Thứ 2, 08/07/2024, 14:36[GMT+7]

Thái Thụy: Bức tranh kinh tế - xã hội nhiều khởi sắc

Thứ 3, 13/02/2018 | 09:51:32
569 lượt xem
Năm 2017, mặc dù còn nhiều khó khăn song bằng sự đoàn kết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực của nhân dân, Thái Thụy đã giành được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Nhân dịp đầu xuân Mậu Tuất 2018, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc phỏng vấn đồng chí Phan Đình Dực, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện.

Phóng viên: Xin đồng chí khái quát về những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội huyện đã đạt được trong năm qua?

Đồng chí Phan Đình Dực: Năm 2017, kinh tế - xã hội của huyện đạt được kết quả khá toàn diện, nhiều chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra. Tổng giá trị sản xuất ước đạt hơn 17.787 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2016. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 1.156 tỷ đồng, đạt 114,8% dự toán năm. Sản xuất nông nghiệp vẫn duy trì đà phát triển. Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư  nghiệp ước đạt 4.715,5 tỷ đồng, tăng 3,24%. Trong đó, sản xuất thủy sản đạt kết quả tốt với tổng diện tích nuôi trồng đạt 4.334ha, sản lượng ước đạt 53.516 tấn, diện tích nuôi tôm công nghệ cao được mở rộng. Khai thác thủy sản được đẩy mạnh, tổng phương tiện khai thác là 444 phương tiện, sản lượng ước đạt 44.169 tấn. Sản xuất công nghiệp có bước tăng trưởng khá, giá trị sản xuất ước đạt hơn 3.853 tỷ đồng, tăng hơn 51% so với năm 2016. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo, toàn huyện có 29/47 xã về đích. Công tác quản lý tài nguyên và môi trường được tăng cường. Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền được quan tâm, có nhiều chuyển biến tích cực, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực công tác, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, môi trường, khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông... có nhiều tiến bộ. Chính sách đối với người và gia đình có công, các chính sách xã hội được quan tâm chỉ đạo, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, kịp thời; an sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; chính trị - xã hội ổn định; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Khai thác thủy sản.

Phóng viên: Năm 2017, trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng huyện vẫn đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo đồng chí, yếu tố nào đã làm nên những kết quả đó?

Đồng chí Phan Đình Dực: Mưa lớn kéo dài đầu tháng 10 kết hợp với triều cường và hồ thủy điện Hòa Bình xả đáy đã gây úng ngập hàng nghìn héc-ta lúa mùa và cây màu của huyện; cùng với đó rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen đã gây hại gần 5.000ha lúa mùa. Trước tình hình đó, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện các giải pháp tiêu úng, huy động lực lượng vũ trang, học sinh tham gia thu hoạch lúa và cây màu có thể thu hoạch được. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương chuẩn bị đầy đủ giống, khẩn trương tổ chức sản xuất vụ đông theo kế hoạch, mở rộng diện tích gieo trồng, bù đắp thiệt hại do mưa úng gây ra. Đối với ngành chăn nuôi, tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, động viên người chăn nuôi yên tâm sản xuất, do vậy đa số các trang trại chăn nuôi tiếp tục duy trì, đồng thời thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Trong sản xuất công nghiệp, huyện đã chủ động đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; quan tâm thu hút đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp trên địa bàn.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, năm 2018 huyện đề ra những chỉ tiêu phấn đấu như thế nào?

Đồng chí Phan Đình Dực: Năm 2018 Thái Thụy đề ra các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể sau: giá trị sản xuất đạt hơn 21.501 tỷ đồng, tăng 20,9% so với năm 2017; có 129/145 trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó 12 trường mầm non, 21 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ II; đạt chuẩn huyện nông thôn mới; có từ 90% trở lên gia đình đạt gia đình văn hóa; 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2; hỗ trợ, đào tạo nghề cho 3.000 lao động nông thôn; xuất khẩu lao động từ 300 người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới từ 0,5% trở lên; tỷ lệ dân số nông thôn, đô thị sử dụng nước sạch đạt 99%.

Phóng viên: Để đạt được các chỉ tiêu trên, huyện có những chủ trương, giải pháp và cách tổ chức thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Phan Đình Dực: Các giải pháp trong phát triển kinh tế là: Thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp theo đề án và kế hoạch sản xuất đã được phê duyệt nhằm bù đắp thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra năm 2017; đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân tích cực tích tụ đất đai, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; nuôi trồng, khai thác thủy sản phát triển theo hướng bền vững, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ ở các cơ sở sản xuất giống thủy sản; đẩy mạnh khai thác xa bờ, khai thác thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Trong xây dựng nông thôn mới, huyện sẽ tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các xã chưa đạt chuẩn theo kế hoạch, lộ trình đã đề ra. Đẩy mạnh cải cách hành chính công, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính, đồng thời công khai, minh bạch và gắn trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn. Đồng thời, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, quan tâm công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học.

Tăng cường quốc phòng, an ninh, hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển quân bảo đảm an toàn, chất lượng; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn giao thông.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Trần Tuấn thực hiện