Thứ 2, 08/07/2024, 14:21[GMT+7]

Sản xuất rau màu an toàn theo chuỗi

Thứ 2, 26/02/2018 | 09:11:46
896 lượt xem
Sản xuất an toàn theo chuỗi được đánh giá là “cứu cánh” trong mục tiêu xây dựng và phát triển bền vững nền nông nghiệp sạch. Là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, việc xây dựng mô hình an toàn theo chuỗi được tỉnh xác định là giải pháp đột phá trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho nông dân.

Thu mua rau an toàn tại xã Điệp Nông (Hưng Hà).

Diện tích trồng cây hàng năm khác ngoài lúa của tỉnh đạt khoảng trên 60.000ha/năm, trong đó tập trung nhiều ở vụ đông. Mặc dù có lợi thế về sản xuất rau màu và có nhiều sản phẩm đạt chất lượng tốt nhưng do sản xuất vẫn mang tính tự phát, khó kiểm soát chất lượng nên giá trị còn thấp. 

Năm 2017, toàn tỉnh có 27 xã tham gia chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ rau màu với diện tích rất khiêm tốn, khoảng 1.000ha. Trước thực trạng đó, tỉnh đã có nhiều giải pháp tích cực xây dựng các mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết nhằm kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Vụ đông năm 2017, để phát triển vùng sản xuất rau an toàn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã triển khai thực hiện 3 mô hình sản xuất cây trồng an toàn theo chuỗi với tổng kinh phí hỗ trợ 371 triệu đồng. 

Điệp Nông (Hưng Hà) là 1 trong 3 địa phương được lựa chọn triển khai mô hình, qua đánh giá sơ bộ cho thấy nhiều kết quả tích cực, bước đầu tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của người sản xuất đối với rau an toàn. 

Ông Nguyễn Quang Tứ, thôn Việt Yên 4 là 1 trong 28 hộ nông dân ở Điệp Nông tham gia mô hình cho biết: Tham gia mô hình, gia đình tôi có 2 sào cải bắp tím. Trồng theo quy trình mới, cây trồng mới nên Chi cục cùng với công ty, HTX đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật từ chọn đất, chọn nước, chọn giống cũng như quy trình trong trồng, chăm sóc, thu hoạch rau. Chúng tôi tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5 đúng: đúng thuốc, đúng lúc, đúng thời gian, đúng nồng độ và đúng thời gian cách ly để tạo ra sản phẩm rau an toàn. Trừ mọi chi phí, mỗi sào cải bắp tím trong mô hình gia đình tôi thu lãi trên 2 triệu đồng. 

Cũng theo ông Tứ, khi có liên kết, trồng cải bắp tím cho thu nhập cao hơn cải bắp trắng, vì vậy vụ đông năm sau, nếu có đầu ra ổn định nhiều gia đình như ông Tứ sẽ mở rộng diện tích. 

Cùng tham gia mô hình này, ông Nguyễn Văn Triển, thôn Việt Yên 2 cho biết: Được Chi cục hỗ trợ một phần giống, một phần phân bón lại có đầu ra ổn định nên tôi mạnh dạn mượn thêm đất của các hộ dân khác trồng 2,5ha. Nhờ tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất nên chi phí ban đầu giảm đi nhiều do sâu bệnh ít nên ít phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, lượng phân đạm bón ít hơn so với sản xuất truyền thống lại tiết kiệm nước tưới. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, bản thân tôi làm rau an toàn thấy lợi ích cho sức khỏe vì không sử dụng thuốc hóa học tràn lan, độc hại nhiều.

Ông Trần Minh Chiêu, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Điệp Nông cho biết: Với 2 mô hình, mỗi mô hình 4ha, xã Điệp Nông được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật lựa chọn thí điểm sản xuất rau an toàn gắn với liên kết sản xuất với 2 loại cây trồng là cải bắp (tím, trắng) và súp lơ, thực hiện liên kết với Công ty TNHH Nông sản xuất nhập khẩu Thùy Dung (Hải Phòng) và HTX SXKD xuất nhập khẩu rau quả Tiến Triển (Hải Dương). Hàng tuần, cán bộ Chi cục cùng công ty xuống kiểm tra từ khâu ra giống, hướng dẫn biện pháp, kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân, theo dõi sinh trưởng và sâu bệnh, hướng dẫn các biện pháp phòng, trừ khi cần thiết, thu thập số liệu của các hộ tham gia mô hình và các hộ sản xuất theo tập quán cũ. Đến nay, mô hình đang cho thu hoạch rộ, với giá bán 3.500 đồng/chiếc súp lơ; 2.500 đồng/kg cải bắp trắng, 5.000 đồng/kg cải bắp tím, cao hơn so với giá người dân bán tự do. Qua thực tế sản xuất cho thấy, trồng theo mô hình hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất thông thường, cụ thể với cây cải bắp cao hơn 13,8 triệu đồng/ha, súp lơ cao hơn gần 12 triệu đồng/ha. Ngoài lợi ích kinh tế, mô hình còn thúc đẩy sản xuất, tạo tiền đề thực hiện thành công tái cơ cấu ngành cũng như đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tạo mối liên kết bền vững giữa sản xuất và tiêu thụ, mang đến sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.

Xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) là một trong ba địa phương tham gia mô hình cây trồng an toàn theo chuỗi vụ đông năm 2017.

Đề án xây dựng vùng sản xuất cây trồng an toàn theo chuỗi giai đoạn 2016 - 2020 đề ra mục tiêu từ năm 2018 đến hết năm 2020 hình thành và mở rộng các mô hình cây trồng an toàn theo chuỗi, trong đó diện tích rau đạt 250ha, lúa đạt 500ha. Để hiện thực hóa mục tiêu đó cần có cơ chế, chính sách, đặc biệt hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ cây trồng an toàn theo chuỗi.

Lưu Ngần


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày