Thứ 2, 08/07/2024, 16:13[GMT+7]

Giải pháp giảm bội chi quỹ BHYT

Thứ 4, 03/01/2018 | 09:42:15
688 lượt xem
Bội chi quỹ khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) không phải là vấn đề mới bởi việc này đã diễn ra trong nhiều năm. Tuy nhiên, khi số chi vượt quỹ ngày càng cao, đòi hỏi các cấp, các ngành, đơn vị, đặc biệt là ngành Bảo hiểm xã hội và ngành Y tế cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa.

Kiểm tra sức khỏe cho người cao tuổi.

9 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã chi vượt quỹ KCB BHYT khoảng 500 tỷ đồng, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Hầu hết các cơ sở KCB trong tỉnh đều chi vượt quỹ KCB BHYT. Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và chỉ định rộng rãi các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, các dịch vụ phục hồi chức năng... Một số trường hợp chỉ định bệnh nhân điều trị nội trú chưa đúng với tính chất của bệnh; việc lựa chọn và sử dụng thuốc, vật tư y tế chưa tiết kiệm.

Thực hiện thông tuyến KCB cho người có thẻ BHYT nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đi KCB song mặt trái là có những người đi khám nhiều lần tại các cơ sở KCB khác nhau. 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 141 bệnh nhân khám và điều trị trên 10 lần, trong đó 1 bệnh nhân khám và điều trị 84 lần với số tiền trên 9 triệu đồng, 1 bệnh nhân khám và điều trị 58 lần với số tiền hơn 5,2 triệu đồng, 1 bệnh nhân khám và điều trị 50 lần với chi phí thanh toán 7,2 triệu đồng.

Ông Trần Thiên Thai, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết: Để kiểm soát chi phí KCB BHYT, ngành Bảo hiểm xã hội thường xuyên phối hợp với ngành Y tế chỉ đạo các cơ sở KCB thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn. Cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sử dụng, thanh toán BHYT tại cơ sở y tế, ngành Bảo hiểm xã hội và ngành Y tế sẽ chủ động phòng ngừa, phát hiện kịp thời các hành vi gian lận, trục lợi quỹ BHYT, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý. Hàng tháng, Bảo hiểm xã hội tỉnh đều có những phân tích, đánh giá cơ cấu chi phí KCB BHYT, thông báo cho Sở Y tế các cơ sở y tế có mức chi cao hơn bình quân các cơ sở y tế cùng hạng khác để có sự điều chỉnh kịp thời.

Cùng với đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh tăng cường công tác giám định, khai thác hiệu quả các ứng dụng của phần mềm giám định BHYT và đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tăng tỷ lệ tham gia BHYT, giải quyết vấn đề nợ đóng BHYT ở các đơn vị sử dụng lao động. Giám định viên bảo hiểm xã hội tại cơ sở y tế tiếp tục tăng cường kiểm tra việc đưa người bệnh vào điều trị nội trú phải phù hợp với tính chất bệnh tật, phấn đấu giảm chi phí bình quân một lượt KCB và một đợt điều trị nội trú giảm từ 5 - 10%; quản lý, sử dụng quỹ KCB BHYT hiệu quả trong nguồn kinh phí được sử dụng tại các cơ sở KCB.

Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng chi vượt quỹ cần có sự vào cuộc tích cực từ phía các cơ sở KCB. Các cơ sở y tế cần thực hiện đúng quy chế chuyên môn, nâng cao chất lượng KCB, rút ngắn thời gian điều trị nội trú, đồng thời chủ động rà soát việc chỉ định sử dụng thuốc, dịch vụ y tế phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT, điều chỉnh giảm tỷ lệ sử dụng xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh về mức tương đương với tỷ lệ sử dụng trung bình toàn quốc. Ngoài ra, cơ sở KCB cũng cần đẩy nhanh tiến độ kết nối liên thông với hệ thống thông tin giám định BHYT về dữ liệu KCB BHYT ngay khi bệnh nhân ra viện để tổ chức giám định BHYT theo quy định; nghiêm túc thực hiện việc tra cứu thông tin thẻ BHYT và kiểm tra lịch sử KCB của người bệnh trên cổng tiếp nhận để quản lý KCB thông tuyến, tránh việc chỉ định trùng lặp xét nghiệm, cấp thuốc, bảo đảm an toàn trong điều trị và phòng, chống lạm dụng quỹ BHYT.

Dù đã chi vượt quỹ song đến nay quyền lợi người có thẻ BHYT khi đi KCB tại các cơ sở y tế vẫn được bảo đảm theo quy định. Vì thế, người dân có có thể yên tâm về tính nhân văn của BHYT trong việc sẻ chia rủi ro với người bệnh.

Hoàng Lanh