Thứ 2, 08/07/2024, 11:53[GMT+7]

Thành phố: Giải pháp cho trường mầm non quá tải (Kỳ 1)

Thứ 4, 27/12/2017 | 08:51:08
1,496 lượt xem
Năm học 2017 - 2018, thành phố có 20 trường mầm non công lập, với 203 nhóm lớp, huy động hơn 9.000 trẻ. Nhiều trường mầm non không còn khả năng tiếp nhận hết số trẻ có nhu cầu đến trường do thiếu phòng học; nhiều nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có số trẻ vượt quá quy định.

Sĩ số đông luôn là áp lực đối với mỗi cô giáo Trường Mầm non Kỳ Bá.

Kỳ 1: Áp lực của trường mầm non công lập

Nhu cầu gửi trẻ tăng cao khiến nhiều trường mầm non công lập trên địa bàn thành phố Thái Bình thiếu phòng học, sĩ số lớp vượt quá quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thực tế đó gây khó khăn cho việc giảng dạy, chăm sóc trẻ.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Bình cho biết, mặc dù đã được UBND thành phố và chính quyền địa phương quan tâm đầu tư xây dựng, mở rộng quy mô trường, lớp nhưng vài năm trở lại đây, do nhu cầu đưa trẻ đến trường mầm non quá lớn nên gần như năm nào một số trường trên địa bàn thành phố cũng ở trong tình trạng quá tải. Năm học 2017 - 2018, thành phố có 20 trường mầm non công lập, với 203 nhóm lớp, huy động hơn 9.000 trẻ. Nhiều trường mầm non không còn khả năng tiếp nhận hết số trẻ có nhu cầu đến trường do thiếu phòng học; nhiều nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có số trẻ vượt quá quy định. 

Đây cũng là trăn trở rất lớn của ngành giáo dục thành phố. Với mức đóng góp hàng tháng chỉ từ 600.000 - 850.000 đồng/cháu, trong khi không gian vui chơi, học tập ở các trường công lập bài bản, nền nếp, sạch đẹp, đa số các gia đình đều tin tưởng, mong muốn gửi con vào học. Tuy nhiên, số lớp quá ít nên không thể “tải” được hết nhu cầu của phụ huynh. 

Cô và trò Trường Mầm non Trần Lãm (thành phố Thái Bình).

Trong khi đó, việc mở rộng quy mô trường lớp để tăng số nhóm lớp là điều không dễ. Cô giáo Dương Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trần Lãm cho biết:  2 khu của trường hiện có 830 trẻ đang học ở 16 nhóm lớp. Do địa bàn rộng, dân cư đông, với 5.760 hộ, trên 18.650 nhân khẩu nên áp lực quá tải trường lớp xảy ra trên địa bàn đã nhiều năm và là một trong số những trường quá tải đứng đầu thành phố Thái Bình. Trước áp lực đó, năm học vừa qua, nhà trường đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương quy hoạch 3.500mđể chuyển đổi khu I. Nhưng do chưa có kinh phí đầu tư xây dựng nên Trường vẫn đang trong tình trạng quá tải. Mặc dù nhà trường đã dừng tiếp nhận học sinh nhóm lớp mẫu giáo từ đầu năm học nhưng nhiều lớp học, nhất là nhóm lớp 4 tuổi, 5 tuổi có sĩ số cao, từ 50 - 60 cháu. Các phòng chức năng cũng đã được tận dụng làm phòng học nhằm giảm sĩ số lớp. 

Cô giáo Dương Thị Hiền, phụ trách nhóm lớp 5 tuổi chia sẻ: Nói về sự vất vả thì nói cả ngày cũng không hết. Mình phải luôn tay luôn chân, từ 6 giờ 30 đến 17 giờ 30 phút. Độ tuổi các cháu còn quá nhỏ, cần sự yêu thương, chăm sóc tận tình, nhiều cháu còn hiếu động, khó bảo nên mỗi cô phải làm việc gấp hai, thậm chí gấp ba lần và phải dùng micro mới có thể nói cho cả lớp nghe.

Cùng tình trạng với Trường Mầm non Trần Lãm, Trường Mầm non Kỳ Bá, với 2 khu học nhưng do địa bàn rộng, đông dân cư nên cũng đang xảy ra tình trạng quá tải tại các lớp học. Hiện nay, nhà trường có 11 lớp với 472 trẻ. Diện tích lớp học trung bình chỉ gần 50m2, mỗi lớp có 40 - 50 cháu, lớp đông nhất 60 cháu. Cơ sở hạ tầng đã xuống cấp, diện tích chật hẹp, cả 2 khu chỉ rộng 1.560m2. Khu B không có sân chơi, tường xung quanh bếp khu B lún, nứt nghiêm trọng. Khu A phòng học một số hạng mục xuống cấp, thiếu các phòng học và phòng chức năng. Mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất nhưng nhà trường luôn quan tâm đến chất lượng nuôi và dạy trẻ. Ngay từ đầu mỗi năm học, đội ngũ giáo viên, nhân viên của Trường được học tập và thực hiện đầy đủ yêu cầu, quy chế nuôi, dạy trẻ phù hợp với từng độ tuổi; triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, nhất là các chuyên đề dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ các hoạt động ăn, nghỉ tại Trường của trẻ. 100% nhóm lớp có nguồn nước sạch, điều hòa 2 chiều sử dụng cả mùa hè và mùa đông. Hàng tháng, Trường tổ chức theo dõi định kỳ sức khỏe, chiều cao, cân nặng cho trẻ. Tỷ lệ bé ngoan, bé chuyên cần ngày càng tăng; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng hàng năm giảm đáng kể… Do đó, các bậc phụ huynh luôn yên tâm, tin tưởng khi cho con theo học tại Trường.

Cô giáo Trần Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Kỳ Bá

Để duy trì tỷ lệ huy động trẻ ra lớp, đặc biệt là trẻ 5 tuổi theo chương trình phổ cập giáo dục mầm non, nhà trường ưu tiên tuyển các cháu có hộ khẩu trên địa bàn phường, các cháu trong độ tuổi đúng theo quy định. Tuy nhiên, với số lượng học sinh như hiện nay, nhà trường mong muốn sớm được các cấp, ngành quan tâm đầu tư xây dựng tại khu B (đã có quỹ đất). Đồng thời, bổ sung biên chế cho nhà trường do hầu hết các cô giáo biên chế đã nghỉ chế độ. Các giáo viên không được tham gia đóng bảo hiểm, lương thấp, chỉ từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng, trong khi thời gian làm việc nhiều nên rất vất vả, áp lực, đời sống khó khăn
       Cô giáo Đào Thị Thanh Điệp, khối trưởng khối 5 tuổi, Trường Mầm non Kỳ Bá

Vất vả, áp lực vì sĩ số học sinh đông chúng tôi còn cố gắng được nhưng trước áp lực về tinh thần khi thời gian qua truyền thông, dư luận đưa những thông tin về bạo hành trẻ em, nhiều bậc phụ huynh có cái nhìn chưa được thiện cảm, hay dò xét, thiếu niềm tin với giáo viên. Nhưng tại môi trường giáo dục công lập, không có tình trạng bạo hành đối với trẻ. Mỗi giáo viên mầm non vừa làm mẹ, làm bác sĩ, ca sĩ, họa sĩ, cô nuôi nên luôn đặt trẻ làm trung tâm để hiểu tâm lý lứa tuổi của trẻ để gần gũi, động viên, quan tâm, chia sẻ cùng các bé. Bản thân tôi, làm khối trưởng khối 5 tuổi từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa được biên chế, chỉ được tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên vẫn còn hơn nhiều cô giáo, phấn đấu mười mấy năm mà vẫn chưa được đóng bảo hiểm.
Cô giáo Nguyễn Thị Nhường, nhóm lớp 4 tuổi, Trường Mầm non Trần Lãm

Lớp tôi có 60 trẻ, với 2 giáo viên nên rất vất vả, vì ngoài giúp các cháu ăn, ngủ, học các kỹ năng khác còn phải để mắt đến các cháu vì sợ trẻ nhỏ hiếu động đánh nhau, té ngã… Về Trường công tác được hơn 7 năm, trình độ đại học đúng chuyên ngành nhưng tôi vẫn chưa được tham gia đóng bảo hiểm, nhiều lúc rất tủi thân, cuộc sống gia đình khó khăn nhưng bằng tình yêu nghề, yêu trẻ tôi vẫn gắn bó với Trường và tin tưởng vào một ngày không xa sẽ được các cấp, các ngành ghi nhận.

(Còn nữa)

Minh Nguyệt