Thứ 4, 03/07/2024, 08:29[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới Kết quả và kinh nghiệm bước đầu

Thứ 6, 20/03/2015 | 11:24:58
1,307 lượt xem
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, nhất là Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 28/4/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến 2020, những năm qua, Thái Bình đã tích cực huy động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới (NTM), hướng đến mục tiêu: Sản xuất phát triển, cuộc sống sung túc, diện mạo sạch sẽ, thôn xã văn minh, quản lý dân chủ và lấy mục tiêu sản xuất phát triển là bước đột phá đầu tiên.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trò chuyện với cán bộ, nhân dân xã nông thôn mới Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ). Ảnh: Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh.

 

Với tinh thần “Đồng thuận cao - Thi đua giỏi - Về đích sớm”, phong trào xây dựng NTM ở Thái Bình đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, từ đó đã góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng NTM.

 

Đến hết tháng 12/2014, toàn tỉnh đã có 100% số xã được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng NTM, quy hoạch chi tiết hệ thống thủy lợi và giao thông nội đồng, quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã; 100% số xã hoàn thành lập đề án xây dựng NTM, được cấp có thẩm quyền phê duyệt; 99,6% số xã hoàn thành dồn điền đổi thửa (bình quân mỗi hộ 1,79 thửa, giảm 1,88 thửa).  Các địa phương đã đào đắp được 17.662.511m3 bờ vùng, bờ thửa; cứng hóa 939km kênh mương cấp 1 loại 3 và nạo vét hàng nghìn ki-lô-mét sông ngòi; xây mới, chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp 4.713,8km đường giao thông nội đồng và giao thông nông thôn; 28 trạm bơm, 248 cống đập; 20 trạm cấp nước sạch; 43 trường THCS, tiểu học, 51 trường mầm non; 27 nhà văn hóa xã, 867 nhà văn hóa thôn; 171 trạm y tế; 22 bãi xử lý rác thải; 44 chợ nông thôn; 14 trụ sở xã; 99 xã hoàn thành nâng cấp lưới điện nông thôn.

 

Cùng với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và vốn các chương trình mục tiêu của trung ương, Thái Bình đã huy động các nguồn lực hợp pháp khác để xây dựng NTM. Quyết định số 19/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách hỗ trợ và quản lý đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng NTM, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ xi măng đã mang lại bước đột phá tích cực trong xây dựng NTM trong toàn tỉnh. UBND tỉnh đã phê duyệt khối lượng 770.674 tấn xi măng cấp cho 276 xã, phường, thị trấn; ban hành các quyết định phê duyệt danh mục và khối lượng xi măng hỗ trợ các công trình kết cấu hạ tầng NTM cho 276 xã, phường, thị trấn với 747.672,85 tấn xi măng. Đến ngày 31/12/2014 đã phân bổ 647.977,6 tấn.

 

Nguồn lực huy động để xây dựng NTM trong năm 2014 (bao gồm cả bằng tiền, ngày công, hiến đất, tài sản, hiện vật quy ra tiền) là 6.323 tỷ đồng, chiếm 83,6% tổng nguồn lực 5 năm 2010 - 2014 (từ năm 2010 đến năm 2014 đã huy động được 7.565,5 tỷ đồng).

 

Hết năm 2014, toàn tỉnh có 85 xã đạt chuẩn NTM, vượt chỉ tiêu Nghị quyết và hoàn thành sớm 1 năm mục tiêu có 70 xã hoàn thành xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015. Một số địa phương đã nỗ lực hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM và sớm về đích như Thụy Phúc, Thụy Văn (Thái Thụy), Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ), Hồng Minh (Hưng Hà), Thanh Tân (Kiến Xương)... UBND tỉnh đã tổ chức trao Bằng công nhận xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới và khen thưởng cho các địa phương với tổng số tiền 88 tỷ 500 triệu đồng.

 

Từ thực tiễn quá trình xây dựng NTM và kết quả đạt được bước đầu có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Trước hết, phải làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế, chính sách của Nhà nước về xây dựng NTM theo tinh thần người dân phải là chủ, làm chủ, huy động nội lực là chính.

 

Coi trọng công tác xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở.

Mỗi địa phương có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của địa phương mình, tránh rập khuôn, máy móc.

 

Đa dạng hóa việc huy động nguồn lực để xây dựng NTM theo phương châm “Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết”. Việc sử dụng nguồn lực đầu tư cho các công trình công cộng phải được bàn bạc dân chủ và thống nhất, có sự giám sát của cộng đồng, bảo đảm công khai, minh bạch.

 

Cần có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, liên tục, đồng bộ và huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị; tăng cường công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, thúc đẩy việc thực hiện chương trình.

 

Nguồn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

Đồng chí Nguyễn Hồng Chuyên, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hưng Hà

Trong xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách đúng, trúng, linh hoạt, kịp thời, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phát huy những nhân tố tích cực, cách làm sáng tạo ở các địa phương; bảo đảm tính công bằng, minh bạch và huy động sức dân, khuyến khích phong trào từ cơ sở, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Hết năm 2014, Hưng Hà có 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2015, huyện phấn đấu có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đồng chí Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh

 Đến nay đã có 2.614 cán bộ, hội viên đóng góp ý kiến, tiền của, công lao động xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở với tổng số tiền 35 tỷ 120 triệu đồng. Toàn hội đã thành lập 773 tổ, đội cựu chiến binh tự quản an ninh trật tự gắn với bảo vệ môi trường. Các cấp hội đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua 531 tổ tiết kiệm giải ngân trên 295 tỷ đồng cho 15.792 hộ là hội viên và con em cán bộ, hội viên vay phát triển sản xuất, nâng cao đời sống gia đình, phát triển kinh tế tại địa phương.

Cụ Phạm Huy Thung, thôn Các Đông, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy

Là đảng viên 95 năm tuổi đời, 68 năm tuổi Đảng, tôi thấy nông thôn Thái Bình ngày nay đổi thay nhiều lắm. Nhờ chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, cuộc sống của người dân đã được nâng lên, tỷ lệ hộ khá và giàu tăng nhanh. Nếu trước kia, người dân Thái Thượng bám biển với chiếc thuyền nan thì giờ đã có hơn 100 thuyền máy, nhiều hộ đã làm giàu từ biển. Các tuyến đường xã, thôn, trong từng ngõ nhỏ đều đã được bê tông hóa, bước chân từ nhà ra đường không lấm đất nên người dân rất phấn khởi.

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày