kết nhất trí cao từ xã đến thôn. Trong mọi phong trào, cán bộ luôn gương mẫu, tiên phong đi đầu, đúng với tinh thần “cán bộ đi trước, làng nước theo sau” có  như vậy mới tạo sự đồng thuận, nhất trí, tin tưởng cao trong nhân dân.

Tuyên truyền cũng là một trong những yếu tố tiên quyết làm nên thành công trong xây dựng NTM ở địa phương. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động: qua Đài Truyền thanh xã, các panô, khẩu hiệu, các hội nghị… quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy tối đa cùng với phương châm “công khai, dân biết, dân bàn, dân làm” nên tư tưởng, nhận thức của người dân được nâng cao. Từ đó tạo ra sự đồng tình, hưởng ứng và tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí.

Xã hội hóa nhân công xây dựng cơ sở hạ tầng là một trong những thành công của Bình Ðịnh trong triển khai xây dựng nông thôn mới.

Có lẽ bài học kinh nghiệm này đều đúng với nhiều địa phương khác, nhưng riêng với Bình Định, nhận thức, tư tưởng của nhân dân thay đổi không dừng lại ở câu nói suông mà thể hiện qua nhiều hành động thiết thực. Thực hiện chỉnh trang đồng ruộng, Bình Định đã đào đắp mới 45km mương dẫn, 50km đường trục nội đồng với tổng khối lượng đào đắp 97.000m3, kinh phí 2,013 tỷ đồng toàn bộ do nhân dân đóng góp. Nhân dân cũng tự nguyện hiến 17,5 ha đất để cải tạo hệ thống giao thông thủy lợi, 9.320m2 đất thổ cư, thu dỡ 183 cổng, 6.496m tường bao để mở rộng các tuyến giao thông. Ngoài ra còn đóng góp 11,914 tỷ đồng bằng tiền, hiện vật, hàng chục nghìn ngày công xây dựng cơ sở  hạ tầng nông thôn. Xã cũng đã huy động xã hội hóa nhân công trong việc thi công các công trình thiết yếu nhờ đó tiết kiệm đáng kể nguồn kinh phí xây dựng các công trình.

Với vai trò lãnh đạo, Đảng ủy xã đã cụ thể hóa các mục tiêu trong tiến trình xây dựng NTM bằng các nghị quyết chuyên đề, chọn ra các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ mang tính đột phá, ảnh hưởng đến lợi ích của toàn dân để lãnh đạo thực hiện. Với mỗi tiêu chí, đặc biệt là các tiêu chí cần huy động nguồn kinh phí lớn, xã luôn xây dựng một định mức cụ thể, thống nhất và công khai trong toàn xã, trong đó ưu tiên xã hội hóa trong việc kiến thiết các công trình.

Xác định vai trò chủ thể của người dân trong tiến trình xây dựng NTM, Bình Định luôn chủ động, khắc phục tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ cấp trên. Hàng năm, xây dựng quỹ NTM do xã quản lý việc sử dụng, việc khai thác nguồn thu giao cho các thôn phụ trách, vừa tạo tính chủ động, vừa huy động tối đa nguồn thu. Trong quá trình triển khai xây dựng, xã cũng luôn chú trọng việc tuyên truyền, nêu gương các điển hình tiên tiến có đóng góp với phong trào chung nhờ đó khích lệ, cổ vũ nhân dân hăng hái chung tay xây dựng.

Đến nay, Bình Định đã được công nhận là xã NTM, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã xác định việc hoàn thành 19 tiêu chí NTM chỉ là kết quả bước đầu. Nhiệm vụ mang tính lâu dài chính là phải giữ vững được phong trào của xã đạt chuẩn. Trước mắt tập trung hoàn thiện các tiêu chí về an ninh trật tự, nâng cao chất lượng các tiêu chí về văn hóa xã hội, hệ thống chính trị. Đặc biệt chú trọng đến tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân, trong đó giải pháp số 1 là thực hiện thành công đề án “Cánh đồng mẫu”.

Phát huy tối đa nội lực, tạo sự đồng thuận, tập hợp và huy động được sức dân, thể hiện được vai trò cộng đồng là chủ thể cùng sự gương mẫu đi đầu của mỗi cán bộ, đảng viên chính là chìa khóa thành công trong xây dựng NTM mà Bình Định đã làm được. Đây cũng xem như một kinh nghiệm quý báu cho các xã đi sau học tập, áp dụng, để sớm hoàn thành lộ trình NTM đã đề ra.

Lưu Ngần

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày