Thứ 5, 18/07/2024, 12:21[GMT+7]

Hội nhập kinh tế quốc tế: Xác định cụ thể ở từng ngành hàng

Thứ 6, 23/03/2018 | 09:42:34
3,463 lượt xem
Xác định thách thức, cơ hội và giải pháp cho từng ngành là một trong những nội dung trọng tâm công tác hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh hướng tới trong năm 2018. Đây cũng là bước chuẩn bị tốt trong những năm qua được triển khai mạnh mẽ ở các cấp, các ngành, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sản phẩm gạch ốp lát vừa phục vụ thị trường nội địa vừa xuất khẩu sang các nước trên thế giới.

Mặc dù có nhiều thuận lợi, khó khăn đan xen song Ban Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh đã triển khai thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần vừa bám sát chỉ đạo của cơ quan trung ương vừa vận dụng thực tế tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh để thực hiện công tác hội nhập thiết thực, hiệu quả. Một số ngành đã bám sát chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) để triển khai trong công tác chuyên môn. 

Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, với chủ trương chuyển nông nghiệp sang nền sản xuất hàng hóa, hiện đại, có sức cạnh tranh, năm 2017, tỉnh đã tập trung chỉ đạo ngành Nông nghiệp triển khai xây dựng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất sạch, có năng suất, chất lượng cao, giá trị lớn, có khả năng xuất khẩu, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm môi trường. Rà soát các quy hoạch sản xuất vùng nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp hướng tới sản xuất hàng hóa có ứng dụng công nghệ cao như: vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chăn nuôi tập trung, vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh và bán thâm canh, vùng nuôi cá lồng trên sông; đồng thời, bước đầu nghiên cứu tác động của HNKTQT tới một số sản phẩm, lĩnh vực kinh tế của tỉnh. Việc tích tụ, tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn cũng được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đến nay toàn tỉnh có gần 11.123ha đất nông nghiệp được tập trung, tích tụ, tạo thuận lợi cho phát triển cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, mang lại kết quả cao hơn so với sản xuất nhỏ lẻ.

Khăn mặt được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Công tác cải cách hành chính tiếp tục được các cấp, các ngành, các địa phương tập trung cao. Với việc hiện đại hóa nền hành chính, duy trì và mở rộng mạng văn phòng điện tử liên thông, 100% xã sử dụng hệ thống thư điện tử đã giúp các cấp chính quyền điều hành linh hoạt, kịp thời hơn. 100% thủ tục hành chính được đưa ra giải quyết tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, bảo đảm quy trình một đầu mối thực hiện việc tiếp nhận, hướng dẫn, giám sát, đôn đốc, trả kết quả. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn thấp, được người dân và doanh nghiệp đồng tình, đánh giá cao; nhiều thủ tục hành chính thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng trực tuyến theo cấp độ 3, sử dụng chữ ký số trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện tiếp tục hoàn thiện quy trình giải quyết các thủ tục hành chính chi tiết, các bước thực hiện bảo đảm  rút ngắn trên 30% thời gian giải quyết so với quy định hiện hành. Các ngành: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông... đã cắt giảm bình quân 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định hiện hành.

Ngành may có nhiều cơ hội và thách thức trong xuất nhập khẩu.

Để công tác HNKTQT ngày càng hiệu quả hơn, năm 2018, các ngành cần tập trung nghiên cứu các chỉ đạo của trung ương, của tỉnh và các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết để xác định thách thức, cơ hội và giải pháp cho từng ngành. Rà soát tác động của HNKTQT tới từng sản phẩm, từng ngành hàng; đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách cho từng sản phẩm, ngành hàng cần hỗ trợ phát triển. Tiếp tục hoàn thành các công việc được cụ thể hóa phục vụ công tác HNKTQT của tỉnh như: hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao năng lực thực thi, sẵn sàng cho HNKTQT; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cấp doanh nghiệp và sản phẩm; xây dựng cơ chế, chính sách để từng bước thiết lập các thị trường của cơ chế thị trường; các biện pháp ứng phó với hàng rào phi thuế quan đối với một số sản phẩm chủ yếu của tỉnh.

    Thu Thủy