Thứ 2, 08/07/2024, 13:13[GMT+7]

Thành phố: Đánh giá chất lượng học sinh cuối năm học

Thứ 4, 16/05/2018 | 08:34:38
972 lượt xem
46% học sinh lớp 9 không có cơ hội vào lớp 10 các trường THPT công lập.

Học sinh Trường THCS Minh Thành (thành phố Thái Bình) làm bài kiểm tra chất lượng cuối năm học.

Tháng 5 đến cũng là lúc một mùa thi nữa của học sinh lại về. Tại các trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố Thái Bình, việc tổ chức kiểm tra chất lượng cuối năm học đang được các trường thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, bảo đảm kết quả khách quan.

Ở cấp tiểu học, Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 6/11/2016 đã quy định cụ thể về việc đánh giá định kỳ về học tập. Đề kiểm tra yêu cầu phải phù hợp chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng phát triển năng lực, gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo 4 mức độ: nhận biết, hiểu, vận dụng và vận dụng nâng cao. 

Sau khi tham gia các buổi tập huấn do Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức, các giáo viên đã được nâng cao năng lực trong việc thực hành biên soạn đề kiểm tra đánh giá định kỳ, nắm vững nguyên tắc, kỹ thuật, quy trình xây dựng ma trận đề kiểm tra đánh giá định kỳ và rèn luyện kỹ năng ra đề kiểm tra định kỳ theo ma trận. Hầu hết giáo viên đã đổi mới hình thức ra đề kiểm tra đánh giá dựa trên cơ sở chuẩn kiến thức kỹ năng các môn học và định hướng phát triển năng lực, gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo 4 mức độ: nhận biết, hiểu, vận dụng và vận dụng nâng cao nhưng vẫn bảo đảm tính nhẹ nhàng, thoải mái, không gây áp lực cho học sinh. 

Ở cấp THCS, hình thức và nội dung kiểm tra chất lượng cuối năm các môn do Phòng Giáo dục và Đào tạo ra đề không thay đổi so với năm trước. Nhiều trường học đã quen hơn với việc tổ chức kiểm tra chất lượng cuối năm với 4 môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh và môn Khoa học.

Hơn 1.400 học sinh Trường Tiểu học Lý Tự Trọng đang chuẩn bị bước vào kỳ kiểm tra chất lượng cuối học kỳ II. Theo chia sẻ của cô giáo Hà Thị Lân, Hiệu trưởng nhà trường, với các khối lớp, nhà trường tự ra đề theo Thông tư số 22, sau đó gửi lên Phòng Giáo dục và Đào tạo kiểm duyệt. Để bảo đảm tính công bằng, khách quan, việc tổ chức kiểm tra định kỳ được thực hiện nghiêm túc theo hình thức chia phòng thi theo thứ tự A, B, C. Trong quá trình thi có giám thị 1, giám thị 2 và giám thị hành lang. Nhà trường cũng quy định giáo viên không được coi thi, chấm bài thi của lớp mình phụ trách. Để giúp học sinh chuẩn bị tâm lý tốt nhất và có được kết quả cao nhất trong bài kiểm tra chất lượng cuối học kỳ II, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng hoạt động; phân công chuyên môn hợp lý cho từng giáo viên, giao giáo viên đỡ đầu những học sinh có hạn chế trong nhận thức. Ngoài ra, Ban giám hiệu nhà trường còn thường xuyên phối hợp với cha mẹ học sinh sắp xếp thời gian ôn tập sao cho hợp lý, tránh gây áp lực cho học sinh, giúp các em có được sức khỏe và tinh thần tốt nhất để bước vào kỳ kiểm tra cuối học kỳ II.

799 học sinh của Trường THCS Minh Thành cũng vừa hoàn thành bài kiểm tra chất lượng cuối năm do Phòng Giáo dục và Đào tạo ra đề thi. Theo đánh giá chung của nhiều giáo viên và học sinh trong trường, năm nay, đề thi tương đối vừa sức với học sinh. Riêng đề thi môn Ngữ văn có câu hỏi mở với nội dung thuyết phục bạn mình học tốt môn Ngữ văn giúp học sinh thể hiện suy nghĩ, mong muốn của mình trong quá trình học tập. 

Năm học này, nhà trường có 170 học sinh lớp 7 đang học theo chương trình VNEN nên trong đợt kiểm tra chất lượng cuối năm này, nội dung và hình thức kiểm tra các môn của các em khác với các lớp thông thường với 4 môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và khoa học xã hội gồm 2 môn Lịch sử và Địa lý. 

Để đánh giá đúng chất lượng học sinh sau một năm học, nhà trường sắp xếp phòng thi, số báo danh theo thứ tự A, B, C..., mỗi phòng có 24 thí sinh, ngồi 2 thí sinh/bàn. Mỗi phòng thi có 2 giám thị, 2 phòng thi có 1 giám thị hành lang. 

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trước đợt kiểm tra, nhà trường đã tổ chức cho giáo viên học lại quy chế thi về cách thức tổ chức, đảo số báo danh cũng như phát đề kiểm tra. Không khí các hôm kiểm tra diễn ra nghiêm túc. Sau khi ra khỏi phòng, phần lớn học sinh đều phấn khởi vì làm được bài. Hiện nay, học sinh khối 6, 7, 8 đã nghỉ hè và bàn giao về địa phương quản lý, riêng học sinh khối 9 đang bước vào giai đoạn ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 THPT.

Theo chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, đợt kiểm tra cuối năm đối với các trường THCS trên địa bàn thành phố được tổ chức thống nhất từ ngày 7 - 10/5; kiểm tra cuối học kỳ II đối với các trường tiểu học tổ chức từ ngày 16 - 18/5. Việc tổ chức nghiêm túc, khách quan đợt kiểm tra sẽ đánh giá đúng chất lượng học sinh, từ đó tạo thuận lợi cho việc tuyển sinh đầu cấp cho năm học mới.

Trong khi chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường công lập không có thay đổi so với năm học trước nhưng số lượng học sinh tốt nghiệp THCS lại tăng đột biến khiến áp lực trong tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018 - 2019 trên địa bàn thành phố Thái Bình căng thẳng hơn mọi năm. Dự kiến sẽ có hơn 1.300/2.800 học sinh không có cơ hội vào lớp 10 các trường THPT công lập.

Học sinh Trường THCS Trần Phú (thành phố Thái Bình) trao đổi bài.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018 - 2019 sẽ diễn ra trong 2 ngày (7 - 8/6/2018) với 3 môn: Ngữ văn, Toán và Vật lý. Nhằm chuẩn bị tốt cho kỳ thi, hiện các trường trên địa bàn thành phố đang tập trung ôn luyện kiến thức cho học sinh lớp 9. Theo ghi nhận, tại hầu hết các trường THCS cũng đã dự báo do lứa tuổi “năm đẹp” tăng đột biến nên cũng đã sớm có kế hoạch ôn tập, bồi dưỡng cho học sinh. 

Tại một số trường, ngay từ đầu năm, giáo viên được phân công dạy lớp 9 đều là những giáo viên có kinh nghiệm để nâng cao chất lượng dạy học. Học đến đâu, giáo viên phải ôn tập, chốt kiến thức cuốn chiếu đến đó cho học sinh. Đặc biệt, hàng tháng, giáo viên phải có bài kiểm tra, đánh giá kiến thức để biết học sinh nào giỏi, khá, yếu kém để bồi dưỡng, phụ đạo kịp thời, tránh việc hổng kiến thức. 

Trường THCS Kỳ Bá năm nay có 340 học sinh khối lớp 9. Ngay từ đầu năm học, công tác dạy và học đã được nhà trường chủ động triển khai theo kế hoạch năm học của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố. Theo đó, tất cả các môn đều được dạy và học theo đúng chương trình; riêng đối với 2 môn thi bắt buộc vào lớp 10 THPT là Văn, Toán được thầy và trò dành thời gian ôn tập nhiều hơn. Ngoài các giờ dạy chính khóa trên lớp, nhà trường lên kế hoạch ôn tập, phụ đạo xen kẽ vào các buổi chiều.

Đến Trường THCS Trần Phú những ngày này mới thấy được không khí chuẩn bị cho cuộc thi vào lớp 10 khá căng thẳng. Mặc dù luôn là trường nằm tốp đầu về tỷ lệ học sinh đỗ vào THPT chuyên và THPT công lập nhưng do lượng học sinh tốt nghiệp THCS năm nay tăng đột biến nên tâm lý của cả cô và trò đều rất lo lắng. 

Cô giáo Đào Ngọc Bích, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để việc ôn tập hiệu quả, chúng tôi đã chủ động bố trí nhiều giáo viên có kinh nghiệm giúp các em nắm vững kiến thức, làm quen với nhiều dạng đề thi, với phương châm “học đến đâu chắc đến đó”. Việc ôn tập nâng cao, mở rộng cũng được triển khai cho những em có học lực khá, giỏi. Áp lực chạy đua vào trường công với tỷ lệ chọi cao hơn hẳn các năm trước đã khiến rất nhiều phụ huynh học sinh lo lắng. 

Chị Nguyễn Thị Huệ, tổ 2, phường Trần Lãm, có con học lớp 9 Trường THCS Lương Thế Vinh chia sẻ: Năm 2018, lứa “dê vàng” này có số lượng rất lớn, dù đã có tâm lý từ sớm, nhưng vẫn rất lo lắng cho kỳ thi sắp tới của con. Để chuẩn bị, gia đình cũng đã tăng cường học thêm, ôn tập, thuê gia sư về kèm thêm cho con ở nhà, với mong muốn con đỗ vào trường công lập để con có một môi trường học tập tốt và chi phí ở mức vừa phải.



Cô giáo Phạm Thu Hằng, giáo viên Toán khối 9, Trường THCS Kỳ Bá

Để các em có kết quả tốt nhất trong kỳ thi vào lớp 10, những ngày này, giáo viên chúng tôi tập trung ôn tập chuyên sâu vào những vấn đề trọng tâm, có tính hệ thống và toàn diện, không dạy tủ, học tủ. Ngoài ra, còn tổ chức cho các em làm nhiều bài tập và làm các bài trắc nghiệm; tổ chức khảo sát, đánh giá hàng tháng để học sinh, phụ huynh nắm được lực học và có kế hoạch lựa chọn trường phù hợp.

Em Nguyễn Trúc Anh, học sinh lớp 9A4, Trường THCS Trần Phú

Hiện nay em và các bạn đang kín lịch ôn tập. Ngày học ở trường, tất cả các buổi tối em học ở các lò luyện thi. Đêm về ôn tập lại kiến thức đến 2 - 3 giờ sáng mới đi ngủ. Thời điểm này, dù kỳ thi đã cận kề, nhưng thực sự em thấy rất mệt và lo lắng. Em đã gầy 3kg so với đầu năm học. Em rất mong những cố gắng của em sẽ được đền đáp là đỗ vào Trường THPT Chuyên Thái Bình hoặc Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh.


Em Bùi Văn Mạnh, học sinh lớp 9A, Trường THCS Vũ Đông

Ngoài học ở trường, em còn học nhóm cùng các bạn để cùng giải bài tập và chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình học. Bên cạnh đó, em còn lên mạng internet để tìm và giải đề thi của những năm trước, giải đề gợi ý để trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng làm bài thi.


Minh Nguyệt - Đặng Anh