Tổng Bí thư: “Luật pháp không phục vụ cho lợi ích của nhóm nào cả mà cho toàn dân”
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận ở tổ chiều 17/5. (Ảnh: BÙI GIANG).
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 17/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
‘Luật pháp không phục vụ riêng cho lợi ích của nhóm nào’
Phát biểu tại tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, những vướng mắc về thể chế đang là “điểm nghẽn” kìm hãm sự phát triển. Do đó, mấy kỳ họp gần đây, cả thường kỳ và bất thường, Quốc hội đều tập trung vào công tác lập pháp, nhất là Kỳ họp thứ 9 với khối lượng công việc rất lớn.
Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời với mục tiêu xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi, minh bạch, tạo môi trường ổn định cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, loại bỏ triệt để các rào cản do pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn gây ra.
Tổng Bí thư cho biết, có quá nhiều luật cần phải sửa, tuy nhiên, bước đầu mới nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định có vướng mắc trên thực tế, về lâu dài sẽ nghiên cứu hoàn thiện, sửa đổi căn bản, toàn diện.
“Giờ sửa hết thì không có đủ thời gian trong bối cảnh “vừa chạy vừa xếp hàng”. Hàng ngũ chưa được thẳng nhưng vẫn phải chạy, trong quá trình chạy người nọ đợi người kia lên để cho thẳng hàng, chứ nếu chờ thẳng hàng mới chạy thì người ta xa mình nhiều rồi”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Yêu cầu được Tổng Bí thư quán triệt là đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật, chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ, từ bị động sang chủ động, kiến tạo cho sự phát triển; phải hình dung trước sự phát triển đòi hỏi thế nào để có quy định phù hợp.
Đồng thời, xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, bảo đảm tính dự báo cao, phù hợp thực tiễn và yêu cầu sự vận dụng nhanh chóng, phục vụ yêu cầu phát triển.
Cùng với đó, thi hành pháp luật nghiêm minh, công bằng và thực chất; gắn liền với công khai, minh bạch, thuận tiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. “Luật pháp không phục vụ cho lợi ích của nhóm nào cả mà cho toàn dân, cho mọi đối tượng”, Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu phải phân cấp, phân quyền rõ ràng, gắn với trách nhiệm, xóa bỏ cơ chế xin - cho; triệt tiêu lợi ích cục bộ, đặc quyền, lợi ích nhóm.
"Tại sao có tiền không tiêu được hết trong khi vẫn đi vay"
Góp ý trực tiếp vào các luật tại Kỳ họp thứ 9, Tổng Bí thư nhấn mạnh, Quốc hội chủ yếu mới xem xét sửa một số điều để xử lý những vấn đề bức xúc, khó khăn, cản trở trên thực tiễn.
Như vấn đề quốc tịch, thì dòng máu Việt phải được tôn vinh, người có dòng máu Việt phải phải được xem xét có quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp họ từ bỏ, không thực hiện nghĩa vụ công dân mang quốc tịch Việt Nam.
Các quy định phải làm sao huy động được sức mạnh, tôn vinh được người đóng góp cho đất nước Việt Nam, trong đó có cả người nước ngoài. Người tâm huyết, tài năng, trách nhiệm với đất nước Việt Nam thì cần tôn vinh, thừa nhận.
Quang cảnh thảo luận tại tổ Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. (Ảnh: BÙI GIANG).
Về việc sửa đổi một số điều của các luật liên quan đấu thầu, ngân sách, đầu tư công, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra “điểm trũng” cần tháo gỡ, đó là thực trạng nhiều năm nay có tiền không tiêu được trong khi nhu cầu nguồn lực cho phát triển đất nước rất lớn, phải đi vay.
Về đấu thầu, theo Tổng Bí thư, “riêng quy trình đã mất gần hết năm”. “Mấy tháng mở thầu, mấy tháng chọn thầu, mấy tháng chấm thầu, thế thì làm gì còn thời gian để thực thi nữa. Tiền ngân sách thì phải phân bổ trong năm, không được để tiền năm nay tiêu sang năm khác, nên rất khó", Tổng Bí thư chia sẻ bất cập.
Chính vì bất cập ấy, đầu tư công trong quý đầu tiên hàng năm hầu như không tiêu được gì vì vướng các thủ tục.
Muốn sửa luật đấu thầu, theo Tổng Bí thư, phải tổng kết “xem đấu thầu có những tội gì”. Điểm danh những “tội” của đấu thầu, Tổng Bí thư cho rằng đó là tội làm chậm tiến độ phát triển, tội chất lượng kém, tội hư hỏng mất cán bộ…
“Đấu thầu là để làm hiệu quả nhất, đẩy nhanh được tốc độ lớn nhất, để có được công trình tốt nhất, nhưng các yêu cầu này đều không đạt được. Thế thì tội của đấu thầu nặng quá, làm sao phải chữa được những bệnh này”, Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư cho biết, với quy trình đấu thầu thuốc như đấu giá, người bệnh Việt Nam không có điều kiện tiếp cận được với thuốc tiên tiến của thế giới.
“Cứ phải xách tay, ngoài luồng, tạo điều kiện cho buôn lậu, hàng giả. Bệnh viện cấp thuốc nhưng bệnh nhân không ai uống cả, rất lãng phí. Máy móc tiến bộ nhất, công nghệ hiện đại nhất người bệnh có tiếp cận được không? Nếu với cơ cấu như thế này thì không bao giờ tiếp cận được, thuốc tốt không có”, Tổng Bí thư đặt vấn đề và nói đây là “tội” của các quy định về đấu thầu, “tội” của việc thực thi, nên phải tìm cách chữa ngay.
“Nói đấu thầu để ngăn chặn tiêu cực, nhưng thực chất có chặn được không? Hay là thông thầu, bán thầu hết rồi, che đậy cho nhau hết rồi? Nói làm đường có máy nọ máy kia, nhưng thực tế bán thầu đến F9, F10, công nhân vẫn phải ngồi gánh đá, đập đá, có thấy máy móc nào đâu”, Tổng Bí thư chỉ ra thực tế.
Đặt câu hỏi về trách nhiệm, Tổng Bí thư nói thêm rằng có rất nhiều chuyện đấu thầu, trúng thầu không quy được trách nhiệm, phải “ngậm đắng nuốt cay”. Theo Tổng Bí thư, phải giải quyết được bất cập này để phục vụ phát triển, huy động và khơi thông nguồn lực, giải ngân vốn đầu tư công nhanh và thúc đẩy hợp tác công tư.
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Đêm Gala “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn”: Đoàn kết là sức mạnh 21.12.2024 | 09:16 AM
- Khai mạc Chương trình giao lưu “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn” lần thứ hai 19.12.2024 | 11:10 AM
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương 22.11.2024 | 18:11 PM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc 02.10.2024 | 19:56 PM
- Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.09.2024 | 08:39 AM
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm Đại sứ quán, gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia 08.08.2024 | 21:27 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Bang Selangor, Malaysia 08.08.2024 | 21:21 PM
- Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính 15.07.2024 | 14:28 PM
Xem tin theo ngày
-
Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW
- Xác định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trước yêu cầu phát triển đất nước
- Quyết liệt triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
- Kiểm tra công tác chuẩn bị phương án bố trí nơi đặt trụ sở đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp tại thành phố Thái Bình
- Đẩy mạnh ứng dụng, nhân rộng các giải pháp sáng tạo kỹ thuật trong sản xuất, đời sống xã hội
- Đối thoại với các doanh nghiệp tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố
- Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh
- Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình
- Khởi công dự án tuyến đường cao tốc CT.08, đoạn qua tỉnh Nam Định - Thái Bình và dự án khu công nghiệp Hưng Phú
- Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: Động lực mới cho phát triển kinh tế