Thứ 6, 05/07/2024, 16:29[GMT+7]

Thái Thụy Gian nan tiêu chí môi trường

Chủ nhật, 05/10/2014 | 15:07:47
1,559 lượt xem
Sau gần 4 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng của người dân, diện mạo nông thôn ở huyện Thái Thụy đổi thay từng ngày. Tuy nhiên, để sớm cán đích NTM, nhiều địa phương trong huyện đang gặp khó về tiêu chí môi trường.

Rác thải được tập kết ngay trên đường đê 8, địa bàn xã Thụy Lương (Thái Thụy), gây ô nhiễm môi trường.

 

Qua thực tiễn triển khai, hầu hết các xã đều đánh giá môi trường là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất. Ðể đạt được tiêu chí này, các xã phải hoàn thành được 5 nội dung nhỏ, bao gồm: tỷ lệ hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.

 

Mặc dù thời gian qua Thái Thụy đã tích cực triển khai các biện pháp thực hiện tiêu chí môi trường như: chủ động bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường (1% tổng thu ngân sách) hỗ trợ các chương trình, mục tiêu bảo vệ môi trường (BVMT); đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và kiến thức pháp luật về BVMT thông qua các lớp tập huấn; duy trì hoạt động của tổ, đội thu gom rác thải tại các địa phương; nhiều địa phương, đơn vị đã gắn tiêu chí BVMT với việc đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng, danh hiệu cơ quan, làng văn hóa, gia đình văn hóa, đưa tiêu chí BVMT vào quy ước, hương ước của thôn, làng… nhưng hiệu quả vẫn còn thấp; chủ yếu mới chỉ dừng ở việc tăng tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, khuyến khích các hộ gia đình giữ gìn môi trường sống qua các hoạt động trồng cây xanh, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp tại địa bàn dân cư, các tuyến đường nông thôn; tình trạng lén lút thải rác bừa bãi nơi công cộng, ven đường, ven sông diễn ra khá phổ biến và khó xử lý. Vấn đề xử lý rác thải, nước thải trong sản xuất, chăn nuôi, sinh hoạt gia đình, việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, nuôi trồng thủy sản không đúng quy định cũng như các chỉ tiêu về các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường đang khiến nhiều địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong thực hiện tiêu chí này.

 

Nếu như nhiều xã thuần nông ô nhiễm môi trường từ chất thải trong chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh... thì tại các xã vùng biển vấn đề ô nhiễm môi trường chủ yếu là chất thải sinh hoạt và hoạt động khai thác, chế biến hải sản. Ðể hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực ven biển, thời gian qua huyện đã hỗ trợ kinh phí nạo vét, cải tạo cảng cá Tân Sơn xã Thụy Hải; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; tổ chức di dời Nhà máy chế biến bột cá Thụy Hải, Công ty Nông thủy sản Ðạt Doan ra xa khu dân cư. Tuy nhiên, tình trạng nước thải đọng của các tàu thuyền cập bến cá và từ các cơ sở chế biến hải sản vẫn chưa được xử lý trước khi xả thải ra môi trường, tạo thành những vùng nước đen, bốc mùi hôi tanh khó chịu, gây ô nhiễm môi trường.

 

Không chỉ là vấn đề nước thải, rác thải mà hiện nay việc quy hoạch nghĩa trang cũng gặp nhiều khó khăn. Theo quy định của tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM thì nghĩa trang phải quy hoạch về điểm tập trung, bảo đảm các phân khu chức năng, phân lô, khoảng cách, kích thước, kiểu dáng, có khu hung táng, cát táng... Trước đây, do các xã đều chưa chú trọng đến việc này nên người dân thường tự tổ chức việc chôn cất người thân theo từng khu vực. Mỗi xã có 2 - 3 điểm chôn cất nằm rải rác ở các thôn, trong đó có điểm ngay sát khu dân cư, tất cả đều chưa có tường bao, chưa có hệ thống xử lý nước thải. Bởi thế, để thực hiện được tiêu chí này, hầu hết các xã đều phải quy hoạch ra những địa điểm khác, hoặc phải mở rộng diện tích các nghĩa trang hiện có. Việc sử dụng đất nghĩa trang vẫn phụ thuộc vào phong tục, tập quán của địa phương. Người dân chủ yếu quan tâm việc chôn cất người qua đời mà chưa để ý diện tích cây xanh và các công trình phụ trợ. Trong khi đó để xây dựng nghĩa trang mới theo quy chuẩn với những quy định như trồng cây xanh, có lối đi thuận lợi cho việc thăm viếng, mộ phải đặt theo hàng, xây dựng đúng diện tích và chiều cao quy định thì cần nguồn vốn rất lớn.

 

Xây dựng NTM không dừng lại ở việc hoàn thành 19/19 tiêu chí mà cần giữ vững, củng cố và phát triển bền vững thành quả đạt được. Bởi với những người nông dân, nếu đời sống vật chất, tinh thần chưa được nâng cao thì danh hiệu xã đạt chuẩn NTM cũng chỉ là hình thức. Vì vậy, bên cạnh sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương cần ưu tiên thực hiện các công việc cấp thiết như cung cấp nước sạch, thu gom và xử lý rác thải; cùng với đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, chung tay BVMT sống xanh, sạch, đẹp.

Ðức Dũng

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày